a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT MÙA GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2025 AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM MỚI 2025 VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Phụ nữ vị tha có xu hướng ít bị trầm cảm hơn


"It's really about whether individuals can forgive other people and their willingness to forgive others," says Christine Proulx. (Mal Fairclough - Pool/Getty Images)
“Vấn đề nằm ở chỗ liệu bạn có thể tha thứ và sẵn sàng sàng tha thứ cho người khác hay không”. (Mal Fairclough – Pool/Getty Images)
Sự tha thứ là một quá trình phức tạp, người ta thường cảm thấy đầy khó khăn và lo lắng khi thực hiện điều đó. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, những phụ nữ lớn tuổi biết tha thứ cho người khác thường ít gặp phải các triệu chứng trầm cảm dù cho họ có cảm thấy được tha thứ hay không.
Tuy nhiên, những người đàn ông lớn tuổi lại cho biết, họ cảm thấy suy sụp nhất khi chấp nhận tha thứ cho người khác nhưng bản thân lại cảm thấy không hề được tha thứ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những kết quả này có thể giúp các nhà tư vấn cho người già đưa ra những can thiệp phù hợp theo giới tính, vì đàn ông và phụ nữ có cách xử lý với sự tha thứ hoàn toàn khác nhau.
“Chúng ta sẽ chẳng thoải mái gì khi biết rằng người khác không tha thứ cho mình”, Christine Proulx, đồng tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư của khoa Khoa học Môi trường Con người thuộc Đại học Missouri, cho biết.
“Những người biết tha thứ thường có những điểm chung, đó là lòng vị tha, thiện tâm, và sự cảm thông. Những người này tha thứ cho người khác và dường như cố gắng để bù đắp cho việc những người khác không tha thứ cho họ”.
“Nghe có vẻ giống như chúng ta đang nói về đạo đức, nhưng điều đó hoàn toàn không phải là việc làm thế nào để trở thành một người tốt hơn. Nó chỉ đơn giản là: ‘Tôi biết điều này sẽ gây tổn thương bởi vì chính tôi bị nó làm thương tổn’, những người này thường có xu hướng tha thứ cho người khác, điều đó giúp làm giảm bớt mức độ trầm cảm, đặc biệt đối với phụ nữ”.
Proulx và Ashley Ermer, tác giả chính và là một nghiên cứu sinh của khoa phát triển con người và khoa học gia đình, đã phân tích các dữ liệu từ Khảo sát Tôn giáo, Tuổi tác và Sức khỏe, một cuộc khảo sát quốc gia gồm hơn 1.000 người lớn tuổi từ 67 tuổi trở lên. Những người tham gia khảo sát đã trả lời các câu hỏi về tôn giáo, sức khỏe và tâm lý học.
Proulx cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu sự tha thứ trong số những người già, vì xu hướng của các cá nhân lớn tuổi thường phản ánh cuộc sống của họ, đặc biệt là những mối quan hệ và sai sót họ gặp phải trong đời, kể cả ở những người phạm pháp và những người từng có hành vi sai trái.
“Khi con người già đi, họ trở nên khoan dung hơn”, Ermer nói. “Rất nhiều người Mỹ theo đạo Cơ đốc giáo, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự sẵn sàng tha thứ của họ”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người đàn ông và phụ nữ không được người khác tha thứ phần nào cảm thấy tránh được trầm cảm khi họ tha thứ cho bản thân mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết họ rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng, trên thực tế việc tha thứ cho bản thân không hề làm giảm mức độ trầm cảm ở những người này.
“Tự tha thứ không thể bảo vệ bạn trước sự trầm cảm”, Proulx nói. “Vấn đề nằm ở chỗ liệu bạn có thể tha thứ và sẵn sàng sàng tha thứ cho người khác hay không”.
Nghiên cứu này được đăng trên Aging & Mental Health.
Nguồn: Đại học Missouri. Đăng lại từ Futurity.org với bản quyền Creative Commons License 4.0.
Tác giả: Jesslyn Chew | Dịch giả: Ngọc Yến

Nghiên cứu: Tức giận có thể dẫn đến chết sớm

.
(Ảnh: Pixabay.com)
Các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Iowa đã phát hiện thấy sự tức giận có thể dẫn đến chết sớm, nhất là đối với đàn ông.
Trong 35 năm, các chuyên gia đã xem xét tình trạng sức khỏe của 1.307 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 20 đến 40. Đặc biệt họ đã nghiên cứu phản ứng của những người tham gia bị stress và khả năng kiểm soát  cơn tức giận của những người này.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng những người đàn ông bạo lực có nguy cơ chết sớm cao hơn 1,57 lần so với những người đã giữ được bình tĩnh. Điều này cũng đúng ngay cả khi đã tính đến tình trạng hôn nhân, mức thu nhập hoặc thói quen hút thuốc.
Các chuyên gia cho rằng những người nóng giận có đặc tính là đánh giá một cách vô ý thức và quá mức về sự bất công, thường đi kèm với những cảm giác và sự hồi tưởng lại những tiêu cực đã có trong quá khứ. Một sự tức giận thái quá như vậy là rất nguy hiểm cho sức khỏe, vì nó có thể gây xơ vữa động mạch, làm xuất hiện của các cơn đau tim.
Theo các bác sĩ, cảm giác tức giận không kiểm soát được gây tác hại đến tất cả các quá trình sinh lý trong cơ thể và làm giảm đáng kể tuổi thọ, đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên bạn nên làm dịu sự tức giận quá mức -bất cứ khi nào có thể, và giữ bình tĩnh trong mọi tình huống của cuộc sống.
Khác với giận dữ, một thái độ khoan dung, kết hợp với sự trung thực, chân thành với chính mình và những người khác, và lòng nhân từ sẽ mang lại sự thanh thản yên bình và sức khỏe cho chúng ta.
Tác giả: Ina Nituleac, ET Romania | Dịch giả: Kim Xuân

Hận thù có thể giết chết bạn, khoa học nói gì về sự tha thứ?

iStock_000026055226_Large-676x450
(a-wrangler/iStocK)
Các tôn giáo xưa nay đều giảng nhẫn nhịn khi bị xúc phạm, nhưng trên thực tế, chúng ta thường rất khó tha thứ trong tình huống này. Có thể chúng ta cảm thấy chẳng có gì sai khi phản ứng như vậy, hoặc tin rằng việc trả đũa sẽ giúp mình tránh khỏi những tổn thương. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chúng ta thường phải trả giá đắt cho nỗi oán hận đeo đẳng trong lòng.
“Rồi bạn sẽ phải gánh chịu những hậu quả sau này”, tiến sĩ Everett Worthington, tác giả, nhà tâm lý học lâm sàng, và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia Commonwealth cho biết. “Chúng ta thường cảm thấy tức giận, căng thẳng, và không hề nhận ra những ảnh hưởng từ việc đó. Nhưng cuối cùng, chúng sẽ xuất hiện nếu chúng ta nuôi dưỡng thói quen đó trong một thời gian dài”.
Khái niệm “tha thứ” chủ yếu chỉ tồn tại trong lĩnh vực tôn giáo. Mặc dù các tác phẩm đồ sộ của Sigmund Freud đề cập đến hầu hết các vấn đề tâm lý, nhưng chúng ta chưa từng bắt gặp khái niệm về sự tha thứ trong các công trình của ông. Những bậc tiền bối của Freud cũng tỏ ra không mấy mặn mà với chủ đề này. Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra vào những năm 1980 đã làm các nhà tâm lý học phải thay đổi cách nhìn nhận.

