a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

ĐỢI EM LỚN LÊN, ANH NHÉ ! (Một Chuyện tình thật đẹp)

 




Berlin, hơn 170 năm trước. Cô bé Clala 12 tuổi đem lòng yêu Schumann, cậu học trò cưng của cha mình.
Schumann 21 tuổi, tài hoa xuất chúng đang độ nở rộ, vừa mê say nghệ thuật đến điên cuồng lại vừa có tính tình u uất, đa sầu đa cảm. Chất nghệ sĩ ấy khiến Clara chết mê chết mệt. Chỉ sợ Schumann yêu người khác, cô bé bèn nài nỉ chàng trai : “Anh chịu khó đợi em lớn lên, anh nhé !"
Về sau, Schumann luyện dương cầm không may bị hỏng mất một ngón tay, anh đành bỏ dở giấc mộng trở thành nhạc công piano và chuyển sang học sáng tác nhạc. Clara an ủi chàng : “Anh yêu, em sẽ cho anh mượn đôi bàn tay của em !”
Song mối tình của họ bị người cha của Clara ngăn trở. Tuy rất cưng cậu học trò có thiên tài âm nhạc bẩm sinh này, nhưng ông không đồng ý để con gái mình kết duyên với một anh chàng nghèo kiết xác như Schumann. Vả lại Clara đàn dương cầm rất giỏi, nếu sớm vướng vào chuyện tình ái thì tiền đồ sáng sủa của cô sẽ đi đứt.
Clara son sắt một lòng nhất quyết không xa rời Schumann. Ông thầy nổi giận kiện cậu học trò ra toà. Quan toà phán : “Tình yêu vô tội”,
và bác bỏ lời tố cáo của ông.
Clara và Schumann có với nhau 8 mặt con. Cuộc sống vất vả của người chủ một gia đình đông con cộng thêm việc sáng tác nhạc quá tổn hao sức lực đã khiến Schumann chưa đến 30 tuổi đã có hiện tượng tâm thần bất định, mấy lần phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Đúng lúc ấy, cậu học trò 18 tuổi của Schumann là Brahms đem lòng yêu bà vợ của thầy giáo, dù bà hơn mình những 14 tuổi.
Bệnh tình của Schumann ngày một trầm trọng, ông sớm từ giã cuộc đời ở tuổi 46 . Clara đau khổ giam mình trong nhà, không gặp bất cứ ai.
Sau cùng, chính là Brahms đã khuyên bà : “Nếu bà thực sự yêu thầy, thì bà nên giới thiệu rộng rãi các tác phẩm của thầy trước dư luận, chứ không nên để các tác phẩm ấy cùng xuống mồ theo thầy.”
Clara sực tỉnh trước lời khuyên chí lý ấy và nhớ lại lời hứa trước đây của mình. Bà nhất thiết phải dâng đôi bàn tay của mình cho người mình yêu quý. Từ đó trở đi, Clara dành cả cuộc đời cho các chuyến đi biểu diễn những bản nhạc của Schumann sáng tác. Sở dĩ các tác phẩm của Schumann được lưu truyền rộng rãi đến ngày nay, một phần quan trọng là nhờ công sức của Clara.
Suốt đời Clara Schumann từ chối lời cầu hôn của Brahms, vì bà biết anh là một nghệ sĩ lớn đầy triển vọng, nếu bà nhận lời lấy anh thì sẽ chỉ làm khổ anh mà thôi.
Brahms mất năm 64 tuổi, suốt đời sống độc thân./.
======
▪Robert Schumann (1810-1856) và Clara Schumann (1819-1896) là cặp vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, người Đức. Schumann dẫn đầu phong trào nhạc lãng mạn, Clara là nhạc công nổi tiếng, cũng là một nhà soạn nhạc.
▪Johannes Brahms (1833-1897 là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức.
▪Đây là hình ảnh Clara Schumann được in trên đồng tiền mệnh giá quan trọng nhất của nước Đức trước đây, kèm ảnh cây đàn piano mà Clara đã dùng để đàn các tác phẩm của chồng bà.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch .
ST:MAINHUNG



MỘT CHUYẾN ĐI XA !.
Tg : Dinh van son .
(Câu chuyện xúc động lòng người)
Cầm tờ giấy xét nghiệm trong tay Anh không tin được dù đó là sự thật , đất trời như sụp đổ dưới chân anh , bao nhiêu hoài bão ước mơ đều tan tành theo mây khói !…thời gian chẳng còn được bao lâu nữa phải tranh thủ từng phút từng giây bên người thân ...
-----
Sau buổi cơm chiều , anh ngồi xuống ân cần hỏi thăm vợ ...
-Em à , bấy lâu nay anh có làm điều gì em buồn không ?
-Coi kìa sao anh nói gì vậy ?
bấy lâu nay hai vợ chồng mình hạnh phúc mà !
-À ! anh dự định sẽ đi du lịch ra nước ngoài , trước mắt là các nước Đông nam Á...
-Chi vậy anh , thôi anh ạ ,tốn kém lắm , để thứ bảy hay chủ nhật nhà mình ra Vũng tàu sáng đi chiều về được rồi anh ...
-Em à , từ lúc lấy em rồi tới nay , anh không còn mua hoa tặng em như hồi hai đứa mình mới quen nhau ...
-Dạ thôi anh ơi !…tặng hoa hay tặng quà là lúc còn bồ bịch nhau kìa , chứ bây giờ tụi mình là vợ chồng rồi tặng chi cho tốn kém , tiền đó mình còn nhiều việc phải làm ...
-Em hãy lên kế hoạch đi ,
tụi mình sẽ đi du lịch qua Singapore , đảo Ba- li của Indonesia hay Malaysia cũng được , anh muốn được tận hưởng tất cả những phút giây êm đềm đầy kỷ niệm cùng em ...
-Bộ có chuyện gì không anh ,
sao hôm nay anh lạ quá !
-Em cứ lên kế hoạch tuần sau là đi được rồi ...
-Dạ để mai em tính ...
Hôm nay anh ấy làm sao vậy ? , chắc có chuyện gì anh giấu đây , thôi để từ từ mình sẽ tìm hiểu , trước mắt là đăng ký tour du lịch cho anh ấy vui ...nói rồi cô vợ gọi điện thoại đăng ký tour du lịch ...
Suốt thời gian đi chơi tại Singapore anh vô cùng vui vẻ cùng vợ tham quan nhiều nơi , thỉnh thoảng cô vợ thấy anh đăm chiêu lo lắng điều gì đó ...
nhưng anh vẫn cố tạo ra niềm vui cho cô vợ ...cho chuyến đi hoàn toàn mỹ mãn ...
-----
Sau chuyến đi du lịch về ,
sức khỏe anh có phần sa sút ,
có những đêm anh thức trắng không tài nào ngủ được ,
là người vợ chị đã cảm nhận được sự bất an này ...
rồi một hôm anh nhìn qua khung cửa , cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay đưa cho cô vợ đọc ...
Chị không tin vào đôi mắt của mình sau khi đọc kết quả ,
sóng mũi cay cay chị nghẹn ngào hỏi anh ...
-Anh à , anh đã đi xét nghiệm nhiều nơi chưa anh ?…
-Rồi em ạ , nhà anh có di truyền ...đó là định mệnh ...
Đó là tờ giấy báo tử tức là bản xét nghiệm ung thư gan thời kỳ cuối , căn bệnh của thế kỷ ,
nhà anh đã có di truyền từ ba đời để lại , bây giờ đây chị rối quá không biết phải xử lý như thế nào , nhưng còn nước thì còn tát , có bệnh thì vái tứ phương tám hướng , chị lập tức đưa anh đi điều trị ...nhưng anh từ chối và cho biết anh đã đọc tài liệu ,
mọi nổ lực về thuốc men và các phương pháp xạ trị hay hoá trị là vô ích , việc cần làm bây giờ là tập thể dục , vui chơi giải trí ...
và những việc cần làm cuối đời...anh đã chuẩn bị rất kỹ trước khi đi xa ...
Mấy năm trước đây anh có hùn hạp mua đất cùng với người bạn , đất đai trong thời kỳ lên cơn sốt nên cả hai kiếm được khá bộn tiền , anh bỏ tiền vào ngân hàng để kiếm lãi hàng tháng ,
ngoài ra anh còn mở quán cafe trà sữa có thu nhập cũng rất ổn định ...có thể nói anh đã chuẩn bị kỹ cho chuyến đi không bao giờ trở lại này ...
