a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

NHẶT MẸ VỀ NUÔI


 

Đút những đồng tiền công vào túi áo ngực, Trạo rã rời định lê bước về nhà. Nhưng cả cơ thể đau nhức, bụng đói cồn cào nên anh tính mua thứ gì đó ăn cho ấm bụng. Bỗng Trạo nhìn thấy phía trước, một bà cụ ngồi co ro góc chợ với thúng gì đó phủ lên một lớp vải màn.
Rảo bước lại gần, Trạo hỏi:
- Bà bán gì vậy ạ?
Bà cụ mừng rỡ khi thấy người dừng lại hỏi mua hàng, tay run run mở tấm vải màn ra bảo:
- Tôi bán bánh mì, chú có mua không?
Trạo định hỏi bánh mì còn giòn không nhưng đưa mắt nhìn chiếc bánh ỉu xìu trên đôi tay già nua và ánh mắt chờ đợi của bà cụ anh không nỡ bước đi.
- Cháu lấy 5 cái bà ạ. Bà thường bán đến mấy giờ thì về?
- Khi nào hết thì về chú ơi.
- Thế nhà bà có ở gần đây không? Bà đi bán hàng đêm thế này chắc là con cháu lo lắm ạ. Thôi còn bao nhiêu cái bà để con lấy nốt.
- Tôi về ngay đằng kia ấy mà. Cậu lấy vừa đủ ăn thôi. Lấy về nhiều bỏ uổng. Tôi còn ngồi đây tới sáng. Đằng nào thì về cũng có ngủ được đâu.
Theo hướng tay bà cụ chỉ mắt Trạo nhìn thấy chân cầu. Miếng bánh mì dai ngoách nghẹn lại trong cổ họng. Trút tiếng thở dài anh ngồi bệt xuống vỉa hè ngó thành phố hoa lệ nhấp nháy ánh đèn. Xách túi bánh mì, Trạo trở về phòng trọ. Mấy con chó nhào ra từ các con ngõ sủa inh ỏi mỗi khi Trạo đi qua.
Trạo làm công nhân từ năm mười tám tuổi. Ban đầu là công nhân nhà máy chè gần nhà. Hồi ấy mẹ nuôi còn sống, nên Trạo còn có nhà để mà về. Sau này mẹ mất, anh em ruột thịt còn tranh nhau đất đai thì phận con nuôi như Trạo làm gì còn nhà nữa.
Lúc rời quê xuống phố lang thang trong khu công nghiệp Trạo làm công nhân hết công ty này đến nhà máy khác. Chẳng phải "đứng núi này trông núi nọ" đâu, mà thời buổi khó khăn, đơn hàng bấp bênh nên các doanh nghiệp chỉ tuyển công nhân thời vụ. Mấy năm nay Trạo làm ổn định trong công ty bạt, lương đủ trang trải cuộc sống. Thật ra cuộc đời độc thân, không gia đình, chẳng có gánh nặng gì thì cũng đơn giản thôi. Tiền nhà trọ, tiền điện nước, ăn uống qua loa, tháng vài cuộc nhậu vỉa hè. Nhưng để gồng gánh một gia đình trên vai thì đồng lương công nhân chẳng thấm vào đâu.
Cái câu "chia tay đi" Trạo nghe đến quen tai. Mấy năm nay anh không theo đuổi người con gái nào. Chẳng phải vì không còn tin vào tình yêu mà càng có tuổi niềm vui càng chắt chiu, ít ỏi. Có hôm nhậu say ai đó hỏi Trạo có buồn chán cảnh đời công nhân nghèo khó này không. Trạo chỉ lắc đầu cười. Cuộc đời này có cái gì dễ dàng đâu. Mấy năm vừa rồi khó khăn, lạm phát vào tận mâm cơm mỗi gia đình, mấy ai mà không khổ? Có một nghề để mưu sinh đã là may mắn lắm rồi. Mình đã nghèo tiền bạc, mình không thể nghèo tâm hồn được. Mình không thể cứ ghì mình xuống mãi. Phải bay lên chứ! Ngay cả khi không có đôi cánh thì ta cũng phải bay lên khỏi những đè nén về tiền bạc.
- Nói thì hay lắm. Thế không vì tiền bạc sao ông cứ phải đi bốc hàng thuê chợ đầu mối sau giờ tan ca?
- À thì... để sau này ai đó dựa vào mình sẽ bớt phần vất vả.
Anh bạn vỗ vai chào Trạo, lặng lẽ khuất trong ngõ nhỏ. Trạo cũng vội vã đến chợ đầu mối để kịp giờ bốc dỡ hàng. Mấy cô bác ở chợ quý Trạo lắm. Ai cũng trêu "có về làm con rể cô không?" Trạo cười hiền khô bảo "chỉ sợ con gái các cô chê cháu nghèo thôi". Ai đó chép miệng bảo: "Cái thằng, nghèo thì nghèo thật nhưng ai lấy được nó cũng sướng. Khối người lấy chồng giàu lại sống trong nước mắt đấy thôi". Mấy câu bâng quơ đó làm má Đào ửng đỏ.
Trạo đâu có biết ở chốn bán mua đốp chát này vẫn có người lặng lẽ ngóng chờ mình. Lúc thuê Trạo vác mấy bao hàng, Đào cũng lặng lẽ lén nhìn bóng lưng vạm vỡ ấy lẫn vào trong chợ. Có nắm xôi nóng muốn dúi cho Trạo mà không dám. Lúc trả công muốn đưa thêm vài đồng mà Trạo đâu chịu nhận. Đôi khi muốn hỏi thăm nhau một vài câu mà lời lạo xạo trong cuống họng.
Trạo đột nhiên nhớ đến bà cụ bán bánh mì. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay không thấy bà ngồi bán bánh. Lần theo dấu chỉ tay của bà cụ hôm nào Trạo tìm đến chân cầu. Vài bóng người vô gia cư đang nằm ngồi dọc gầm cầu. Trạo hỏi thăm về bà cụ bán bánh mì, thì có người nói vọng lại: "Mấy hôm nay bà cụ ốm nằm ở đằng kia kìa. Sáng nay tôi mới mua hộ vài vỉ thuốc". Bà cụ nằm co ro trên chiếc chiếu cũ trải trên nền đất. Thấy có người lại gần bà cụ mở mắt, mừng rỡ khi nhận ra người quen.
Trạo định hỏi bà cụ ốm thế nào sao không chịu về quê nhưng cũng may lời chưa kịp bật ra khỏi họng. Nếu có quê hương, con cái chắc bà đã chẳng phải mằm co ro ở dưới gầm cầu. Lúc nhét cho bà cụ mấy đồng tiền vào túi áo, quay lưng bước đi bỗng nhiên Trạo thấy lòng mình thắt lại. Lòng tự hỏi trời gió mạnh thế này bà cụ lại ốm yếu thế kia rồi đêm nay sẽ ra sao? Không biết còn cơ hội gặp bà cụ với thúng bánh mì ngồi cổng chợ hay nữa không? Hay là... Ý nghĩ chợt nhen lên như ngọn lửa khiến Trạo quay người lại bảo: "Để con đón bà về phòng trọ mấy hôm chăm cho bà khỏi bệnh. Chứ ở đây gió máy thế này".
Đêm đấy Đào không thấy bóng dáng của người thương đến chợ. Mấy hôm sau ở chợ xôn xao chuyện thằng Trạo nhặt một bà cụ về nuôi. Người chép miệng: "Trời đày. Đã nghèo còn rước thêm một bà già rồi đứa con gái nào nó lấy". Nhưng lại có người bảo: "Nghèo nhưng tốt tính. Người dưng nước lã nó còn thương đến huống hồ là vợ con".
Đào nóng ruột, đóng cửa sạp hàng sớm đi tìm Trạo. Lúc Đào đến Trạo mới vào nhà máy. Vài người trong xóm trọ tò mò hỏi Đào có phải là người yêu của Trạo không? Vén mấy sợi tóc mai vướng víu trên khuôn mặt ngại ngùng đỏ ửng, Đào chỉ biết cười. Bà cụ thấy có người tới liền ngồi dậy khỏi giường run run hỏi: "Cô tìm cậu Trạo đúng không?". Chẳng hiểu sao trong lòng Đào trào lên niềm thương cảm. Căn phòng trọ tuềnh toàng có phần bừa bộn vì thiếu bàn tay đàn bà. Trên bàn bát cháo còn hơi nóng chắc là Trạo nấu cho bà cụ trước lúc đi làm. Dưới gậm giường bộ quần áo công nhân vứt trong chậu còn chưa kịp giặt. Đào tính càm ràm mấy câu mà chợt nhớ ra mình đã là cái gì của người ta. Bón cho bà cụ bát cháo, giặt giũ, dọn dẹp xong xuôi Đào mới ra về...
Trạo hỏi bà cụ có phải nhà mới có cô Tấm nào bước ra từ hũ muối hay không mà sao nhà cửa sạch sẽ gọn gàng thế này? Hay là... cụ ốm mà vẫn gượng dậy làm từng ấy việc? Bà cụ cười bảo: "Có cô Tấm thật đấy. Cô Tấm này xinh và hiền lắm". Cô Tấm chỉ xuất hiện lúc Trạo đi làm. Mấy hôm nay công ty có đơn hàng lớn nên anh em công nhân phải tăng ca suốt. Làm mệt là thế nhưng Trạo thấy vui vì khi tan ca có người đợi mình ở nhà. Cảm giác ấy bao nhiêu năm nay anh chưa hề có được. Thấy người ta đủ mẹ có cha để cùng ăn bữa cơm, cười với nhau sớm tối mà thèm. Đã có lúc anh ao ước giá mà có bố mẹ để chăm sóc lúc về già.
Bà cụ xuất hiện, cơm canh đạm bạc vậy mà vui. Nên đã mấy lần bà cụ đòi khăn gói ra gầm cầu ở mà Trạo đâu có chịu. Cũng chỉ là thêm bát thêm đũa thôi mà. Anh cố gắng làm tăng ca, rảnh thì ra chợ bốc dỡ thêm lo gì không sống nổi. "Hay là cụ ở đây làm mẹ con nha". Câu nói ấy thật ra cũng không khó thốt lời đến thế. Nói được ra Trạo thấy nhẹ cả lòng. Chỉ bà cụ rưng rưng mãi không nói nên lời. Bà sống gần hết đời, lang bạt gặp bao nhiêu phận người, chuyện thế thái nhân tình nghe không đếm xuể. Bà chỉ thấy người ta vì tiền mà hắt hủi mẹ cha. Làm gì có ai nhặt người dưng về làm mẹ. Trạo cười hì hì bảo "có đấy chứ. Thiếu gì chuyện tốt đẹp trên đời tại mẹ chưa nghe thấy đó thôi".
Mọi người xúm lại kê thêm cái tủ vải, đổi cho Trạo cái giường rộng hơn. Người cho lọ dầu gió, người mấy vỉ thuốc hoạt huyết. Có người mua cho cụ đôi dép, cái nón mới thay cho cái nón mê. Người đến bữa mà thấy Trạo đi làm vắng sợ bà cụ ăn uống qua loa nên bưng sang một bát canh. Cũng có hôm kéo bà cụ sang ăn cùng, thêm người thì thêm vui. Việc Trạo mang bà cụ về nuôi như cơn mưa mát lành tưới tắm những tâm hồn đang khô héo vì chật vật mưu sinh, lo toan nhàu nhĩ. Họ ngẫm thấy cuộc đời còn bao điều tốt đẹp, nhẹ nhõm thôi mà sống để thương nhau.
Bà cụ ở nhà mãi cũng buồn nên đòi muối rau dưa mang ra chợ đầu ngõ bán. Chợ bán cho công nhân là chủ yếu nên thứ gì cũng rẻ. Đang bán thấy trời mưa thương các cháu công nhân đi làm không ai thu quần áo bà lật đật chạy về. Cái sân lá rụng đầy, công nhân bận tăng ca may quá đã có bà quét dọn. Thẻo đất thừa bỏ cỏ mọc đầy có bà xới quang quải mấy luống rau.
Có lần đi làm về thấy Đào ngồi ngoài bậc cửa khâu quần áo, Trạo bùi ngùi đứng ngắm hồi lâu. Hàng xóm thấy cảnh đó vừa vo gạo vừa hát nghêu ngao: "Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu". Đào ngượng ngùng vờ mắng Trạo sao nhà chẳng có cây kim cuộn chỉ nào? Nãy người ta phải ra chợ tìm mua hết cả hơi. Không biết anh ăn mặc kiểu gì mà bộ quần áo công nhân nào cũng tuột chỉ cả gang tay? Mà sao râu tóc anh để rậm rịt thế kia? Trông vừa già vừa xấu.
Trạo nghe mắng mà hạnh phúc quá chừng. Bà cụ cũng nói rồi "chỉ có quan tâm mình người ta mới càm ràm chuyện tóc tai, khăn áo". Có khi vì thèm được quan tâm Trạo để mình luộm thuộm thêm một tí. Sáng đi làm cố tình để chăn gối lộn xộn, đôi dép trước cửa nhà mỗi chiếc một nơi. Chiều trở về thấy mọi thứ ngăn nắp đâu vào đấy. Ngó dáng Đào nhặt rau ngoài cửa, Trạo bảo mẹ già:
- Có cô Tấm khéo thế này phải giữ chặt thôi. Không hở ra là người ta bắt mất. Mẹ nhỉ?
Bà cụ móm mém cười khi thấy đôi lứa liếc nhìn nhau đắm đuối, thẹn thùng. Trạo không ngờ hạnh phúc đến với mình ngọt ngào đến thế. Từ người chẳng quê quán, người thân giờ đã có gia đình với mẹ già và một người phụ nữ chịu thương chịu khó. Người không chê những đồng lương công nhân ít ỏi. Không chê mùi mồ hôi trên vai áo công nhân đã bạc màu. Không chê xóm trọ nghèo với những người công nhân chân chất, thật thà...