Khoa học đã chỉ ra rằng sự oán hận trường kỳ có thể dẫn đến huyết áp cao, tăng căng thẳng và viêm nhiễm, mức hoóc môn nội tiết cũng theo đó tăng lên.

Kể từ đó, khoa học đã chỉ ra rằng sự oán hận trường kỳ có thể dẫn đến huyết áp cao, tăng căng thẳng và viêm nhiễm, mức hoóc môn nội tiết (cortisol) cũng tăng lên, từ đó phá vỡ gần như mọi quá trình hoạt động của cơ thể.
Worthington là một trong những nhà khoa học đầu tiên tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về đề tài sự tha thứ, và chủ đề này đóng vai trò trọng tâm trong công tác nghiên cứu của ông. Ông bắt đầu quan tâm đến khái niệm tha thứ khi thực hiện công việc tư vấn hôn nhân vào những năm đầu của thập niên 1980. Một vài năm sau đó, ông đã công bố những bài viết đầu tiên về chủ đề tha thứ, trong đó xem xét vai trò của sự tha thứ trong các biện pháp hàn gắn các cặp vợ chồng.
“Một nghiên cứu sinh của tôi khi đó tỏ ra khá quan tâm đến chủ đề này, và chúng tôi bắt đầu nghiên cứu nó như một đề tài khoa học, việc nghiên cứu đã bắt đầu như thế”, ông nói. “Năm 1996, mẹ tôi bị sát hại, điều đó giống như một phép thử và sau đó thực sự làm tôi phải chú ý nhiều hơn đến sự tha thứ”.

Làm thế nào để tha thứ

Theo tiến sĩ Worthington, một trong những trở ngại lớn nhất để có thể tha thứ là không biết phương pháp thực hiện.
“Tôi nghĩ mọi người thường không biết làm thế nào để có thể tha thứ”, ông nói. “Họ nhận được rất nhiều sự khích lệ để tha thứ. Nhiều người cho rằng tha thứ là một điều tốt đẹp. Tai bạn rót đầy những lời giáo huấn, và các bài viết trên tạp chí nói với bạn rằng tha thứ có lợi cho sức khỏe của bạn”.
“Thế nhưng cũng có người nói: ‘Vâng, nếu tôi có thể nhảy cao 6m thì tốt biết mấy, nhưng đáng tiếc tôi không thể làm được”.
Mặc dù Worthington là một tín đồ Cơ đốc giáo, nhưng ông nói rằng không nhất thiết phải tin vào Chúa mới nhận thấy được giá trị của sự tha thứ. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ riêng mình tôn giáo là không đủ để người ta đạt đến cảnh giới của sự tha thứ.
iStock_000049617186_Large-674x449
Theo tác giả Tiến sĩ Everett Worthington, chìa khóa để tha thứ thành công là trau dồi ý thức về sự đồng cảm, khiêm tốn, và tình thương. (camaralenta / iStock)
“Nếu bạn nghĩ rằng ‘tôi có bổn phận phải tha thứ bởi vì tôi tuân theo tôn chỉ của tôn giáo này’, kết quả là bạn sẽ có thể tha thứ được một chút theo cách đó, nhưng không nhiều. Động cơ từ bổn phận tôn giáo dường như không mấy hiệu quả trong việc thúc đẩy người ta tha thứ nhiều hơn”, ông nói.

Chìa khóa để tha thứ thành công là trau dồi ý thức về sự cảm thông, khiêm tốn, và tấm lòng lương thiện.

Theo Worthington, chìa khóa để có thể tha thứ thành công là trau dồi ý thức về sự cảm thông, khiêm tốn, và tấm lòng lương thiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tha thứ dễ đến hơn với những người biết quan tâm đến người khác, hơn là chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân.
Thông qua nghiên cứu và kinh nghiệm điều trị, Worthington đã phát triển một phương pháp để mọi người học cách tha thứ. Nó được gọi là REACH:
  1. (recall): có nghĩa là hồi tưởng – hãy nhớ lại cảm giác khi người khác làm bạn tổn thương, theo một cách khách quan nhất có thể.
  2. E (empathize): là sự thông cảm, đồng cảm – cố gắng để hiểu quan điểm của người đã xử tệ với bạn.
  3. A (altruism): là lòng vị tha – suy nghĩ về khoảng thời gian khi bạn làm tổn thương ai đó và đã được tha thứ, sau đó hãy ban tặng món quà tha thứ ấy cho người đã làm tổn thương bạn.
  4. C (commit): là phạm lỗi – công khai tha thứ cho người đã làm điều sai trái với bạn.
  5. H (hold on): là kiên nhẫn – dù không thể quên được nỗi đau, nhưng hãy nhắc nhở bản thân rằng chính bạn đã lựa chọn tha thứ.
Mục tiêu của REACH là xem xét những cảm giác tổn thương mà không đổ lỗi cho người khác hoặc nhắc đi nhắc lại khi bị đối xử bất công. Thông tin chi tiết có sẵn trong tài liệu Word miễn phí trên trang web của Worthington.
Cuốn sách mới nhất của Worthington, “Tiến lên phía trước: 6 bước để Tha thứ cho bản thân và Thoát khỏi quá khứ”, sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc và nhiều chiến lược để ứng phó.

Tha thứ và quên đi

Một trong những khó khăn đối với nghiên cứu về sự tha thứ là việc xác lập một định nghĩa chính xác. Có nhiều điều mọi người coi là sự tha thứ nhưng thực sự lại là một điều gì đó hoàn toàn khác.
“Tha thứ không phải là cách duy nhất để đối mặt với những bất công mà ta trải qua. Có rất nhiều cách”, Worthington nói. “Một, đơn giản chỉ là chấp nhận: “Ồ, cuộc đời mà. Mình vẫn đang tiến bước”. Cách nữa là sẽ bào chữa cho những gì đã thực hiện hoặc biện minh cho những gì đã làm hoặc đổ tại ý trời – “Tôi đơn giản là sẽ để Chúa hạ gục chúng”. Hoặc, “tôi sẽ để Chúa trời lo liệu tất cả bởi vì nó không phải là vấn đề của tôi”.
Sự tha thứ đích thực cần có nỗ lực phi thường. “Tha thứ không chỉ là thôi không giữ những cảm xúc tiêu cực đối với ai đó, mà trên thực tế là bắt đầu nhìn nhận [người ấy] như một người có giá trị – một người có thể cải biến được” Worthington nói.
Ý niệm muốn tìm ra giá trị ở người khác dường như quá lạ lẫm trong xã hội hiện đại đầy rẫy những cạnh tranh và bất đồng về quan điểm chính trị. Nhưng Worthington tin rằng những thay đổi lớn có thể thành hiện thực nếu chúng ta tích cực khuyến khích nhận thức về sự tha thứ. Nghiên cứu gần đây của ông còn coi sự tha thứ là một sáng kiến ​​cho sức khỏe cộng đồng.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ở trong một cộng đồng, giả dụ như thành phố New York, và bạn chỉ cần phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức chung thế là bạn đã có thể khiến cho cả thành phố đổ dồn sự chú ý vào việc tha thứ?”, ông nói. “Nếu có một mối quan hệ chặt chẽ giữa liều lượng (tha thứ) và phản ứng từ việc đó, thì những người được tiếp xúc rất nhiều với sự tha thứ và nghiêm túc muốn tha thứ, sẽ có thể đạt được sự tha thứ”.

Khi các trường học thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về sự tha thứ, thì hầu hết mọi người trong trường nhìn thấy những lợi ích tích cực về sức khỏe tinh thần và thể chất.

Những thử nghiệm như vậy đã được tiến hành trong các trường đại học. Đối với các trường đã chấp thuận các chiến dịch nâng cao nhận thức về sự tha thứ thì hầu hết mọi người trong trường đều nhìn thấy những lợi ích tích cực về sức khỏe tâm thần và thể chất.

Tìm kiếm sự hỗ trợ

Khoa học cho thấy rằng, nếu bạn cứ ôm giữ một nỗi oán hận trong lòng, thì rất có thể sẽ gây ra bệnh tật. Nhưng đối với một người được chẩn đoán là đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, thì việc tha thứ và buông bỏ càng trở nên quan trọng hơn.
Theo Katherine Puckett, nhân viên bệnh lý xã hội và giám đốc quốc gia về Y học Tinh thần–Thể chất tại các Trung tâm Điều trị Ung thư của Mỹ (CTCA), bệnh nhân thu được nhiều lợi ích khi hiểu được những gì họ đánh mất nếu cứ ôm giữ nỗi tức giận trong lòng.
iStock_000024897413_Large-674x449
Phát triển các mối quan hệ hỗ trợ là một trong những bước đầu tiên để đạt được sự tha thứ. (monkeybusinessimages / iStock)
“Khi chúng ta bị căng thẳng, có những điều thực sự tiêu cực xảy ra trong cơ thể”, Puckett cho biết. “Cơ thể cảm nhận sự căng thẳng đó như là một mối đe dọa cho sự sinh tồn của chúng ta. Có sự phóng thích khoảng 1.400 các chất hóa học khác nhau lan tỏa khắp cơ thể khi chúng ta ở trong tâm trạng căng thẳng. Khi người ta đang ở trong tâm thái không tha thứ, tức là họ đang gặp rắc rối trong việc buông bỏ oán giận, thì họ đang sống trong một tình trạng mà các kích thích tố (hormone) đang ngừng hoạt động”.
Theo Puckett, phát triển các mối quan hệ hỗ trợ là một trong những bước đầu tiên để giúp bệnh nhân đạt được sự tha thứ.
“Chúng tôi muốn có thể giải thích những gì chúng ta đang trải qua”, bà nói. “Khi có rất nhiều tổn thương và đau đớn, sẽ khó mà học được cách buông bỏ đi điều đó, đặc biệt là khi không có sự giúp đỡ nào cả”.

Nhận dạng sự thù hận

Để thấu triệt được nguyên nhân của lòng thù hận đòi hỏi phải tự xem xét chính mình và tìm ra nguồn gốc của những cảm xúc tiêu cực. Trong quá trình tìm hiểu, các bệnh nhân ung thư có thể chỉ ra một loạt những thứ để đổ lỗi, chẳng hạn như những mối quan hệ xấu, bị cha ngược đãi, hoặc do công việc căng thẳng. Xác định nguồn gốc của sự tổn thương là một bước quan trọng trong quá trình buông bỏ.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần giúp đỡ trong việc tha thứ cho bản thân mình. Một phần quan trọng của chương trình tha thứ (forgiveness) tại Trung tâm Điều trị Ung thư của Mỹ (CTCA) là giúp cho bệnh nhân nhìn nhận giá trị của sự tự chăm sóc. Puckett muốn mọi người đối xử tốt với bản thân như cách họ đối xử với người bạn tốt nhất.
“Rất nhiều khi mọi người cảm thấy họ không xứng đáng có được hạnh phúc, hoặc họ không đáng được thoát khỏi tội lỗi hay sự oán giận”, cô nói. “Đó chỉ là cách sống khác nhau của mỗi người. Họ chưa có kinh nghiệm làm những điều tốt đẹp để chăm sóc bản thân. Đó là một tiến trình học hỏi, nhưng nó rất đáng giá. Tôi nghĩ điều này rất hiệu quả”.
Dwayne Bratcher (57 tuổi), bệnh nhân của CTCA cho biết, tự tha thứ đóng vai trò rất lớn trong quá trình chữa bệnh của ông. Khi ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, ông cảm thấy vô cùng ngượng ngùng khi bị một “bệnh phụ nữ” và xấu hổ vì đã hút thuốc lá hơn 20 năm. Bratcher cũng tự mô tả bản thân là một người “tham công tiếc việc”. Trước khi đến CTCA, ông đã tiết kiệm được tới 970 giờ nghỉ ốm đau. Tất cả những gì ông nghĩ đến chỉ là công việc của mình.
“Tôi đã phải tha thứ cho bản thân mình vì đã không dành nhiều thời gian cùng với gia đình. Kể từ khi tôi bị ung thư hồi năm ngoái, điều đó làm cho tôi và gia đình tôi gần nhau hơn”, ông nói. “Bây giờ tôi nói chuyện với con gái của tôi mỗi ngày, trong khi trước đó điều duy nhất trong tâm trí của tôi chỉ là công việc”.

Hỗ trợ tinh thần

Không còn e ngại về bệnh tật của mình, hiện nay Bratcher tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của những người bị bệnh ung thư vú và rất cởi mở khi nói chuyện về nó. “Một khi tôi đã tha thứ cho bản thân mình để sống cùng căn bệnh ung thư vú, tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai”, ông cho biết.
Bratcher coi bệnh tật của mình là một tiếng chuông cảnh tỉnh và coi bệnh ung thư của mình như một phước lành, trong cái rủi có cái may. Phần lớn sự hỗ trợ mà ông nhận được đều đến từ nhà thờ. “Tôi có cả một cộng đoàn giáo hội đang cầu nguyện cho tôi được khá lên. Việc đó đã giúp tôi rất nhiều”, ông nói.
Đối với những người không có một cộng đồng tâm linh nào hỗ trợ, CTCA đề nghị có một giáo sĩ không thuộc giáo phái nào để hỗ trợ cho những bệnh nhân này. Theo Carl Williamson, người quản lý của đội ngũ mục sư chăm sóc tại Trung tâm y tế khu vực miền Trung Tây của CTCA, những giáo sĩ có thể cho bệnh nhân một cơ hội để chia sẻ cảm giác tội lỗi, xấu hổ và oán giận của họ mà không phán xét gì cả.
“Bệnh nhân ung thư thường thấy khó tha thứ cho bản thân mình bởi họ đang trải qua trải nghiệm gây ra rất nhiều áp lực về tài chính và tình cảm lên gia đình” Williamson nói. “Khi chúng tôi cho họ sự hỗ trợ, họ có thể buông bỏ rất nhiều những gì họ đang ôm giữ”.
Đôi khi các bệnh nhân nói rằng họ oán giận Chúa, nhưng hầu hết đều là vấn đề về gia đình. Dù vấn đề gì đi nữa, các giáo sĩ có thể trở thành một người ủng hộ bằng cách truyền tải những nhu cầu cụ thể của bệnh nhân cho những người còn lại của nhóm chăm sóc, hoặc họ có thể chỉ đơn giản là giữ bí mật trong sự tâm sự riêng tư.
“Gần đây một trong những giáo sĩ của chúng tôi đã kể với tôi rằng, một bệnh nhân đã chia sẻ với anh một điều mà cô ta chưa bao giờ chia sẻ với bất cứ ai khác”, Williamson nói. “Anh ta là người duy nhất biết những gì cô ấy đang trải qua”.
Tha thứ rốt cuộc là một sự quyết định, nhưng có thể mất nhiều năm nỗ lực mới đạt được điều đó. Một số bệnh nhân có thể không bao giờ đạt được sự tha thứ, nhưng Puckett nói rằng điều quan trọng là phải kiên nhẫn với họ.
“Để tha thứ, những người khác nhau phải mất lượng thời gian khác nhau, và có lẽ một số người không bao giờ hoàn toàn đến được đỉnh điểm của sự buông xả và tha thứ”, cô nói. “Nhưng nếu họ cảm thấy có sự hỗ trợ đồng hành, điều đó sẽ làm dịu đi bất kể căng thẳng nào mà họ đang gặp phải”.
Tác giả: Conan Milner, Epoch Times | Dịch giả: Ngọc Yến

Sâm Siberi cho năng lượng và sự bền bỉ


Siberian ginseng (Eleutherococcus senticosus) is an adaptagenic herb that can be identified by its cluster of dark berries. (Stanislav Doronenko/Wikimedia Commons)
Sâm Siberi (Eleutherococcussenticosus) là một loại thảo dược “thích nghi” có đặc trưng là những chùm quả mọng sẫm màu. (Stanislav Doronenko/Wikimedia Commons)
Thích nghi (Adaptogen) là một thuật ngữ y học dùng để mô tả các loại thảo dược có khả năng tự giúp cơ thể thích ứng với stress. Ngày nay, người ta xếp một số loại thảo mộc vào nhóm này, và sâm Siberi là cái tên đầu tiên được nhắc đến.
Một nhà khoa học Liên Xô đã phát minh ra thuật ngữ này vào năm 1947 khi ông nghiên cứu những ảnh hưởng của sâm Siberi trong một cuộc điều tra vào thời Chiến tranh Lạnh để tìm ra loại thảo dược có tác dụng tăng lực cho binh lính Liên Xô. Các nhà khoa học đã thấy được hiệu quả của nó trong quân đội, vì vậy sâm Siberi đã được sử dụng cho các phi hành gia Nga và các vận động viên Olympic của Liên Xô để giúp họ có thể lực ổn định và tăng cường sức chịu đựng.
Sâm Siberi là tên gọi mà nhiều người biết đến, nhưng ngày nay bạn chỉ có thể tìm thấy loại thảo dược này dưới tên khoa học của nó là Eleutherococcus hoặc Eleuthero. Một điều khoản trong Dự luật nuôi trồng (Farm Bill) năm 2002 đã nghiêm cấm các hãng dược phẩm sử dụng thuật  ngữ “nhân sâm” trên các nhãn sản phẩm của họ, trừ trường hợp Nhân sâm họ Panax. Sâm Siberi và Nhân sâm mặc dù cùng được gọi là sâm nhưng lại không thuộc cùng một họ.
Sâm Siberi là cái tên được đưa ra khi loại thảo mộc này lần đầu tiên có mặt trên thị trường phương Tây vài thập kỷ trước đây. Nó được tìm thấy trên khắp khu vực Đông Á và đã được sử dụng ở Trung Quốc ít nhất 2.000 năm. Kể từ khi các nghiên cứu hiện đại được tiến hành ở Nga, nó được đặt cho biệt danh là sâm Siberi.
Cái mác “sâm” có tác dụng thu hút người tiêu dùng như một thương hiệu đáng tin cậy. Sâm Siberi cũng có đặc điểm tương tự như Nhân sâm (Panax), với phần củ sâm có hình dáng giống như thân người và đều mang lại sức mạnh và sức sống cho người già hay người suy nhược. Tuy nhiên, Nhân sâm họ Panax là một trong những loại thảo mộc được tôn sùng và đắt tiền nhất trong y học cổ truyền, còn sâm Siberi lại tương đối rẻ và dễ kiếm hơn.
Hình minh họa sâm Siberi (Eleutherococcus) từ Tạp chí Botanical Curtis năm 1915. (Nguồn công cộng)
Trong y học cổ truyền, sâm Siberi còn được gọi là “ngũ gia bì”, cái tên này gợi liên tưởng đến chùm năm chiếc lá và phần thân có gai của loại cây này. Tuy ngũ gia bì không có những đặc tính giống hệt như Nhân sâm, nhưng nó vẫn được coi là một loại thuốc có giá trị. Y học cổ truyền sử dụng vị thuốc này để điều trị các triệu chứng liên quan đến lá lách (tỳ) và tình trạng thận dương hư như chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, và suy nhược nói chung.
Danh y nổi tiếng thời nhà Minh, Lý Thời Trân, đã sử dụng ngũ gia bì để chữa bệnh thoát vị, gân yếu, và làm chậm quá trình lão hóa.
Các nghiên cứu hiện đại đã tìm ra nhiều công dụng khác của loại cây này. Tại Đức, nó thường được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong quá trình tiến hành xạ trị và hóa trị. Ở Nga, sâm Siberi đã được cấp cho những người sống gần khu vực xảy ra thảm họa Chernobyl để kháng cự với các tác động của nhiễm độc phóng xạ. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng, sâm Siberia rất tốt cho việc ngăn chặn sự bùng phát của bệnh mụn rộp và nhiễm trùng do nấm.
Ủy ban E, một cơ quan điều tiết của Đức có nhiệm vụ đánh giá các loại thảo dược, đã công nhận tác dụng của sâm Siberi đối với tình trạng suy nhược sức khỏe. Thảo dược này thường được sử dụng để giảm thiểu những ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như hội chứng suy nhược mãn tính hoặc các căn bệnh với triệu chứng mệt mỏi và kiệt sức. Những người không có bệnh mãn tính có thể sử dụng sâm Siberi để nâng cao chất lượng thể chất và tinh thần, cũng như khả năng miễn dịch.
Mặc dù đôi khi được thêm vào các công thức thảo dược giúp ngủ ngon, sâm Siberi là một chất kích thích có tác dụng từ từ. Không giống như tác động tăng giảm năng lượng nhanh chóng của caffein, để có được năng lượng từ sâm Siberi có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng, nhưng hiệu quả của nó lại có tác dụng kéo dài. Tác dụng từ từ này của sâm Siberi rất hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng liên quan đến suy yếu tuyến thượng thận và tuyến giáp.
Sau khi sử dụng sâm Siberi một thời gian, hãy tạm nghỉ trước khi dùng lại. Do tính chất kích thích của nó, các nhà nghiên cứu thảo dược khuyến cáo rằng bạn nên nghỉ vài tuần sau khi sử dụng nó trong vòng một hoặc hai tháng. Ủy ban E khuyên không nên sử dụng loại thảo mộc này liên tục quá ba tháng. Dùng quá nhiều có thể gây bồn chồn, mất ngủ và tăng huyết áp.
Hãy tìm kiếm các sản phẩm tiêu chuẩn có hàm lượng eleutherosides (sâm Siberi) ít nhất 0,8%. Liều khuyến cáo chung là từ 100 mg và 300 mg một ngày, một số trường hợp có thể dùng nhiều hơn trong khuôn khổ an toàn. Giảm bớt liều lượng nếu bạn cảm thấy quá phấn khích.
Tác giả: Conan Milner | Dịch giả: Ngọc Yến

Hình xăm dấu chấm phẩy và ý nghĩa sâu xa của nó

semico1239
Trên các trang mạng xã hội, bạn có thể bắt gặp nhiều người có những bức vẽ hoặc hình xăm mang ký hiệu dấu chấm phẩy trên cơ thể họ – thường là trên cổ tay hoặc cánh tay.


(Nội dung dòng tweet: Một vài người để hình dấu chấm phẩy trên cơ thể, ý nghĩa thật sự của ký hiệu này là gì)
Có lý do cho điều đó (tuy nhiên không phải là để khuyến khích mọi người dùng dấu này theo đúng quy tắc chính tả).
Ý tưởng sâu xa của trào lưu này, một trào lưu mà mọi người vẫn biết đến với cái tên “Dự án dấu chấm phẩy”, là để thúc đẩy, khuyến khích mọi người về sự lành mạnh về tinh thần. Theo trang The Independent thì ý nghĩa của biểu tượng này là “Dấu chấm phẩy được dùng khi một câu nói/lời văn đáng lẽ đã có thể kết thúc, nhưng trên thực tế là nó chưa kết thúc”.
Người phát kiến ra nó là Amy Bleuel vào năm 2013 sau khi bố cô tự tử. Dấu chấm phẩy được làm để tưởng niệm ông. Phong trào này là “một phong trào phi lợi nhuận để truyền đạt niềm tin, thể hiện hi vọng và tình yêu với những ai đang phải đấu tranh với bệnh trầm cảm, ý muốn tự tử, nghiện ngập hoặc luôn muốn tự hại bản thân”.
Trang này còn cho biết: “Dự Án Dấu Chấm Phẩy tồn tại để khuyến khích, để yêu và để truyền cảm hứng”.
Bleuel nói rằng bạn không cần phải có tôn giáo hay là người tin vào tâm linh thì mới có thể ủng hộ phong trào này.


(Nội dung dòng Tweet: Hôm nay tôi đã tự hứa với bản thân mình rằng tôi sẽ không bao giờ kết thúc câu cho dù có bất cứ điều khó khăn gì xảy ra.)
Alex Bieger, từng là một người nghiện ngập và đang trong quá trình hồi phục, cũng đã có một hình xăm dấu chấm phẩy, anh giải thích lý do tại sao lại xăm ký hiệu này cho trang BuzzFeed: “Nó nhắc nhở tôi rằng tôi đã lựa chọn để chiến đấu cho cuộc sống của tôi thay vì buông tay từ bỏ”.
(Nội dung dòng tweet: Hôm nay mình có hình xăm thứ 6. Một dấu chấm phẩy như lời hứa với bản thân không bao giờ kết thúc và từ bỏ cuộc sống. Mỗi ngày đều nghĩ đến Mo!)

Trên trang web Dự Án Dấu Chấm Phẩy (Semicolon Project):
Dự án này bắt đầu từ mùa xuân năm 2013 khi người sáng lập ra Simicolon Project muốn dùng nó để tưởng nhớ đến người cha đã ra đi của cô. Thông qua ký hiệu dấu chấm phẩy rất nhiều người đã liên tưởng nó đến cuộc chiến đấu chống lại bệnh trầm cảm, nghiện ngập, tự làm hại bản thân và tự tử và họ sẽ vẫn tiếp tục cuộc sống. Tiêu đề “Project Semicolon” cũng thể hiện một mục tiêu – đó là, đây không phải là dấu chấm hết mà là một khởi đầu mới.
Thời gian trôi qua và dự án này phát triển xa hơn thì người ta càng thấy rằng ký hiệu này không chỉ nói về một người. Chúng ta biết được nhiều người hơn mong muốn được tiếp tục câu chuyện của chính họ và sống một cuộc sống sao cho có thể thôi thúc những người khác nữa cũng muốn tiếp tục cuộc sống.
Theo thời gian Project Semicolon đã làm được nhiều điều hơn không chỉ là việc tưởng nhờ một người cha. Thông qua sự hỗ trợ của các nhà soạn nhạc và phương tiện truyền thông xã hội, thông điệp của hi vọng và tình yêu này đã đến được với lượng khán giả lớn ở nhiều quốc gia khác nhau, hơn cả những điều mà chúng ta có thể mong đợi.
Project Semicolo vinh dự là một phần của những câu chuyện đang còn tiếp tục và là nguồn động lực cho những ai đang đấu tranh cho cuộc sống.
Chúng tôi không phải là dịch vụ hỗ trợ 24/24, cũng không phải là những chuyên gia được huấn luyện bài bản về sức khỏe tinh thần. Project Semicolon hi vọng đem đến một nguồn cảm hứng tinh thần.
Ở Hoa Kỳ, nếu đây là một trường hợp khẩn cấp hay bạn đang lo lắng hoặc ai đó mà bạn biết đang có nguy cơ muốn tự tử bạn hãy gọi cho cơ quan chức trách (ở Hoa Kỳ là 911), liên hệ với một chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc gọi và nói chuyện với ai đó ở đường dây nóng ngăn chặn tự tử  1-800-SUICIDE (784-2433).
Tác giả: Jack Phillips, Epoch Times | Dịch giả: Jessica

Thiên văn học: không chỉ đẹp ở bầu trời


(Ảnh: Pixabay)
(Ảnh: Pixabay)
Thiên văn học mang chúng ta tới với sự rộng lớn, vĩ đại và kì diệu của bầu trời và vũ trụ. Nhưng không chỉ có vậy, thiên văn học là thú vị, và là cần thiết cho mỗi con người còn bởi vì nó cho chúng ta biết mình là ai, mình đang ở đâu giữa vũ trụ rộng lớn bất tận, chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc sống, thấy trọn vẹn vẻ đẹp của cả thế giới xung quanh.
Hơn mười năm gắn bó với thiên văn học, nhiều lần tôi được người ta hỏi rằng thiên văn học để làm gì? Tại sao người ta cần phải biết tới thiên văn? Những câu hỏi đó quả là những câu hỏi thú vị, không thể không thú thật rằng chính tôi cũng từng tự chất vấn mình như thế. Tới với thiên văn từ khi còn là một cậu học sinh, và gắn bó với nó như một phần không thể thiếu của cuộc sống khi bắt đầu bước vào những năm học đại học cho tới tận bây giờ, tôi cũng từng chỉ tới với thiên văn vì yêu thích vẻ đẹp của bầu trời, hứng thú với những điều bí ẩn thú vị của một môn khoa học. Cùng với thời gian, bầu trời không còn quá mới mẻ với tôi, và đó là lúc tôi từng tự dừng lại và hỏi chính mình: Tại sao mình vẫn cần tới thiên văn? Vào lúc tự hỏi mình như vậy, tôi đã tự khám phá ra nhiều điều, những điều đã làm tôi tiếp tục gắn bó với môn khoa học này tới tận bây giờ.
Cũng như bao nhiêu môn khoa học khác, thiên văn học giúp chúng ta khám phá những sự thật về thế giới quanh mình. Bạn đã sai nếu từng nghĩ thiên văn học là thú vui quan sát bầu trời của những người lãng mạn. Quan sát bầu trời thì vẫn chỉ là quan sát bầu trời (sky watching) mà thôi, còn thiên văn học, hay ngày nay phải gọi một cách chính xác là vật lý thiên văn (astrophysics) là một môn khoa học với đúng các đặc điểm cần có của nó. Cũng như các chi nhánh khác của vật lý, thiên văn nghiên cứu các hiện tượng của bầu trời và vũ trụ để giải thích và dự đoán. Vì vậy, hiển nhiên rằng sự cần thiết của nó cũng như của bao nhiêu môn khoa học mà bạn từng biết.
(Ảnh: Pixabay)
(Ảnh: Pixabay)
Tôi có thể kể ra cho bạn vô số những ứng dụng của nghiên cứu thiên văn: hàng không, dự báo thời tiết, liên lạc vệ tinh … Tuy nhiên sự thực dụng không phải lúc nào cũng mua chuộc được những người yêu khoa học. Những người yêu khoa học thì cần nhiều hơn thế. Vẻ đẹp của khoa học chính là vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Nó như một bức tranh sống động với nhiều lớp màu và nhiều mảng sáng tối cùng muôn vàn sắc thái; nó như một ngọn núi hùng vĩ mà nếu ngắm nhìn ở mỗi góc độ bạn lại thấy một vẻ đẹp khác nhau. Phải làm sao thấy được càng nhiều, càng gần tới cái vẻ đẹp toàn diện nhất, chân thực nhất, bạn mới càng cảm nhận được hết cái đẹp của bức tranh, của ngọn núi. Thế giới xung quanh chúng ta cũng vậy, mỗi ngày ngắm nhìn nó bạn đều thầy nó hiện lên thật đẹp đẽ, nhưng mỗi lần biết thêm một điều về nó, bạn lại thấy mình cảm nhận thêm một vẻ đẹp nữa mà trước đây có thể bạn chưa từng biết tới. Khi những cảm nhận ngày một dày lên, bạn càng tận hưởng được cái đẹp sâu sắc hơn, kì vĩ hơn. Thiên văn học chính là một nơi tuyệt vời để bạn khám phá về thế giới của mình.
(Ảnh:Pixabay)
(Ảnh:Pixabay)
Bạn nghĩ thiên văn là xa xôi ư? Bạn nhầm rồi, thiên văn không phải để tìm tới những thứ quá xa tầm với, mà kì thực là tìm hiểu về chính chúng ta. Vũ trụ không phải cái gì ở xa như bạn từng nghĩ. Hãy thử nghĩ lại một chút xem. Vũ trụ chính là ngôi nhà của chúng ta, là nơi chúng ta đã sinh ra, cũng là nơi đã và sẽ tiếp tục chứng kiến, ghi nhận lại toàn bộ những gì đã diễn ra trong cuộc đời mỗi chúng ta. Bạn có biết mỗi ngôi sao mà bạn nhìn thấy đều là một “Mặt Trời” và bạn đang nhìn thấy hình ảnh của nó hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn… năm trước? Bạn có biết mỗi giọt nước bạn uống đều là kết quả của một quá trình dữ dội hàng tỷ năm? Bạn có biết mỗi chúng ta đều sinh ra từ những viên đá, hạt bụi tới từ vũ trụ? Ý nghĩa của thiên văn là ở chỗ đó, nó cần cho chúng ta là ở chỗ đó. Hàng không, thời tiết, thông tin liên lạc … có thể chẳng có gì quan trọng với nhiều người khi chúng ta đã có phân công lao động, bạn chẳng cần tới chúng khi bạn là một doanh nhân, một bác sĩ hay một công nhân. Ấy thế nhưng sự thật về quá khứ và tương lai của mỗi chúng ta, những hiểu biết về vẻ đẹp của thế giới ta đang sống thì không khi nào là vô ích. Nó giúp bạn mở rộng cái nhìn của mình tới những chân trời mới, ngắm nhìn những vẻ đẹp mới, để hiểu hơn và yêu hơn thế giới quanh mình, yêu hơn cuộc sống của chính chúng ta.
Xin kết thúc bài viết ngắn này bằng một câu nói của nhà triết học, toán học nổi tiếng người Pháp Jules Henri Poincaré
Thiên văn học là hữu ích vì nó nâng chúng ta lên cao hơn chính bản thân mình; nó hữu ích bởi vì nó to lớn; … Nó chỉ cho chúng ta thấy cơ thể con người nhỏ bé như thế nào, còn tâm trí thì vĩ đại ra sao khi mà trí thông minh có thể ôm trọn lấy toàn bộ cái mênh mông rực rỡ, nơi cơ thể chỉ là một cái chấm đen mờ nhạt, và tận hưởng sự im lặng hài hòa của nó.
Tác giả: Đặng Vũ Tuấn Sơn 

Milky way – Thiên hà của chúng ta

Vào những đêm mùa hè hay mùa thu khi trời quang đãng, chúng ta thường nhìn thấy một dải sáng màu trắng nhạt vắt ngang qua bầu trời. Ở Việt Nam, người xưa đã sớm gọi dải sáng đó là Ngân Hà (dòng sông bạc), còn theo thần thoại Hy Lạp thì dải sáng đó là dòng sữa bất tử của nữ thần Hera tuôn chảy trên bầu trời do sức hút của người anh hùng Hercules, đó là câu chuyện giải thích cho cái tên của nó là Milky Way (con đường sữa)…
Ngày nay, chúng ta biết rằng dải sáng này chính là phần đĩa sáng chính của thiên hà chúng ta. Thiên hà của chúng ta có tên là Milky Way, một trong số ít nhất là 100 tỷ thiên hà trong vũ trụ (theo như ước tính gần đây của các nhà thiên văn học), nhưng đối với chúng ta nó vô cùng đặc biệt bởi vì nó là thiên hà chứa Hệ Mặt Trời của chúng ta – ngôi nhà của tất cả chúng ta. Hiểu về thiên hà của chúng ta chính là để hiểu thêm về vị trí, về quá khứ và cả tương lai của chính chúng ta.

Lịch sử nghiên cứu thiên hà

Sở dĩ chúng ta nhìn thấy thiên hà Milky Way như một dải sáng rất mờ nhạt và có màu trắng sữa bởi vì nó được tập hợp từ rất nhiều ngôi sao mà chúng ta không thể phân biệt được bằng mắt thường. Từ xưa, khi chưa có kính viễn vọng để quan sát bầu trời, các nhà thiên văn chỉ có thể đưa ra những suy đoán và cũng có một số người đã nghĩ nó được tạo thành từ vô số các sao. Nhưng bằng chứng thực tế cho suy đoán này chỉ được đưa ra vào năm 1610 khi Galileo Galilei sử dụng kính thiên văn của mình để quan sát bầu trời và nhận thấy rất nhiều đốm sáng nhỏ tạo nên dải sáng. Năm 1755, Immanuel Kant, trong luận thuyết của mình rút ra từ công trình của Thomas Wright, suy đoán (chính xác) rằng Milky Way có thể là một đối tượng quay chứa một số lượng rất lớn các sao, được kết nối với nhau bởi lực hấp dẫn, cũng giống như Hệ Mặt Trời của chúng ta nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều. Kant cũng phỏng đoán rằng một số tinh vân nhìn thấy trên bầu trời cũng có thể là những thiên hà riêng biệt, tương tự như thiên hà của chúng ta. Kant gọi Milky Way và những “tinh vân ngoài thiên hà” là những “hòn đảo vũ trụ” và thuật ngữ này tồn tại cho đến những năm 1930.
Những nỗ lực đầu tiên để mô tả hình dạng của Milky Way và vị trí của Mặt Trời trong nó được thực hiện bởi William Herschel vào năm 1785. Bằng cách đếm cẩn thận số lượng các sao ở các vùng khác nhau trên bầu trời, ông đã đưa ra biểu đồ hình dạng của Milky Way với hệ Mặt Trời nằm gần trung tâm.
Năm 1917, Heber Curtis bằng việc quan sát các nova đã ước tính được khoảng cách đến tinh vân Andromeda là 150.000 parsec. Từ đó, ông cho rằng tinh vân xoắn chính là những thiên hà độc lập.
Cho đến đầu những năm 1920 phần lớn các nhà thiên văn vẫn nghĩ Milky Way chứa tất cả các sao trong vũ trụ. Năm 1920 đã diễn ra cuộc tranh cãi lớn giữa Harlow Shapley và Heber Curtis về bản chất của Milky Way và kích thước của vũ trụ. Cuộc tranh cãi chỉ kết thúc khi Edwin Hubble quan sát các sao biến quang Cepheid và sử dụng chúng để đo khoảng cách đến Andromeda. Ông tính được rằng Andromeda cách Mặt Trời chúng ta 275.000 parsec, một khoảng cách quá xa để có thể là một phần của Milky Way. Điều này cho thấy rằng thiên hà của chúng ta chỉ là một trong số hàng tỉ thiên hà trong vũ trụ.
Milky Way được ghi hình trong điều kiện tương đối lý tưởng, sử dụng kĩ thuật panorama để có góc nhìn đủ rộng

Quan sát

Nhìn từ Trái Đất, thiên hà Milky Way như một dải sáng màu trắng nhạt rộng khoảng 30 độ vắt ngang nền trời. Ánh sáng của dải sáng này bắt nguồn từ sự tích tụ ánh sáng của các ngôi sao mà chúng ta không phân biệt được và những vật chất nằm ở hướng mặt phẳng thiên hà. Vùng tối trong dải sáng là những vùng mà ánh sáng từ những ngôi sao xa bị chặn lại do bụi giữa các vì sao. Tất cả các ngôi sao mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đều thuộc thiên hà Milky Way (các sao thuộc thiên hà khác quá xa để có thể nhìn thấy độc lập).
Vùng nhìn thấy được của mặt phẳng thiên hà chiếm một khu vực trên bầu trời bao trải dài trên phạm vi của 30 chòm sao. Trung tâm thiên hà nằm ở hướng chòm sao Sagittarius và là phần sáng nhất. Từ Sagittarius, dải sáng này đi về hướng tây đến điểm đối diện với trung tâm thiên hà trong chòm sao Auriga, rồi tiếp tục đi hướng tây vòng qua bầu trời và về lại Sagittarius, chia bầu trời thành hai bán cầu gần bằng nhau. Mặt phẳng thiên hà nghiêng khoảng 60 độ so với mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất. Nó đi qua chòm sao Cassiopeia gần phía bắc và chòm sao Crux gần phía nam.
Milky Way có độ sáng bề mặt tương đối thấp do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng hay ánh sáng từ Mặt Trăng. Điều này làm cho việc quan sát trở nên khó khăn đối với thành phố và các vùng ngoại ô, nhưng ở nông thôn thì ngược lại, Milky Way có thể được nhìn thấy khi Mặt Trăng nằm phía dưới đường chân trời.
NGC 6744 – một thiên hà xoắn được coi là khá giống với Milky Way

Kích thước và khối lượng

Milky Way là một thiên hà xoắn dạng thanh (barred spiral galaxy) thuộc cụm thiên hà Địa Phương (Local Group), lớn hơn là siêu cụm thiên hà Virgo, siêu cụm Virgo lại là một phần của siêu cụm Laniakea.
Milky Way là thiên hà lớn thứ hai trong Cụm Địa Phương (cụm gồm hơn 50 thiên hà), với đường kính đĩa thiên hà khoảng 100.000 năm ánh sáng và dày khoảng 100 năm ánh sáng. Để dễ hình dung hơn, ta có thể tưởng tượng nếu Hệ Mặt Trời tính đến Sao Hải Vương có kích thước là 25mm thì Milky Way có kích thước xấp xỉ nước Mĩ. Còn có một dải sao bao quanh Milky Way có khả năng thuộc về thiên hà này, nên kích thước của thiên hà có thể là 150 đến 180 nghìn năm ánh sáng.
Theo quan sát và đo đạc mới nhất vào năm 2014, khối lượng của toàn bộ thiên hà Milky Way ước tính là 850 tỉ khối lượng Mặt Trời, tức bằng khoảng một nửa thiên hà Andromeda. Phần lớn khối lượng này là vật chất tối, một dạng vật chất không nhìn thấy được và cũng chưa được hiểu rõ nhưng có tương tác hấp dẫn với các dạng vật chất thông thường, do vậy nó được phát hiện thông qua việc nghiên cứu chuyển động của khí và sao trong thiên hà. Theo nghiên cứu, có một quầng vật chất tối trải rộng tương đối đều ở khoảng cách lớn hơn 100kpc tính từ trung tâm thiên hà. Tổng khối lượng của các sao trong thiên hà nằm trong khoảng từ 46 tỷ khối lượng Mặt Trời đến 64,3 tỷ khối lượng Mặt Trời, trong đó 10% đến 15% là khí, với 2/3 là dạng nguyên tử và 1/3 là dạng phân tử, còn khối lượng bụi giữa các vì sao thì chỉ bằng 1% khối lượng khí đó.
Nếu không tính những chuyển động ngẫu nhiên, mang tính cục bộ, thì toàn bộ thiên hà Milky Way đang di chuyển với vận tốc khoảng 630 km/s do sự giãn nở của vũ trụ.
Có hai thiên hà nhỏ hơn và nhiều thiên hà lùn trong Cụm Địa Phương quay quanh thiên hà Milky Way, trong đó lớn nhất là Đám mây Magellan Lớn với đường kính khoảng 14000 năm ánh sáng. Thiên hà này có một bạn đồng hành là Đám mây Magellan Nhỏ. Một số thiên hà vệ tinh của Milky Way là thiên hà lùn Canis Major (thiên hà gần nhất), Sagittarius, Ursa Minor, Sculptor, Sextans, Fornax, và Leo I. Những thiên hà lùn nhỏ nhất có đường kính chỉ khoảng 500 năm ánh sáng, bao gồm thiên hà Carina, Draco, và Leo II. Có lẽ vẫn còn nhiều thiên hà lùn chưa được tìm thấy là vệ tinh của Milky Way, năm 2015 đã có 9 trong số đó đã được tìm thấy. Cũng có những thiên hà lùn vừa bị bắt giữ bởi Milky Way, như Omega Centauri.

Thành phần, cấu trúc

Thiên hà của chúng ta chứa khoảng từ 200 đến 400 tỷ sao. Con số chính xác phụ thuộc vào số lượng của các sao lùn, loại sao rất khó phát hiện, đặc biệt ở khoảng cách lớn hơn 300 năm ánh sáng tính từ Mặt Trời. Trong khi đó, thiên hà hàng xóm của chúng ta là Andromeda chứa khoảng 1000 tỷ sao. Lấp đầy không gian giữa các sao là môi trường liên sao gồm khí và bụi.
Theo kết quả quan sát của kính thiên văn không gian Kepler về hệ sao với năm hành tinh có tên là Kepler-32 vào tháng 1 năm 2013, Milky Way chứa ít nhất là một hành tinh trên một sao (tức là có tất cả khoảng 100-400 tỷ hành tinh trong thiên hà). Tháng 11 năm 2013, cũng theo dữ liệu từ Kepler, các nhà thiên văn học ước tính có khoảng 40 tỷ hành tinh có kích thước gần giống Trái Đất nằm trong “vùng sống được” (khu vực có khoảng cách tới sao mẹ đủ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt hành tinh) quanh các sao tương tự Mặt Trời hoặc các sao lùn đỏ trong thiên hà. Hành tinh gần nhất trong số đó cách chúng ta khoảng 12 năm ánh sáng. Số lượng các hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất còn nhiều hơn các hành tinh khí khổng lồ. Bên cạnh các hành tinh, các sao chổi có lẽ cũng rất phổ biến trong Milky Way.
Milky Way gồm vùng nhân thiên hà có dạng thanh được bao quanh bởi khí, bụi và những ngôi sao phân bố trong những cấu trúc được gọi là những cánh tay xoắn (spiral arm). Các cánh tay xoắn này chứa bụi và khí với mật độ cao hơn so với mật độ trung bình của thiên hà, cũng như là nơi tập trung các hoạt động hình thành sao. Các cánh tay đều có khởi điểm ở gần trung tâm của thiên hà và toả ra xung quanh theo đường xoắn. Hệ Mặt Trời của chúng ta nằm trên cánh tay Orion – một cánh tay phụ (nhở hơn các cánh tay chính) của thiên hà.
Bên ngoài những cánh tay xoắn là Vành đai Monoceros (hay Vành đai ngoài), một vành đai khí và sao bị xé ra từ một thiên hà khác hàng tỷ năm trước. Tuy nhiên gần đây cũng có ý kiến cho rằng cấu trúc của Monoceros là kết quả của sự bóp méo và mở rộng của đĩa thiên hà.
Trung tâm thiên hà là một nguồn phát sóng vô tuyến mạnh, có tên là Sagittarius A*, được cho rằng có sự tồn tại của một lỗ đen siêu nặng với khối lượng từ 4,1 đến 4,5 triệu khối lượng Mặt Trời. Trong vòng bán kính khoảng 10.000 năm ánh sáng tính từ tâm thiên hà là vùng tập trung dày đặc các ngôi sao già gọi là chỗ phình thiên hà. Nhân thiên hà còn được bao quanh bởi một vành đai gọi là “Vành 5kpc” chứa phần lớn hydro phân tử hiện có cũng như hầu hết các hoạt động hình thành sao trong thiên hà.
Đĩa thiên hà của Milky Way được bao quanh bởi một quầng (halo) gồm những sao già và các cụm sao cầu, 90% trong số đó nằm trong khoảng 100.000 năm ánh sáng tính từ tâm thiên hà. Các hoạt động hình thành sao diễn ra trong đĩa (đặc biệt ở các cánh tay xoắn, là vùng có mật độ cao), nhưng không diễn ra trong quầng, bởi vì có rất ít khí đủ lạnh để co lại thành các ngôi sao. Những cụm sao mở cũng nằm chủ yếu trong đĩa.

Sự hình thành

Milky Way được hình thành từ một hoặc một số vùng nhỏ với mật độ cao trong vũ trụ một thời gian ngắn sau Big Bang, một số trong những vùng này là hạt giống của các cụm sao. Trong vòng khoảng vài tỷ năm kể từ khi các sao đầu tiên hình thành, khối lượng của Milky Way đã đủ lớn để nó quay tương đối nhanh. Khí trong môi trường liên sao với tác dụng của lực li tâm đã định hình lại từ một hình dạng cầu thành hình đĩa và các thế hệ sao tiếp theo đều hình thành trong đĩa xoắn này. Hầu hết các sao trẻ, bao gồm cả Mặt Trời, đều thuộc đĩa thiên hà.
Khi những ngôi sao đầu tiên bắt đầu hình thành, Milky Way đã trải qua quá trình sáp nhập thiên hà (đặc biệt vào giai đoạn sớm) và bồi tụ khí trực tiếp từ quầng thiên hà. Nó còn được bồi thêm vật chất từ hai trong số các thiên hà vệ tinh của mình, Đám mây Magellan Lớn và Nhỏ. Các tính chất của thiên hà cho thấy nó không sáp nhập với những thiên hà lớn khác trong khoảng 10 tỷ năm gần đây, trong khi ở thiên hà Andrmeda quá trình đó vẫn diễn ra.
Nghiên cứu gần đây cho thấy cả Milky Way và Andromeda đều là thiên hà đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ thiên hà với hoạt động hình thành sao tích cực sang thiên hà với ít hoạt động hình thành sao, bởi vì chúng đang cạn kiệt khí cho quá trình này.
Vị trí của Hệ Mặt Trời
Hệ Mặt Trời của chúng ta nằm trong đĩa thiên hà, gần rìa bên trong của cánh tay xoắn Orion, cách tâm thiên hà khoảng 27.200 năm ánh sáng và cách mặt phẳng chính của đĩa thiên hà khoảng 16-98 năm ánh sáng. Mặt Trời cũng như cả Hệ Mặt Trời, đều nằm trong vùng sống được của thiên hà.
Hệ Mặt Trời chuyển động quanh tâm thiên hà theo qũy đạo hình elip với một chút dao động bởi những cánh tay xoắn và sự phân bố khối lượng không đồng đều. Hiện tại nó đang di chuyển hướng về sao Vega (sao sáng nhất của chòm sao Lyra, gần chòm sao Hercules).
Phải mất đến 240 triệu năm để Hệ Mặt Trời hoàn thành một vòng quanh thiên hà (gọi là năm thiên hà). Mặt Trời được cho là đã hoàn thành 18-20 chu kì quanh tâm thiên hà, và kể từ khi con người xuất hiện cho đến nay nó đã đi được 1/1250 vòng, với tốc độ là 220 km/s.

Va chạm với thiên hà Andromeda

Những số liệu đo đạc gần đây gợi ý rằng thiên hà Andromeda đang tiến lại gần chúng ta với tốc độ từ 100 đến 140 km/s. Trong vòng 3 đến 4 tỷ năm nữa, có thể có một vụ va chạm giữa Andromeda và Milky Way. Nếu vụ va chạm này xảy ra, hai thiên hà sẽ hợp nhất lại để tạo thành một thiên hà elip duy nhất hoặc là một thiên hà có đĩa lớn trong vòng khoảng hơn 1 tỷ năm.
Hình ảnh dựng trên máy tính minh hoạ cảnh thiên hà Andromeda áp sát chúng ta

Tác giả: Hoàng Gia Linh