------
Đúng tháng sau anh lên cơn đau dữ dội và trút hơi thở cuối cùng , mọi việc đã tiên liệu như những gì đã biết trước đó ...
ngày tiễn đưa anh về cát bụi ,
ai cũng bùi ngùi thương cảm ,
đó là người bạn chí tình luôn luôn sống hết lòng vì bạn bè ,
đó là người hàng xóm vui vẻ hoà đồng với mọi người và là người chồng hết mực yêu thương vợ ...
thường thì người tốt hay mất sớm ai cũng nghĩ như vậy ...
------
Sau đám tang , chị dọn dẹp lại thư phòng và tìm thấy một chúc thư để lại trong đó anh căn dặn phải làm những việc mà anh đã chuẩn bị sẵn ...
lúc sinh thời anh là nhà kinh doanh làm ăn rất uy tín rất tốt nên khi mất đi giới kinh doanh họ rất thương cảm đi phúng điếu rất nhiều ,
trong chúc thư anh căn dặn là cứ lấy tiền phúng điếu lập nên hội thiện nguyện để giúp đỡ những bệnh nhân bị ung thư như anh ...
Những chiếc phong bì để lại trong đó anh cũng ghi rõ số tiền , tên và địa chỉ người nhận ,
chị cũng rất ngạc nhiên vì lâu nay anh làm gì chị ít để ý ,
ngoài tiền lo cho gia đình ra anh còn nhiều khoản chi bí mật đôi lúc thật là khó hiểu ...
nay thì bí mật dần dần lộ rõ ...
Lần theo địa chỉ trên bì thư chị đã tìm được nơi mình đến , đó là ngôi nhà cũ kỹ cuối sâu trong hẻm , bước vào nhà có đôi vợ chồng già đang ngồi nói chuyện về anh ...
thì ra đây là thầy giáo cũ của anh ,mỗi tháng anh đều đặn gởi ít tiền cho thầy để chữa bệnh ,
bà giáo nắm lấy tay chị rồi bật khóc ...
-Tội nghiệp cậu ấy quá ,
tháng nào cậu cũng ghé qua thăm vợ chồng tôi gởi ít tiền và quà , tôi nói cậu còn vợ con và gia đình tôi không dám nhận đâu , cậu ấy nói đã lo cho gia đình hết rồi này là phần của thầy cô ...
sao người tốt thường hay mất sớm quá vậy cô ?!!!…
Một phong bì khác cũng được gởi theo địa chỉ , đó là căn nhà cấp bốn của người bạn từ thuở nhỏ ,anh làm thợ hồ trong lúc thi công bị té giàn nên thương tích rất nặng , ở nhà anh là lao động chính nên từ lúc anh bị thương cảnh nhà lâm vào túng quẫn , hôm trước tụi bạn gặp nhau có nói về hoàn cảnh người bạn cùng xóm cũ này nên chồng cô đã âm thầm giúp đỡ ...
Và trên tay cô là một số ít phong bì còn lại , tất cả những nơi cô đến đều có những hoàn cảnh thương tâm , họ là những người không may mắn trong cuộc đời này , nay thì chị đã hiểu tất cả việc làm bí mật của chồng cô , một ít tiền giúp đỡ cho những mãnh đời bất hạnh ...
một miếng khi đói bằng một gói khi no ...
Cuối cùng là tấm thẻ hiến xác cho bệnh viện ...có thể nói anh đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi xa này , chị rất tự hào về anh cho đến cuối đời anh đã làm tất cả những gì của tình người cao cả ...
_____
Hôm chị cúng thất tuần cho anh , có cặp vợ chồng trung niên chạy xe honda đến tìm nhà chị ,
sau khi thăm hỏi , vợ chồng họ đến thắp nén nhang cho anh , người chồng cho biết , mấy năm trước đây do hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn may nhờ có anh giúp đỡ nay thì cuộc sống đã tốt hơn trước nhiều ...
họ đem theo phong bì gởi lại số tiền năm xưa mà họ đã nhận nay họ muốn gởi trả cho chị để giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn khác ...
Chị nhìn lên di ảnh của anh và dường như anh nhìn chị mỉm cười mãn nguyện ...
Dinh van son .
St 17.11.20
Ảnh minh họa St internet




Chiều nay, có việc phải đi gấp,mà xe thì chồng đi, gọi taxi mãi ko được. Bảo nhân viên đặt hộ cho xe ôm.
Cậu xe ôm đến đón, lên xe bảo chị có việc phải đi gấp đấy, em đi nhanh nhanh cho chị, nhưng nhớ đi cẩn thận đừng chạy ẩu nhé.
Vâng chị cứ lên xe đi chị yên tâm.
Đến chỗ ngã tư dừng chờ đèn đỏ, đối diện là một shop quần áo của nữ, cậu ấy cứ nhìn chằm chằm vào đó. Đến khi đèn xanh rồi cũng chưa đi, phải giục, đèn xanh rồi đi đi em. Cậu ấy giật mình đi tiếp .
Vừa đi cậu ấy vừa hỏi mình, chị ơi, mấy cái váy nữ trong shop quần áo thường đắt không chị?
Cũng tuỳ em a, giá nào cũng có
Thế em muốn mua một cái xịn xịn thì khoảng năm trăm nghìn là em có mua được không?
Cũng đc rồi em
Chị có biết chỗ shop nào bán không chỉ cho em ?
E mua tặng bạn gái a?
Không em tặng vợ, sắp sinh nhật vợ em.
Tốt nhất là hôm nào sinh nhật, em chở vợ em đi chọn váy để thử cho dễ. Em mua về rộng hay chật, người ta ko cho đổi lại khổ.
Nhưng vợ em không ở đây, vợ em ở quê. Vợ em cũng không đi lại được, vì bị liệt.
Vợ em bị liệt lâu chưa?
Cũng mấy năm rồi, vợ e bị bệnh teo cơ, chữa mãi không khỏi, cơ cứ tẹo dần lại, đến lúc đẻ con xong một năm là vợ em bị liệt không đi được
Khổ thế, thế giờ vợ em ở quê với con a? Con mấy tuổi rồi? Con em ba tuổi, ngoan lắm .
Hai mẹ con chăm nhau kiểu gì?
Vợ em vẫn làm việc được, chỉ ko đi lại đc nên ngồi xe lăn.
Thế có ông bà nội ngoại giúp được gì ko?
Có ông bà ngoại ở gần thì cũng hay qua giúp, còn bố mẹ em từ em lâu rồi.
Sao lại từ em?
Hồi nghe tin vợ em bị bệnh tẹo cơ, bố mẹ em cứ bắt em phải bỏ nó, em không nghe, nên từ mặt em từ đấy.
Khiếp sao bố mẹ em làm được như vậy? Có mỗi thế cũng từ.
Thì tính mỗi người, cũng nhiều chuyện nó dồn lại, nên bố mẹ em từ em. Hồi đầu bọn em ở chung với bố mẹ em, nhưng mẹ em cứ chửi vợ em suốt. Nên bọn em ra ở riêng. Từ đó bố mẹ em cũng chẳng bao giờ quan tâm xem vợ chồng em sống chết sao. Em thì nghĩ bố mẹ vẫn là bố mẹ mình, sau này bố mẹ em già, em vẫn về chăm sóc. Còn bây giờ bắt em bỏ vợ con em, khi vợ em ốm đau như vậy, em thành tội bất nhân, bất nghĩa.
Em đúng là số 1, trên đời tìm được người như em rất hiếm. Vợ em tốt số...
Vợ em lấy em mới khổ, giá như em mà giàu hơn, tài giỏi kiếm được nhiều tiền hơn thì vợ em ko phải khổ. Em luôn nghĩ thế nên chỉ muốn bù đắp cho vợ em, mà kiếp làm thuê, nên cũng ko có hơn. Tháng tiết kiệm gửi được vài triệu về cho vợ em, còn tháng này sắp sinh nhật, nên em đang cố chạy thêm để có thêm tiền mua cho vợ em cái váy. Con gái ai cũng thích mặc đẹp, ai mặc váy đẹp lên cũng đẹp, vợ em giờ mỗi bị liệt thôi, chứ mặt vẫn xinh, được nước da trắng.
