a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Ngắm khu lăng mộ các bà hoàng của triều Nguyễn ở Huế

 


Thực hiện: Vi Thảo  

(Dân trí) - Di sản kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn không chỉ là lăng tẩm các vua, cung điện, đền miếu... mà còn có lăng của các bà hoàng, hoàng thân quốc thích của vua, nằm ở nhiều vị trí khác nhau ở Huế.


Lăng Vạn Vạn (Tư Thông lăng) tọa lạc tại đường Trần Thanh Mại, phường An Đông, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) là lăng mộ hiếm hoi của hoàng gia triều Nguyễn ở khu vực đồng bằng.

Đây là nơi yên nghỉ của Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục (1868-1944), thường được gọi là bà Tiên Cung, vợ thứ 2 của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ vua Khải Định, bà nội của vua Bảo Đại.

Lăng Vạn Vạn là công trình kiến trúc giàu chất nghệ thuật, được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích lăng Vạn Vạn hiện do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.


So với những lăng mộ các hoàng hậu khác dưới thời Nguyễn, lăng Vạn Vạn có quy mô kiến trúc tương đối lớn, nằm trên diện tích khoảng 6ha. Trục chính khu lăng mộ chạy theo hướng tây bắc - đông nam. 

Riêng khu Huyền Cung có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích khoảng 400m2, chung quanh được bao bọc bởi 2 vòng thành đồ sộ, xây bằng gạch vồ và vữa xi măng. Các góc 2 vòng thành đều được xây và chắp hình hoa sen. Mặt trước Huyền Cung có duy nhất cửa đi vào, được gọi là Bửu Thành Môn. 




Hiện nay di tích lăng Vạn Vạn có nhiều hạng mục bị xuống cấp, nhất là ở khu vực sân trước Bửu Thành.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực sân chính có nhiều vị trí bị lún, bung gạch lát nền, tường thành, vật trang trí bị đứt gãy, chậu hoa cảnh bị nghiêng, vỡ cạnh,...


Có kiến trúc, vật liệu xây dựng khá tương đồng với lăng Vạn Vạn là lăng Thánh Cung (Tư Minh lăng) của Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu Nguyễn Thị Nhàn (1870-1935), vợ cả của vua Đồng Khánh.

Lăng Thánh Cung hiện nằm trong quần thể lăng Đồng Khánh (làng Cư Sĩ, phường Thủy Xuân, thành Phố Huế).

Trước lăng có 2 trụ biểu lớn, dạng công trình xuất hiện ở hầu hết các lăng mộ hoàng tộc nhà Nguyễn. Tiếp đến là 3 tầng sân, sau cùng mới đến Bửu Thành, gồm bốn bức tường dày bao quanh mộ phần.


Nằm cách Thánh Cung không xa là phần lăng mộ của vua Đồng Khánh (Tư Lăng).

Kiến trúc lăng mộ vua Đồng Khánh hầu như được "Âu hóa" hoàn toàn từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng. Nhà bia là sự biến thể của kiến trúc pha trộn. Tượng quan viên cao, gầy, được đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ác toa, gạch ca rô.

Nhìn chung lăng Đồng Khánh mở đầu cho thời kỳ kiến trúc pha trộn Âu Á, tân cổ.


Trong tổng thể khu lăng vua Đồng Khánh còn có: Lăng Kiên Thái Vương (cha ruột ông); lăng Vĩnh Thái, nơi an nghỉ của bà Trương Thị Dung, hiệu là Hiếu Vũ Hoàng hậu, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội vua Gia Long; lăng Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, tục gọi là Hoàng tử Cảnh, hoàng thái tử đầu tiên dưới triều Nguyễn (con cả vua Gia Long); lăng An Hóa Quận Công, em vua Khải Định và lăng bà Tiệp dư (một cấp bậc phi tần trong hậu cung) Du Văn Thị.


Đối diện với lăng vua Đồng Khánh là lăng bà Từ Cung. Đây là nơi yên nghỉ của Từ Cung Đoan Huy Hoàng thái hậu (1890-1980), thân mẫu vua Bảo Đại và là Hoàng thái hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.

Bà tên thật là Hoàng Thị Cúc, người làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, được đưa vào làm cung nữ hầu 2 bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục. Tại đây, sự gặp gỡ giữa vị cung nữ với Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định sau này), bà đã mang thai và hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).

Năm 1925, vua Khải Định băng hà, hưởng dương 40 tuổi, bà được di chiếu lập làm hoàng thái hậu, Vĩnh Thụy được đưa lên làm vua kế vị vào năm 1926 lấy niên hiệu là Bảo Đại. 


Năm 1980, Từ Cung Hoàng thái hậu qua đời, thọ 90 tuổi và được an táng gần lăng Đồng Khánh.

Lăng Từ Cung xây dựng từ năm 1960 khi bà còn sống, nằm bên phía nam lăng Tự Đức và bên phải là lăng Đồng Khánh, giữa một sườn đồi cây xanh, kín đáo nhưng phía trước lại có không gian mở rộng tầm nhìn khá thoáng đãng và uy nghi.

