Tôi có đọc một câu chuyện.
Câu chuyện xảy ra ở một đám cưới. Nhà trai tổ chức nghiêm chỉnh, lễ nghĩa đầy
đủ. Các thủ tục diễn ra một cách tốt đẹp. Đại diện đàng trai, đàng gái đều làm
cho họ hàng hai bên vừa lòng, mát ruột.
Cô dâu chú rể ra lạy bàn thờ
gia tiên. Nữ trang được mẹ chồng trang trọng đeo cho con dâu, mẹ ruột cũng có
quà cho con gái. Cô dâu chú rể trao nhẫn trong niềm vui hai họ.
Các bạn biết rồi đó, phong
tục cưới hỏi, lễ nghĩa rất rắc rối. Hai họ để ý nhau từng lời nói, bắt bẻ nhau
từng cách mời rượu, lên đèn. May quá các thủ tục trọt lọt. Cô dâu chú rể làm lễ
gia tiên mời rượu cha mẹ hai bên và họ hàng gia tộc. Hai họ nâng ly chúc mừng
hoan hỉ lắm.
Thủ tục xong xuôi, bên họ
đàng trai xin làm lễ rước dâu. Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng đó,
mẹ cô dâu bỗng xin có ý kiến. Ông sui gái trố mắt nhìn, hích tay vợ:" Bà
tính cái gì nữa đây" Cô dâu chú rể mở to mắt đầy hồi hộp. Họ đàng
trai cũng giật mình đánh thót vì sợ sẽ trễ giờ rước dâu. Mẹ cô dâu bước ra
trang nghiêm từ tốn nói:
-Xin thưa với hai họ. Tui
cũng không có ý kiến gì lớn lao. Tôi chỉ xin đàng trai cho tôi nhận 90.000$ làm
cái duyên cho con gái tui.
Úy trời! Cái gì lạ vậy kìa!
Lễ vật đàng trai đã nộp đủ, nữ trang tiền cưới đàng gái đã tặng luôn cho hai vợ
chồng mới lấy vốn mần ăn. Hà cớ gì mẹ cô dâu lại xin 90.000$ làm duyên cho con
gái. Sao không là 900.000$ hay 9 triệu mà xin chi mấy chục ngàn tiền lẻ. Họ
đàng trai còn đang ngạc nhiên và bối rối thì mẹ chú rể bước tới, mở bóp và rút
ra đưa cho mẹ cô dâu 9 tờ 10.000$ với một nụ cười.
Không nói không rằng, mẹ cô
dâu đưa tay đón nhận. Dưới bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về bà, bà mở bóp lấy ra một
tờ 10.000$ mới tinh bỏ chung vào xấp tiền mới nhận. Bà trịnh trọng đưa lại cho
bà sui trai:
- Thưa anh chị và hai họ. Hôm
nay con gái tôi về làm dâu anh chị. Mong anh chị thương nó như con gái mà chín
bỏ làm mười. Tha thứ và bỏ qua cho con khi nó lỗi lầm. Vun quén cho con có một
gia đình hạnh phúc. Tui xin trao con gái tui cho anh chị về làm con trong gia
đình.
Sau một lúc trấn tỉnh, bà
sui trai ôm chầm bà sui gái xúc động. Cô dâu nước mắt chảy dài, hai họ vỗ tay
vang trời. Bà mẹ đã rất khôn khéo gửi gấm con mình trước mặt bao người.
Bà mẹ cô dâu đã nghĩ đến
những ngày làm dâu của con gái nếu gặp một bà mẹ chồng khó tính lỗi phải mọi
điều thì rất tội nghiệp. Bà đã khéo léo chỉ xin mấy chục ngàn để gửi một thông
điệp cho sui gia.
Chín bỏ làm mười có nghĩa
ngầm là hãy cho qua đi, tha thứ đi đừng chấp nhất. Người miền Nam đã áp dụng
câu này trong cuộc sống hàng ngày. Nếu những gì phật ý hay không vừa lòng họ
nói ngay trước mặt. Có thể những lời nói ngay thẳng hay lời phê bình không được
khéo léo nhưng họ đã thật lòng không đãi bôi ngoài miệng mà trong bụng khinh
thầm. Họ nói xong rồi thôi. Giận la đó rồi bỏ qua hết như không có chuyện gì
xảy ra.Như cơn mưa rào miền Nam rất lớn nhưng rồi tạnh ngay ráo hoảnh.
Người miền Bắc nghĩ rằng
"Dâu là con, rể là khách" nên trong cách đối xử có sự phân biệt. Đối
với con dâu luôn nghĩ rằng mình đã cưới về, tốn kém biết bao nhiêu nên con dâu
phải có bổn phận tuyệt đối với gia nương bên chồng. Phép nép mình trong gia
phong lễ giáo bên chồng, làm đẹp mặt chồng và gia đình nhà chồng. Vô hình chung
con dâu như là một món hàng hay một vật được mua về. Bổn phận và trách nhiệm đè
nặng trên vai cô dâu mới.
Trái lại đối với con rể lại
coi như khách. Rất lịch sự ngọt ngào và chiêu đãi hết mình bởi lẽ con gái mình
về làm dâu nhà họ. Không chiều con rể thì con gái mình sẽ bị coi thường hay ức
hiếp.
Miền Nam trái lại. Con dâu
cũng là con mà con rể cũng là con. Đã coi như người một nhà thì tấm mẵn có
nhau. Con dâu tốt hay xấu vẫn là con dâu nhà mình. Con gái người ta nuôi lớn
từng này gã về nhà mình làm con thì mình có thêm một đứa con gái. Cho nên nếu
không phải thì la rầy hoặc chỉ bảo rất là nam kỳ. Nghĩa là bộc trực, nói ngay,
nói lớn không để ý soi mói ghét bỏ. Con rể cũng là con, tới nhà vợ có gì ăn đó,
có việc xăn tay áo vô làm. Có rượu cha vợ con rể cụng ly say quắc cần câu mẹ vợ
cũng không trách. Con rể làm điều gì không đúng thì nói ngay, nói thẳng không
cả nể quanh co hay ngấm ngầm khinh khi, giàu nghèo khác biệt. Con làm sai thì
chín bỏ làm mười tha thứ và xây dựng.
Trong đời sống hôn nhân nếu
cả hai vợ chồng đều biết tin tưởng nhau, thông cảm và nhường nhịn thì hạnh
phúc mới được bền vững. Cha mẹ chồng biết khoan dung tha thứ cho con dâu
thì gia đình trên thuận dưới hòa, con mình không phải khó xử giữa vợ và cha
mẹ.
Có nhiều người chồng trong gia
đình luôn tỏ ra mình là ông chủ. Lúc nào cũng ra oai với vợ con. Cứ nghĩ mình
là người làm ra tiền, mình là trụ cột thì mình có quyền quyết định tất cả. Lúc
nào cũng thấy vợ mình chưa làm tròn bổn phận, cứ nhìn những khuyết điểm của vợ
mà khó chịu, cảm thấy mình không hạnh phúc, mình bất hạnh. Thấy vợ bạn bè
sao tài giỏi hoạt bát làm ra tiền, vợ mình chỉ ru rú ở nhà nấu cơm, coi con
cũng không xong rồi đâm ra khinh thường, chê bai và ghẻ lạnh. Tại sao không
khoan hòa một chút, tại sao không nhìn thấy cái tốt và sự vất vả của người
phối ngẫu để thấy mình hạnh phúc trong niềm vui gia đình.
Cũng có những bà vợ đứng núi
này trông núi nọ. Thích xa hoa phù phiếm, thích hưởng thụ, ăn sang mặc đẹp. Thấy
chồng mình thua sút chồng bạn, làm ít tiền, xấu trai, có nhiều khuyết điểm rồi
tiếc đời con gái, tủi thân mình không bằng chị bằng em. Từ đó tư tưởng thoát ly
và ngoại tình xuất hiện làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tại sao những khuyết điểm
đó mình chấp nhận trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân mà bây giờ mình thấy
khó chịu.
Người chồng nhịn vợ vì họ
biết "Chín bỏ làm mười" chứ không phải họ nhu nhược hay sợ vợ. Lấn
lướt coi thường người chồng là người phụ nữ không biết tôn trọng hạnh phúc gia
đình. Không ai khen tặng hay kính phục người vợ ăn hiếp chồng.
Đánh đập hay khinh miệt vợ
là người chồng tự đánh giá thấp giá trị đàn ông của mình. Đàn ông vũ phu là
loại đàn ông tầm thường, nhỏ nhen và thiếu đạo đức.
Nhiều người đàn ông rất ghét
vợ hay nói nhưng nghĩ cho cùng người vợ hay nói là người vợ toàn tâm toàn ý lo
cho gia đình. Dọn dẹp hoài vẫn bề bộn, vẫn vất quần áo đồ đạc tứ tung thì phải
nói để có ý tứ hơn một chút, căn nhà sáng sủa sạch sẽ ra. Ghét làm gì, cứ phụ
vợ một tay thì vợ sẽ hết nói.
Chín bỏ làm mười không phải
chỉ dùng để đối xử với bạn bè hay người ngoài mà phải sử dụng ngay trong
gia đình mình để ngôi nhà biến thành tổ
ấm, một nơi để nương tựa và yêu thương.
Năm đã hết, vạn vật đang
bước vào năm mới. Có nơi tuyết đã rơi, những cơn gió lạnh kéo về. Mọi người ai
cũng cần sự ấm áp trong ngôi nhà, trong trái tim. Nếu hai người đang giận nhau
thì thôi chín bỏ làm mười. Ôm nhau một cái cho đêm không còn lạnh, cho tay được
ấm cho bữa ăn thêm ngon.
Đầu năm, kính chúc mọi
người, mọi nhà vượt qua mọi trở ngại khó khăn để được niềm vui trong năm mới.
Hãy chín bỏ làm mười tha thứ những gì tha thứ được. Tha thứ cho người là lợi
ích cho mình. Ít nhất trong trí mình không bực bội phiền muộn hay so đo. Mình
thảnh thơi nhẹ nhàng hưởng thụ cuộc sống bình an không tranh chấp. Cho đi là
nhận thêm hạnh phúc. Mọi việc tốt đẹp nằm ở phía trước nếu ta bước tới trong
tâm trạng vui vẻ và đầy niềm tin.
Nguyễn thị Thêm.
XIN LỖI.
Em yêu ơi cho anh xin lỗi
Tối hôm qua đã để em chờ
Họp xong rồi có khách bất
ngờ
Người bạn cũ nhiều năm
không gặp.
Ngẩng lên đi, em đừng cúi
mặt
Môi chẫu ra xấu lắm à nha.
Anh phải đâu thích chuyện
la cà
Tại, bị, bởi...nên anh lỗi
hẹn.
Em ngước lên, mỉm cười e
thẹn
Giận anh ghê, em đợi thật lâu
Ly cà phê lạnh ngắt lúc
nào
Ngóng mỏi mắt, bóng anh biền
biệt.
Giận thì ít lo cho anh chi
xiết
Nước mắt em rơi ướt khăn
tay
Anh ham vui nào biết nào
hay
Đã thất hứa lại còn chọc
phá.
Anh xin lỗi tại anh tất cả
Mặt anh nè véo ngắt mặc
lòng
Vòng tay anh, em hãy vào
trong
"Chín bỏ làm mười'
tha anh em nhé.
Em nũng nịu nhìn anh thỏ
thẻ
"Một lần thôi anh nhé!
Em tha
Còn lần sau em chẳng bỏ
qua
Đừng hòng gặp mặt em. Xin
lỗi.
Chuyện tình yêu muôn đời
không đổi
Giận, nhớ, thương, xin lỗi,
làm hòa
"Chín bỏ làm mười"
phải biết thứ tha
50 năm sau nhìn nhau hạnh phúc.
Nguyễn thị Thêm
Huy Phương
Tôi biết trên thế giới Tây phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì đã có những nhà dưỡng lão. Thậm chí trong tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó.
Chúng ta có bao nhiêu lý do để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế, được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào phòng tắm, trần truồng và được cô y tá hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô ích.
Có những đứa con nại cớ bù đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Gần đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! Người ta thường kêu than không có thời giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không tính thời giờ đi về. Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin nhắn với bạn bè.
Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già.
Ngày xưa một người mẹ nuôi được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những người xa lạ trông coi. Ở đây có khi mẹ thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói khát hay bị lăng nhục bởi một người khác.
Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống.
Xưa kia khi các con còn thơ ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều hai vẫn là mẹ. Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên, khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa trẻ, có khi còn hơn thế nữa!
Thói quen của người đời, người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là một thứ quá khứ cần xếp lại.
Ngày xưa, niềm vui của cha mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?” Trong cái tổ ấm cúng ngày xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. Con búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong phòng đứa con trai. Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ.
Nhiều lúc cha mẹ muốn bán ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu?
Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.
Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông.
Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây.
Những ngày lễ lớn năm nay, cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà.
Trên bậc cửa, cô thấy người cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn sống, người cha cần có con, thì không có cô bên cạnh.
Nhưng cũng còn may. Cách đây mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa!
Huy Phương
Một ngày không có Mễ
Nhã Duy
“Một ngày không có người Mễ Tây Cơ” (A day without a Mexican) là một phim hài phát hành năm 2004, kể về sự xáo trộn của California khi cộng đồng gốc Latino, phần lớn là người Mexican bỗng một ngày kia bị biến mất. Từ trong chính trường, truyền thông, giáo dục cho đến xây dựng, nông nghiệp, chuyện chân tay, công việc đình trệ, mùa màng không thu hoạch. Đến lúc đó người dân cùng các chính khách Cali mới thấy vai trò của những người Mexican.
Người Mexican, tức Mễ Tây Cơ mà người Việt tại Mỹ quen gọi tắt là “người Mễ” hay có người còn gọi kiểu xách mé, xem thường là “dân Xì”, không biết từ “Mexican” hay “Spanish” – tiếng Tây Ban Nha họ nói. Phần lớn thì cũng ít người phân biệt được nhóm này thuộc nhóm Latino – người Mỹ La Tinh hay người Mễ nói riêng, cũng tựa như họ không phân biệt được các sắc dân Á châu vậy.
Chiếm khoảng trên 11% dân số nước Mỹ và khoảng hai phần ba cộng đồng Latino, người Mễ là một cộng đồng lâu đời và khá mạnh trong nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ, với khoảng 37 triệu dân, trong đó hơn 10 triệu người sinh đẻ tại Mỹ.
Cộng đồng người Mễ có thể xem là một cộng đồng di dân, vừa là một cộng đồng bản địa của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh giành biên giới với Hoa Kỳ vào giai đoạn 1846-1848, bị thua trận, Mexico phải ký kết hiệp ước Guadalupe Hildago, đồng ý bán lại một phần lãnh thổ cho Hoa Kỳ vào năm 1848 và về sau. Một phần hay toàn bộ 10 tiểu bang của Mỹ hiện nay là đất của Mexico, từ Texas sang đến California, trong đó phần lớn California ngày nay từng là đất Mexico. Xem bản đồ:
Mỹ với các tiểu bang màu xanh từng là lãnh thổ của Mexico trước đây.
Hiệp ước này cho phép công dân Mexico tại các vùng lãnh thổ bị bán được chọn ở lại để trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi công dân hay dọn về biên giới thuộc vùng lãnh thổ Mexico. Cộng đồng gốc Mễ ra đời từ đây. Do đó cũng có thể xem họ là người dân bản địa, chính gốc như nói trên tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như California, Texas, New Mexico, Arizona, Colorado… Làn sóng di dân, tị nạn sang Mỹ bắt đầu ồ ạt hơn từ đầu thế kỷ 20 sau các cuộc chiến tranh rồi lý do kinh tế, sum họp gia đình sau này, tập trung đa số tại California và Texas.
Cộng đồng người Mỹ gốc Mexican tham gia chính trường Mỹ rất sớm, từ năm 1877 đã có dân biểu đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, rồi đến năm 1928 bắt đầu có thượng nghị sĩ đầu tiên. Hiện nay không kể việc tham gia cấp lãnh đạo trong các cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và nội các chính phủ, mà có đến 47 dân biểu Quốc Hội là thuộc cộng đồng Mexican và Latino nói chung, trong đó có sáu thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đa số các chính khách và cộng đồng gốc Mễ có xu hướng thuộc về đảng Dân Chủ.
Cộng đồng gốc Mễ cũng hiện diện đông đảo và đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực âm nhạc, thể thao, văn hóa nghệ thuật cho đến truyền thông, học thuật, kinh doanh với các tên tuổi không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ cũng có những tướng lãnh cấp cao và tại NASA đã từng có ít nhất bốn phi hành gia và một trưởng khoa học gia là gốc Mễ.
Điều quan trọng hơn cho nền kinh tế California cùng sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ là việc đóng góp từ lực lượng nhân công áp đảo trong kỹ nghệ xây dựng, công chánh, nông nghiệp, vận chuyển… của người gốc Mễ. Kỹ nghệ xây dựng và bảo trì nhà cửa, cầu đường, thu hoạch rau quả, dịch vụ sẽ rất khó khăn khi thiếu vắng họ bởi đây là nhóm nhân công đa số.
Nhắc đến cộng đồng người Mễ, có lẽ cũng cần nói sơ qua vấn đề di dân lậu liên quan đến người Mễ. Trong tổng số 11 triệu di dân lậu ước tính ở Mỹ hiện nay, những người Mễ trốn sang Mỹ hay tìm cách ở lại sau khi visa hết hạn, chiếm hơn phân nửa và góp thêm nguồn nhân công cho Mỹ. Điều này luôn được bàn thảo và trong chương trình nghị sự của mỗi đời tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chính sách di trú và vấn đề di dân lậu là vấn đề lớn của thế giới và nước Mỹ trải qua vài lần cải tổ, dường như vẫn chưa giải quyết tận gốc rễ bởi tính hai mặt của nó.
Trong khi kiểm soát di dân lậu là việc cần thiết thì trên thực tế và theo các nghiên cứu từ chính phủ, các nhóm kinh tế gia cho đến các đại học đã cho thấy, nhóm này phần lớn là những người cần cù, sẵn sàng làm các công việc chân tay, nặng nề mà người Mỹ không muốn làm hay không có người làm.
Họ làm công việc tay chân, lương thấp, giúp cho người tiêu thụ Mỹ hưởng được giá thành sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn. Họ cũng đóng thuế và giúp gia tăng kinh tế Mỹ qua việc tiêu xài. Đồng thời các đạo luật cải tổ di dân cũng không cho phép họ được hưởng các quyền lợi xã hội như một số người nghĩ, trong khi tỉ lệ tội phạm không gia tăng so với thủ phạm nội địa, mặc dù vẫn có một nhóm nhỏ liên quan đến các tội phạm khác nhau như bất cứ sắc dân hợp pháp nào khác.
Bài toán di dân lậu cũng từng được các cấp thẩm quyền của chính phủ cân nhắc thận trọng, đặc biệt với California. Cũng nói thêm rằng, theo báo cáo của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2014, Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia có di dân lậu đến Mỹ đông đảo nhất, vào khoảng 200 ngàn người đã ở lại sau khi hết hạn visa (*). Dẫn số liệu này để thấy, nếu Việt Nam có vị trí địa lý như Mexico, con số này chắc chắn tăng gấp bội và vấn đề di dân lậu với người Việt có lẽ nan giải không kém.
Một số người không có nhiều ý niệm về lịch, sử cùng vai trò, ảnh hưởng của cộng đồng người Mexican, nên khi tiếp xúc với phần lớn những người Mễ không nói tiếng Anh từ các vùng nông thôn Mexico và làm các công việc lao động cấp thấp, đã hình thành một định kiến, có sự kỳ thị và xem thường cộng đồng bạn. Không ít người còn đánh đồng họ như những kẻ di dân lậu, “đầu trộm đuôi cướp”, lặp lại các lời nói của Donald Trump mà không biết rằng, chính họ là chủ nhân vùng đất mình đang sống, chính họ đã góp phần đắc lực vào việc phát triển nước Mỹ cho mình được hưởng nhờ.
Và nếu công bằng nhìn nhận thì cộng đồng gốc Việt muốn đạt được như cộng đồng người Mễ hay các cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ là một con đường còn rất xa, vì hầu hết các cộng đồng này có tổ chức và sự đoàn kết. Họ có sức mạnh chính trị cùng thực lực của lá phiếu cử tri để từng bước tạo ảnh hưởng và đưa người của mình vào các cơ cấu chính phủ một cách có tổ chức và sự đầu tư.
Trong khi đó cộng đồng gốc Việt lại là cộng đồng thiếu tính tổ chức, chú trọng các hình thức bề nổi nhiều hơn sự dự phần, cũng như có xu hướng đẩy giới trẻ tài năng gốc Việt xa lánh cộng đồng vì sự nhận thức, quan điểm quá khác biệt. Không ít người Việt còn phản đối, xúc phạm giới trẻ gốc Việt đang đơn độc tham gia chính trường Hoa Kỳ hiện nay, thiếu vắng sự ủng hộ chung từ chính cộng đồng mình.
Nên điều dễ nhận thấy là cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay chỉ có các thành công cá nhân, mà thiếu vắng sự đại diện cùng sức mạnh cộng đồng tương ứng và cần thiết. Nếu có ai bảo người Mễ đông và đã ở lâu nên mạnh hơn thì hãy nhìn sang cộng đồng Cuba, mới và ít dân hơn cộng đồng Việt để thấy họ hùng mạnh như thế nào. So sánh điều này nhằm điều chỉnh tâm thức với các cộng đồng bạn và nhìn nhận lại vị thế của cộng đồng Việt hiện nay ra sao, sau gần nửa thế kỷ trên xứ người.
Một ngày không có người Mexican có thể sẽ không dẫn đến tình trạng xáo trộn quá mức như cách bộ phim hài “A day without a Mexican” đã thể hiện nhưng quả thật là nước Mỹ sẽ rất khó khăn nếu thiếu vắng họ. Xã hội sẽ bớt phần nhộn nhịp vì sự tươi vui và tràn đầy sức sống của một sắc dân phần lớn là chân thật và chăm chỉ.
Còn một ngày không có người Việt trên đất Mỹ thì sao?