Em yêu vợ em lắm nhỉ?
Em chẳng biết, mà em thương vợ em chị a
Xuống xe móc túi đưa cho cậu ấy 400 nghìn, nói là chị góp tiền với em, để em mua tặng vợ em cái váy sinh nhật, em thêm tiền của em vào mua cho ý nghĩa.
Cậu ấy trợn tròn mắt rồi gãi hết tai lại tóc nằng nặc không nhận. Mình nói cứ nhận đi, không phải ngại, thời buổi này kiếm được người như em khó lắm, nên chị quý.
Cậu ấy mới bẽn lẽn cầm tờ 200, chị cho thì em xin chị 200 thôi, tiền xe của chị hết 40 nghìn, em xin chị số còn lại, em không dám xin nhiều hơn.
Vợ chồng em hơi vất vả hơn nhưng vẫn đủ sống chị a. Em chào chị em đi đây
Cậu ấy cầm tờ 200 nghìn rồi chạy xe tiếp.
Cảm ơn cậu ấy, vì một buổi chiều thật đau đầu, tranh tranh đấu đấu tiền bạc, quyền lợi.
Nhưng mà hoá ra ngoài kia, vẫn còn rất nhiều điều tử tế.
Ông trời ko lấy đi của ai cái gì bao giờ.
Vợ của cậu xe ôm có thể là người đàn bà bất hạnh thật, nhưng ông trời bù đắp cho một người đàn ông, một người chồng như vậy, thì suy cho cùng cũng không uổng công một kiếp đàn bà .

Ha Nguyen sưu tâm
Ảnh sưu tầm

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Thư của bồ gửi cho vợ.



Thưa bà! Dù chúng ta có vô cùng xung khắc, chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm: Chồng bà là đàn ông. Mà đàn ông thì sao? Ðàn ông thì ham thích nhiều thứ. Ham thích đến mãnh liệt. Và, bà đừng dấu em, bà hãy công nhận rằng, phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó. Ông thì thích máy móc, ông thì thích kiến trúc, ông thích vật lý và hóa học, ông dại hơn một chút thích thơ văn. Toàn những ham thích có lợi cho xã hội. Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ. Nếu gà chỉ thích giun, bò chỉ thích cỏ tươi hay thỏ chỉ thích củ cải thì đàn ông lại thích đa dạng. Chuyện ấy trong đá bóng, trong ẩm thực, trong bia bọt không sao, nhưng trong vấn đề phụ nữ, tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối.
Bà thân mến, Em tin rằng, bà có rất nhiều ưu điểm. Sở dĩ em quen với ông là do ông ấy thông minh chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn. Và, một người thông minh không khi nào chọn vợ quá kém. Thậm chí, bà không quá kém, bà còn rất nổi bật ở nhiều phương diện.
Theo như ông tiết lộ một cách đầy thành kính, bà nấu ăn ngon, bà rửa bát sạch, bà lau nhà bóng và bà đi chợ rẻ. Bà còn đối xử tốt với chó, mèo. Em xin thú thực, tất cả các phương diện đó, em đều thua bà. Khi em nấu món canh, ai cũng nghĩ là món xào. Khi em rửa bát, tốt nhất lúc dùng nên rửa lại. Khi em lau nhà hay quét nhà, em để cái đống rác chỗ nọ chỗ kia. Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm. Còn chó mèo, em chỉ nuôi chúng trong tranh. Nhưng ông vẫn thích em. Tiện đây xin tiết lộ: thời gian thích không hề ngắn, cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp. Bà kinh ngạc. Bà không tin ư? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà, vẫn ăn cơm tối, vẫn lịch sự với bà. Bà cảm giác chả có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng, canh gác và tuần tra.
Bà nhầm. Em xin phép không đi vào chi tiết. Em chỉ nói một cách văn học rằng, không có gì ngăn cản được con tim. Nhất là một con tim già lao về một con tim trẻ. Như trên đã nói, em thua bà về một tỷ thứ. Ðúng một tỷ thứ, chả bớt phần nào. Nhưng, em lại hơn bà hai tỷ. Bà sẽ gầm lên. Bà sẽ quát: hơn ở chỗ nào?
Thưa bà, những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẩn. Em thành thật tin thế. Nhưng đàn ông, tiếc thay, lại không tin. Em biết chớp chớp mắt. Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người. Em biết đánh vào lưng ông, hay đánh ở chỗ thấp hơn, vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chỗ khác. Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn.
Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích. Em tin ông là vô địch về trí thức, về thể thao, và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm. Mỗi lời nói của ông, với em, đều là chân lý. Em khâm phục khi ông uống bia. Em kiêu hãnh lúc ông châm thuốc lá. Em ngồi nép mình khi ông tụ tập. Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya. Và, quan trọng nhất, thưa bà, da em trắng, eo em nhỏ, môi em đỏ và chân em chả khác chân dài. Em mặc váy hồng, em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp. Nước Pháp chắc bà cũng biết, họ vô địch về các loại dầu thơm.
Khi ở bên ông, em không ngốc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ. Chúng em không hề bàn về tiền bạc. Hai người đều mơ tới ánh trăng, tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời. Hai người có thể xung đột vì một bài thơ, giận dỗi vì một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách (trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm, cãi nhau vì hoá đơn tiền điện và ra khỏi nhà vì chậu quần áo chưa phơi).
Thưa bà, Ðấy, em tới ông, ông tới em là như thế đấy. Nó thanh cao thì em không dám nói, nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu. Em xin bà hãy mừng vì điều đó. Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang. Bà hãy tự an ủi như thế. Tại sao em viết thư này? Tại vì em xin trả lại ông cho bà. Chúng em nhất trí cái gì đẹp thì phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài. Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chỗ này, và bà không biết được. Xin bà hãy dang tay đón ông về. Em lấy danh dự thề rằng, ông không sứt mẻ quá nhiều, đơn giản vì ông có còn nhiều đâu mà sứt mẻ. Bà hãy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiểm trở lại nhà. Cần chở che và sẵn sàng che chở. Em đi đây. Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi. Bà đừng trách em. Bà cũng đừng tự trách mình. Khi em bằng tuổi bà, em cũng chả hơn gì bà đâu. Chúc bà vui khoẻ.
❤️Thư của bà vợ gửi cho bồ của chồng.
Thưa cô. Tôi đã đọc thư cô một cách bình tĩnh. Đúng như cô nói, ở tuổi tôi và địa vị tôi, sự bình tĩnh luôn luôn có thừa. Này cô. Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên. Đó là cảm giác đầu tiên, và thành thật với cô, nó hơn cả cảm giác căm phẫn.
Vì sao vậy?
Thưa cô, vì tôi tin chắc rằng lão (hãy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng cô nhỉ) đã đuối sức rồi, nói một cách chắc chắn, một cách không có gì phải bàn cãi cả. Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật đuợc từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế.
Cô nhầm thảm hại quá cô ơi! Quả thật lão là cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần một cô gái có trí tuệ siêu việt gì. Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm. Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lại sự hoang tàn. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ dại của cô mới không nhận ra điều đó. Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.
❤️Thư của ông chồng gửi cho vợ và bồ nhí.
Hai bà thân mến! Tôi đã đọc thư của bà nọ gửi cho bà kia. Tại sao tôi đọc được ư? Tại vì khi các bà cả đời theo dõi tôi, rình rập tôi, chả lẽ không có phút nào tôi theo dõi lại. Đọc xong hai bức thư, tôi hơi buồn. Dù cố tỏ ra lịch sự, để xứng đáng với bản thân mình và xứng đáng với tôi, nhưng các bà vẫn vênh váo và công kích lẫn nhau. Bà nọ coi thường bà kia, cho bà kia là nạn nhân của mình.
Thưa các bà; Có một điều chắc chắn hai bà không chịu hiểu: chính tôi mới là nạn nhân của hai bà. Cả thể giới biết điều đó. Cả nhân loại tiến bộ lên án điều đó. Ai, nếu không phải hai bà, chỉ sau mười mấy năm, đã biến một chàng trai khỏe mạnh, đầy nhiệt tình, đầy sức sống như tôi thành một ông tuy chưa già (còn lâu tôi mới già) nhưng gầy yếu, còm nhom, sợ sệt? Ai, nếu không phải hai bà, có lúc từng người một, ngày đêm tra khảo tôi, ép uổng tôi, vùi dập tôi?