Lăng có kiến trúc khá giống với lăng Vạn Vạn và lăng Thánh Cung, nhưng không bề thế bằng, nhất là vòng la thành cuối cùng bên trong huyệt mộ được xây thấp. Khu lăng Từ Cung hiện chưa có đường, muốn đi vào phải men theo con đường đất nhỏ nằm sát chân ruộng.


Độc đáo không kém là lăng Tùng Thiện Vương (Nguyễn Phúc Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng).

Sinh thời, Tùng Thiện Vương nổi tiếng giỏi chữ nghĩa, là một nhà thơ lớn để lại nhiều tác phẩm giá trị cho đất nước. Sau khi qua đời, ông được an táng tại khu nghĩa trang gần chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

Kiến trúc độc đáo lăng Hoàng thái hậu Từ Dũ giữa rừng thông ở Huế

Thực hiện: Vi Thảo  

(Dân trí) - Xương Thọ lăng nằm trong quần thể di tích lăng vua Thiệu Trị, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hoàng thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ).


Xương Thọ Lăng nằm giữa rừng thông đặc dụng cảnh quan bên bờ nam sông Hương, thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lăng được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, vừa hoàn thành quá trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo ngày 7/6, với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.


Khu lăng mộ Nghi Thiên Chương hoàng thái hậu Từ Dũ thuộc quần thể di tích lăng vua Thiệu Trị.

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích này được khởi công ngày 13/6/2023, quá trình thi công, thực hiện cẩn trọng để không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. 


Công trình đã hoàn thiện với các hạng mục, gồm: Trụ biểu, hồ Tân Nguyệt và hệ thống cống đối lưu, sân nền, bậc cấp trước lăng, sân nền tự nhiên, cổng, tường thành ngoại và tường thành nội.

Di tích được tôn tạo khang trang xứng tầm công lao cống hiến của hoàng thái hậu Từ Dũ đối với lịch sử của dân tộc.


Xương Thọ Lăng có bố cục theo hướng nội quan, ngoại quách. Đây cũng chính là hình thức kiến trúc điển hình từ thời các vị chúa Nguyễn.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, lăng mộ của Nghi Thiên Chương hoàng thái hậu Từ Dũ còn khá nguyên vẹn. 

Bình phong sau lưng mộ được trang trí rồng, phượng, thể hiện sự uy nghiêm của công trình.


Hệ thống bậc cấp, sân nền trước lăng được tôn tạo khang trang, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, từng bước nâng cao giá trị khai thác du lịch, làm tăng ưu thế cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự án hoàn thành còn góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc - cảnh quan - văn hóa của lăng vua Thiệu Trị, xứng đáng là tài sản văn hóa quý báu của nhân loại đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới.


Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết thời gian tới đơn vị sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc xếp hạng di tích Xương Thọ Lăng nhằm tôn vinh công lao của Hoàng thái hậu Từ Dũ, người  nổi tiếng nhất trong việc cưu mang và để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người.

Hoàng thái hậu Từ Dũ, hay Từ Dụ, tên Phạm Thị Hằng (20/6/1810-22/5/1901) là quý phi của vua Thiệu Trị, mẹ ruột của vua Tự Đức. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX (Ảnh: Bảo Minh).


Nằm trong khu rừng thông ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng (thành phố Huế) còn có lăng Cơ Thánh, hay còn gọi là Lăng Sọ, cách Xương Thọ Lăng khoảng 200m.

Đây là lăng mộ của ông Nguyễn Phúc Luân (1733-1765), cha đẻ vua Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.


Trên địa bàn xã Thủy Bằng còn có 2 di tích rất nổi tiếng nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, đó là lăng vua Thiệu Trị (Xương Lăng) và lăng vua Khải Định (Ứng Lăng).

Xương Lăng quay mặt về hướng tây - bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn. Ông vua nổi tiếng thương dân đã yên nghỉ giữa ruộng vườn tươi tốt như cuộc đời bình dị của ông, không trăn trở nghĩ suy, không cầu kỳ, phức tạp.


Ứng Lăng, nơi yên nghỉ của vua Khải Định được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), thôn Châu Chữ, xã Thủy Bằng, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km. 

Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo cho di tích một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vỹ.

Một xã ở Thừa Thiên Huế có 9 lăng chúa Nguyễn

Thực hiện: Vi Thảo  

(Dân trí) - Xã Hương Thọ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ở ngã ba Bằng Lãng, điểm hợp lưu của 2 của dòng Tả Trạch và Hữu Trạch để thành sông Hương, là nơi an giấc ngàn thu của 9 chúa nhà Nguyễn.


Lăng Trường Cơ của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, 1525-1613), nằm tại trung tâm thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ). Đây là 1 trong 3 lăng chúa Nguyễn đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Lăng mộ của chúa Nguyễn Hoàng được đặt tên là Trường Cơ từ năm 1808 - thời gian năm Gia Long thứ 7 tái xây dựng.

Trong lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Hoàng là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn.

Ban đầu, lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng được lập ở núi Thạch Hàn, huyện Vũ Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị, về sau mới dời đến vị trí hiện tại.



Lăng Trường Cơ nằm cách bờ sông Hương chừng 300m, xoay mặt về hướng chính bắc.

Sau thời gian dài xuống cấp, năm 2016, từ nguồn xã hội hóa 3,8 tỷ đồng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành trùng tu lăng Trường Cơ. Không gian di tích được khoanh vùng, tôn tạo cảnh quan và trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhân dân trên địa bàn và du khách.

Hiện nay, Lăng Trường Cơ là nơi có cảnh quan khang trang nhất trong số 9 lăng chúa Nguyễn.


Lăng Trường Diễn của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế - Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1563-1635), nằm ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, cách bờ sông Hương khoảng 350m, xoay về phía nam. 

Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định xếp hạng lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình hiện được tôn tạo lại khá khang trang nhưng bên trong ít được chăm sóc nên cỏ cây mọc um tùm.

Lăng Trường Diên của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan - Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế (1601-1648), nằm ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, cách bờ nhánh Hữu Trạch của sông Hương khoảng 200m.

Trước khi được tôn tạo, xây dựng lại, lăng Trường Diên bị xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục bị đổ nát, khuôn viên lăng, nhiều cây cỏ dại xâm lấn.


Lăng Trường Hưng của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần - Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng đế  (1620-1687), dân gian quen gọi là lăng Chín Chậu, nằm ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. Lăng cách bờ sông Hương khoảng 800m, xoay mặt về hướng đông bắc.

Công trình này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2015. Hiện nay xung quanh lăng, cây cối um tùm, rậm rạp.


Lăng Trường Mậu của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái - Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế (1650-1691), nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, nay được xem là công trình nằm ở vị trí có cảnh quan khá đẹp.

Lăng nằm trên một quả đồi, xoay mặt về hướng bắc, trước mặt lăng có hồ rộng và có các bậc cấp dẫn lên lăng.

Lăng Trường Mậu được Hội đồng Nguyễn Phước tộc tiến hành trùng tu vào năm 2012 và được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh năm 2018.


Lăng Trường Thanh của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chú - Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế  (1675-1725), nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ. 

Lăng được sửa chữa vào thời vua Minh Mạng và thời vua Thiệu Trị. Năm 2009 và năm 2015, con cháu Nguyễn Phúc tộc đã đóng góp trùng tu, tôn tạo lại khu lăng mộ này. Công trình đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2018.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế, lăng các chúa Nguyễn có quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn. Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm "tụ thủy". "Minh đường" của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế "tay ngai" (Tả Long, Hữu Hổ).


Lăng Trường Phong của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú (Thụ) (1697-1738), nằm ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, đang được trùng tu, tôn tạo.

Lăng xoay mặt về hướng chính bắc, cấu trúc tương tự các lăng chúa Nguyễn khác với 2 vòng tường thành.

Có thể thấy, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều có kiểu thức xây dựng tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn). Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau; phần mộ đều xây thấp, phẳng với 2 tầng theo lối giật cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. 


Lăng Trường Thái của Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), ở thôn La Khê, xã Hương Thọ. Lăng nằm trên một quả đồi, xoay về hướng chính bắc, có một hệ thống bậc cấp dẫn lên, là công trình di tích cấp quốc gia.

Tại kỳ Festival Huế năm 2020, nơi đây đã từng diễn ra lễ hành hương tri ân người khai sáng áo dài Việt Nam - chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhưng hiện nay có thể thấy xung quanh lăng khá rậm rạp, cỏ cây um tùm.


Cuối cùng là lăng Trường Thiệu của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần - Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế  (1754-1777), ở thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ. 

Mặc dù là một trong 3 lăng chúa Nguyễn được công nhận di tích cấp quốc gia nhưng công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tường vòng thành bị bong tróc, đổ gãy.

Mặt khác, hầu hết các lăng chúa Nguyễn đều nằm tiếp giáp với diện tích đất canh tác, nên bị xâm lấn khá nhiều.


Mới đây, UBND thành phố Huế đã triển khai xây dựng, chỉnh trang đường vào lăng các chúa Nguyễn, hiện đã hoàn thành. Ngoài ra, một số tuyến đường nằm trong dự án hạ tầng của quần thể lăng Gia Long cũng được triển khai và kết nối đến lăng chúa Nguyễn Phúc Chú gần đó.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành đặt biển chỉ dẫn tại tất cả các điểm lăng cháu Nguyễn để phục vụ việc tham quan của du khách.

Ngoài hệ thống lăng chúa Nguyễn, trên địa bàn xã Hương Thọ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) còn có 2 công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng






Không có nhận xét nào: