a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

PHẬN BẠC

                                                


Chị thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc nhưng không may sinh ra đời dưới một vì sao cực xấu. 

Năm lên bốn tuổi chị đã mồ côi cha, mẹ chị thủ tiết ở lại nhà chồng nuôi con cho tròn câu tứ đức tam tùng nhưng dòng họ bên chồng quá khắt khe cay nghiệt, luôn kiếm chuyện đày đọa ức hiếp mẹ góa con côi. Sau một thời gian dài hứng chịu trăm cay ngàn đắng, tức nước vỡ bờ, người mẹ trẻ uất hận thóat ly gia đình nhà chồng đi tái giá, rứt ruột để lại đứa con thơ cho mấy mụ o bên chồng theo gia pháp.  Chị có hai bà cô đại diện cho hai phe, thiện và ác. Người cô lớn phù thủy dữ dằn đanh đá, không ngày nào không chưởi mắng nặng nhẹ chị hết lời như óan thù từ bao kiếp trước. Người cô nhỏ là cô giáo, tượng trưng cho một bà tiên nhân hậu, xót thương hòan cảnh bơ vơ côi cút của chị nên đem chị về chung sống nuôi dưỡng cho ăn học đến ngày khôn lớn thành tài.

Những tưởng bằng vào sức tự lập của mình rồi đây quyển nhựt ký đời chị sẽ chuyển sang  một chương mục mới mẻ tốt đẹp hơn, vui tươi hơn với nhiều sắc màu rực rỡ  thay cho những trang tuổi thơ tối tăm u ám bưng chén cơm ăn  mà nước mắt chan hòa. Nhưng khốn thay, hy vọng vừa nhen nhúm lóe lên thì đã bị lụi tàn tắt ngấm vì cuộc hôn nhân sắp bày không do chị chọn lựa.  Tuy có học vấn, có nghề nghiệp riêng nhưng vì bản thân chị từ nhỏ đã mồ côi ăn nhờ ở đậu với họ hàng, quen sống trong kỷ cương nề nếp của một gia đình phong kiến  bảo thủ coi trọng mặt mũi tiếng tăm, chị đã bị ám ảnh sợ sệt bởi những lời giáo huấn răn đe nghiêm khắc  của các bậc trưởng thượng trong thân tộc mà chị coi như là mệnh lệnh bất khả kháng. Do đó chị chỉ biết thụ động vâng lời, không dám có phản ứng gì trước sự việc chung thân quan trọng cho cả cuộc đời mình. Ngày cưới của chị, chú rể còn mải vui  đá bóng với bạn bè ngòai sân vận động, người nhà phải nhốn nháo chạy tìm khắp nơi cho kịp giờ hòang đạo lên đèn. Với một người chồng khinh bạc, coi thường người phối ngẫu, chẳng thiết tha gì ngày hôn lễ của mình, thử nghĩ tương lai làm vợ của chị sẽ như thế nào, chắc hẳn rằng thuyền đời chị đã gặp phải một bến nước đục ngầu đầy sình lầy hắc ám.

Thương thay cho một đóa hoa xuân vừa chớm nở chưa kịp khoe hương sắc với đời, chưa kịp vẽ vời dệt mộng tương lai, chưa một lần biết yêu đương hò hẹn thì đã bị áp đặt làm vật tế thần cho cái quan niệm hủ lậu sai lầm đặt đâu ngồi đó, ‘’áo mặc sao qua khỏi đầu’’ của thế hệ di căn của người lớn . Thuyền theo lái gái theo chồng, sau đám cưới, về làm vợ một người chưa có dịp tiếp xúc tìm hiểu, một người chồng ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình,  coi sự phục vụ của người vợ là điều hẳn nhiên tất phải, chị cảm thấy đời mình từ đó như bị đeo vào một cái gông nặng trĩu mà càng ngày càng làm chị lún chìm xuống bể khổ thăm thẳm đau thương không còn cơ hội  để ngoi lên nhìn thấy ánh sáng cuộc đời.

Mỗi lần tỉ tê tâm sự là mỗi lần chị khóc mướt làm người bạn cũng mủi lòng khóc theo. Chị kể lúc nhỏ khi thấy một đứa bé gái con người thợ mộc trèo lên lưng cha nó cởi nhong nhong trong lúc cha nó đang cặm cụi bào gỗ mà chị thèm thuồng ước ao được như nó. Chị nói phải chi cha chị cũng là một người thợ mộc tầm thường, một phó thường dân không ai biết đến thì chắc chị cũng được hưởng cái hạnh phúc  êm đềm đó chớ đàng này cha chị quan quyền chức sắc chi cho mang nợ máu với cộng sản để bị giết chết thảm thương, bỏ chị lại bơ vơ côi cút một mình khiến đời chị thành bi kịch triền miên kêu trời không thấu, chỉ biết một mình nuốt lệ than thân. 

Có phải tôi nợ anh từ kiếp trước
Nên kiếp này phải trả quả đền bồi
Là vợ chồng nếu không tình cũng nghĩa
Anh không tình nghĩa lại bạc hơn vôi

Ai  đã  ngày ngày cơm dâng nước rót
Đêm về chìu anh chăn gối mưa mây
Để ra đời một đàn con bốn gái
Anh còn dè bũi sao chẳng sinh trai

Ai đã nuôi anh trong tù cộng sản
Chắt chiu từng đồng mắm muối lương khô
Vắt kiệt mồ hôi nuôi bầy con dại
Chẳng quản chi mình phận yếu thân cô

Ai đã mua đường cho anh vượt biển
Để khi tới bờ vội vã phủi tay
Chẳng nghĩ vợ con đang chờ sum họp
Nơi quê nhà mòn mỏi ngóng từng ngày

Khi miền bắc cưỡng chiếm miền nam, vì là giáo sư sĩ quan biệt phái, chồng chị cũng bị đi ‘’cải tạo’’ như bao nhiêu ‘’ngụy quân ngụy quyền’’ khác. Chị chẳng quản gian truân khổ nhọc, như bao người vợ thương chồng, thân cò lặn lội khăn gói lên đường gạo muối tiếp tế thăm nuôi. Đến khi chồng chị ra tù, cũng chính chị đã bôn ba tìm đường cho chồng vượt biên đi trước cho yên thân một mối, bởi vì sống trong chế độ cộng sản, ai cũng cảm thấy bất an, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết chừng nào bị chúng đem luật rừng ra quy tội còng đầu.

Vậy mà khi đã định cư yên ổn, ông chồng vô tình bất nghĩa của chị định dở trò qua cầu rút ván lờ đi chuyện bảo lãnh vợ con khiến  một người bạn đồng nghiệp khi xưa cảm  thấy bất bình phải lên tiếng nhắc nhở thúc giục mãi, sau cùng chồng chị mới  chịu hạ bút điền đơn bảo lãnh gia đình. Đó là bổn phận duy nhứt mà chồng chị đã làm cho mẹ con chị trong suốt cuộc đời làm chồng làm cha. 

Ngày đòan tựu anh chỉ hai chiếc máy
Mua cho bà để may mướn nuôi con
Nhưng tiền vốn sau này phải trả lại
Tôi sững sờ nghe xót phận thương con

Thuở đời có chồng cha nào bạc bẽo
Với vợ con như nước lã người dưng
Gái hay trai cũng con mình cốt nhục
Sao nỡ nói câu bất nghĩa thẳng thừng

Qua Úc gần hai  tháng trời chị  cũng chưa biết tờ giấy năm đồng ra sao, cũng không biết chợ búa ở chỗ nào. Cứ vài ngày chồng chị mua về  một ký chả lụa, một gói tôm khô 200 grammes và một cái bắp cải to tướng quăng đó rồi đi suốt. Đó là thức ăn hằng ngày hằng tuần của mẹ con chị, muốn ăn kiểu nào đó thì ăn. Đến khi chị lãnh được đồ may, chị mới thấy mặt những tờ tiền giấy, mới thay đổi được món ăn hằng ngày cho các con và mua sắm thêm những gia dụng cần thiết trong nhà. 

Chị cũng không biết chồng chị có đi làm hay không mà ngày nào cũng đi tới tối mò tối mịt, khi về là cơm nước phải có sẵn trên bàn mời anh xơi, dù xơi hay không là chuyện của anh. Vậy mà chồng chị cũng không vừa lòng, không dằn vật chuyện này thì nhiếc móc chuyện nọ, chuyện cũ đâu hồi còn bên quê nhà giữa hai bên cha mẹ cũng lôi ra tính tóan khiến chị cảm thấy  như sống trong địa ngục trần gian.
Bởi tôi trót sinh con nhà gia giáo
Phận nữ nhi phải tứ đức tam tùng
Nên đã thủ phận đến thành ngơ ngáo
Chẳng dám trả treo nghĩ chuyện bất tùng

Sống với anh ngày ngày  nghe đay nghiến
Như vợ con là nợ là oan gia
Đến một  ngày anh tuyên bố ly dị
Tôi thấy cửa tù như được mở ra
  
Biết chị luôn bị chồng bạc đãi, một vài người bạn  thấy chướng tai gai mắt bất bình thường xúi chị ly dị quách cho xong cho rảnh nợ, tội gì để cho thằng chả đè đầu ăn hiếp mình mãi khi mà mình không sống lệ thuộc vào đồng lương của thằng chả, nhứt là luật pháp ở đây ưu tiên bênh vực cho phụ nữ, dù thằng chả không đồng ý thì mình cũng có quyền tống cổ thằng chả ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng nói gì nói, khổ một nổi, chị khổ gì khổ,  thà cắn răng chịu đựng chớ chị chẳng dám hó hé đề cập tới chuyện này vì sợ ảnh hưởng đến con cái về sau. Chị lo sợ sau này con gái chị khó  gả lấy chồng nếu như bên đàng trai cổ hủ chê mẹ đàng gái là người ly dị chồng hạnh kiểm không tốt. Oh my God! Tội nghiệp cho chị làm sao!

Người bạn rán nói thêm trấn an chị rằng chị không cần phải lo xa, ở xứ này con cái nó muốn làm gì thì làm, quyết định của nó có trời mà cản, con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, hôn nhân của nó không tới phiên cha mẹ can thiệp, không nhượng bộ  nó, nó bỏ nhà đi luôn là mất con mất cháu như chơi.
Thuyết phục chị đến như vậy mà chị vẫn không động tịnh gì, vẫn tiếp tục chịu đựng cho tới một ngày chồng chị ‘’ra lệnh’’ ly dị, chừng đó hết đường tránh né  chị mới cam tâm.

Khổ bao nhiêu, tôi cũng đành gánh chịu
Bởi vụng tu bạc phước phải cam lòng
Chỉ tội con mình khổ lây với mẹ
Cơ cực trăm chiều cha có như không 

Người đời thường ca ngợi vinh danh tình phụ tử, nào là ‘’công cha như núi Thái sơn, con có cha như nhà có nóc’’, hay ‘’còn cha gótđỏ như son, phụ tử tình thâm vv...’’ Cha chị mất sớm, chị không hưởng được tình phụ tử đã đành, nhưng con chị có cha còn sống sờ sờ ra trước mắt, sao cha bọn chúng lại tệ bạc vô cảm chẳng có chút thiêng liêng tình cha cho ấm lòng con cái.  Trai hay gái cũng là máu mủ con mình, nỡ nào lại nhẫn tâm hất hủi chê bai. Tự chúng, chúng đâu có muốn ra đời, tại sao bắt chúng ra đời chịu khổ mà không nhận lấy trách nhiệm làm cha, bỏ mặc cho mẹ chúng tự xoay sở một mình như single mum.  Phải chi là single mum thì còn được chính phủ trợ cấp nuôi con, đàng này vì chị có hôn thú với chồng nên phải chịu thua thiệt oan uổng,  gặp ông chồng vô tích sự chị phải  gánh vác hết mọi điều.

Tội nghiệp các con chị thường xuyên phải nhịn đói buổi trưa,  thỉnh thỏang lắm mới có một hai đồng mua gói hot chip chia nhau lót dạ. Thương con nát lòng, nhưng chị biết làm sao hơn được,  có bao nhiêu sức lực, bao nhiêu thời giờ chị  đã tận dụng  hết để làm việc kiếm tiền, còn moi đâu ra thêm nữa trừ phi một ngày có ba mươi sáu tiếng. Ngay cả các con chị đi học về làm bài xong cũng phải nhào vô phụ với chị may đến khuya lơ khuya lắc mới đi ngủ được một chút để hôm sau còn đi học.  Nhà cửa  trống trước trống sau không có lấy một cái tủ cái giường, ngủ thì cứ lăn đại ra sàn nhà, quần áo thì cứ dồn hết vô thùng carton xin ngòai shop như  hòan cảnh những người tị nạn mới tới. 
  
Đời có câu trời sinh voi sinh cỏ
Các con mình tự ăn cỏ lớn khôn
Dù vậy tôi vẫn hằng luôn nhắc nhở
Cha dẫu thế nào cũng là cha các con

Và rồi cuối cùng trời cao cũng có mắt cho các con chị hết cơn cơn bĩ cực tới ngày thới lai. Sau những năm  dài cơ cực phấn đấu,  tự lực cánh sinh, kết quả các con chị đều đỗ đạt thành tài, một phần thưởng đáng tự hào cho chị. Chẳng những vậy, mấy cô con gái còn có gia đình  hạnh phúc, vợ chồng con cái thương yêu rất mực chớ không vô phước như chị tái diễn màn bi kịch đầy nước mắt của chị ngày xưa.   

Trước kia mỗi lần thở than kể lể, chị thường nói trong đời chị có hai kẻ thù mà chị vô cùng căm hận, thứ nhứt là cộng sản, thứ nhì là ông chồng chị nhưng giờ đây nhìn cảnh gia đình êm ấm của các con, chị đã nghe mãn nguyện, mọi sân hận trong lòng đều tiêu tan bay bổng. Chị cảm thấy  mình đã được  đền bù  xứng đáng qua các con. Cuộc đời của chị đã kể  bỏ từ lâu,  hạnh phúc của các con giờ đây là hạnh phúc của chị. Cả đời cực khổ nuôi con, chị chỉ cầu mong có được kết quả như thế này để có thể bỏ xuống  cái gánh nặng trên vai cho thảnh thơi những tháng ngày còn lại và một mai khi về cõi vĩnh hằng chị có thể ngậm cười yên nghỉ vì đã chu tòan bổn phận với các con ở thế gian này.

Hơn nữa nhìn lại cảnh đời đau khổ bất hạnh của mình rồi nhìn chung quanh, chị ngộ ra rằng đó là phần số của mỗi người. Người có phước thì được chồng thương chồng quý, kẻ bạc phận như chị thì bị hất hủi đọa đày, trần ai lai khổ một kiếp làm vợ. Giải thích  theo thuyết nhà Phật là luật vay trả, có lẽ kiếp trước chị đã gây nhiều nghiệp chướng cho nên kiếp này phải trả quả thế thôi chớ thật ra chẳng có ai là kẻ thù của mình cả. Phật tổ đã dạy, thù hận là địa ngục trong lòng, hãy biết buông bỏ thứ tha  để cái tâm có được Niết bàn an lạc. Vì lẽ đó, các con của chị cũng không buồn trách chi người cha vô trách nhiệm, trái lại như máu chảy về tim, các cô vẫn thường thăm nom báo hiếu cha mình trong tuổi già yếu đau bệnh tật sống cô qụanh một mình. 

Nợ anh đã xong đường ai nấy bước
Cám ơn anh đã ra khỏi đời tôi
Để giờ đây tôi thong dong tự tại
Xem mọi sự đời như áng mây trôi...

Người Phương Nam

11 LẦN THĂM QUÊ

Sau nhiều lần hội họp ăn uống nhậu nhẹt ở Montreal ba cặp bạn thân chúng tôi là Tùng Chi, Hoanh Xuân rủ nhau về Việt Nam ăn tết Giáp Ngọ và nếu tiện sẽ tổ chức đi tham quan Campuchia và Thái Lan cùng thể. Đồng thời một cặp vợ chồng thân của bà xã tên Thương và Trung cũng từ Sydney về cùng.

Mấy người bạn kia lên đường đi VN vài ngày sau Giáng sinh. Riêng chúng tôi khởi hành một tuần lễ sau. Từ Montreal chúng tôi lấy máy bay Air Canada sang Brussels Bỉ, đợi ở đấy 4 tiếng. Em gái tôi từ Bỉ lái xe ra phi trường để gặp chúng tôi. Anh em chúng tôi ăn uống trò chuyện khá lâu, chụp vài tấm ảnh kỉ niệm rồi chia tay. Chúng tôi tiếp tục hành trình về Bangkok và Sài Gòn bằng Thai Airways. Theo chương trình chúng tôi sẽ đến Tân Sơn Nhất vào lúc 8 giờ sáng chúa nhật ngày 5 tháng 1. Các em chúng tôi sẽ ra đón ở phi trường và lái xe về nhà hàng La Rose quận 12 cho kịp lúc dự Họp mặt Hoàng Diệu Sài gòn lúc 11 giờ. Không may cho chúng tôi khi vừa chia tay cô em gái ở Bỉ để check-in vào Cửa Khẩu Hải quan thì họ cho biết là tất cả phi trường bị đình trệ và tê liệt vì nhân viên catering (tải thức ăn lên phi cơ) đình công. Sáng hôm ấy có một nhân viên bị xe tải cán chết trong phi trường nên tất cả nhân viên quyết định đình công. Vì vậy các hãng hàng không phát cho hành khách 1 cái voucher trị giá 20 Euros để mua thức ăn đem lên phi cơ. Chúng tôi còn vỏn vẹn có 1 tiếng để sắp hàng mua thức ăn trong khâu chờ đợi phi trường Brussels, lát đát chỉ có vài nhà hàng bán thức ăn nhanh. Trong khi đó có hàng trăm hay ngàn người đang đứng sắp hàng chờ đợi mua thứa ăn như chúng tôi. Tôi cũng đành thử thời vận, get line hi vọng có đủ thì giờ mua một thứ gì đó đem lên phi cơ. Sau 1 giờ chúng tôi chờ đợi chỉ đến được nửa đường. Tôi đành bỏ cuộc và tách khỏi hàng để trở vào counter của Thai Airways cho kịp thời gian lên chuyến bay về Bangkok. Về đến quầy kiểm soát họ báo là chuyến bay bị trì hoãn thêm 1 tiếng nữa. Thế là tôi quay trở lại quầy Starbuck coffee sắp hàng như mọi người, rồi sau 1 tiếng chúng tôi chưa đến được nửa đường vì nhân viên phục vụ làm việc quá chậm. Tôi đành bỏ cuộc lần nữa để trở lại counter ra cổng chuẩn bị lên máy bay. Nào ngờ vừa đến nơi nhân viên Thai Airways cho biết là chuyến bay bị trì hoãn thêm 5 giờ nữa vì họ quyết định đổi hướng bay về Frankfurt, Đức quốc để tải thức ăn rồi cất chuyến bay về Bangkok. Lần này chúng tôi có dư thời gian mua thức ăn nhanh trong phi trường, gọi điện thoại báo tin các em và mẹ tôi ở Việt Nam chờ tôi điện thoại về rồi hãy vào Tân Sơn Nhất để đón chúng tôi, nhưng chắc chắn sẽ không tham dự được buổi HMHD tại Sài Gòn. Cuối cùng rồi máy bay cũng cất cánh đổi hướng bay về Frankfurt, nơi gần nhất để tải thức ăn. Chúng tôi ngồi đợi trong máy bay hơn 1 giờ rồi máy bay tiếp tục cất cánh bay về Bangkok. Đến Bangkok là 1 giờ thay vì 5 giờ sáng như dự định để lấy chuyến bay trung chuyển lúc 7 giờ sáng vào Sài gòn. Vì đã trể 2 chuyến bay vào Sài Gòn lúc 7 giờ và 12 giờ trưa nên chúng tôi phải ở lại thêm hơn 5 tiếng nữa để lấy chuyến bay cuối cùng lúc 6 giờ rưởi chiều. Máy bay hạ cánh Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ tối. Các em và mẹ đến gặp chúng tôi thì cũng là lúc chúng tôi mệt lã người vì chờ đợi dai dẵn trong hai phi trường Bỉ và Bangkok. Chúng tôi chỉ muốn về nhà ngay để nghỉ ngơi lấy sức rồi ngày mai điện thoại xin lỗi bạn bè HD tại Sài Gòn.

Sáng hôm sau theo chương trình chúng tôi đến Vietravel để book hai cái tour tham quan Campuchia và Thái. Hai cặp bạn về trước chúng tôi một tuần nên họ quyết định đi riêng rẻ vì chưa liên lạc. Họ có gửi mail vào trong sở làm việc hỏi chúng tôi số điện thoại cầm tay tại Sài Gòn để liên lạc. Chúng tôi chỉ nhận được mail ấy khi trở về lại Canada vào làm trong sở. Đã quá muộn và lở làng. Vietravel cho chúng tôi biết rằng tour Campuchia chỉ đi bằng xe buýt (mất hơn 10 tiếng). Bà xã tôi không thể ngồi được lâu trên xe buýt vì tình trạng sức khỏe nên nhờ họ tìm cách book vé máy bay rồi sẽ tháp tùng với đoàn bên Siemrep. Cuối cùng rồi sự việc quá rắc rối về vấn đề trung chuyển vì không có dịch vụ đón chúng tôi tại phi trường Siemrep để đưa về hotel. Tất cả đều phải tự túc từ Siemrep về khách sạn bằng taxi riêng và ngược lại. Hơn nữa vì booking 2 ngày trước khi lên đường nên giá hơi đắt cộng với việc trung chuyển tự túc bằng taxi nên chúng tôi đổi ý kiến và book ngay cái tour đi Thái 5 ngày bằng máy bay và tuần thứ ba sẽ đi Nha Trang Vinpearl. Hai ngày sau đó tại Sài Gòn bà xã tôi tranh thủ thời gian đi mua sắm và đặt hàng may quần áo và áo dài vì nghĩ thợ may sẽ cần nhiều thì giờ may vá cho kịp giao hàng trước ngày về Canada, nhất là trong dịp tết. Sáng sớm trời Sài Gòn hơi lạnh và u ám  nhiệt độ xuống dưới 17 độ C, chiều nắng lên và thời tiết nóng lên đến 27 độ. Thời tiết này rất thoải mái cho chúng tôi nhưng với nhiệt độ thấp ấy dân Sài Gòn phải mặt áo len, áo da kỹ lưỡng, quấn khăn choàng, bao mặt và đầu đội mũ ấm khi chạy xe Honda trên đường phố. Chúng tôi không quên điện thoại cho Quyên, Thủy, Tuấn Bùi và N. Dung để hỏi thăm và ngỏ lời mời các cô họp bạn khi tôi trở về từ Thái. Xui cho Dung bị cảm cúng mấy ngày liền nên không lộ diện

Ngày thứ ba chúng tôi lấy máy bay VietJet lên đường tham quan Thái. Đoàn du lịch chúng tôi gồm 3 gia đình, 14 người tất cả cộng với anh HDV trẻ 34 tuổi tên Nguyễn Hoàng Phong. Gia đình lớn 8 người gồm anh Kính, 57 tuổi kỹ sư điện với bà xã Tâm, cha mẹ và em bà xã anh ở Missouri cùng với anh ruột và cậu mợ phía bà xã ở Việt Nam, tất cả đều cùng quê Nha Trang. Gia đình anh Thọ 67 tuổi đã về hưu, quê quán Khánh Hội hiện cư ngụ tại North Carolina cùng bà xã, cô con gái tên Linh và bạn cô tên Lê, dân Sóc Trăng. Mấy cô khai thác mấy tiệm nails ở North Carolina và cũng vừa bán xong tiệm nails nên các cô làm một chuyến du lịch về VN dài hạn trước khi về lại Mỹ tìm một việc làm khác. Các cô nhận thức được nguy cơ ung thư khi làm việc lâu trong nghề này. Anh HDV tên Phong vừa lấy vợ và có con trẻ hơn 2 tháng. Tội nghiệp anh ta vì công việc phải tháp tùng đoàn du khách thường xuyên vài tuần rồi mới dịp gặp lại vợ con. Anh làm việc rất tận tâm và chuyên nghiệp. Anh lo thủ tục check-in tập thể tại Tân Sơn Nhất rồi cùng chúng tôi lên máy bay, phát thẻ ăn trên máy bay, nhắc nhở những việc cần thiết phải làm như cách mua sắm, lấy taxi tham quan Bangkok về đêm, thức ngủ đúng giờ, cắt nghĩa phong tục dân Thái, v.v… Chuyến bay Sài gòn- Bangkok chỉ mất hơn 50 phút. Máy bay đáp xuống phi trường Savarnabumi một cách êm ái. Trời Bangkok quang đãng và ấm áp khoảng 20 độ. Tôi thỉnh thoảng sờ vào túi quần xem 500 đô US còn đấy không. Vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi đến phi trường Bangkok. Chúng tôi đứng sắp hàng ra Hải quan và Cư Trú. Lúc này tôi mới làm quen với các anh chị trong đoàn đến từ Missouri. Chúng tôi trò chuyện hỏi thăm công ăn việc làm hai gia đình trong lúc ra phi trường để đón xe buýt. Từ Cửa khẩu hải quan chúng tôi đi bộ san sẽ giữa dòng người gồm hàng ngàn du khách để xuống 1 từng lầu vì xe sẽ đón chúng tôi tại đó. Anh hướng dẫn viên địa phương tên Seth người Thái cao lớn trắng trẻo và rật đẹp trai cầm cờ Vietravel với tướng đi yểu điệu và cách ăn nói chào đón rất nữ tính.

-        Chào các anh chị em tên Seth, là HDV local cho 5 ngày cho các anh chị và cô chú. Anh Seth ngỏ lời chào trước xe buýt.

-       Kập cụm kha tức chào anh bằng tiếng Thái. Chúng tôi đồng trả lời rồi bước lên xe để vào trung tâm Bangkok thăm Cung Điện mùa hè của vua Thái Rama 5 và 9.
Ấn tượng đầu tiên ở Bangkok là có nhiều hệ thống đường xá với 2 tầng hiện đại đan xen chằn chịt xe hơi nhưng rất trật tự. Đâu đâu dân Thái cũng trưng ảnh của vua Rama 9 vì họ tôn sùng Ông như Ông Phật sống. Ông có công rất nhiều để mở mang phát triển đất nước Thái. Chợ búa hiện đại như Central World với hàng xa xỉ hay siêu thị Big C rất sầm uất. Hàng hóa đầy dẩy ở chợ trời mở thường bên cạnh các siêu thị có nhiều chất lượng hơn sản phẩm Trung quốc. Đoàn chúng tôi mê đắm đi tới rồi lui không thể rời mắt khỏi những món đồ lạ và độc mà lại rẻ trong chợ trời. Nghĩ mà buồn cho Sài Gòn ta vào những thập niên 60-70 nổi tiếng là hòn ngọc viễn đông. Ngày nay nhìn thấy Bangkok mà thầm nghĩ có lẽ mình phải cần hơn 30 năm nữa mới lên được ngang hàng với họ. Bangkok là trung tâm của các hoạt  chính trị, thương mại, công nghiệp và văn hóa. Các điểm chính thu hút du khách bao gồm chùa Phật, cung điện tráng lệ và phong cảnh sông nước. Bangkok cũng nổi tiếng là thiên đàng mua sắm ở châu Á. Khi chúng tôi đến thì là 5 ngày trước khi dân chúng Thái biểu tình đòi Thủ tướng đương kim phải từ chức cho nên đoàn chúng tôi phải đổi chút chương trình tham quan Hoàng Cung bằng Cung Điện mùa hè của vua Thái. Trên đường đến Cung điện cũng bị dân biểu tình làm khó dễ và chận đường bằng bánh xe cũ, giây kẻm gai và lô cốt. Nhưng sau cùng rồi đoàn xe chúng tôi cũng đến Cung Điện trễ hơn 40 phút.  

Cung Điện mùa hè là nơi được vua Rama V xây dựng vào thế kỷ 19, đến nay luôn được bảo tồn cẩn thận để quảng bá sự huy hoàng và thịnh vượng của một thời kì hoàng kim. Đây còn là tòa nhà bằng gỗ teak màu vàng đẹp và lớn nhất thế giới, trong Hoàng Cung trưng bày các tác phẩm như: ngà voi, thủy tinh, đồ vật bằng bạc, đồ sành sứ, đồ cổ... Nhìn chung thì Cung Điện mùa hè của vua Thái cũng bình thường không có gì đặc sắc cho lắm. Biết được thêm một ít lịch sử của Vua chúa Thái. Khi bước xuống xe tôi sờ lại túi thì 500 đô US đã không còn đó nữa. Thật là xui biết bao vì tôi không biết bị móc túi vào lúc nào trong phi trường. Vả lại tôi cũng hơi ỷ y quên check túi thường xuyên khi đi bộ trò chuyện với các bạn mới. Sau khi tham quan Cung Điện mùa hè thì cũng đã 5 giờ chiều, xe đưa chúng tôi về khách sạn Twin Towers để check in và nghỉ ngơi tắm rửa. Tối nay cả đoàn đi ăn nhà hàng buffet lẩu Sukiyaki đặc sản Thái. Nghe thật hấp dẫn. Trước khi sang Thái tôi nghe đồn rất nhiều và học từ Internet là thức ăn Thái đa dạng, cay, nổi tiếng là ẩm thực được ưa thích trên thế giới. Sau buổi ăn tối đầu tiên trên đất Thái chúng tôi thấy không có vẻ gì đặc sắc hơn những món ăn VN thuần túy cho lắm, có điều là khá sạch sẻ và bảo đảm hơn thức ăn Trung quốc và VN.

Ăn sáng tại khách sạn Twin Towers xong đoàn xe trực chỉ tham quan chùa Núi Vàng - Wat Saket - Toà Bảo tháp vàng cao 58 mét là một trong những ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền thoại tại Bangkok. Đoàn tiếp tục đi Pattaya , một thành phố du lịch nổi tiếng của Thái Lan, trên đường đến Pattaya, chúng tôi tham quan Trung tâm Yến Huyết. Ăn tối và nhận phòng tại khách sạn 3 sao. Tối nay theo đề nghị của HDV Phong đa số chúng tôi (12 người) đồng ý đi xem 3 sex shows với giá 100 đô mỗi người. Show thứ 1 trung trung vừa làm vui cả hai phái nam và nữ. Show thứ hai tại Big Eyes làm mát mắt các phụ nữ nhiều hơn vì có nhiều nam diễn viên trần chuồng như nhộng biểu diễn. Show thứ ba tuy diễn viên không đẹp bằng 2 shows đầu nhưng các cô biểu diễn những màn rất ngoạn mục tài tình bằng của quý phụ nữ. Trong các show đều có cảnh làm tình nhiều kiểu rất ngoạn mục khác nhau trước khán giả.    
     
Ngày thứ ba sau khi ăn sáng tại khách sạn, xe buýt đưa chúng tôi lên tàu cao tốc tham quan Đảo San Hô - Hòn đảo lớn nhất Pattaya với diện tích khoảng 4 km2 gồm các bãi biển sạch và đẹp. Tại đây du khách có thể tự do tắm biển hoặc tham gia các hoạt động như lặn biển, lướt ván buồm, trượt ván, nhảy dù, bơi lội, snorkeling (chi phí tự túc). Tại đây chúng tôi có nhiều dịp trao đổi với các bạn mới khi chén vào lời ra. Sau bữa trưa, đoàn tiếp tục tham quan trung tâm vàng bạc đá quý Hoàng Gia và Làng văn hóa Dân Tộc Nong Nooch với các chương trình biểu diễn văn hoá, đấu võ Thái và các trò biểu diễn đặc sắc của các chú voi. Sau bữa tối, chúng tôi thưởng thức chương trình Tiffany’s độc đáo do các diễn viên nam đã giải phẫu thành nữ biểu diễn. Gần 11 giờ đêm đoàn trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày thứ tư chúng tôi khởi hành về Bangkok. Đoàn được tham quan trại rắn và trung tâm thuộc da lớn nhất Bangkok, tiếp tục tham quan vườn thú thiên nhiên Safari World  nổi tiếng của Thái Lan, tại đây đoàn được xe đưa đi tham quan vườn thú tự nhiên Safari với nhiều loài thú quý hiếm và dùng bữa trưa tại Safari World. Buổi chiều chúng tôi thưởng thức các chương trình biểu diễn của cá heo, điệp viên 007.... Ăn tối Buffet tại Baiyoke Sky (tòa nhà 84 tầng) và ngắm toàn cảnh Bangkok về đêm.

Ngày cuối cùng sau khi ăn sáng tại khách sạn đoàn khởi hành đi tham quan Chùa Phật Vàng Wat Phra Kaew với tượng Phật ngồi bằng vàng lớn nhất thế giới cao 5 mét và nặng 5.5 tấn, được tin là đã 700 đến 800 tuổi. Đến trưa chúng tôi được đưa ra phi trường lấy chuyến bay vào lúc 3 giờ rưởi chiều về Sài Gòn.

Trong những ngày bên Thái và sau khi xem những sex shows, mỗi khi ra đường hể thấy 1 phụ nữ cao đẹp là tôi nghi ngờ không biết đây là thật hay đổi giới nữa. Tệ trạng chuyển giới từ nam sang nữ càng ngày càng bành trướng bên Thái. Số người chuyển giới cao nhất bên Thái. Thiết nghĩ trẻ em Thái tính hay lười và hay bỏ học sau lớp 12. Chuyển giới sẽ có cái lợi là có thể dễ dàng tìm việc trong nghành phục vụ du lịch và sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Hàng năm có từ 20 đến 40 triệu du khách tham quan Thái. Hơn nữa số bệnh nhân về SIDA/AIDS càng ngày càng gia tăng bên Thái. Vì thế trong tương lai dân tộc Thái sẽ phải đối phó với hai tệ nạn nghiêm trọng về sự diệt chủng và bệnh AIDS hoành hành.


Tối hôm chúa nhật về đến Sài Gòn, chúng tôi ghé lại Thương xa Tax để gặp chị Hạnh (HD khóa 64-71). Tại đấy tôi may mắn tình cờ gặp anh Nam (Trương Nhật – HD 60-67) từ Úc về cùng với vài bạn khác như chị Cẩm Chức, chị Vân và một chị khác tên Kim hay Cúc (??). Chúng tôi trò chuyện tại quầy hàng Thúy Anh của chị Hạnh rồi hẹn trưa ngày hôm sau họp ở gian hàng chị Hạnh rồi tất cả sẽ đi ăn sáng. Đúng 9 giờ sáng Vạng chở tôi bằng Honda đến chỗ hẹn thì gặp Dũng làm tài xế đưa cô Khên và anh Danh đến, nhưng chị Hạnh lại làm việc vào buổi chiều nên không có mặt ở TX Tax. Cô Khên đề nghị đi tìm một cái quán ăn phở hay hủ tiếu để tiện trò chuyện. Sau đó 5 chúng tôi đi về quán café vườn Huy Long nằm bên cạnh Căn hộ Hoàng Anh Gia Lai để tiếp tục hiệp hai với anh Thiên. Buổi trưa tại quán Huy Long có cô Khên, Dũng, Thiên, anh Danh, tôi và Vạng. Trò chuyện trao đổi vui vẻ dưới bóng mát tại café sân vườn thật thích thú. Sau đó Thiên mời chúng tôi đi tham quan các căn hộ thương mại và nhà riêng của anh trong Căn Hộ Hoàng Anh Gia Lai.  Ít lâu sau chúng tôi chia tay và hẹn chiều nay lại họp mặt tại Nhà hàng đặc sản Cà Mau của bạn anh Thiên (HD 66-73) ở Phú Mỹ Hưng. Tôi có mời Viết Thủy và Thanh Quyên để gặp nhau chiều nay. Chiều hôm ấy chúng tôi được tiếp anh Nam, Thiên, hai chị Cẩm Chức, Cẩm Hường, Vạng và anh Khánh.  Món nhậu chính là cá rô chui và vài món hải sản nhậu với bia 33 thật tuyệt vời. Tại nhà hàng chúng tôi trao đổi rất nhiều và hân hạnh biết thêm anh Nam, Chị Cẩm Chức và Cẩm Hường.

Sáng hôm sau tôi mua vé xe buýt Phương Trang về Sóc Trăng. Xe buýt đời mới với ghế ngồi có thể ngã xuống 45 độ thật thoải mái. Mất gần 5 giờ mới về đến Sóc Trăng vì họ phải ngừng 30 phút ở Cái Bè cho khách ăn trưa. Đến Sóc Trăng chúng tôi thăm hỏi mẹ và các em rồi tắm rửa. Tôi điện thoại cho Thạch nhờ tổ chức họp mặt trưa mai tại nhà hàng Khánh Hưng lúc 11 giờ. Xong xui tôi ngã mình để đánh một giấc sau chuyến đường dài.

Vừa nhắm mắt được vài phút thì chuông điện thoại cầm tay reo lên.
-        Xin lỗi ai ở đầu dây vậy. Đang ngáy ngủ tôi ú ớ hỏi.
-        Đây Tước đây. Còn nhớ Tước không. Bên kia đầu dây có người trả lời.
-      Tối có mơ không đây. Tôi có môt thằng bạn ở Bạc Liêu tên Tước lên Sóc Trăng năm 72 học chung lớp 10 với tôi. Nhưng bạn bè nghe đồn là hắn đã mất lâu rồi trong những năm 90 kia.

-      Đúng là Tước đội mồ sống lại đây.
Chúng tôi thật ngạc nhiên và hàn huyên tâm sự lâu trong điện thoại và tôi không quên mời Tước ngày mai lên Sóc Trăng trình diện cùng các bạn. Tôi mừng lắm vì vừa gặp lại một thằng bạn thân nhất mà các bạn đã khai tử hắn từ những năm đầu  89-90 khi tôi về quê hương. Năm 90 tôi có lái xe về Bạc Liêu hỏi thăm tin tức của Tước nhưng vẫn bặt tin từ đấy. Rồi tự nhiên hắn đội mồ sống dậy mới lạ. Tôi xin mượn những dòng chữ nầy để thật tình xin lỗi Tước vì đã mạo muội viết bài chia buồn quá sớm với tin đồn thất thiệt.

Buổi chiều hôm ấy tôi và Vạng lái xe Honda đến xóm Rạp Hát cháy thăm bạn bè hàng xóm củ nhất là anh Tân HD 61-68. Lúc đầu anh không sao nhận ra tôi vì đã hơn 45 năm xa cách. Thật tội nghiệp khi nhìn anh cụt tay trong tình trạng thiểu não. Chúng tôi không quên trao một ít tiền của chị Hạnh và tôi cho anh Tân. Hiện nay các đồng môn của anh vẫn tiếp tục giúp đở anh bằng cách gửi tiền về để anh sinh sống. Cũng vì có một thành tích là một thương phế binh nên anh không có khả năng đi làm để sinh sống mà chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của các bạn đồng môn đã thông cảm sự bất hạnh mà giúp đỡ anh phần nào, hầu xóa dịu nổi đau tinh thần và thể chất...

Trong lúc họp mặt tại nhà hàng Khánh Hưng lúc 11 giờ sáng, Tước cho bạn bè biết là sau 75 anh về dạy trong một làng nhỏ ở Bạc Liêu nên ít ai biết đến. Có một giáo sư khác cũng tên Tước dạy trung học Bạc Liêu và đã mất những đầu năm 90 nên tin đồn vang rộng. Mọi người hiểu lầm cứ nghĩ là Tước Trịnh. Sáng sớm trước khi họp mặt tôi và Vạng lái Honda đến cơ quan giới thiệu việc làm trên đường Mạc Đỉnh Chi để thăm cậu Lý Hoàng Minh (HD 68-75) vì được biết anh là cậu ruột nhưng chưa một lần gặp mặt. Sau đó đến nơi cư ngụ của chị Tuyết anh Quan ở cùng đường để rủ ghê anh chị đi uống café sáng. Buổi họp mặt sáng hôm đó có chị Tuyết anh Quan, Châu, Đào và hơn 10 người bạn khác như Phong, Tuấn mập, Phi, Hùng Lê, Bình, Thạch, Vạng, Hiếu và Đức…

Rượu vào lời ra các bạn hạch hỏi Tước lung tung. May cho Tước là anh ta không uống rượu và bia nên vẫn còn bình tỉnh để trả lời bạn bè. Nhân tiện Phi mời vài bạn đến dự lễ nhóm họ tối thứ năm và đám cưới con gái tên Chi tối thứ bảy. Tôi có đến dự tiệc trà và chung vui với hai cháu Kim và Chi đêm nhóm họ và xin lỗi Phi không thể dự đám cưới con gái của Phi vì tôi phải lên lại Sài gòn sáng thứ sáu rồi. Hai cháu Kim và Chi sang du học và làm việc ở Winnipeg, Canada từ 10 năm nay. Hai cháu quen nhau bên ấy và quyết định về VN làm việc cưới hỏi với gia đình hai họ. Tôi và chị Tuyết anh Quan hẹn 10 giờ sáng thứ sáu cùng đi xe Phương Trang lên Sài Gòn cùng thể cho vui.

Ngày thứ năm hôm sau chúng tôi lái xe đi Bạc Liêu thăm Tước và luôn thể nhờ Tước giúp đỡ tìm lại một người chị họ đã mất liên lạc hơn 7 năm nay. Chúng tôi hẹn Tước ở nhà hàng Công tử Bạc Liêu lúc 11 giờ vì hắn cũng ở gần nơi ấy. Trên xe hắn và tôi thay phiên bắm cái điện thoại cầm tay để liên lạc. Trò chuyện uống giải khát qua loa rồi Tước bật điện thoại hỏi vài người bạn. Sau cùng rồi Tước cũng truy ra tung tích của cô chị họ, chị ở không xa trên đường đi Vĩnh Châu. Thế là chúng tôi vội vả lên xe đi thẳng đến nhà chị.

Trên đường về Sài Gòn em gái tôi điện thoại mời anh chị Tuyết và Quan ở lại nhà, ăn tối, nghỉ ngơi rồi sau đó đi xem vở kịch vui  Hồn bướm mơ điên ở nhà kịch Trần Cao Vân. Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng xong tôi và bà xã cùng chị Tuyết anh Quan đi một vòng chợ Bến Thành rồi ghé Saigontourist book vé máy bay đi Vinpearl Nha Trang ngày thứ hai 29 tháng 1. Chúng tôi mời anh Quan chị Tuyết và các bạn hiện diện ở Sài Gòn           sẽ sẽ họp mặt ngày 23 tháng 1 sau khi tôi về từ Nha Trang. 


Ngày hôm sau chúa nhật 19 tháng 1 chúng tôi nhận lời mời của chị Hạnh mướn xe 15 chỗ đi Long Thành để dự giỗ tổ Thiền viện Thường Chiếu, nơi thượng tọa Thích Thanh Từ trụ trì. Thời tiết nơi đây hơi nóng bức nhưng có ít gió thoảng. Người hành hương đông nghẹt đến từ mọi nơi, quang cảnh nhộn nhiệp như lễ hội mùa xuân. Người làm công quả rất đông đang sửa soạn làm thức ăn chay cho hơn 10 ngàn người hành sẽ chính thức đến Thiền viện ngày mai. Hòa thượng trụ trì Tổ Đình Thiền Viện Thường Chiếu thay mặt đại chúng, tuyên đọc lời dạy của Tổ Sư về thanh tịnh như lời di huấn của Ngài nhằm nhắc nhở hàng học hậu suốt đời ghi nhớ nỗ lực tu học, noi gương Tổ sư và Hòa thượng Ân sư làm tròn sứ mệnh của người con Phật, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngõ hầu đền đáp phần nào công đức sâu dày của Thầy Tổ. Chúng tôi ở lại dự lễ ăn uống thức ăn chay đến tối xe chúng tôi mới về đến Sài Gòn.

Sáng sớm thứ hai hôm sau tôi và bà xã lấy máy bay VietNam airline đi phi trường Cam Ranh rồi dùng taxi đi về Nha Trang và đi cáp treo vào Vinpearl Land. Hai ngày đầu ở Nha Trang trời trở lạnh, nhiều gió và nước biển giao động mạnh quá lạnh không thể tắm được nên chúng tôi chỉ đi bộ trên bãi cát, hóng gió biển, đi dạo sân chùa, ngắm quang cảnh trong resort thật tuyệt vời. Tối đến chúng tôi đi xem show trình diễn nước với hệ thống đèn màu laser thật ngoạn mục. Chúng tôi lấy xe buýt vào thành phố Nha Trang. Trên xe buýt có hơn phần nửa khách là người Nga. Họ chen chân sô đẩy chúng tôi để lên xe buýt. Cảnh mất lịch sự này tôi đã thấy nhiều bên Trung quốc và Sài gòn, nhưng nghĩ lại cũng chưa sánh bằng dân Nga. Trong nhà hàng buffet của Vinpearl Resort du khách Nga còn bất lịch sự hơn khi họ chạy vọt vào hàng chúng tôi đứng để lấy thức ăn ngon trước mấy cặp mắt ngạc nhiên của chúng tôi. Xem cảnh tượng thật chướng mắt vì tôi không tin là dân da trắng có thể làm được như thế. Có hơn 70% du khách Nga trong Vinpearl Resort. Trong đường phố Nha Trang, các bảng hiệu thương mại phải dùng 2 thứ tiếng Việt – Nga để thu hút du khách Liên sô. Nghĩ lại mà buồn cho xứ sở Nha Trang ngày nay tràn ngập bởi du khách Liên sô. Gái bán bar hay lấy Nga và tệ nạn đĩ điếm cũng nhiều hơn các tỉnh khác làm tôi nhớ lại thời Mỹ hiện diện ở VN trước 75.

Về đến Sài Gòn là tôi điện thoại ngay cho bạn bè để hội họp ngày hôm sau 23-01 tại nhà em gái tôi. Khi ở Sóc Trăng tôi có gọi điện hỏi thăm bạn bè bên Mỹ mới được biết là chị Chil sẽ về đến Sài Gòn ngày 22-01. Tôi cũng nhận được vài cú điện thoại của Tùa Hia vào 4 hay 5 giờ sáng sau khi Hia đi làm khuya về để hỏi thăm tất cả bạn bè bên VN. Cám ơn Tùa Hia rất nhiều về sự quan tâm. Hôm ấy có đông đủ bạn bè đến dự. Chị Chil Huỳnh vừa về đến Sài Gòn ngày hôm trước cũng đến chia vui cùng Minh Trương, T. Quyên, chị Tuyết anh Quan, cô Khên và Dũng con trai cô. Anh Thân (Taberd 58-62) và Thiên đều đến dự.

Ngày hôm sau chúng tôi sửa soạn hành lý chuẩn bị về lại Canada. Cô Khên, Quyên, chị Chil và chị Hạnh điện thoại gửi lời chúc bình an, cộng thêm mấy món quà đem về Canada như mứt, bánh phồng tôm và café. Xin thành thật cám ơn các bạn và cô đã nhiệt tình quan tâm. Trên đường lên phi trường chúng tôi đánh dạo một vòng đường hoa Nguyễn Huệ mặc dù công trình đang thi công nhưng trông thật ngoạn mục. Hằng năm đường hoa Nguyễn Huệ được xây dựng và trang trí theo từng chủ đề, tái hiện bức tranh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam ở các vùng nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, kiều bào và du khách vào dịp tết cổ truyền. Đại cảnh của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay chuyển tải một thông điệp – thời gian trôi nhanh như ngựa phi nước đại. Ngụ ý khuyên hãy tranh thủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để vượt lên ngang tầm với khu vực Đông Nam Á, cùng góp tay gìn giữ trái đất xanh trước nguy cơ biến đổi khí hậu, với nỗ lực của con người đất khô cũng sẽ nở hoa…

Kỳ về quê hương lần này để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Tìm lại được thằng bạn thân ngỡ đã ra đi từ lâu, tìm lại được người thân thất lạc ở Bạc Liêu, biết được sự suy đồi xã hội Thái và nhất là tôi ngộ ra rằng ngày nay dân Việt Nam và có thể các dân tộc Á châu khác đang rất quan tâm về việc bài trừ sản phẩm Trung quốc vì kém an toàn cho sức khỏe…

Nguyễn Hồng Phúc

Xuân Giáp Ngọ 

MÙNG 3 TẾT THẦY


Sáng sớm tinh khuya, khi ấy phải chờ má đi chợ tay xách nách mang đủ thứ, quan trọng là má mua gà và nhờ họ làm sẵn con gà ở chợ mang về, má luộc gà mang đồ trái cây ra cúng đất đai ông bà, trước sau trong ngoài, đi khắp nhà cũng cả chục bàn thờ chứ chẳng ít ỏi gì.

Sau khi cúng cũng bảy tám giờ sáng gì đó, có đứa còn ngủ, chưa đủ giấc vì tối qua mồng hai đi chơi đến tối mới về, còn chơi bầu cua cá cọphay ngồi tụm lại trò chuyện đến khuya. Lần Tết cuối quê nhà, trước khi khăn gói đi xa, gia đình chỉ còn lại mình là lớn nhất, vì anh chị cũng đã khăn gói, không đi nước ngoài cũng lên Thành đô mà học hay làm việc, rồi cứ thế mà tiếp tục từng tốp, từng tốp mà rời khỏi căn nhà ấm cúng này.

Khi má bày biện cúng kiếng thì toàn là thịt nào gà xé phay, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, bánh tét cắt khoanh... Vì mồng một ăn chay, mồng hai và mồng ba lại được ăn thịt, mừng lắm chứ. Mồng ba cha nói ' Tết Thầy' dù một chữ cũng là thầy. Nhưng năm cuối cùng ấy, còn phải học hành vì còn chỉ vài tháng là phải ra đi rồi, sao mà đi đâu chơi, như con mọt sách chỉ trốn trên lầu và cặm cụi vào mấy quyển sách. Ngoài đường phố đông đúc người qua lại, có khi còn chen chúc nhau mà đi vào khu vui chơi, mình thì lù khù trong gác trọ.

Rồi ngày mồng ba, học trò cha nhiều lắm đến thăm, ít ít cũng hơn chục học trò một ngày, họ đến rồi đốt nhang trên bàn thờ ông bà của gia đình, rồi thăm hỏi chúc thọ cha, cha dạy học trò cái nghề và cái  'nghĩa' ở đời. Cả nhà nhìn thấy học trò cha thăm hỏi cũng vui lây, vì ai cũng đến thăm chúc thọ cha, nhưng học trò đến có khi có mang theo con nhỏ, má thì chuẩn bị sẵn bao lì xì, rồi phát cho chúng sau đó cho ăn bánh mứt, nhưng má không cho con nít phá cây cảnh, cây mai, hạnh ngày Tết, má quí lắm, chăm sóc mỗi ngày tước lá mai cả tháng trước Tết, cho nó ra hoa đúng ngày ba mươi. Cây sung cũng thế, nó cứ sum suê um tùm trái và trái, rồi ai cũng đến xin nhưng má không cho, vì trái sung khi hái ngắt thì nó không còn ra trái nữa.

Hải ngoại xa xôi, đồng hương, đồng môn, rồi đồng trường... nhiều lắm, nhưng nó xa xôi quá, vì môi trường xã hội tiếp xúc quá khác biệt, sao mà giống nhau. Xã hội phương xa đòi hỏi sự phấn đấu đó là lý trí, không phải dễ dàng vượt qua, vì nó còn xa tầm tay, nó đòi hỏi cái chất mà ta có được từ cơ bản từ Thầy mà ra, phải cố gắng cho nó vào óc, nếu chỉ dừng lại và chấp nhận mọi thứ thì sẽ khó thành công và rồi cho là hoàn cảnh bắt ta phải thế. Cái 'lý trí' nó đánh gục mọi lý do, còn ngược lại mình sẽ phải đầu hàng nó.

Không còn trẻ nhưng lúc nào cũng phải học, học để có thể theo kịp với cuộc sống hiện tại nó là bánh xe lăn theo dòng đời, nó không dừng lại không chờ đợi ai, nó dẫm lên những kiến thức cũ kỹ và bảo thủ, phải học nếu mình cứ nghĩ rằng mình ở phương xa thì không cần làm cũng sống.

'Làm người nhớ phải mang ơn' cha nói, dù ít hay nhiều khi 'nhận một phải trả mười' đừng theo người 'ăn cháo đá bát'. Đừng tập thói quen 'cái gì cũng ngồi không yên chỗ' thế giới bên ngoài có bùng nỗ thì mình vẫn ngồi đó mà trầm tĩnh, phải học cái 'nhẫn' và cái 'tâm' ở đời. Mình sẽ giúp mình, nước đến chân thì phải dời, còn nó nỗ đì đùng đừng nhảy vào mà mang chuyện khó vào thân.

Mồng ba Tết Thầy, nhắc nhỡ rằng con người 'có trước, có sau' có tâm, có thiện sẽ an vui tự tại, chẳng gì mà mang cho mình cái 'khổ' bon chen, hám danh ảo tự mình cho mình lên trời cao rồi té xuống đau, một tay xoay chuyển, với tới trời xa, 'ông trời có mắt' người đời nói thế, rồi sẽ có hạnh phúc nếu buông nó ra, thù hằn con người từ xa xôi vẫn mang theo, cái quá khứ nặng nề mang theo thì sao có thể có cái tương lai nhẹ nhàng?!.

Bài học hay nhất ở đời là tự dạy lấy mình


Snowynguyen Mồng ba xuân Giáp Ngọ