Trong công cuộc tàn phá đời tôi, hai bà có rất nhiều điểm chung: cùng nấu ăn dở, cùng mua cho tôi những chai bia dở và cùng bắt tôi đi coi những bộ phim dở. Nhưng hai bà, mỗi người đều có những đặc điểm riêng ghê rợn. Bà đầu tiên thích xuất hiện trong nhà với bộ đồ nhàu nát, với tóc rối bù cùng với đôi dép chiếc nọ chiếc kia. Bà sau này xuất hiện nơi công cộng với quần soóc chật căng, với áo thủng ở lưng cùng với mắt xanh viền đỏ. Cả hai thứ ấy đều giết tôi, đều nện tôi chí tử về mặt tinh thần.
Nếu bà thứ nhất sểnh ra lại chạy tót sang hàng xóm, nghe thiên hạ kể về chồng thiên hạ, sau đó tự khai báo về chồng mình, thì bà thứ hai sểnh mắt ra là phóng thẳng tới quán cà phê, nghe thứ nhạc cả thiên hạ nghe tuy chả đứa nào hiểu được câu nào.
Nếu bà thứ nhất đay nghiến tôi bao giờ về thì bà thứ hai hỏi tôi bao giờ đi. Nếu bà thứ nhất kêu rằng tiền điện, tiền ga đã tăng thì bà thứ hai than son môi và phấn hồng sao không giảm giá. Nếu bà thứ nhất khảo tôi về tiền lương thì bà thứ hai khảo tôi về quà tặng.
Cả hai bà, trong một phạm vi nào đó, đều lái tôi và đối xử với tôi như thể tôi là giám đốc nhà băng. Cho nên không lạ gì, cho tới tận phút này, nhiều lúc tôi ngạc nhiên là mình còn sống. Hoặc mình chưa ngồi trên chiếc xe lăn. Nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng, cái giờ phút đó cũng chả còn xa nữa.
Đọc tới đây, chắc hai bà sẽ hỏi: Khổ như vậy sao ông (bà thứ nhất gọi ông) và sao anh (bà thứ hai kêu anh) vẫn đèo bòng?
Khổ quá. Câu hỏi đó, chính tôi cũng thường tự hỏi mình. Và tôi cũng mang ra hỏi bạn bè tôi, tức mấy gã đàn ông khác. Số phận của chúng cũng chả hơn gì. Và bọn tôi đành kết luận thế này: cái kiếp đàn ông nó thế!
Nhân đây cũng nói luôn, kiếp đàn ông thật ra là kiếp vô cùng khổ cực. Nhiều khi chả khác nào con ngựa, con trâu (chẳng hề được như con dê mà dân gian vẫn nói). Đàn ông sinh ra là để đàn bà lợi dụng, bóc lột (đôi khi bóc lột còn thô bạo hơn cả cướp bóc), đè nén và hành hạ. Đàn ông sinh ra là để đàn bà sai đi mua đồ, sai lái xe, sai trả tiền, sai đón con, sai luôn cả việc đi ngủ.
Trong cái bể khổ mênh mông, bao la đó, sự khổ vì bồ nhí cũng chả nổi bật bao nhiêu. Nó chỉ được gom chung vào nỗi khổ vì các bà. Đã là các bà thì một bà, hai bà hoặc ba bà cũng thế thôi!
Hai bà thân mến, Giờ đây tôi đã tỉnh ra rồi. Tôi xin hai bà tha cho. Tôi không còn sức nữa. Kể từ giờ phút này tôi là một gã trai vô hại. Từ bỏ mọi mưu mô. Tôi ăn cơm nhà, tôi ngủ giường nhà. Tôi nuôi một vài con chim, mua vài hòn non bộ, sắm mấy giò phong lan. Tôi mở tivi xem tiết mục Thầy thuốc gia đình. Tóm lại, tôi hoàn lương toàn diện.
Hai bà đừng xỉa xói nhau nữa. Đừng so bì nhau nữa. Tôi đã đầu hàng. Tôi đứng giữa hai phe. Tôi xin ngừng bắn. Bà nào định đi đâu, cứ đi. Bà nào đang ở đâu, cứ ở. Tôi cũng thế. Tôi xin một phút bình yên. Tha cho tôi đi nhé...
AChi st.


LA VALSE DANS L'OMBRE
(Vũ điệu trong bóng mờ)
Hồi trước phim chiếu ở miền Nam thập niên 60 phần lớn được chuyển âm tiếng Pháp và phụ đề Việt ngữ. Phim La valse dans l'ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) cũng vậy. Thật ra đây là phim Mỹ với tựa đề là Waterloo Bridge (Cầu Waterloo)
Phim được đóng bởi hai diễn viên chính là minh tinh màn bạc Vivien Leigh trong vai Myra Lester, một vũ công ballet xinh đẹp và anh chàng đẹp trai Robert Taylor trong vai Roy Cronin, một sĩ quan quý tộc của Hoàng gia Anh. Phim do đạo diễn Mervyn LeRoy thực hiện.
Vivien Leigh đuọc biết đến nhiều qua vai diễn chính Scarlett O'Hara trong phim Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind), một người đẹp Miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến. Còn Robert Taylor cũng rất nổi tiếng, từng đóng cùng Elisabeth Taylor trong Ivanhoe. Với thể hình hoàn hảo ông thường thích hợp đóng các vai sĩ quan trong chiến tranh.
***
Bối cảnh phim diễn ra năm 1914 khởi đầu Thế chiến thứ nhất khi một nhóm các cô vũ công đang tìm chỗ ẩn núp tránh bom đạn, Đại úy Roy và Myra đã gặp nhau trên cầu Waterloo bắt qua dòng sông Thames và dưới hầm trú ẩn.
Roy xuất hiện đúng lúc. Tình yêu đến với họ thật đột ngột nhưng rất cháy bỏng. Họ bắt đầu yêu nhau và hẹn nhau đến vũ trường Candlelight vào dịp cuối năm. Ở đây họ cùng nhau khiêu vũ tuyệt đẹp trong tiếng nhạc du dương. Rốt cuộc nhạc công chơi bản Auld Lang Syne và ngọn nến cuối cùng cũng được tắt đi để nụ hôn của họ càng thêm thắm thiết. Có thể nói đây là những nụ hôn diễm lệ nhất của màn bạc thời ấy.
Bài hát Auld Lang Syne mà lứa tuổi thất thập và già hơn chút nữa ai cũng biết, đó là bản nhạc truyền thống của Scotland được phổ nhạc từ bài thơ của Robert Burns. Hồi nhỏ thường nghe lời hát rong phiên dich tào lao rất buồn cười: " Ò...è... Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng..." Tuy vậy lời hát rong ngộ nghĩnh này cũng đã gần gũi với ai đó từng sống qua hai thế kỷ.
***
Cuộc vui chưa dứt, bỗng có lệnh gọi Roy phải nhanh chóng trở lại tiền tuyến. Myra đau khổ đã bỏ ngang việc trình diễn của mình để đến nhà ga tiễn đưa Roy, nhưng nàng đến chậm. Nàng chỉ biết đứng đó tuyệt vọng đẫm nước mắt nhìn theo đoàn tàu đang chuyền bánh.
Trở về nàng bị đuổi khỏi đoàn vũ ballet vì kỹ luật. Myrna và người bạn thân là Kitty rơi vào cảnh khó khăn nghèo túng. Một hôm nàng đọc tin đăng trên báo Roy đã tử trận. Đau khổ cùng cực, tâm thần bấn loạn và hoàn toàn suy sụp. Từ đó nàng buông thả dấn thân vào con đường truy lạc, trở thành gái làng chơi, hằng đêm đón khách trên cầu Waterloo, trở thành nàng Kiều chốn ăn chơi hoa lệ Luân đôn.
***
Năm sau nàng gặp lại Roy trên cầu. Thì ra danh sách báo tin đăng trên báo đã ghi tên chàng là một sự nhầm lẫn. Họ gặp lại nhau trong nỗi bàng hoàng chua xót. Nhưng tình yêu của họ quá lớn không vì bất cứ lý do gì có thể chia cắt được.
Roy đưa nàng về Scotland bên cạnh gia đình mình mong tình yêu được tiếp diễn trong cuộc đời mới và bên nhau đến mãn đời.
Nghĩ về gia thế quý tộc và sự nghiệp của Roy, Myra cảm thấy mình không còn xứng đáng nữa, nàng đã thú nhận dĩ vãng tì vết của mình với mẹ chàng, ghi vội lá thư để lại cho Roy vài câu từ biệt rồi bỏ về Luân đôn.
Roy và cô bạn Kitty của nàng đã cố tìm kiếm khắp nơi ở Luân đôn nhưng Myra khốn khổ đã cố tình lẫn tránh nên tin tức về nàng vẫn bặt vô âm tín.
Vào một đêm mù sương và giá lạnh Myra thân xác tiều tụy lang thang thất thểu trên cầu Waterloo, nàng đã buông mình vào đoàn xe nhà binh đang chạy nhanh qua. Myra ra đi! trên mặt cầu chỉ còn lại chút kỷ vật Roy đã tặng nàng ngày nào.
***
Roy và Myra bắt đầu gặp gỡ yêu nhau rồi kết thúc và vĩnh viễn chia xa đều ở ngay trên chiếc cầu định mệnh này, cầu Waterloo!
Một chuyện tình rất đẹp và lãng mạn làm người xem rung động ngưỡng mộ nhưng hồi kết lại quá bi thảm, nghẹn ngào đến chua xót bởi sự quyên sinh nghiệt ngã của Myra.
Chiến tranh cũng là thủ phạm chính gây biết bao đau thương mất mát và làm chia ly những cuộc tình khiến lòng người ta ngậm ngùi thương cảm.
04/12/2023.
Văn Quế Nguyễn

Hình tác giả:Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

CÔ GÁI BÁN DON
Tác giả:Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Đến định cư tại miền Bắc California Hoa Kỳ hơn nửa năm, bỗng một hôm, tôi nhận được cú điện thoại của Thung từ Texas gọi qua. Thung là bạn học, cũng là chiến hữu của tôi ngày xưa. Hắn đề nghị gởi vé máy bay mời tôi qua Houston chơi. Nhân tiện thăm viếng khu vực dễ làm ăn và giá nhà cửa cũng dễ thở hơn nhiều so với San Jose. Tôi đồng ý. Một tuần lễ sau, một vé máy bay và một cái check 300 Mỹ kim trong bì thư gởi đến. Đây là một món quà khá hậu hỉ ở đất lạ quê người. Ba ngày sau, tôi lên máy bay của hãng Continental Airlines đi Texas. Bay suốt bốn tiếng đồng hồ, chiếc Boeing mới hạ cánh xuống phi trường Houston. Thung đón tôi tại lối ra của khu hành khách. Lần gặp nhau cuối cùng ở quê nhà vào năm 1973, tại Đại Học CTCT Đà Lạt. Ngày ấy, trông hắn rắn rỏi, khuôn mặt sạm nắng mà hôm nay, sau mười sáu năm định cư tại Mỹ, hắn hoàn toàn lột xác. Nước da trắng hồng đỏ au, cái bụng căng tròn, dáng người bệ vệ trông “rất ông chủ”. Mà chủ thực. Thung làm chủ cái chợ bán đồ biển. Vợ và con quản lý còn Thung lo chạy vòng ngoài.
Ngày hôm sau Thung đưa tôi đến thăm cơ sở làm ăn của gia đình. Nào phòng mạch nha sĩ của đứa con trai đầu lòng, phòng dịch vụ về bảo hiểm của đứa con gái. Sau đó Thung mời tôi đi ăn trưa.
Nhà hàng có tên Cổ Lũy Restaurant tọa lạc tại khu sầm uất nhất của người Việt và Hoa tại thành phố Houston. Vào giờ xế trưa, nhà hàng vắng khách nên chúng tôi chọn chiếc bàn đặt gần quầy thu tiền. Người bồi bàn trao cho chúng tôi bản thực đơn. Cái tên Cổ Lũy nghe quen thân quá. Tôi nghĩ, có lẽ chủ nhà hàng là người Quảng Ngãi. Bởi Cổ Lũy là tên một cửa biển từ hai dòng sông Trà Khúc và Sông Vệ nhập vào. Nơi đây thuyền bè tấp nập ra vào bến tàu Phú Thọ. Trong tờ thực đơn có món “Hến xúc bánh tráng”. Nhìn thấy hến mình lại nhớ đến món don. Chẳng cần xem tiếp tờ thực đơn, tôi gọi ngay một tô don. Cô bồi bàn giọng miền Nam nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
– Don là món gì vậy, nghe lạ quá hỡ ông? Thực đơn nhà hàng này không có món đó.
– Cái món “Hến xúc bánh tráng” trong thực đơn có ghi, tại sao lại không có món don ?
Tôi vừa cự nự (kiểu Quảng Ngãi hay co) vừa chỉ cho cô chạy bàn cái món ruột hến, rồi tiếp:
– Nếu không có don thì cho tôi cái món số 15 này.
Cô gái bồi bàn đi vào bếp. Ngay sau đó, một phụ nữ đứng tuổi ăn mặc sang trọng từ quầy thu tiền đi thẳng đến bàn chúng tôi. Bà có mái tóc ngắn làm nổi bật khuôn mặt trái soan đầy đặn với làn da trắng mịn. Thung khều chân tôi nói nhỏ : “Bà chủ”
– Chào hai anh. Người đàn bà nở nụ cười thân thiện.
– Chào bà chủ, Thung đáp lễ.
– Vị nào thích món don ? bà chủ tươi cười hỏi.
– Thưa bà, tôi ạ.
– Xin lỗi, anh người quê Quảng Ngãi ?
– Tại sao bà biết ?
– Tôi chỉ đoán thôi, bởi vì chỉ có dân sống tại Quảng Ngãi mới thấy thích thú món don. Thế bà cũng là người Quảng Ngãi, đúng không?
– Anh nghĩ sao mà đoán ra thế?
– Chỉ nhìn cái tên hiệu Cổ Lũy của nhà hàng là biết ngay.
– Nầy ông anh, trước kia ở Quảng Ngãi, anh sống ở huyện nào vậy?
– Tôi ở thị xã, trên đường Quang Trung.
Ngã Tư Chính Quảng Ngãi
Người đàn bà nhìn tôi một chặp lâu rồi quay vào bên trong nhà hàng. Lát sau, món ăn được bưng ra. Một tô bún chả cá cho Thung và một dĩa ruột hến xúc bánh tráng cho tôi. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại mùi hến. Hến ở quê nhà ruột nhỏ, dai và thơm. Còn hến đóng hộp nhập cảng con lớn, mềm lại mất hết mùi vị. Ngày xưa, mỗi lần đi Huế, tôi nhất định phải ăn cho được một lần cơm hến. Đi đâu xa trở về Quảng Ngãi, tôi không thể nào quên ăn một bữa don cho đã cơn ghiền.
Cô bồi bàn bưng hai ly nước cam vắt đến bàn chúng tôi nói của bà chủ mời, có kèm theo một tấm danh thiếp trao cho tôi. Mặt sau danh thiếp là chữ viết của bà chủ nhà hàng mời riêng tôi đến nhà vào chiều Thứ Bảy. Đặc biệt, bà khoản đãi món don do bà nấu. Phần dưới là số phone và địa chỉ nhà riêng. Trên đường về, tôi hỏi Thung:
– Cậu nghĩ sao cái trường hợp lạ lùng này ?
– Ở quê người, nhớ cố hương, gặp người Việt đã mừng rồi huống chi lại là đồng hương Quảng Ngãi. Bà ấy mời cậu đến nhà có lẽ để hỏi thăm tin tức bà con ở quê nhà. Cứ nhìn dáng dấp bà ấy với cái cơ ngơi nầy là cậu hiểu ngay bà ta là dân trụ ở đây khá lâu. Biết đâu cơ may đem đến cho cậu công ăn việc làm ở thành phố này. Bạn tôi suy luận như thế. Riêng tôi, vì lạ đất lạ người nên có phần bồn chồn, áy náy.
hến xúc bánh tráng
Hương vị của món hến xúc bánh tráng làm tôi nhớ đến kỷ niệm ngày mới lớn nơi quê nhà. Tôi từ trên quê xuống tỉnh học, ở trọ nhà người chị thứ Tư trên đường Quang Trung Thị xã Quảng Ngãi. Anh chị dành cho tôi căn phòng trên căn gác lửng. Có ban-công nhô ra làm mái hiên cho tầng dưới. Thông thường mỗi sáng, tôi thức dậy học bài rất sớm. Đường phố vẫn còn sương mù vướng mắc đó đây. Hàng cây bên đường trĩu nặng những hạt sương khuya, dấu kín bóng đêm trong vòm lá sum sê. Khi chân trời vừa rựng đỏ khuất sau hàng tre hướng Đông, là tiếng rao hàng ăn buổi sáng bắt đầu râm ran trước đường nhựa. Nào xôi, bánh bột lọc, cháo gà, bánh canh, bánh mì… đủ các loại hàng ăn vặt, và cũng đủ các loại âm thanh. Tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng hơi khàn, giọng Huế, giọng Bắc, giọng Nam… Duy có tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..o.. ông” là khiến tôi để ý. Tiếng “ho..o..o..ông” sau cùng kéo dài không đủ hơi chứng tỏ người rao hàng không phải giọng của người đứng tuổi. Tiếng rao nghe lánh lót như chim non mới tập hót, âm điệu ngây thơ rời rạc. Tôi ngồi học mà vẫn để ý đến tiếng rao bán don vang lên trước nhà. Tiếng rao như bị sương lạnh buổi sáng sớm làm đông lại không thoát ra được, nó nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút mất ngoài xa.
Một hôm, tôi đang đứng tập mấy động tác hít thở trên ban-công, chợt tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” quen thuộc vang lên phía dưới đường. Tôi vạch bức mành nhìn xuống thấy một người con gái mặc chiếc áo bà ba trắng thân hình mỏng mảnh với gánh don trên vai.
“Ê don”, tôi gọi cô nàng đứng lại rồi vộï vàng xuống thang gác.
Gánh don đã được đặt trước hiên nhà, nàng đứng đó chờ tôi mở cửa.
– Anh ăn don? Nàng hỏi khi tôi nhẹ nhàng lách mình qua cánh cửa sắt. Là một cô bé ước chừng mười mười bốn, mười lăm. Mái tóc vừa chấm vai che một bên khuôn mặt trái soan còn măng tơ. Tôi nhìn vào ngực cô bé, đôi nhũ hoa hồng hồng như hai núm quả cau nhú bên trong làn vải mỏng không áo lót, khiến cô bé cúi mặt thẹn thùng. Bạn học của tôi, những cô nữ sinh cùng cỡ tuổi đã bắt đầu chưng diện se sua, áo ngoài áo trong, phần trên phần dưới đủ cả, không khác chi người lớn. Còn cô bé, với chiếc quần đen, áo bà ba trắng mộc mạc nổi bật nét đẹp của người con gái chân quê.
– Anh ăn don?
Cô bé nhắc lại lần nữa, tôi sực tỉnh trả lời :
– Không ăn don, kêu cô lại làm gì?
Cô bé chợt hiểu nở miệng cười chữa thẹn khoe hàm răng trắng đều như những hạt bắp nếp. Nụ cười hồn nhiên khiến người đối diện cũng thấy lòng dạt dào, xao xuyến. Cô bé hai tay thoăn thoắt múc don. Mùi don thơm nồng pha chút hương biển từ ui don bay lên ngào ngạt. Cô bé trao cho tôi tô don còn bốc hơi cùng với chiếc bánh tráng nướng và hai trái ớt xiêm tươi xanh. Ăn don đâu cần phải bàn ghế. Tôi đặt bát don xuống nền xi măng, bẻ bánh tráng bỏ vào tô giằm luôn hai trái ớt. Nước don ngọt và béo. Cái ngọt độc đáo không phải vị ngọt của thịt, cá mà vị ngọt rất đậm đà hương vị quê hương. Lại thêm vị nồng cay của ớt, mùi thơm của bánh tráng nướng nó quyện vào lưỡi, ngấm vào chân răng, kích thích tận cùng tế bào vị giác. Nước don nuốt tới đâu ấm tới đó. Trời lạnh mà ta ăn don vào buổi sáng thì mới thưởng thức được hết cái thú ăn don ở quê nhà. Miếng don cuối cùng để lại trong miệng, trong cổ của ta vị ngọt ngọt, cay cay, nồng nồng, béo béo quyến rũ lạ kỳ. Nó khiến người ăn don không muốn dừng ở tô thứ nhất.
Tôi ăn ngon lành. Miệng hít hà vì ớt cay. Cái lưỡi tê tê mùi cay nồng của loại ớt xiêm vô cùng hấp dẫn làm cho nước mắt nước mũi tuôn ra. Nhìn cách ăn rất thật tình của tôi, cô bé cứ che miệng cười. Một tô, hai tô rồi ba tô. Cô bé trợn trừng đôi mắt, đôi mắt bồ câu đen lay láy. Cô kêu lên :
– Coi chừng bể bụng đó, anh Hai !
Ô, lần đầu tiên tôi được một người con gái gọi bằng anh. Anh Hai. Mười sáu tuổi, học lớp đệ Tứ rồi đấy nhé. Thế mà cha mẹ, anh chị cứ gọi tôi là Út Đẹt. Mẹ tôi thường nhắc chuyện hồi tôi còn nhỏ. Đã bốn, năm tuổi rồi mà vẫn còn bú và ăn cháo. Các bà chị tôi chế nhạo hoài mỗi lần tôi ôm vú mẹ. Chị Hai tôi hay trách mẹ tôi nhiều nhất :
– Mẹ ơi, mẹ cưng chiều nó quá làm sao nó thành người lớn. Mẹ tôi cười, nhỏ nhẹ bảo :
– Các chị lớn cả rồi còn em nó út ít mà”. Chị tôi bực mình bảo:
– Chừng đó tuổi mà chưa chịu dứt sữa. Chẳng lẽ đến khi đi học, mẹ phải mang vú đến trường cho Út sao?
Chị Hai nói xong bỏ đi. Mẹ vò đầu tôi, tóc còn ướt nhẹp mồ hôi, âu yếm :
– Giàu út ăn, khó út chịu, Mẹ có sữa con nhờ.
Cái hòn đá bàn dưới bến sông, nơi để giặt áo quần là chỗ ngủ của tôi trong những buổi trưa hè. Nền nhà lót gạch trước bàn thờ là giường ngủ của tôi trong những đêm nóng bức. Các chị tôi thường hay đùa cợt:
– Thằng Út cứ ăn chay nằm đất kiểu nầy, lớn lên nó trở thành thầy chùa là cái chắc.
học sinh
Tôi là đứa con thứ bảy trong gia đình. Những tá điền, người làm cho cha mẹ tôi đều gọi tôi là cậu Bảy Út. Thế mà bác Tám Đang ở xóm dưới dám đặt cho tôi biệt danh “Bảy Thưa” chỉ vì mấy cái răng cửa của tôi mọc hơi sưa một chút. Cái thân hình của tôi hồi đó mỏng như thân con nhái bén. Da dẻ sần sùi khô khốc bởi suốt ngày cứ để lưng trần chạy ngoài nắng. Mỗi lần bạn bè rủ tôi đá banh trên ruộng lúa mới cắt, chúng nó cứ la oang oang cái tên “Bảy Thưa” nghe chẳng đẹp tý nào ấy:
– Ê, Bảy Thưa đưa banh qua cho tao. Nào, Bảy Thưa banh đây sút vào…
Tức lắm, tôi bèn ra một điều kiện:
– Nếu bọn bay còn gọi cái tên “Bảy Thưa” nữa là tao bỏ chơi. Nhóm thằng Thới xóm Thọ Đông đang chiêu dụ tao đó. Liệu hồn!…
– Nầy cô bé, sao không múc tiếp một tô nữa?
– Anh à, em chưa hề thấy người nào ăn đến ba tô don mà còn kêu thêm nữa, ăn no quá mất ngon, thôi để ngày mai nghe anh,
Tiếng “nghe anh” của cô bé sao mà êm đềm quá, ngọt ngào quá. Bỗng nhiên tim tôi đập rộn ràng. Tôi muốn hỏi tên cô bé nhưng cứ ngại ngùng, đành phải móc tiền ra trả. Cô bé đi rồi, tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” đã văng vẳng ngoài xa mà tôi vẫn còn đứng nhìn theo thẫn thờ. Sáng hôm sau, cô bé cất tiếng rao hàng rồi đặt gánh don trước hiên nhà chờ đợi. Tôi lại vội vàng mở cửa :
– Nầy, đằng ấy tên gì vậy ?
– Em tên Thuyền
Cô bé trả rồi dạn dĩ nhìn tôi hỏi:
-Thế còn tên anh ?”
– Hạo. Hạo, cái tên lạ quá ! Cô bé nhắc lại tên tôi rồi cười bẽn lẽn. Đôi tay Thuyền múc don lẹ làng, vén khéo không hề rơi rớt. Tôi để ý lần này, cô bé đem theo một cái tô cỡ lớn hơn, khác hẳn với những cái tô khác chồng trên miệng ui. Cô tự ý bẻ bánh tráng cho vào tô trước khi đổ don vào. Vừa làm cô bé vừa giải thích :
– Làm thế nầy don còn giữ được độ nóng, và hương don không bị loãng.
Cô bé trao tô don cho tôi, vô tình tôi đặt bàn tay chạm phải tay nàng. Bé cúi mặt thẹn thùng khiến hai tai nàng rựng đỏ, Thuyền bảo :
– Mỗi sáng anh ăn hai tô nầy là đủ rồi.
Từ đó, sáng nào tôi cũng ăn don của cô bé Thuyền. Thỉnh thoảng chị tôi mua ốc don tươi về nấu. Thông thường chị thêm vào nồi don cả thịt bằm, tóp mỡ, nhưng tôi ăn một cách lơ đãng chẳng thấy hấp dẫn tý nào. Chị tôi chế giễu :
– Thằng Út nó đâu có mê don, chỉ mê con nhỏ bán don.
Có lần tôi cố tình giữ bàn tay Thuyền bên dưới tô don, cô bé cứ để nguyên nhìn tôi với ánh mắt long lanh tình tứ.
Chặp lâu sau, nàng rút tay về hối thúc:
– Người ta thấy kìa, ăn đi kẻo nguội.
Thế là suốt mùa don, cô bé Thuyền ít có buổi sáng nào vắng mặt. Ăn hoài tôi đâm ghiền. Ngày nào Thuyền không đến là suốt ngày đó tôi thấy trống vắng lạ thường. Tôi nhớ hương vị của don, tôi nhớ khuôn mặt của Thuyền. Suốt ba tháng hè tôi không về quê lấy cớ học bài thi. Có lẽ nhờ ăn don mà thân thể tôi đẫy đà. Da dẻ tôi thêm hồng hào trắng mịn. Bà chị tôi phát giác sự “thay da đổi thịt” của thằng em út. Chị chế nhạo: “Nghèo nghèo, nợ nợ kiếm cô vợ bán don. Mai sau có chết cũng còn cặp ui”.
Năm đó tôi đậu bằng Trung Hoc Đệ Nhất Cấp, cha mẹ tôi cho tôi theo người anh họ vào Sài Gòn tiếp tục học. Tôi từ biệt Quảng Ngãi mà nghe lòng mình buồn tê tái. Tôi ra đi lúc trời chớm Thu, những cơn mưa đầu mùa đã làm cho nước sông dâng cao. Tôi còn nhớ lời Thuyền dặn: “Khi nào nước sông dâng cao thì don không còn nữa. Chừng ấy em sẽ không còn dịp gặp anh, chỉ còn biết hẹn anh vào mùa don tới đầu tháng Hai âm lịch”.
Biết như thế nhưng sáng nào tôi cũng trông tiếng rao của Thuyền. Tôi mong gặp nàng để nói lời từ biệt. Giờ phút chót ngồi trên xe đò mà tôi vẫn dõi mắt đợi chờ, hy vọng Thuyền xuất hiện. Khi xe chuyển bánh, mẹ và chị tôi mắt rưng rưng lệ nắm tay tôi từ giã. Tôi không cầm được xúc động đã òa khóc. Lần đầu tiên tôi xa mẹ xa chị, xa gia đình cách gần ngàn cây số. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn như đè nặng lên lồng ngực mình. Tôi thương mẹ, thương chị. Nhưng tình của tôi đối với Thuyền vừa nồng nàn vừa xót xa. Tôi xót thương vì cuộc sống của nàng quá lam lũ. Tuổi vừa lên ba, cha Thuyền đã tử nạn theo tàu đánh cá ngoài khơi khi bị cơn bão bất ngờ ập tới. Mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi Thuyền ăn học hết bậc Tiểu học. Mới chừng ấy tuổi mà phải từ giã ghế nhà trường, lăn lộn vào trường đời. Mẹ nấu don, Thuyền gánh bán dạo hàng ngày đi về trên mười cây số.
* * *
Những đêm đầu tiên ở Sài Gòn, tôi nhớ day dứt nụ cười rạng rỡ của Thuyền. Nhớ đôi bàn tay nhỏ nhắn của nàng run run trong bàn tay tôi. Nhớ đến hương vị thơm lừng của tô don với chất béo của ruột don trộn mùi cay nồng của ớt, mùi bánh tráng nướng, mùi hành lá tươi. Nó tổng hợp thành hương vị không có món ăn nào so sánh được. Don Quảng Ngãi chiếm lĩnh cương vị độc tôn đối với người dân Quảng Ngãi bởi nó là món ăn quê hương. Và đối với riêng tôi có pha cả mùi hương con gái của Thuyền.
mỏ than lộ thiên
Xa nơi chôn nhau cắt rún lần đầu, tôi nhớ nhất là những chuyến đi chơi với bạn bè trên núi Thiên Ấn. Sau một hồi leo giốc mệt bở hơi tai, khát nước khô cả cổ chỉ cần uống mấy ngụm nước giếng của nhà chùa là cơn mệt cùng mồ hôi tan đi hết. Có người bảo đó là nước của Tiên Phật độ trì. Một truyền thuyết kể rằng có một vị sư đến đào giếng này suốt cả năm trời, khi giếng có nước thì vị sư ấy biến mất. Ngôi chùa Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh núi có mặt bằng vuông vức, cao hơn mặt nước biển trên trăm mét, nhưng nước giếng trong và ngọt cung cấp cho chùa không bao giờ cạn. Quả là điều rất hiếm. Đây là “Đệ nhất thắng cảnh” của quê nhà có tên là “Thiên Ấn Niêm Hà” do quan Tuần Vũ Nguyễn Cư Trinh đặt tên trong mười hai bài thơ Đường Luật. Mỗi bài ca ngợi một thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Đứng trên đỉnh núi nhìn bao quát ta thấy dòng sông Trà Khúc óng ánh bạc uốn mình theo những lũy tre xanh đến tận cùng cửa Cổ Lũy trước khi nhập vào biển Đông. Nơi đây ta có thể thưởng ngoạn thêm “Đệ nhị Thắng cảnh” của quê hương, đó là “Cổ Lũy Cô Thôn” nằm im lìm nơi cửa biển, nước bủa mênh mông. Nhìn chệch qua bên trái là mũi Ba-Tâng-Gâng phơi mình với sóng bão đại dương. Để hồn trải rộng đến cuối chân trời, ta có cảm tưởng như người được thoát tục về nơi tiên cảnh. Kẻ nào có tham vọng, mang ý đồ đen tối mà đối diện với cảnh sắc nầy, trong thoáng chốc cũng tạm thời quên đi.
Vào những ngày sắp nghỉ Hè, tôi nhận được thư của chị tôi : “…Đầu mùa don năm nầy, con bé bán don trở lại. Sáng nào nó cũng đặt gánh don trước cửa nhà chị. Lâu lâu nó rao lên “Ai ăn don hông” rồi đứng đó đợi chờ. Người ta không biết nó đợi chờ ai, nhưng chị, thì chị đoán biết. Thời gian kéo dài cả tháng trời, chị thấy tội nghiệp nên thỉnh thoảng kêu don của nó cho cả nhà ăn buổi sáng. Đôi mắt nó thật buồn, cứ lén nhìn sâu vào trong nhà mà không dám hỏi. Một hôm, cầm lòng không được, chị cho nó biết là em vào Sài Gòn học đã gần một năm. Sau đó chị không còn thấy con bé bán don trên con đường nầy nữa…”
Đêm đó tôi nằm mơ nghe thấy tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..ông” như tiếng chim cuốc lẻ đôi khắc khoải gào khan suốt mùa Hè thương nhớ rồi cuối cùng chết khô theo con trống, chung tình. Thuyền ơi, hãy tha thứ cho tôi. Những rạo rực tình yêu đầu đời đã làm cho con tim em phải se thắt vì phân ly.
Rồi thời gian trôi qua, ba năm miệt mài đèn sách đã giúp tôi quên hình ảnh cô gái bán don ngày nào. Sau khi lấy xong bằng Tú Tài toàn phần, tôi về thăm Quảng Ngãi. Vào buổị sáng, tôi dậy sớm cùng chị tôi chuẩn bị về quê thăm cha mẹ. Đang xếp áo quần vào va-li chợt tôi nghe tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông”. Tôi vội vàng chạy ra ban-công gọi :
– Ê ! Cô bán don.
Tôi nhanh chân xuống thang gác mở cửa. Cô bán don đứng đợi dưới mái hiên nhà. Thoáng nhìn, tôi tưởng một thiếu phụ nào khác không phải Thuyền. Nhưng không, làm sao tôi nhầm lẫn được. Âm thanh tiếng rao của Thuyền như mọc rễ trong ký ức của tôi. Cũng thân hình mảnh khảnh đó nhưng cao hơn và già dặn hơn. Chính là Thuyền của ba năm về trước.Tôi hỏi:
Thuyền phải không? Nàng nhìn tôi đăm đăm, rồi những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tôi thấy loáng thoáng trên ngực áo nàng vết ố của những giọt sữa đã khô. Đứng sát vào Thuyền, tôi đặt tay lên vai nàng bảo:
– Em để gánh xuống đây, múc don cho anh ăn nhé.
– Không. Don em đã cuối mùa, gặp luồng nước bạc (nước lụt), em không bán cho anh đâu.
Nói xong, nàng đưa tay áo quệt nước mắt, trở gánh quay lại con đường cũ. Tôi đứng nhìn theo nàng mà nghe hồn trĩu nặng. Tôi cố lắng nghe tiếng rao “ai ăn don ho..o..ông” lần cuối cùng của Thuyền lẫn lộn với tiếng rao hàng khác nhưng tuyệt nhiên im lặng, chỉ còn sót lại hương don thoảng bay trong gió.
* * *
Chiều Thứ Bảy, Thung bỏ tôi trước căn nhà số 28… trên đường White Forge thành phố Sugarland. Căn nhà lầu ở khu mới xây khá đồ sộ. Vách tường áp gạch màu nâu đỏ trông thật mát mắt. Tôi đứng tần ngần một hồi lâu mới bấm chuông. Người phụ nữ ở quán Cổ Lũy hôm trước mở cửa, gục đầu chào rồi mời tôi vào khu phòng khách trang hoàng lộng lẫy. Bộ sô-pha da màu vàng nhạt choán cả một góc phòng. Chiếc TV cỡ lớn cùng dàn karaoke với hệ thống âm thanh chiếm trọn góc phòng đối diện. Bà chủ rót trà :
– Mời anh dùng nước, nàng trao tôi tách nước rồi tự giới thiệu:
– Tôi tên là Mary, chồng tôi là người Mỹ đưa tôi sang đây từ năm 1972. Xa quê mình lâu quá, nay gặp người đồng hương tôi mừng lắm. Và đặc biệt là dân ở Quảng Ngãi mà lại thích ăn don như anh.
– Bà ở huyện nào ? tôi tò mò hỏi :
– Huyện Tư Nghĩa xã Tư Nguyên.
Bà Mary nhìn tôi định hỏi tiếp điều gì, nhưng bà lại đổi thế ngồi, xoay người sang hướng khác bưng bình trà rót thêm nước vào tách cho tôi. Bà nói :
– Thôi, để lát sau mình nói chuyện tiếp, giờ mời anh dùng món ăn quê nhà kẻo nguội mất.
Tôi theo nàng đến phòng ăn. Mùi don từ trên bếp bốc hơi thơm lừng. Bà chủ nhà bưng hai tô don hơi lên nghi ngút đặt trên bàn có cả bánh tráng nướng, đĩa ớt xiêm và lá hành xắt nhỏ.
Bà tươi cười bảo :
– Đây là don chính hiệu từ Quảng Ngãi đấy nhé. Người ở ngoài tỉnh cứ hiểu lầm don là hến. Thực ra don và hến là hai loại ốc khác nhau. Ốc don dài, vỏ mỏng, ruột don có tua màu hồng thoạt trông như cái đuôi. Nước don ngọt và ít nồng hơn hến vì don chỉ sống nơi vùng sông nước lợ gần cửa biển. Tôi bưng tô don ăn ngon lành, ăn thật tình. Ớt cay, don nóng, tôi hít hà, nước mắt nước mũi chảy ra. Bà chủ nhà đưa tissues cho tôi với ánh mắt đầy xúc động. Một tô rồi hai tô, bà ngồi nhìn tôi ăn và khuyến khích thêm tô nữa nhưng tôi vỗ bụng lắc đầu từ chối. Nàng bảo :
– Anh sợ vỡ bụng đấy à?
Quảng Ngãi
Câu nói của bà chủ khiến tôi sực nhớ đến Thuyền, cô gái bán don thời tôi còn trung học ở Quảng Ngãi. Cô bé đã từ chối bán cho tôi tô thứ tư với câu : “Coi chừng bể bụng”. Tôi ngước nhìn bà Mary, tâm sự:
– Ăn don hôm nay khiến tôi nhớ đến kỷ niệm thời niên thiếu ở quê nhà. Tôi là khách ăn thường xuyên của cô gái bán don tên Thuyền. Tôi thương nàng và tội nghiệp hoàn cảnh cô ấy. Mới mười mấy tuổi đầu đã phải bỏ học thay Mẹ đi bán don dạo. Buổi sáng nào Thuyền cũng gánh don đến trước nhà tôi trọ học và chăm sóc tô don cho tôi như người chị lo cho em. Sau nầy tôi vào Sài Gòn học đã quên bẵng cô bé bán don. Ba năm sau trở về Quảng Ngãi, tôi tình cờ gặp lại nàng cũng với gánh don trên vai, nhưng cô bé đã trở thành thiếu phụ. Thuyền đã từ chối không bán don cho tôi còn bảo… Vừa nói đến đây, chợt bà Mary cướp lời tôi, lên tiếng :
– Em không bán cho anh đâu, don em cuối mùa lại gặp luồng nước bạc!
Bà chủ nhà đã nói lên nguyên văn câu nói của Thuyền ngày xưa, ẩn chứa sự trách móc giận hờn, khiến tôi giật mình sửng sốt. Tôi nhìn vào mắt bà Mary, hình như long lanh ánh nước. Tôi kêu lên:
– Thuyền phải không?
Thuyền ngày xưa không trả lời câu hỏi của tôi chỉ đưa tay áo lau dòng lệ. Mary bây giờ với giọng ngậm ngùi:
– Vâng, em là Thuyền của 37 năm về trước. Em đã nhận ra anh ngay khi anh cho biết chỗ ở trước kia là đường Quang Trung. Đó là con đường dạt dào hạnh phúc trên mỗi bước đi của em hồi đó, mà cũng là con đường mang đầy xót xa thương nhớ ngày anh rời xa. Thuyền đứng dậy đến ôm vai tôi :
– Cảm ơn anh đã cho em một tình cảm trân quý, dù là đối với một cô gái bán don nghèo hèn. Suốt quảng đời đen tối về sau này, tình anh là ngọn đèn thắp sáng cho em trong những đêm mịt mù sương tuyết. Hạo ơi – cái tên nghe lạ quá – ngày đó em đã nói với anh như thế. Nhưng sau nầy mỗi khi gặp những đau khổ chất chồng, chính cái tên Hạo trở nên thân thương sưởi ấm lòng em.
Tôi nắm lấy tay nàng, nói như một triết gia:
– Đời như một dòng sông, chuyển đổi không ngừng. Xưa kia Thuyền là cô gái bán don, ngày nay Mary là chủ một nhà hàng lớn nhất nhì ở đây. Chúc mừng em. Chúc mừng người đồng hương Quảng Ngãi đã nắm bắt được cơ hội vươn lên trên xứ người.
Sau buổi hàn huyên, Thuyền đưa tôi ra tận xe khi bạn tôi đến đón. Lên xe rồi, tôi thấy nàng còn quyến luyến nhìn theo, đưa mấy đầu ngón tay áp vào môi hôn. Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, chợt nghe hương don còn nồng trong hơi thở.

Sưu tầm
My Lan Phạm