Xóm trọ mừng cho Trạo, họ bảo nhau hạnh phúc thường đến với những người xứng đáng. Nhìn thấy mẹ con Trạo quây quần bên bữa cơm chiều sau một ngày vất vả, ai đó mới thấy rằng thành phố hoa lệ này đâu phải "hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo" như người ta thường nói. Những con người đơn lẻ sẽ nương tựa vào nhau thành một mái nhà...

Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang (Báo Giác Ngộ)




CHUYỆN TÌNH KỲ DIỆU !

Sau gần 55 năm xa cách. Chàng là Denny Vinar và nàng là Karen Lehmann. Họ bắt đầu quen nhau năm 1957 ở quê nhà khi nàng 13 còn chàng 15. Hai năm sau, chàng đẹp trai rực rỡ , là một cầu thủ tài năng còn nàng xinh đẹp và có tài vẽ vời thiết kế. Nhưng đúng lúc đó, nàng mang thai. Cái thai ngoài ý muốn khiến cho đôi trẻ vô cùng khổ sở. Chàng hỏi cưới nàng nhưng cha mẹ nàng không cho phép. Con gái của cặp đôi chào đời trong 1 nhà hộ sinh giành riêng cho các thiếu nữ lỡ làng. Và ngày cô bé sinh ra, chàng được tới thăm con. Họ chỉ được ôm cô bé 1 một giờ. Rồi cô được cho làm con nuôi.
Sau cú sốc này, nàng tiếp tục đi học. Chàng theo gia đình chuyển về tiểu bang Minesota sinh sống. Nhớ nhung người yêu, chàng viết rất nhiều thư cho nàng nhưng không có hồi âm. Nàng cũng không biết là ba mẹ mình đã giấu hết thư tín của chàng. Chàng đi lính và qua Đức, nàng vào đại học. Mấy năm sau, chàng một lần nữa cầu hôn với nàng, nhưng cha mẹ nàng vẫn không đồng ý vì sợ cuộc sống của một cô gái trẻ và một anh lính xa nhà sẽ bất ổn. Cuối cùng họ đành chia tay nhau và lập gia đình riêng.
53 năm trôi qua, nay họ trở nên già nua. Trong một buổi tối tháng 10/2014, chàng và các bạn cùng chơi trò chơi. Và câu hỏi đặt ra là nếu bác sĩ chỉ cho bạn sống thêm 60 ngày nữa, bạn muốn gặp ai?
Chàng lập tức trả lời: Karen.
Sau vài ngày đau buồn và bế tắc vì nhớ lại mọi chuyện đã qua, chàng quyết định lên mạng xã hội tìm nàng. Và mấy ngày sau, chàng tìm thấy nàng đang sống tại Monroe, tiểu bang Washington và vẫn làm nghề thiết kế nhà cửa. Không còn nghi ngờ gì nữa, chàng gọi cho cô thư ký của nàng và nhờ cô này chuyển lời xem có một người bạn cũ tên như vậy muốn hỏi thăm.
Vài phút sau, nàng gọi lại cho chàng, và nói 'Làm thế nào mà anh tìm thấy em?". Hai người nói chuyện không ngừng, giống như thời gian chưa từng trôi qua. Karen vui mừng vì thấy Denny vẫn có "đôi mắt xanh lấp lánh và nụ cười đẹp với má lúm đồng tiền" như thuở ban đầu. Và may mắn là họ đang cùng độc thân sau cuộc hôn nhân cũ của từng người.
Ngay sau đó, chàng muốn bay tới Seatle gặp nàng. Nhưng nàng không chịu. Và 3 tháng sau khi trao đổi qua lại, họ mới gặp lại nhau ngoài đời. Karen và Dennis gặp lại nhau, tình yêu vẫn mãnh liệt như ngày nào sau rất nhiều năm xa cách. Họ biết ngay rằng họ luôn muốn ở bên nhau và sẽ không bao giờ chia tay nhau nữa.
Bà chào đón ông rất nhiệt tình" Anh yêu, anh đã về với em rồi". Và đám cưới của họ diễn ra sau đó 36 giờ. Cả hai chuyển về định cư ở Twin Cities, nơi ông Denny đang điều hành một công ty.
3 tuần sau, họ quyết đi tìm con gái. Bởi ông còn giữ "Một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc này và một tấm thiệp nhỏ ghi chi tiết ngày sinh, cân nặng và chiều dài của con là kỷ vật duy nhất mà chúng tôi có về con". May mắn thay, họ tìm ra con nhanh chóng. Cô con gái được nuôi dưỡng bởi 1 gia đình tử tế, nay đã lớn khôn, khỏe mạnh và có gia đình riêng cùng cả con lẫn cháu rồi. Cô chỉ ở cách nhà bố đẻ có 15 phút đi xe. Và vì thế tuần nào họ cũng gặp nhau vài lần. Kể từ khi đoàn tụ, họ thậm chí đã viết một cuốn hồi ký cùng nhau.
Thật là một mối tình kỳ diệu và một sự đoàn tụ kỳ diệu.
Sưu tầm


LAI RAI CHO ĐỜI BỚT DÀI
Tác giả : Loan Ngẫn

Thím Bảy là em họ xa với thày tôi. Sở dĩ tôi rất thân với thím vì đôi lúc tiền thì hết mà tình thì tan tôi lại quay quả ra chỗ thím giật nóng lúc năm ba chục, lúc nợ vài mét lòng với chai riệu gạo về lai rai cho đời bớt dài.
Thím Bảy sinh năm 62, tuổi Nhâm Dần. Thím cao to, tướng đàn ông, răng hô, lưỡng quyền cao đầy khí phách. Thím chịu khó lấy chồng lắm, thím nói tau lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, năm nay đã bốn lần chồng nhưng số nhọ giờ vẫn cô đơn. Thím khoe tau mới làm ma cho ba ông thôi chớ mấy. Một ông bỏ sống tau mà đi. Có vậy thôi mà thiên hạ cứ đồn tau sát phu là không có đúng.
Nhà thím Bảy ngay mặt con ngõ đông dân. Thím nấu ăn rất ngon nên quán nhậu của thím đông khách lắm. Quán thím chỉ bán từ ba giờ chiều đến sáu giờ tối, cũng chỉ bán cho khách cỡ tuổi dòng dòng làm thợ xây, phu hồ, đạp xích lô, lái xe chứ chẳng bao giờ có khách hạng sang. Một tay thím vừa băm chặt, vừa bưng bê, vừa rót rượu bốc rau sống các cái. Cũng một tay thím đúng sáu giờ rưỡi lia con dao bầu đánh cái tách trên bàn chặt nếu tay bợm rượu nào cố tình nán lại không biến ngay cho thím đóng cửa quán.
Mấy bữa nay công an thổi nồng độ cồn, khách uống tại quán vắng lắm.
Thím làm mấy bộ longlon và riệu đóng sẵn trong vỏ chai lavi để khách mua mang về. Thím bảo tau bán hàng cho khách nhậu lai rai quen rồi. Đàn ông có tý riệu nom mắt họ long lanh, họ nói cà chớn, họ cười rổn rảng vui phết. Mấy bữa nay vắng họ tau tự dưng thấy nhớ nhớ cái không khí ấy.
Tôi nói sao thím không làm thêm đôi ba tập nữa đi. Đằng nào số cũng chôn chồng, chôn ba ông cũng là chôn, chôn đôi phát nữa cũng chả mang tiếng thêm mà sợ…
Thím bảo chả phải tau sợ mang tiếng mà tau thương người ta. Tau nom dữ dằn thế thôi nhưng tau yêu ai cũng thật bụng. Các ông đến ở với tau ông nào ông đấy cứ béo múp mụp vì tau chăm lắm. Chăm cho bữa ăn, chăm cho giấc ngủ. Tau tìm toàn vật ngon, rượu bổ cho uống mà sao chả ông nào sống được mí tau lâu. Cũng chả phải họ chết vì già, cái ông chồng thứ tư, hồi hổi hắn kém tau tới mười tám tuổi. Hắn tốt tính, thương bọn trẻ như con khiến tau xiêu lòng mà lấy hắn. Ở với nhau gần chục năm trời, anh anh em em, vui vẻ hạnh phúc hơn những cặp vợ chồng bằng tuổi. Đùng cái hắn lăn ra chết. Thế là tau lại mang tiếng sát chồng.
Bữa qua thím Bảy goij tôi; Noan Noan, mày vô đây mang vài mét ruột già với chai riệu nếp tau mới nấu về tối nhậu một mình khỏi phải ăn cơm. Mày sáp vô đây cho tau hỏi: Tau yêu ông Tám bên kia sông mới được dăm tháng. Ông Tám thương tau hết biết, ông khen hoài tau nấu ăn ngon, món gì tau đem qua ổng cũng ăn hoài mà không kêu ngán bây ạ. Tau thương ổng, còm cõi mỗi mình. Chết vợ mấy mươi niên, nghèo quá nên không ai thương để làm tập tiếp. Gặp tau như cá gặp nước, ổng sực tau mỗi ngày đôi ba hiệp mài ạ. Tau thích ổng tận củ tỷ, ổng cứ đòi mình cưới nhau đi.
Tau cũng tính cưới về một nhà cho vuông vức mà thưởng thức nốt cái thanh xuân. Thế nhưng tau lại sợ phải chôn chồng lần nữa…
Mà sao chưa cưới mới yêu, hôm qua ổng kêu mệt không thấy qua tau, sáng nay nhắn tin, anh ho, anh khó thở và mệt lắm? Nhẽ nào số tau ngoài sát chồng còn sát cả người yêu hả Noan?
Rời nhà thím Bảy, về, nhâm nhi đôi cốc riệu với đoạn ruột, biêng biêng thấy đời lồi lõm phết. Có những người được gọi là ích tử vượng phu. Chồng con dưới tay họ cứ thịnh vượng, ăn nên làm ra sung túc. Rất hiếm nhưng cũng có những bà người sát phu, họ không tàn nhẫn nhưng ai yêu và lấy phải họ đều mệnh yểu mà toi mạng. Chả ai nhìn thấy cái năng lực siêu nhiên của họ. Âu cũng là nghiệp và duyên trời định cả mà thôi!
Bài & ảnh sưu tầm


Hắn bỏ hai chiếc vali to đùng lên xe rồi kêu cậu Tuấn lái xe kiểm tra xe một lần cuối trước khi khởi hành. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng bảy âm lịch là cả nhà hắn lại về quê để giỗ Mẹ. Năm nay, hắn quyết định về sớm hơn mọi lần hai ngày.
Cậu tài xế và vợ hắn có vẻ thắc mắc nhưng không dám hỏi. Chiếc ô tô chạy chậm chậm trên con đường ngoằn ngoèo, băng qua những quả đồi nhấp nhô đang mùa thu hoạch gỗ tràm. Xe đang lăn bánh bất ngờ hắn bảo dừng…..dừng lại. Cậu lái xe tên Tuấn vội đạp thắng cho xe dừng lại nhưng chưa kịp hiểu chuyện gì. Hắn mở cửa bước xuống, ngước mặt nhìn lên trời xanh một thoáng rồi bước về phía sau nơi có một người phự nữ đang lui cui gom nhặt những cây củi bên đường. Nghe tiếng chân, người phụ nữ ngước lên, chị ta tầm ngoài 40 tuổi, nước da sạm nắng. Phía xa hơn một chút có hai đứa trẻ, đứa lớn khoảng 10 – 12 tuổi, đứa kia nhỏ hơn. Hắn nở một nụ cười nhìn chị rồi tiến lại gần nhỏ nhẹ hỏi: “Chị ơi, củi này thì mình bán bao nhiều tiền một bó?” Đang làm mệt nhưng có một người lạ hoắc hỏi nên chị miễn cưỡng trả lời: “Tùy lúc chú ơi, mà chú hỏi để mua hay làm gì vậy?” Hắn lắc đầu không nói mà cúi xuống giúp chị sắp xếp lại những cây củi cong queo rồi phụ chị bó lại, dựng sát vào vệ đường.
Hắn quay lại xe lấy ra mấy lon nước ngọt giơ tay vẫy hai đứa trẻ lại để đưa cho tụi nó. Hai đứa nhỏ mắt tròn xoe ngạc nhiên vì được cho quà, nhưng cái nhìn nghiêm khắc của mẹ làm chúng khựng lại. Có lẽ bản năng người mẹ đã buộc chị phải làm thế để bảo vệ con mình trước sự đường đột của một người khách lạ. Như hiểu được suy nghĩ của người phụ nữ, hắn nhỏ nhẹ nói; em cũng là người ở đây nhưng em đi làm xa mới về, nhà em ở thôn Hạ đó chị. Đến lúc này thì gương mặt người phụ nữ mới giãn ra kèm theo cái gật đầu và nụ cười thân thiện. Ngồi trên xe vợ hắn hơi thắc mắc và có chút bực mình vì hành động của hắn có vẻ kì lạ nên chị ta mở cửa cùng hai đứa con bước xuống. Hắn giới thiệu với người phụ nữ đó đây là vợ và con em, tiện thể hắn buột miệng hỏi thế anh làm việc gì mà không phụ giúp chị? Chị lắc nhẹ đầu, bất chợt hai giọt nước mắt rớt ra giọng chị nhỏ lại; anh ấy mất rồi, hắn xin lỗi vì thấy mình hỏi một câu quá ngốc! Hắn nhỏ nhẹ hỏi mình chị nuôi hai đưa chắc vất vả lắm chị ha? Như được trút cõi lòng người phụ nữ nói tiếp: “Anh ấy đi để lại hai đứa nhỏ mình chị lo cho chúng ăn học. Nhà có hai sào ruộng mỗi khi gieo sạ xong là chị rảnh rỗi, những lúc như vậy hễ ai kêu gì chị làm nấy để kiếm tiền, không có ai kêu làm thì ba mẹ con đi mót củi để bán. Sắp tới khai giảng rồi mà...” Nói đến đó, giọng chị ta nghẹn lại những giọt nước mắt lại rơi xuống đất.
Sau một khoảng lặng thinh, hắn quay lại xe mở túi xách lấy ra một xấp tiền, cẩn thận cho vào một chiếc phong bì rồi quay lại chỗ người phụ nữ. Cái này em cho hai cháu để chị mua sách vở và vài bộ đồ, chị cầm đi đừng ngại. Quá bất ngờ, người phụ nữ cương quyết không nhận. Chị không nhận một phần vì lòng tự trọng và một phần nữa, đó là sự nghi ngờ vì chẳng có ai lại tốt bụng đến thế! Hắn đưa mắt cầu cứu vợ, như hiểu ý, vợ hắn bước tới đặt tay lên vai người phụ nữ, giọng thân thiết: “Cái này là tụi em thấy thương hai đứa nhỏ, năm học mới sắp đến rồi chị cầm lấy đi tụi em không có ý gì đâu.” Vừa nói, vợ hắn ý tứ luồn chiếc phong bì qua tay bỏ vào chiếc túi áo đã cũ, người phụ nữ đẩy ra nhưng bàn tay chị đã bị giữ lại. Sau vài câu trò chuyện, vợ chồng hắn chào người phụ nữ và hai đứa nhỏ rồi lên xe, còn người phụ nữ kia không quên cúi đầu và liên tục cảm ơn trong nước mắt.
Xe chạy, cô vợ hỏi hắn anh quen chị ấy hả? Không, hắn trả lời kèm theo cái lắc đầu. Không khí trên xe trở nên nặng nề, vì vợ hắn và cả cậu lái xe có quá nhiều thắc mắc nhưng nhìn gương mặt lạnh tanh của hắn chẳng ai dám hỏi gì thêm. Về đến nhà, hắn được vợ chồng cậu hắn cùng mấy đứa em ra tận ngõ đón. Vừa xách vali, cậu hắn vừa bảo: “Cậu dọn sạch sẽ hết rồi, chỉ còn mấy cây cỏ trên mộ mẹ con cậu để cho con về nhổ thôi.” Hắn cảm ơn cậu và theo bước vào nhà. Sau bữa cơm tối, vợ hắn lấy quà ra phân phát cho mọi người trong gia đình và một số người bà con xa. Ngoài ra vợ hắn cũng không quên những phần quà cho những nhà láng giềng, vì mỗi khi vợ chồng về họ đều tới thăm.
Mới hơn 9 giờ tối nhưng ở vùng quê tưởng chừng như khuya lắm, khách đã ra về hết, cậu mợ chuẩn bị đi ngủ, hắn pha ấm trà mới rồi rủ cậu lái xe cùng ngồi uống. Như để giải đáp cho hành động ban chiều nhằm giải tỏa cho cậu ta và cũng là một cách để chia sẻ nổi lòng, hắn chậm rải kể: Ngày đó nhà hắn nghèo lắm, bố hắn là một gã đàn ông chỉ có công duy nhất là tạo ra hắn trên cõi đời này, còn sau đó là mất hút. Hắn được một tay mẹ hắn tần tảo nuôi lớn với sự giúp đỡ lúc có, lúc không của những người cậu và bà con bên ngoại. Hắn khá thông minh, học giỏi và năng động nên dễ hòa đồng và luôn được Thầy yêu, bạn mến.
Ngày hắn đỗ đại học, mẹ hắn làm hẳn một mâm cơm to mời bà con đến chia vui và mọi người đều có một chút quà dành cho hắn. Món quà không to nhưng chứa đựng tất cả những chân tình cũng như nổi vất vả của người dân nơi vùng quê nghèo ấy. Hôm đó mẹ hắn rất vui, nhưng đằng sau niềm vui ấy là một nỗi lo toan đang lớn dần, phải làm thế nào để có tiền lo cho 5 năm đại học của hắn? Nhưng lúc đó hắn đang sung sướng với niềm vui dâng trào, nên đâu thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Ngày hắn nhập học, mẹ hắn bảo: ”Con nhớ ăn uống đầy đủ để có sức mà học, cố gắng học cho giỏi để sau này không phải khổ như mẹ nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im vì tiếng nấc đã chặn lại tất cả. Trong những năm hắn học đại học, mẹ hắn làm mọi việc để có tiền nuôi hắn. Từ rửa chén bát thuê đến đi phụ giúp việc nhà. Lúc lên rừng kiếm củi, khi xuống ruộng gặt thuê v.v.v.. Thậm chí vay mượn nhiều nơi để cho hắn kịp đóng tiền học phí, để không phải chịu kêu tên mà xấu hổ với bạn bè.
Năm thứ tư, hắn được đi thi cùng đội tuyển của trường, may mắn hắn giành được giải nhất. Để thể hiện một chút với bạn bè, hắn lấy số tiền thưởng cùng với ba triệu đồng mà mẹ mới gửi ra mời bạn bè một bữa thịnh soạn. Sau khi gọi bia kèm theo các món ăn hải sản, cả đám cùng nâng li với những tiếng dô dô ầm ĩ. Bữa tiệc đang cao trào thì hắn ra chỗ dựng xe để lấy món quà vào tặng cô bạn gái. Đúng lúc chiếc tivi đặt bên ngoài đang phát lại chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO”, hắn nhìn lên hình ảnh người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm đang ngồi tựa vào ghế vừa nói vừa thở không nổi kia không ai khác hơn chính là mẹ hắn. Mẹ hắn đang run run nhận lấy một số thuốc và số tiền 3.000.000đ của những nhà hảo tâm, lúc đó hắn mới biết lâu nay mẹ hắn bị bệnh lao phổi nhưng giấu không cho hắn biết. Phải chăng số tiền ấy là số tiền hắn mới nhận chiều nay, để giờ đây hắn đang ung dung cùng bạn bè nâng những cốc bia và nhấm nháp những con tôm càng béo ngậy. Nghĩ đến đó, tai hắn như ù đi, mắt hoa lên và bất chợt những tiếng nấc tuôn ra khỏi cổ. Vội vàng thanh toán bữa tiệc, hắn xin phép đi về, trước cái nhìn ngơ ngác của nhóm bạn.
Ào vào kí túc xá, hắn gom vội mấy bộ đồ, tài liệu và chiếc máy tính rồi leo lên xe phóng vội trong đêm vì linh tính có một điều gì đó khủng khiếp đang chờ hắn. Gần sáng, hắn cũng về tới nhà. Thấy mọi người lao nhao, hắn chột dạ. Vừa nhìn thấy hắn, Dì hắn đã khóc và nói với ai đó: “Hắn về đây rồi, đừng gọi điện nữa.” Hắn lao vào nhà. Mẹ hắn nằm trên giường, thở dốc, cố ngước đôi mắt lên nhìn nó và nói: “Mẹ thương cho con quá, còn một năm nữa mà mẹ đi như vầy không biết ai lo cho con, con ơi...!” Tiếng mẹ hắn nấc nghẹn theo từng cơn ho sặc sụa, hắn bật khóc òa như một đứa trẻ, hắn khóc như chưa từng được khóc.
Như cố lấy chút sức lực cuối cùng, mẹ hắn kề tai nói nhỏ: “Chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO” họ mới cho mẹ năm triệu nữa, mẹ cất dưới gối đó. Con nhớ cất rồi ráng tiện tặn xin thêm ai đó, không thì mượn đỡ sau này đi làm rồi trả để mà ráng học cho đến tốt nghiệp nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im, nước mắt ứa ra nhìn hắn lần cuối, cổ họng nấc lên vài tiếng rồi hai tay buông thõng. Hắn rống lên: “Mẹ…ơ……i”, rồi chết lặng! Dãi nắng dầm mưa lên rừng xuống biển làm kiếm tiền nuôi hắn, lại không dám ăn uống đủ chất để bồi dưỡng cơ thể nên căn bệnh lao lực đã cướp đi mẹ hắn khi mùa lễ Vu Lan đã gần kề. Mẹ hắn ra đi khi ánh bình minh vừa ló rạng và một ngày mới đang về. Đó cũng là ngày bắt đầu hắn chịu cảnh mồ côi!
Sau khi mẹ mất, hắn tưởng như ngã quị, nhưng nhờ sự động viên của người thân và bè bạn, hắn đủ sức tiếp tục học. Cũng từ đó hắn trở nên ít nói, hay suy tư và thơ thẩn mỗi chiều. Hắn hối hận vì giá như hắn biết quan tâm đến mẹ hơn, biết chăm sóc và tằn tiện, có lẽ mẹ hắn không ra đi sớm như vậy.
Để rồi chiều nay trên đường về giỗ mẹ, hắn bắt gặp lại hình ảnh ngày nào. Cái hình ảnh đã cho hắn sự lớn khôn và có được ngày nay trên đôi cánh cò run run của mẹ hắn. Chính vì cái hình ảnh ấy nên hắn muốn được chia sẻ với người phụ nữ đó như một cách tạ lỗi với Mẹ, một sự sẻ chia mà lẽ ra hắn đã phải làm từ lâu lắm!
Có tiếng nấc nhẹ phát ra từ sau lưng. Thì ra nãy giờ vợ hắn đã nghe hết câu chuyện, những suy nghĩ vu vơ bao thắc mắc khi chiều đã bay đi hết. Choàng tay qua ôm vợ, hắn nghe môi mình mặn chát. Cậu tài xế cúi đầu như cố giấu một điều gì đó. Có tiếng chó sủa vu vơ ngoài đầu xóm. Đêm miền quê tĩnh mịch đến lạ thường. Những giọt sương đêm rơi lộp độp. Có tiếng trẻ con khóc thét bên nhà hàng xóm. Rồi tất cả rơi vào im lặng. Tiếng gió lào xào. Đêm chầm chậm trôi...!
Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Hà Anh
Bài & ảnh sưu tầm.

Không có nhận xét nào: