a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

VI VU TRÀ VINH

 


Thuở nhỏ, nghe đến tỉnh Trà Vinh tôi nghĩ là xa lắm dù xem bản đồ thấy nơi này nằm sát quê hương của mình. Ngày trước người Sóc Trăng muốn đi Trà Vinh phải đi qua phía Vĩnh Long. Từ lâu đã có đường qua Trà Vinh từ hướng Cù Lao Dung nhưng đường rất khó đi lại phải qua hai đò trên sông lớn. Sau này khi có Quốc lộ 60, hai tỉnh thật gần nhau dù vẫn phải qua hai chuyến phà Đại Ngãi và An Thạnh. Sáng nay, tôi và anh bạn học cũ cùng vi vu trên chiếc xe gắn máy trở lại Trà Vinh chơi một chuyến.
Ở miền Tây, hai tỉnh kề cận này đều là tỉnh nông nghiệp có nhiều điểm rất giống nhau. Đặc biệt, đây là hai địa phương có đông bà con người Khmer. Bởi vậy, chúng tôi gặp ở đây rất nhiều ngôi chùa mái cong nằm lặng lẽ bên những hàng sao già.Tỉnh bạn có nhiều ngôi chùa Khmer rất nổi tiếng như chùa Ông Mẹt, chùa Hang, chùa Âng… Cảm giác rất gần gũi vì đó là hình ảnh rất quen thuộc từ thuở thơ ấu của tôi. Đi trên đường phố, gặp nhiều món ngon thời tuổi nhỏ: bún nước lèo, bánh ống, bánh dứa…Bún nước lèo Trà Vinh có khác với bên Sóc Trăng đôi chút vì nặng mùi mắm nhiều hơn. Bún nước lèo Trà Vinh chế biến từ mắm bồ hóc trong khi ở Sóc Trăng được sử dụng mắm cá sặc hay cá linh nên có mùi vị dịu hơn. Còn nhớ thời thanh niên tôi có anh bạn dân Tiểu Cần khẳng định Trà Vinh là nơi xuất phát món bún nước lèo chớ không phải ở Sóc Trăng hay Bạc Liêu như nhiều người vẫn nghĩ. “Quê tôi có bún nước lèo/ Món ngon thuần túy giàu nghèo đều ưa…”.
Đường phố ở Trà Vinh có rất nhiều cổ thụ. Cây cao bóng mát nắm lặng lẽ trong phố xá. Chạy xe trong thành phố, qua những con đường rợp bóng cây thật dễ chịu dù trời nắng gắt. Đây là nét độc đáo mà nhiều đô thị ở miền Tây không có được. Anh chủ quán cơm cho biết Trà Vinh có hơn 15.000 cây trong đó có gần 2.000 cổ thụ được quản lý rất tốt. Hèn gì, cây xanh ở đây nhiều quá, rất thơ mộng. Thật thích thú khi chạy xe trên đường, dãy phân cách là hàng cây cao, chuyện chỉ có ở Trà Vinh.Tôi có nghe người dân địa phương kể lại, khi mở rộng đường, chính quyền địa phương giữ lại hàng cây bên lề làm dãy phân cách thay vì đốn bỏ.
Bạn và tôi ghé Ao Bà Om. Đây là thắng cảnh của địa phương được nhiều người biết đến nhờ có nhiều cổ thụ có rễ cây nổi lên trên mặt đất với hình thù kỳ lạ. Nhớ mấy năm trước tôi từng đến đây, ao cạn nước đến trơ đáy làm mất đi vẻ đẹp vốn có từ lâu đời.
Trà Vinh có bánh canh Bến Có ăn khá ngon. Bánh tét Trà Cuôn rất nổi tiếng.Từ thành phố Trà Vinh, xuôi theo quốc lộ 53, vừa đến chợ Trà Cuôn sẽ thấy nhiều sạp bán bánh tét. Ở đây bán nhiều loại bánh cho khách hàng chọn lựa: bánh tét lá bồ ngót, bánh tét lá cẩm, bánh tét đậu xanh nước dừa, bánh tét chay… Có một đặc sản của địa phương đến đây ai cũng thích đó là dừa sáp Cầu Kè. Được biết, dừa sáp được trồng ở Giồng Cây Xanh thuộc huyện Cầu Kè từ hơn nửa thế trước. Trái dừa sáp bên trong ruột dày, phần sáp xốp như bánh kem. Nó chỉ được chú ý chừng hơn 10 năm trở lại đây. Dừa sáp ăn đúng cách phải nạo ra làm sinh tố thêm chút đường, sữa, đá bào.
Trước năm 1975, tên tỉnh được gọi là Vĩnh Bình. Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Kiên Giang- Hà Huy Hà khi viết về vùng đất này: “Về xứ Trà Vinh ăn bánh ống/ Thương màu lá dứa, áo thiên thanh/ Gió đưa hương bưởi vào hơi thở/ Thương xứ thương luôn gái Vĩnh Bình”.
Đêm ở Trà Vinh không mấy nhộn nhịp. Hơn 9 giờ tối đường phố đã vắng người. Đôi bạn đi dài theo con phố nhỏ. Sáng chúng tôi thức dậy sớm, trả phòng, chuẩn bị lên đường qua Bến Tre.Tạm biệt thành phố nhỏ dễ thương, hẹn một ngày sẽ trở lại.

Tuấn Ba



Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

VÀI TRÒ CHƠI NỮ SINH TIỂU HỌC QUÊ NHÀ NGÀY XƯA

 Cùng gợi lại cho nhau nghe những trò chơi thuở trước lúc còn ngồi trên băng ghế trường Nữ Tiểu học quê nhà. Thùng ! Thùng ! Thùng ! Tiếng trống vừa điểm vang, được lệnh thầy cô, như đàn ong vỡ tổ bay ra khỏi lớp, những lúc nghỉ nầy quả là một lối mở nút chai, giải tỏa sinh lực bị dồn ép trong giờ học vừa qua.

Với óc tưởng tượng phong phú, qua kinh nghiệm của thế hệ trước, bao trò chơi được bày ra nhiều cách, dụng cụ khác nhau, cá nhân tập thể và nhất là tùy theo thời tiết, trong hành lang trước lớp hoặc ngoài sân.Nước ta vốn nông nghiệp, tất nhiên trò chơi nhầm thích ứng với tập tục thói quen, vì từ công tác đồng áng chăn nuôi đến nội trợ, phụ nữ Việt luôn đều góp phần không nhỏ nên việc giải trí cho phái nữ cũng được phân định quan tâm. Trò chơi nào cũng có quy luật riêng và thường khởi đầu bằng cuộc thi xếp hạng. Khán giả không được « xía » vào, cổ vũ phê bình.

Trước hết, trò chơi thuần túy nữ sinh, luôn luôn ngồi chồm hỗm nầy là đánh búng tương đương lối chơi bắn đạn bắn kè của nam sinh thay vì hòn bi viên đạn cục kè, thường dùng toàn hột me khô.

 

Bắn kè-Bắn bi

 Đây cũng là lối tập bắn, luyện nhắm chính xác, khéo tay. Có hai lối chơi « búng chỉ », hột me đầu tiên do đối thủ chỉ định, và « búng gạch », dùng ngón tay trõ gạch giữa từng cặp hai hột me cấm không được chạm vào hột nào hết.

Đánh búng bằng hột me

 Cuộc thi mở màn là mỗi « lực sĩ » vận động viên để tất cả hột me vào lòng bàn tay, với « chưởng lực » vừa hất lên vừa lật úp bàn tay cho tất cả hột me rơi trên mu bàn tay, rồi lại hất lên cho hạt rơi trở lại vào lòng bàn tay. Nếu không hột nào rơi ra ngoài xuống đất gọi là « trụm », việc xếp hạng trước sau là do hạt rơi ra nhiều ít.Cách búng thường phải dùng hai ngón tay cái và trỏ chụm vào nhau, ngón cái búng ngang, ngó trỏ búng dọc. Khi búng, cổ tay bắt buộc phải sát đất, nếu di chuyển gọi là « búng hất » phạt, nhường phiên cho người khác.

 

 


Đánh búng

 Thật không dễ đâu vì luôn luôn phải ngồi chồm hỗm, dạng chân, xoay qua trở lại, nhắm thật trúng đích, phát pháo đúng mục tiêu mới thắng.Trò chơi nầy thường chơi trong hành lang hơn ngoài sân và có thể chỉ có hai hoặc nhiều người. Thú vị nhất là cuối năm, bạn bè hùn nhau hột me nhờ mẹ nấu chè hột me với nếp nước dừa thơm béo ngọt làm sao !Có dịp nhìn vào cập của nữ sinh dầy cộm, bạn khám phá không phải chỉ có sách vở bên trong mà còn có cả kho tàng giải trí nào giây, banh, hột, đũa, gia tài đầu tiên của tuổi học trò. Môn tiếp đây sử dụng cả toàn thân lúc ngồi khi đứng, đánh đũa hay đánh tên  với mười chiếc đũa tre và một trái banh.Thi xếp hạng là quay dưới đất ba chiếc đũa thành hình tam giác đủ to để có thể đặt đầu chiếc đũa vào trong. 

 

                                       

Đánh tên    

Đặc điểm là trước khi thực hành mỗi giai đoạn bắt buộc phải « chuyền » tức là vừa tung banh lên cao rồi vừa dùng hai tay xoay vòng bó đũa, tùy theo giao ước ban đầu, một hay nhiều vòng, cuối cùng tay nầy nắm bó đũa tay kia hứng bắt trái banh. Bước nào cũng do sự kết hợp giữa tung hứng banh và xoay vòng bó tên một cách nhịp nhàng chính xác.

Phần mở màn khởi đầu tuần tự lựa từng chiếc một, rồi hai cho đến mười. Kế đó là « nụm », một tay nắm giữa bó đũa, tay kia chạm luân phiên vào hai đầu bao nhiêu lần theo qui định. Rồi đến « nẻ », dùng một đầu bó đũa đập xuống đất, rồi quay sang đầu kia gây tiếng vang.

 

 

Đánh tên với trái banh,bó đũa
Trò chơi nầy đòi hỏi mắt phải tinh để theo dõi banh, ước lượng cao thấp, độ lệch. Còn phải tùy theo hướng gió, đất ẩm hay khô để tung banh theo ý. Tay không được ướt ảnh hưởng đến banh tên. Cử động nhịp nhàng, dễ dàng, dẻo dai xoay trở, linh động đứng lên ngồi xuống, chăm chú không phút lãng xao. Đây cũng thể hiện được nét chính các động tác đồng áng như bó mạ, đập lúa, sàng sải gạo, cấy trồng, truyền thống của dân mình 
« Nhảy giây » là trò chơi ngoài trời mà hầu hết nữ sinh thích dự. Có lẽ đây là trò chơi phổ biến nhất, nước nào cũng biết tuy căn bản vẫn giống nhau nhưng kỹ thuật nhảy thật thiên biến vạn hóa, lối luyện toàn thân càng ngày càng đòi hỏi nhiều sức lực hơn.

 

Nhảy giây

 

 


Dụng cụ căn bản chỉ cần một sợi giây sử dụng cho cá nhân hay phe nhóm tập thể, bằng nhiều thế xuôi, ngược, tréo trước sau. Hai tay nắm hai đầu giây, quay giây qua đầu, nhảy lên cho giây luồn dưới chân, nếu đạp lên dây là thua. Khởi sự quay vòng trước mặt là xuôi, sau lưng là ngược. Hai tay tréo lại gấp dây thành vòng nhảy qua cũng đòi hỏi lắm công phu. 

 Vận tốc cũng đáng kể, càng nhanh càng nhiều vòng nhiều điểm. Có thể dùng một sợi dây cho nhiều người tham dự, chia phe tiếp sức, tinh thần đồng đội được nâng cao.Dây do hai người phe khác quay. Cơ bản như trên và tùy thuộc vào người tham dự đồng ý hay sửa đổi tùy thích.


Đánh nhà - Nhảy lò cò

  Nhảy giây đúng là môn chơi biến chuyển nhất, muôn phương nghìn cách thay dạng đổi hình. Có dịp nhìn các cuộc biểu diễn hay thi đua quốc tế, nhảy dây quả thật không còn là một môn thể thao giải trí thông thường mà xứng danh là một nghệ thuật, kỷ thuật toàn diện, một thế võ tuyệt luân.

 «  Mình ơi tôi gọi là nhà,

 Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi. » 

 Chữ ‘ nhà tôi ‘ được dân ta thường thường dùng trong việc vợ chồng lịch sự gọi nhau lúc giao tiếp với khách, nhập thể chủ với nhà đủ chứng tỏ hoài bão của người Việt « sống có nhà, chết có mồ ». Do đó cũng ảnh hưởng đến việc giáo dục con em. Các bạn đừng nghĩ xứ mình nghèo chỉ có nhà tranh vách đất, trò chơi « đánh nhà » thể hiện rõ nhất nét cao sang. Từ mới học lớp a b c khoanh đã tập tành học đòi xem đất cất nhà tối tân đủ loại.

Trước hết, vẽ hình nhà xuống đất theo mẫu sơ đồ kiến trúc đã được chuẩn y : nhà trệt với ba ô, nhà lầu bảy ô, nhà nóc bằng nhiều tầng cao, building tám ô, nhà nóc chùa vẽ hình xoắn ốc, nhiều ô tùy hứng.

 Cách chơi mỗi người đều có một « đồng mạng » bằng gạch hoặc đồng tiền để ném vào ô qui định. Nhảy một chân gọi là « cò », đặt một lượt hai chân vào hai ô qui định là « chập », « hất » là vừa cò vừa dùng bàn chân tạt ngang đồng mạng sang ô khác, « xủi » là đẩy thẳng lên ô trên. Chân chạm trên đường vẽ tức là Cán mức là ra, thay phiên người khác. Khi nào thực hiện đúng các bước đi, sẽ được cất nhà lần lượt một đến nhiều nhà, trái lại nếu không cẩn thận đề phòng đi sai nước, nhà bị cháy tiêu.

                                                      

Đánh nhà xoắn ốc

Đây là lối luyện thăng bằng, trầm tĩnh, bền chí hữu hiệu nhất dù không đòi hỏi nhiều sức hay căng thẳng như nhảy giây. Các bạn gái quen chơi thì tất biết, trò chơi nào cũng lắm công phu.  Ngay cả « con cò bay lả bay la », khi đậu trên một chân thì vững chứ chỉ có cò què mới ‘cò rò’ một chân thôi.

                                

 Đánh nhà     

Khi cò, một chân làm trục, chân kia gập lại, có mỏi nhờ tay vịn dùm cũng chẳng dám vịn dùm. Hai cánh tay không dùng làm cánh quạt, chỉ làm « gạt đờ co » hỗ trợ thân mình thoát hẳn sức hút của địa cầu trong chốc lát tung lên giáng xuống. Phải dùng cả nội lực thâm hậu dồn xuống bàn chân làm chuẩn, giữ trọng tâm cho vững không khéo ngả nghiêng luýnh quýnh chân co chạm đất, uổng toi công. Thất bại của mình còn có thể là đòn bẩy gây thắng cuộc cho đối phương.

Tuy nhiên đề cập đến học trò là liên tưởng ngay đến hoa phượng, miền Nam xưa kia còn gọi là cây điệp Tây. Hoa phượng đẹp đỏ như xác pháo, chỉ nở vào mùa hè báo hiệu múa thi, nghỉ hè cuối năm học. Còn đối với nữ sinh thật có nhiều công dụng tạo trò chơi. 

                         

Hoa phượng

 Tai hoa dáng dấp chiếc thuyền con dược vò nhẹ thành bong bóng nhỏ, rình bạn nào không để ý đập bóng lên trán, nổ tét gây tiếng vang. Bạn giật mình, hết hồn la hoảng, thủ phạm thích thú cười rũ rượi. Rồi một màn rượt nhau, la chí chóe đùa nhau đập bóng phượng « trả thù » vui nhộn hả hê !

                                    

 


Cánh hoa ăn dòn dòn chua chua ngòn ngọt, khá mỏng manh trùm lên một bàn tay khoanh tròn hổng trên kín dưới như chiếc trống chầu nhằm kề tai bạn, tay kia đập nổ bốp. Cánh hoa vỡ tung như xác pháo vu qui. Không nổ bể là pháo lép, ắt là bị « chọc quê » trở lại.

                                         

 

Nhụy hoa hình nốt nhạc, cọng đỏ nhụy vàng. Trò chơi « đá gà »  phổ biến nhất vào mùa hoa phượng nở rộ, dùng hai nhụy hoa tượng trưng hai con gà, khều móc nhau, bên nào đứt đầu thua cuộc. Thấy thế mà không dễ đâu, đối thủ phải biết chọn cách ngồi thích hợp, ngồi bệt hay hồm chỗm, ước lượng tình trạng gà địch, lập thế lừa giật, chọn nhụy hoa tươi như cựa bén của gà nòi. Rồi như trong mọi chiến cuộc, xáp lá cà, mất mát không thể tránh, thắng bại định ngôi phân thứ nhất thời thôi. Trong phút giây nháy mắt, mọi bất ngờ xảy ra thật bất lường đoán trước phòng ngừa !

 

Đá gà
Đặc biệt nhất là trò chơi đánh u, chia hai phe, đường ngăn đôi chiến tuyến gọi là lụn. Có hai cách chơi, một là u thường, xử dụng làn hơi, hai là u ấp, im lặng, thở đều. Tại sao gọi là « u » ? Có thể nhại tiếng kêu ù ù của máy bay chăng ? Bạn cứ hình dung hai loại phi cơ, một thứ săn giặc, thứ khác thám thính, bây giờ phi cơ không người lái đãy. Một tên phe nầy sang đất địch, vừa dùng hơi thở hô « u » không được ngưng vừa tấn công, chạm được đối thủ nào, tên ấy bị bắt làm tù binh. Nếu thấy hụt hơi phải tháo lui ngay, như phi cơ trục trặc hay địch phản công quá mạnh, quay về đất mình. Chẳng may bị địch bắt mà không vùng vẫy chạy thoát qua khõi ranh giới lụn là trở thành tù binh địch vậy. Cán lụn là được thắng.Với u ấp, chỉ rồ máy tức là hô « ấp », rồi lặng lẽ sang đất địch. Nguyên tắc chơi giống nhau.Củng có thể cứu tù binh bị bắt cầm tù bên đối phương bằng cách tìm cách chạm vào người đồng đội. Trò chơi đánh u nầy đòi hỏi nhiều sức, tính toán nhanh nhẹn và dài hơi.
Tóm lại, đây là vài trò chơi mà nữ sinh ngày xưa thường bày ra chơi nhất. Không thuộc môn học thể thao bắt buộc mà đúng là phương cách dọ dẫm, hướng dẫn, phát huy khả năng tiềm lực cá tính có khuynh hướng giáo dục theo truyền thống nước nhà. Đó cũng là lối giải tỏa, xả hơi thỏa mãn tính hiếu động của tuổi trẻ, xả « xu báp » (soupape) sau giờ học căng thẳng bất ly cục kịch, ít nhúc nhích, kỷ luật khắt khe của nền giáo dục Việt nam nhất là thời Pháp thuộc.

 Nhưng rồi, sĩ số càng gia tăng, giờ học tùy hoàn cảnh đất nước bị rút ngắn, trường sở không còn sân chơi thích hợp, trò chơi biến dạng dần dần.

Tất nhiên môn chơi nào vẫn cần phải thích nghi với hoàn cảnh hiện tại của xã hội, chuyển tiếp, hội nhập vào trào lưu tiến hóa văn minh. Và trò chơi ngày xưa dù « vang bóng một thời » vẫn là kích thích tố khai nguyên, phát huy mầm hoạt động, năng lực tiềm tàng, khơi nguồn tài năng, phản ảnh khía cạnh bản tính tâm tư của từng thế hệ, kỷ niệm gây mơ xây mộng đẹp nhất của tuổi học trò vô tư trong trắng hồn nhiên.                                                                                                                    

Cô Trần Thành Mỹ

 



Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Tình THẦY Nghĩa TRÒ.



















Là một giáo viên về hưu đã hơn 10 năm và từng dạy vài trường Trung học phổ thông nhưng đến giờ tôi vẫn luôn nhớ và dành tình cảm nhiều nhất cho mái trường Hoàng Diệu thân yêu - nơi tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghiệp giáo và dù không gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu nhưng lại luôn được nhận sự ân cần quan tâm, chăm lo của những học trò mà tôi từng dạy tại mái trường này.
Có gần 40 năm đứng trên bục giảng (tôi nghỉ hưu trễ hơn so với tuổi quy định), đôi khi tôi suy ngẫm về cái nghề của mình: Nghề dạy học có thật sự bạc bẽo? Ví như người chèo thuyền đưa khách sang được sông thì mấy ai còn nghĩ đến ông lái đò?… Để rồi sau đó tự rút ra lời giải: Giáo viên có suy nghĩ như thế chắc chỉ đứng lớp để trông tới tháng lãnh lương mà thôi!

Với tôi, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Cứ đứng lớp với niềm tự hào làm người Thầy, đem hết nhiệt tình giảng dạy, yêu thương học trò như con em mình, chắc chắn sẽ được đền bù xứng đáng, nhất là khi đã về hưu. Có biết bao nhiêu Thầy Cô vùng sâu, vùng xa, đã nêu gương sáng về lòng thương yêu học trò, họ đâu mong chờ sự trả ơn nhưng xã hội vẫn luôn ca ngợi và biết ơn sâu sắc. Chính sự tận tụy của Thầy Cô là động lực thúc đẩy học sinh cố gắng trong học tập, thành đạt trong cuộc sống và vẫn mãi nhớ về những người đã truyền đạt kiến thức, giáo dục đạo đức bằng sự gương mẫu của chính bản thân để làm nền tảng cho học sinh trưởng thành. Tôi dám khẳng định điều này vì luôn được chứng kiến những việc làm từ tấm lòng thấm đậm “tình Thầy nghĩa Trò” của Ban Liên lạc cựu học sinh và học sinh trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu - Sóc Trăng.

Còn gì sung sướng hạnh phúc khi về hưu vẫn được học sinh đến viếng thăm và luôn có lời cầu chúc thân tình mong Thầy Cô sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Đó là điều mà chưa chắc các nghề khác có được.
Có những gia đình con cháu ở nước ngoài nhưng mấy ai được đi tham quan xứ người! Vậy mà cựu giáo viên Hoàng Diệu đã từng được cựu học sinh của mình bảo lãnh xuất ngoại du lịch để có dịp gặp lại đồng nghiệp và học sinh cũng đã nghỉ hưu.
Gia đình Thầy Cô giáo về hưu gặp khó khăn, bệnh hoạn là có cựu học sinh đến tận nhà chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Tôi rất cảm động và không quên được khi chứng kiến trường hợp một cô giáo về hưu ốm yếu, sụt cân, được cả nhóm học sinh mình đến nhà động viên đi thành phố HCM khám bệnh; các em lo từ tiền xe, tiền thuốc, từng miếng ăn giấc ngủ, kể cả dọn dẹp vệ sinh cho cô mà không ngại dơ dáy.
Nghĩa tử là nghĩa tận, chưa thấy cựu giáo viên (kể cả vợ, chồng) nào qua đời mà không có sự chia sẻ và nguyện cầu của học sinh, cho dù Thầy Cô đó chưa từng dạy lớp các em mà chỉ cần biết là có dạy trường Hoàng Diệu. Gần đây, một nhóm khá đông cựu học sinh mặc đồng phục viếng đám tang, đứng xếp hàng trước quan tài Thầy chủ nhiệm lớp mình khi xưa, các em đọc điếu văn nước mắt giọt vắn giọt dài không hơn gì người thân trong gia đình. Chứng kiến cảnh này tôi phải khóc luôn vì mình cũng là cựu giáo viên Hoàng Diệu. Hương hồn các giáo viên đã khuất sẽ không tủi buồn và sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.




Rất nhiều và rất nhiều câu chuyện cảm động về “tình Thầy nghĩa Trò” mà không bút mực nào viết hết được nhưng khi tôi ca ngợi thì luôn nhận được câu trả lời: Đó là bổn phận và cũng là tinh thần Tôn sư trọng đạo mà các cựu học sinh cố gìn giữ để các thế hệ đồng môn đàn em noi theo!

Vinh hạnh thay cho những ai từng dạy trường Hoàng Diệu và cũng tự hào thay cho những ai từng học trường Hoàng Diệu. Nếu kiếp sau được làm người, tôi sẽ ước mong sao được tiếp tục là giáo viên trường Hoàng Diệu Sóc Trăng.

 Trần Nữ 
CHS. Hoàng Diệu NK 59
Giáo Viên Trường Hoàng Diệu ST

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

HOÀI NIỆM



Thời còn đi học, tôi có thói quen viết nhật ký.Tôi viết về quê hương, gia đình, tình thầy trò và những người thân yêu khác. Quê nhà tôi luôn là nơi tôi yêu thương nhất, đi đâu tôi cũng nhớ. Sau này ra trường rồi đi làm tuy không còn viết nhật ký nữa nhưng tôi vẫn thích viết những chuyện gần gũi với đời sống mà mình đã trải nghiệm. Với tôi, viết về những chuyện nhỏ như vậy tôi rất hứng thú.
Tôi lớn lên tại Sóc Trăng , tuy là tỉnh lỵ nhưng Sóc Trăng vào đầu thập niên 1960 chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ, cách Cần Thơ khoảng 60 km. Đến Sóc Trăng, đầu tiên là gặp bến xe đò, gần đây là Hồ Nước Ngọt với những hàng dương đầy bóng mát. Trước khi vào trung tâm tỉnh gặp một dòng sông chảy ngang qua trung tâm tỉnh lỵ, phải qua một cây cầu xây dựng theo kiểu Pháp gọi tên là Cầu Quay. Đi qua Cầu Quay là vào trung tâm tỉnh, có vài con phố nhỏ, một rạp chiếu bóng tên Nhị Trưng nằm trên con đường chính tên là Hai Bà Trưng, dân địa phương thường gọi con đường này là Đường Giữa vì nó nằm ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ, những cửa hàng nằm dọc trên con đường này nên con Đường Giữa chẳng khác nào trung tâm thương mại vào thời đó .
Toàn cảnh tỉnh lỵ trông rất êm đềm. Những dãy nhà dân thấp và một vài ngôi biệt thự kiểu Pháp. Chợ Sóc Trăng là nơi đông đúc nhất tại tỉnh lỵ, ghe thuyền đậu tại bờ sông để buôn bán khá tấp nập. Đi về hướng Bạc Liêu, có một Bưu điện, bến xe đi Bạc Liêu, xa hơn là một ngôi chùa tên Vĩnh Hưng và phi trường Sóc Trăng.
Một kỷ niệm mà tôi yêu thích nhất khi nhớ về Sóc Trăng thời đó là xem phim chớp bóng tại rạp Nhị Trưng. Mỗi khi có phim mới, để quảng cáo phim, rạp hát có một chiếc xe ba gác, trên xe có một cái trống và những tờ quang cáo phim. Mỗi khi bọn con trai chúng tôi nghe tiếng trống đùng...đùng nổi lên ngoài phố, chúng tôi chạy ùa theo ... vừa chạy …vừa reo hò ...vừa nhặt những tờ quảng cáo mà người ta rải ra tung bay theo gió. Cầm trong tay tờ quảng cáo phim, chúng tôi rất vui và cùng nhau đọc rồi hẹn nhau để đi đến rạp hát xem.
Ngôi trường tiểu học của tôi nằm lặng lẽ bình yên trên con đường vào trung tâm tỉnh lỵ. Tôi yêu ngôi trường tiểu học của tôi vì có nhiều kỷ niệm của thời niên thiếu.Tôi vẫn không quên những người thầy đã dạy dỗ chúng tôi nên người. Bây giờ các thầy cô có người không còn nữa.
Thỉnh thoảng, tôi gặp lại thầy hiệu trưởng. Đó là thầy Lâm Văn Dung, năm nay đã gần 80 tuổi. Ít ai biết thầy hiệu trưởng trường tôi là tấm gương vượt khó thời học trò. Nhờ thầy tôi mới biết tin tức về các thầy cô cũ.
Bạn bè thời tiểu học hiện nay ở trong tỉnh còn lại rất ít. Có lần chúng tôi muốn tổ chức buổi họp mặt nhưng cuối cùng không thể thực hiện được.Tôi không ngờ nhiều bạn bè cũ mất quá sớm. Ngày còn chung lớp sống hồn nhiên nhưng khi ra đời mỗi người có một số phận khác nhau, không ai giống ai cả.
Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất đời người với đầy ắp những bài văn bài thơ. Nhắc về thời niên thiếu luôn có nhiều kỷ niệm khó quên. Thời đó, ngôi trường Trung học Hoàng Diệu khá khang trang, có ba dãy lớp học, một vài tấm vách tường rêu phong dảy cuối , những lối đi trơn trợt vào mùa mưa, lớp học chỉ có bảng đen và bàn ghế học trò ...
Nơi đây những người thầy đã truyền đạt kiến thức, đã đào tạo nhiều thế hệ hoc trò từ thập niên 1950, đóng góp cho xã hội những công dân ưu tú trên mọi lĩnh vực. Thời gian đã thay đổi tất cả nhưng hình ảnh mái trường, nơi đó vẫn chan chứa bao nhiêu tình cảm quyến luyến về thầy cô, bạn bè của những người học trò xa xứ Sóc. Một người bạn của tôi đã viết:
" Về đây với nhớ nhung tuổi học trò.
Bao cách xa, quay về mái trường ."
(Trích trong bài nhạc “Trở về mái trường xưa” của ND (Đặc san Hoàng Diệu Khóa 1967-1974)
Chiều nay tôi đi tìm lại hình ảnh yêu dấu của một thuở nào. Tôi dừng chân lại trước ngôi trường cũ nay không còn dấu vết gì của thời chúng tôi còn đi học, một thoáng ngậm ngùi...Tất cả chỉ còn là hoài niệm...! 

Tuấn Ba

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

KỶ NIỆM TUỔI HỌC TRÒ



Tôi nhớ lại gần nửa thế kỷ trước, tỉnh lỵ Sóc Trăng còn nhỏ và buồn. Nơi đây ít địa điểm vui chơi, giải trí. Các bạn có sở thích yêu văn chương tập hợp lại cùng nhau thành lập các thi văn đoàn, bút nhóm. Kể ra đây cũng là thú vui chơi lành mạnh. Sau giờ học, anh em tập tành sáng tác và gởi bài đến các báo có trang học trò, phía dưới bài ngoài tên tác giả còn kèm theo tên thi văn đoàn. Đó là niềm đam mê thú vị của tuổi mới lớn. Thú thư giãn ấy còn là cách rèn luyện văn chương giúp việc học được tốt hơn. Các cây bút mầm non tự trau dồi để có những bài viết hay được đăng báo. Bài được đăng tác giả không được nhuận bút chỉ có báo biếu. Nhưng bạn nào được đăng một bài thơ hay tản văn vui không thể tả.
Các thi văn đoàn thi đua nhau xuất hiện trên các tờ nhật báo, tuần san ở tận Sài Gòn, bởi thời đó tỉnh lẻ đâu có ra báo. Tuổi học trò, tiền bạc rất eo hẹp nên các thi văn đoàn ít ai dám nghĩ đến việc in các ấn phẩm. Vả lại, trình độ viết lách của các bạn còn hạn chế, có tiền làm ấn phẩm nhưng bán khó có người mua!
Thời tôi đi học, các trường công lập thường tổ chức ấn hành đặc san xuân của nhà trường. Bài vở phần nhiều do các học sinh đang học ở các lớp đệ nhị cấp viết. Có chút tài vặt văn chương năm nào nhà trường ra đặc san Xuân là nhóm bạn chúng tôi hăng hái tham gia. Tôi thấy hoạt động trong trường học như vậy rất tốt, tập tành cho học sinh viết lách.
Tết năm 1972, trường Hoàng Diệu của chúng tôi ra đặc san Xuân được in ấn offset tại nhà in Hồng Cẩm ở Sài Gòn. Bài vở do các học sinh cuối cấp thực hiện, ngoài ra còn có sự đóng góp của các vị giáo sư trong trường. Năm đó, lớp 10A1 của tôi có 04 bạn được đăng bài, dẫn đầu các lớp của trường. Có ai còn nhớ không truyện ngắn “Con tu hú đất” của Sơn Trà, “Quê ngoại trong trí nhớ “ của Hàn Tâm hay bài thơ “Hoa tím bằng lăng” của Lâm Thị Việt Ánh và một số chuyện vui của Hoài Thương. Không phải “mèo khen mèo dài đuôi” khách quan nhận xét, đặc san năm đó thuộc vào hạng khá của các trường trung học ở miền Tây. Bài vở của các thầy luôn là mẫu mực để đám học trò chúng tôi xem đó rút tỉa chút kinh nghiệm trong việc viết lách cho hay hơn.Tôi vẫn chưa quên thầy dạy Sử Địa đăng bài thơ “Hai miền thương” với bút hiệu Vy Trang được các bạn rất thích: “Ở đây kinh phù sa xuyên ngang thành phố/ Nước đục ngầu như bụi đường xa/ Tôi về quê em đó…”. Thầy tôi quê ở tận Quảng Nam, được đưa về Sóc Trăng dạy học và thầy coi nơi đây là miền thương thứ hai của cuộc đời mình.
Tôi còn nhớ người phụ trách đặc san năm đó là thầy Phạm Văn Phái. Nhờ làm việc với thầy, các bạn trẻ được làm quen với các công đoạn để hình thành một ấn phẩm. Vui nhất là sau khi phổ biến đặc san ở các trường trong tỉnh, thầy tổ chức cho các em đi Cần Thơ, Bạc Liêu để giới thiệu với các trường tỉnh bạn. Những chuyến đi như thế thật bổ ích và các bạn được học hỏi nhiều điều hay.
Đặc san được tôi lưu giữ cẩn thận rất nhiều năm. Mãi sau này khi gia đình tôi chuyển về huyện sinh sống, sách báo bị thất lạc trong đó có tờ đặc san kỷ niệm thời học trò. Tôi thật vô cùng tiếc, bởi sau này tôi đi tìm lại đặc san đó, không bạn nào còn lưu giữ, tất cả đều có thể mất đi,chỉ có kỷ niệm trong tâm tưởng là còn mãi.
Thời đi học luôn là quãng thời gian đẹp nhất một đời người. Thương sao thời học hành chưa tới đâu làm được vài câu thơ hay viết một vài tản văn được đăng trên dăm ba tờ báo cứ tưởng mình là cây viết sắp nổi danh. Vẽ được một vài mẫu hình ảnh các cô nữ sinh, mái tóc dài che phủ bờ vai,vành nón lá nghiêng nghiêng, tà áo phất phơ bay theo gió cứ tưởng mình là họa sĩ. Nhưng cuộc chơi cũng chóng tàn khi bước vào năm cuối của bậc trung học bận lo thi cử, nếu sảy chân cuộc đời sẽ rẽ vào ngã khác. Sau này nhắc lại chuyện cũ, coi như kỷ niệm đẹp thời hoa mộng bởi do nhiều lý do các bạn trong thi văn đoàn thuở nào lưu lạc khắp bốn phương trời, mãi lo chuyện cơm áo gạo tiền trong cuộc sống không ai còn nặng nợ với văn chương nữa.

Tuấn Ba

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

TRƯỜNG CŨ



Trong cuộc đời mỗi người phải trải qua nhiều ngôi trường đã theo học. Đối với tôi, thời gian dài nhất, nhiều kỷ niệm nhất thời học sinh được học ở ngôi trường Trung học Hoàng Diệu thân yêu.
Thời đó, khi vừa xong bậc tiểu học, học sinh sẽ thi tuyển vào lớp đệ thất. Học sinh nào trúng tuyển sẽ vào học trường công lập. Học sinh nào không trúng tuyển sẽ tự lựa chọn ở các tư thục. Bởi vậy, đầu vào của các trường công lập có chất lượng tốt hơn, trong quá trình học tập cũng nề nếp hơn. Thời bấy giờ trường Hoàng Diệu là trường trung học lớn nhất tỉnh nên việc thi đậu được vào học ở ngôi trường này luôn là niềm mơ ước các học sinh khi vừa qua bậc tiểu học.
Khi đi học, học sinh nhà trường đều phải mặc đồng phục: nữ sinh áo dài trắng, nam sinh áo trắng ngắn tay, quần xanh dương. Ở ngôi trường này, chúng tôi được học với nhiều vị thầy giàu tâm huyết. Biết bao thầy cô đã cống hiến cả cuộc đời để xây dựng trường trở thành một trong những ngôi trường có tiếng tại miền Tây .

Ngôi trường của chúng tôi theo học ở vào dạng sinh sau đẻ muộn. Trước đó, trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho hay trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ nổi tiếng một thời. Tôi yêu ngôi trường của tôi vì có biết bao kỷ niệm yêu dấu của một thời học trò nơi một tỉnh nhỏ êm đềm.
Ngày trước học sinh vào trường trung học phải học suốt từ đệ thất đến đệ nhất mất đến bảy năm nên thời gian khá dài, có nhiều kỷ niệm. Nơi ngôi trường cũ, tôi còn lưu giữ trong trí nhớ biết bao hình ảnh đẹp dù thời gian trôi qua gần nửa thế kỷ vẫn chưa phai nhòa. Thời gian trôi chảy không ngừng, chẳng mấy chốc ngôi trường cũ đã trở thành quá khứ. Những người thầy yêu dấu một số đã mất, người còn lại đã già nua, đi lại khó khăn. Bạn bè tôi phần nhiều lưu lạc bốn phương trời, có bạn đã vĩnh viễn đi xa, không bao giờ còn về nữa.

Về thăm trường cũ, cựu học sinh nào không bồi hồi xúc động khi sống lại những tháng năm đẹp nhất một đời người. Ngôi trường thân yêu đã để lại những kỷ niệm trong ký ức của thầy trò đã từng dạy và học ở đây. Về lại trường cũ, không ít cựu học sinh bất ngờ khi thấy ngôi trường của mình hoàn toàn mới, khang trang hơn. Ký ức về ngôi trường cũ cứ hiện ra trong trí nhớ. Tôi lại nhớ sân trường ngày nào với hàng phượng vỹ ru mình trong nắng. Bất giác những câu thơ trong bài thơ “Trở về mái trường xưa” của nhà thơ Phạm Cao Hoàng len lén bật ra, thật đúng tâm trạng của tôi lúc này:
“Chiều nay ghé thăm trường cũ
Cây bàng xưa vẫn còn đây
Hỏi thăm những người thuở ấy
Bạn tôi nay ở phương nào…
Chiều nay ghé thăm trường cũ
Nghe mùa thu hát ngoài kia
Chợt nghe trong lòng man mác
Những ngày thơ ấu xa xưa”.

Một buổi sáng đầu xuân, nhóm bạn cũ cùng khóa của chúng tôi đã trở lại thăm trường. Mặc dù qua thời gian dài, ngôi trường cũ không còn tồn tại, ký ức trường xưa sống lại ở những người học trò của một thuở nào. Những cánh én Hoàng Diệu khắp mọi phương trời đã cùng nhau bay về xứ Sóc. Các bạn đã tái hiện lại hình ảnh ngày ôm sách đến trường qua những tà áo dài trắng tinh khôi và cùng hợp ca bài "Hoàng Diệu hành khúc " của thầy Hoàng Việt Sơn. Đồng thời, để ghi lại những kỷ niệm vui buồn đời học sinh và những thăng trầm của từng cuộc đời sau ngày rời trường, các bạn "Rủ nhau làm văn sĩ ", tất cả được lưu lại trong quyển Đặc san khóa 1967-1974. Xin cảm ơn ngôi trường, thầy cô đã nuôi dạy những người học trò bé nhỏ ngày nào được nên người, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Tuấn Ba

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

MẸ HIỀN


(Viết nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của mẹ)



Tôi trở về quê lần này với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mẹ tôi vừa thoát khỏi căn bệnh kéo dài tưởng như không thể qua khỏi sau nhiều ngày nằm điều trị ở bệnh viện trên Sài Gòn. Thật kỳ lạ, mẹ tôi phục hồi nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của những người thân.
Nhớ lại ngày trước, mẹ tôi có nhiều căn bệnh, không một ai trong gia đình nghĩ đến mẹ tôi sống đến tuổi già. Lúc mẹ được 80 tuổi, mẹ bảo với các con, “Không ngờ sống đến tuổi này. Bây giờ các con đã trưởng thành, mẹ không còn lo lắng gì nữa. Ông trời có bắt đi mẹ cũng vui vẻ ra đi!”.
Trong số bảy người con của ngoại tôi, duy nhất chỉ còn lại mẹ tôi còn sống. Mẹ tôi hay nhắc những người thân cho con cháu nghe.Thông qua câu chuyện, với những tấm gương của những người lớn trong gia tộc còn là cách giáo dục con cháu rất hiệu quả. Mẹ luôn dặn dò các con không được sống tham lam, bởi của phi nghĩa ăn không bền. Hình ảnh những người thân không phai mờ trong trí nhớ của tôi.Thương nhất cậu ba, một người con hiếu thảo mà tôi được biết. Chiều nào cũng vậy, sau khi cơm nước xong, cậu đạp xe đến nhà thăm cha mẹ. Có hôm trời mưa, cậu vẫn đến. Cậu bảo, “Hôm nào kẹt chuyện gì không đến được, tối ngủ không yên tâm”.

Nhớ những ngày cuối năm 1975, mẹ con dắt nhau về quê nội sinh sống. Năm đó, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Sáng chiều mẹ tảo tần lo làm lụng công việc đồng áng .Vào mùa mưa thì càng ảm đạm và buồn hơn. Đêm về bên ngọn đèn dầu leo lét mẹ ngồi khâu vá quần áo rách cho các con. Nghe tiêng mưa đêm hòa cùng tiếng ểnh ương ếch nhái, hình ảnh mẹ in bóng trên vách nhà ...
Đó là sự cô đơn của mẹ in vào tâm trí tôi.Tôi lại nghĩ nếu cha tôi còn sống, tình cảnh gia đình chắc sẽ khả quan hơn.
Sống gần gũi những người nông dân chân chất, tình làng nghĩa xóm lần hồi gắn bó như một thứ tình cảm thân thương rất khó tìm thấy khi sống ở thành thị. Gia đình tôi hòa nhập vào đời sống của bà con nông thôn. Mẹ tôi ở quê chồng tính ra hơn 40 năm dài. Mẹ yêu cuộc sống bình dị ở xứ vườn nên sau này không còn ý định trở về thành phố nữa.
Những ngày cuối năm, năm nào mẹ cũng tính tuổi của mình.Tôi nhớ mấy năm gần đây, tết nào mẹ cũng thanh thản bảo với các con có thể đây là cái tết cuối cùng của mẹ. Mẹ không sợ ngày ra đi vì cho rằng chuyện sinh tử của con người ai cũng phải trải qua, không muốn cũng không được. Mỗi lần mẹ nhắc đến chuyện buồn của đời người, anh chị em chúng đều lãng tránh không dám nghĩ đến dù biết rằng ngày xa mẹ không còn bao lâu nữa. Lúc cha tôi mất, anh em còn nhỏ dại, chẳng ai dám nghĩ đến một người đàn bà yếu đuối nhiều bệnh tật sẽ nuôi nấng các con ra sao. Nhưng lòng thương vô bờ bến các con đã làm mẹ tôi mạnh mẽ hơn. Chị em tôi được lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, người phụ nữ đức hạnh và nghị lực phi thường.

Tôi nhìn chăm chú khuôn mặt của mẹ tôi, sự khắc nghiệt của thời gian quả đáng sợ. Mẹ tôi không còn linh hoạt như xưa, trí nhớ giảm sút thấy rõ. Có những chuyện mới xảy ra mẹ vẫn không nhớ. Điều kỳ lạ, có những chuyện xảy ra năm ba chục năm trước, mẹ kể ra vanh vách. Những người ở xóm ngoại tôi ngày trước bây giờ mất đã gần hết, mẹ nhắc những việc người ấy đã làm không sai chi tiết.
Mấy hôm nay trời trở lạnh. Mẹ bảo đứa cháu ngoại gom lá khô trong vườn đốt cho ấm. Nhìn những sợi khói trắng bay lên trời bao nhiêu kỷ niệm ngày cũ cứ ùa về trong trí nhớ.
" Khi bước chân đi lần trong cuộc đời.
Lời mẹ hiền ru con nhớ không nguôi .
....
Ai biểt đêm nay tôi vẫn mong chờ.
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ . " ( Lam Phương)

Mẹ hy sinh cả đời cho các con, vượt qua muôn trùng khó khăn để các con được thành đạt. Mùa xuân đã gần đến, chị em chúng tôi sẽ rất vui khi biết rằng tết này chúng tôi vẫn còn có mẹ.

Tuấn Ba

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

DÒNG SÔNG TUỔI NHỎ




Gặp lại học trò xưa trên face, dòng sông ký ức lại ùa về, tôi viết tặng các em bài "Một chút gì để nhớ". Học trò thương cô cũng gửi tặng tôi bài "Sông quê" trong đó tôi thích nhất hai câu
Tuổi thơ có một khoảng trời,
Cánh diều mơ ước rong chơi nô đùa.
Ngày xưa tôi có nghe ai đó hỏi thầy mình "Thưa thầy, học môn văn để làm gì ạ?" thầy nói "Môn văn để chấp đôi cánh ước mơ cho các em". Tôi thấy câu này ý nghĩa nhất. Tôi đã từng là học trò, từng bơi lội trong dòng sông mơ ước những ngày thơ bé.
Cô học trò nhỏ trường tiểu học Mỹ Xuyên xưa, giờ ra chơi hay đến thư viện trường mượn những tuyển tập trong tủ sách bông hồng đen ngồi đọc trên bệ thềm. Đã biết mơ mộng nhìn mây bay lưng trời, mơ ước được là cánh chim bay vào trời rộng.
Cô học trò trường trung học Tố Như, những buổi tan trường đạp xe trên con đường Trần Hưng Đạo giữa hàng phượng đỏ hè sang và đã có những tháng ngày êm đềm nhiều kỷ niệm với bạn bè.
Giờ ra chơi chạy giỡn trên đồng lúa sau trường, cũng có khi làm điệu hái một cánh hoa sao nhái bên bờ rào cài tóc, cũng giận dổi khi bị phá phách và cũng rất buồn khi phải tiễn đưa một cô bạn về cõi vĩnh hằng. Quá nhiều kỷ niệm để nhớ thương.
Tôi nhớ con đường Bãi Xàu thời đi học xưa. Bây giờ xem youtube về quê hương mình, có anh chàng trẻ tuổi làm clip khen tỉnh Sóc Trăng chỉ có đường Bãi Xàu là đẹp và thơ mộng. Đó là khúc đường từ Bãi Xàu về Tham Đôn, chợ cũ. Con đường từ Bãi Xàu đến Sóc trăng thuở đi học ngày xưa đã mất dấu rồi! Con đường tuyệt vời của tuổi thơ tôi giờ chỉ còn trong ký ức.
Những năm mới bắt đầu lớp đệ thất (lớp 6), chị tôi mỗi ngày phải nai lưng đạp xe chở cô em nhỏ đến trường với đoạn đường 5km BX-ST, rồi từ ngã ba trường nữ đến trường TN thêm 1km nữa, nên giữa năm lớp đệ thất tôi tập đạp xe.
Chiếc xe người lớn không vừa tầm đứa nhỏ 12 tuổi. Vòng quay chưa với hết chân, vậy mà tôi đã đạp 6km đến trường. Cô học trò nhỏ đến cổng trường phải xuống xe dắt bộ vì trường xây dưới ruộng, lề đường quá cao không thể vừa kềm bàn đạp vừa thắng cùng một lúc.
Con đường BX đã theo tôi biết bao mùa mưa nắng. Ngày ấy Bãi Xàu chỉ là một chợ quận nhỏ, xung quanh bao bọc bằng những nhánh sông, hàng hoá đa số vận chuyển đường sông nên đường BX ngày ấy êm đềm, vắng vẻ. Từ ST về BX ra khỏi nhà máy điện là thăm thẳm ruộng đồng. Đi được nửa đường mới tới Mã Tộc với hàng còng xanh um giao nhau như một hang động. Vừa ra khỏi là hai khu nghĩa địa bên đường rồi lại mênh mông ruộng lúa. Xa xa là cụm dừa xanh Lục Cụ.
Tôi đã ghi lại nỗi nhớ nhà qua bài thơ "Nhớ" trong đó có câu "đạp xe chạy đuổi mưa". Cái mưa nắng của quê tôi rất lạ. Chỉ đoạn đường 5km mà chỗ nắng, chỗ mưa.
Tôi nhớ buổi trưa đạp xe về nhà, vừa qua khỏi Mã tộc một đám mưa rào đổ xuống, chưa qua khỏi Lục Cụ là nắng lại trong veo. Áo ướt, con bé lớp 6 ngây thơ ngày ấy chưa biết mặc áo kép nên ngó trước ngó sau "đồng không, mông quạnh" là dừng xe lại núp sau gốc cây vắt khô áo rồi lên xe đạp phom phom giữa nắng trưa bát ngát. Tới ngã ba về chợ, áo đã khô rồi.
Qua trường Bồ Đề năm lớp 11 tôi đã là một thiếu nữ, thời con nít đã qua, đã tóc dài tha thướt. Năm đó tôi ở nhà ngoại đi học cho gần . Trường cách nhà ngoại chỉ nửa cây số, buổi trưa đi học về bác láng giềng kể bên hay nói "cháu của mạ mặc áo dài xinh quá, không ai biết là con gái gốc hoa".
Ngày ấy đi học đã có người theo, cũng một thời "Ngày xưa Hoàng thị" nhưng tôi luôn dùng chiêu làm lơ. Mà thật sự cái tính con nít trong veo vẫn còn. Tôi ước mơ một bầu trời rộng, không muốn một sợi dây ràng buộc trong lòng. Bây giờ nhớ lại, thơ tôi chỉ phảng phất một chút tình rất nhẹ. Những đôi mắt nhìn trộm năm xưa…
Hoàng Diệu là chặng dừng chân cuối cùng của thời trung học. Học trò trường tư vào HD năm cuối không biết có cảm giác như tôi không? Trường với hàng rào cao là một thế giới riêng. Ngôi trường đủ lớn để tôi quên đi tường cao, kín cổng. Những giờ ra chơi đi dọc bờ hồ tìm một góc khuất ngồi mơ mộng thì hơi khó. Học sinh đông mà sân trường lại nằm giữa hai dãy lớp, chỗ ngồi nào cũng là đích ngắm của các chàng.
Tôi vẫn nhớ không khí thênh thang mùa giáp tết. Tàng phượng xanh lá, gió nhẹ lung lay đưa tiếng hát cao vút của bài "Diễm xưa", "Gọi tên bốn mùa" vào những xao xuyến của tâm hồn. Đưa ước mơ nhỏ bé của tôi ra mênh mang trời rộng. Năm học sẽ kết thúc lại bằng những mùa thi, rồi rời trường và giả từ thời áo trắng. Có ai sẽ nhớ những ngày hôm ấy? Nắng rất tươi và bầu trời rất xanh.



Tôi cũng có một ít kỷ niệm vui với thầy cô, bạn bè.
Tôi còn nhớ buổi học với thầy Linh dạy toán Lý. Hôm ấy gần giáp tết, sau học kỳ một, sở dỉ tôi nhớ chuyện này vì cô bạn học chung cứ đinh ninh là câu chuyện có liên quan tới tấm thiệp chúc xuân vẽ hình cô gái cầm cành mai bạn ấy gửi tặng thầy mà không đề tên người gửi.
Bài giảng hôm đó là "Định luật bảo toàn năng lượng" của nhà Vật lý học Einstein.
Đó là định luật bất biến của vật chất trong vũ trụ. "Không có gì tồn tại, không có gì mất đi". Một khái niệm gần giống với triết lý Phật "Hữu vi, vô vi". Vật chất chỉ bao gồm các nguyên tử hợp lại. Nếu phân rã thì trở về dạng nguyên tử (nguyên tố).
Để học trò dễ hiểu hơn, thầy kể một câu chuyện (mà thầy thì nghiêm lắm, ít khi kể chuyện bên lề). "Giả như khoa học tiến triển, con người có thể chế tạo ra hai cái máy. Một chiếc tàu đóng ở Anh quốc sẽ được gửi qua máy phân tán. Chiếc tàu ấy không cần vượt đại dương nhiều ngày, chỉ cần một cỗ máy tổng hợp, trong tích tắc người ta có thể mang nguyên vẹn con tàu đến bến cảng".
Câu chuyện là một hứng khởi cho các nhà khoa học-(trò) nhiều mơ mộng. Nhưng thầy chưa kết thúc câu chuyện ở đó. "Nếu một con người được gửi đi bằng cách đó, không biết linh hồn có hoàn lại được không?".
Chữ "nhưng?" của thầy thật mênh mông. Ừ! Khoa học từ đó đến nay có bao giờ đi đến vạch cuối đâu. Các thầy xưa thì vậy. Kiến thức quãng bác, thâm trầm. Tôi vẫn là đứa học trò luôn thấy thầy cô là thần tượng.
Cũng có một chuyện vui kể thêm. Năm lớp 12, năm thi. Những tháng cuối trường có chương trình khám sức khỏe tổng quát cho học sinh trước khi các cô cậu tú chuẩn bị khăn gói lên đường ứng thí.
Phòng khám sức khoẻ là một góc của phòng giám thị, được ngăn bởi một tấm ri-do dày. Bên trong là bàn làm việc và hai chiếc ghế để bác sĩ ngồi kiểm tra sức khỏe học sinh. Phe nữ được ưu tiên khám trước và để cho nhanh thì mỗi ngày một lớp. Học sinh mỗi tốp mười người sắp hàng theo thứ tự ABC.
Tôi được khám trước bạn Loan. Bác sĩ không mặc áo blouse, chỉ sơ mi bỏ ngoài quần, nhưng ông có bộ ria mép hơi ngầu. Cuộc kiểm tra sức khỏe cũng đơn giản. Đo huyết áp, nghe nhịp tim, nhịp thở là xong. Vậy mà cô bạn tôi bước vào chưa đầy một phút đã ngất xỉu.
Sau này bạn ấy kể lại "Sắp bước vào mình sợ quá tim đập loạn lên. Có lẽ nghe tim đập nhanh quá nên bác sĩ bảo nới nút cổ áo cho dễ thở, thế là mình xanh mặt xỉu luôn." Ôi! Các cô nữ sinh ngày ấy rất đổi ngoan hiền. Chỉ một ánh mắt hóm hỉnh là chân bước không nổi rồi! (không có tui.
😊).
Kỷ niệm xưa thì nhiều không kể hết. Tôi nhớ ngày có kết quả thi niêm yết ở trường. Bạn tôi rủ tôi đội mưa đến xem. Tôi vẫn sợ phải đứng dò bảng tên. Tên bạn ấy dài nhất 4 chữ, tên tôi ngắn 2 chữ nên cũng dễ tìm. Hai đứa tôi chung một áo mưa, còn bì bỏm trong sân trường cả hai đã nắm tay nhau muốn hét lên. Cơn mưa ngày ấy vẫn còn trong lòng tôi.
Ông anh khác họ của bạn tôi đã đãi chúng tôi một chầu nem nướng ở quán dọc theo cầu quay. Lần đầu tôi làm người lớn uống cạn ly rượu đỏ. Say cho tình bạn vẫn đong đầy. Dòng sông Maspero hôm ấy cũng cuồn cuộn chảy.
Cầu quay giờ không còn quay nữa. Những hàng quán dọc bờ sông đã bị giở từ lâu. Con đường Bãi Xàu chỉ còn trong kỷ niệm. Cánh diều tuổi thơ đã bay mất.

"Sông xa nước chảy về đâu?
Một lần ta bước qua cầu mới hay!"

Tất Hương HD65
Australia