a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

BÁN THÂN CỨU MẸ

 


1/-
Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ muốn xuống quầy ăn uống phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ.
Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật.
Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa.
Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu...cũng không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu tôi.
Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. Chưa bao giờ tôi lâm vào tình trạng quẫn trí như lúc này.
Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.
Mỗi buổi sáng, bác sĩ Bình, điều trị cho mẹ đi qua thăm khám đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng ái ngại quay đi.
Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong sáu cái giường cá nhân. Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ Bình đi vào, mang theo mười hai cái bao thơ, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo tín hiệu “bí mật”. Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.
Ai đã từng vào chăm sóc bệnh nhân trong bịnh viện mới cảm nhận được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ sát thương của nó thật là khủng khiếp!
Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào, giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng. Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ hôi lạnh toát.
Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm một con đường sống.
Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng!
Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.
Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào để xoay ra hơn ba chục triệu đồng. Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ Bình. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong bịnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh. Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ!: Hình như anh có để ý đến tôi. Có để ý mới đưa bao thơ dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rảnh rỗi lại đi mách bệnh nhân cách lách luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?
Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm người giúp việc không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trong tuần, ba giờ mỗi ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì. Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm tình nguyện! Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng.
Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia. Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!
Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ. Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta “nghiệm thu”mình.
2/-
Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn. Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy Mai đã rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí. Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến không ít cảnh các ông cha bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã là nhiều. Thế nên, hình ảnh của Mai ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi cũng có chút động lòng.
Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Ba tôi mất đã năm năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm sóc tôi và làm từ thiện. Lương hưu của bà không đáng là bao.Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả đem vào bịnh viện tôi đang làm cho bịnh nhân khoa tôi điều trị. Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ, không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào bịnh viện phân phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là xong. Riêng bao thư của mẹ Mai, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như muối bỏ bể mà thôi!
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được Mai lại đề nghị “bán mình” cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được nữa.
Ngày mẹ Mai ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải “thanh toán” hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: “Cứ coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!”. Không ngờ em “chốt hạ” ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất đi! Em biết mẹ anh đang bệnh, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em sẽ đến nhà anh giúp việc nhà và chăm sóc mẹ anh. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!
Mai làm người giúp việc và chăm sóc cho mẹ tôi được đúng sáu tháng thì mẹ tôi một hai đòi nâng cấp em làm con dâu.
Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập luận “có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?” thì thật nhảm vô cùng !!!
Ghi lại
Trần Khắc Tường.


Hãy Để Cha Sống Những Ngày Cuối Cùng Như Mong Muốn 

Tình yêu của cha mẹ giống như mảnh đất phì nhiêu thầm lặng, không cần hương hoa để tô vẽ, cũng không cần phải thể hiện ra ngoài. Mảnh đất ấy chỉ lặng lẽ, âm thầm, nhưng lại dưỡng thành nên thứ tình yêu vĩnh cửu. 

Hôm cha tôi được bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi, mẹ không hề tỏ ra quá đau thương. Bà chỉ ngẩn người ra một lúc rồi nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt trên khoé mi. Cha cũng rất bình tĩnh, sau khi trao đổi với bác sĩ về quá trình hoá trị và kết quả sau hoá trị, cha đã nhốt mình trong phòng một ngày. Sau đó ông tuyên bố sẽ không hoá trị. Cả tôi và vợ đều gắng sức khuyên nhủ cha nhưng mẹ lại không nói lời nào, bà chỉ lặng lẽ gắp thức ăn cho ông.

Cha tôi có bảo hiểm y tế, chi phí trị liệu gia đình hoàn toàn có thể gánh vác được, nhưng ông vẫn kiên quyết không đồng ý. Cha nói có trị liệu thì thời gian kéo dài thọ mệnh cũng chỉ được tính bằng tháng bằng ngày, cha không muốn những ngày còn lại của đời mình bị nhốt trong bốn bức tường bệnh viện, ở đó hết lần này lần khác chịu đựng những đớn đau của các đợt hóa trị. Cha muốn những ngày cuối cùng sẽ được sống cuộc đời mà cha mong muốn.

Mẹ im lặng hồi lâu rồi nói:“Để cha mẹ về quê đi, cha con luôn thích được về quê sinh sống”. Sau khi kết hôn tôi đã đón cha mẹ lên thành phố sống cùng chúng tôi. Nhưng cha mẹ vẫn thường xuyên nhớ về thôn quê, ra khỏi cửa là có thể ngắm cảnh ruộng đồng sông nước, cha không thích cuộc sống nơi thành phố chật chội và ngột ngạt này. 


Cha mẹ vẫn thường xuyên nhớ về thôn quê 

Sang ngày thứ ba, tôi và vợ đưa cha mẹ về quê, và quả thật cha mẹ đã được sống những tháng ngày vui vẻ. Khu vườn bỏ hoang lâu ngày được cha làm lại, cha ra chợ mua rất nhiều loại hoa về trồng, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan đủ cả, cha thậm chí còn mua hẳn một xe ba gác về nhà để trồng. Cứ cuối tuần vợ chồng tôi lại về thăm cha mẹ, thấy khu vườn nhỏ mỗi lần về mỗi khác, ngày càng tươi đẹp hơn.

Dáng cha hao gầy ốm yếu nhưng luôn chân luôn tay ngoài vườn làm lụng, mẹ thì phụ cha tưới nước chăm cây. Tôi khuyên mẹ:“Sức khỏe cha con không tốt, mẹ khuyên cha đừng bận tâm mấy việc này nữa”.Mẹ nói rằng khuyên không được:“Con xem, cha con làm có vui vẻ không kìa, cứ kệ cho cha con làm”.

Trước khi về hưu mẹ là giáo viên dạy môn sinh vật, cả một đời bà chỉ yêu hoa. Cha nói nhỏ với tôi:“Đây đều là những loại hoa mẹ con thích nhất, mẹ con luôn mơ ước có một khu vườn như thế này. Nhưng khi cha còn trẻ thì vì quá bận rộn, cha lại cho rằng thời gian còn dài nên cứ lần lữa khất lần khất lượt, cuối cùng ngoảnh đầu lại thì đã mấy chục năm rồi, giờ nếu không nhanh thì e rằng không còn kịp nữa”. Hoá ra tâm nguyện của mẹ mấy chục năm qua cha vẫn nhớ trong lòng.

Trong bữa ăn, tôi thấy cha thích ăn thứ gì thì mẹ đều làm cho cha ăn, không hề vì bệnh tật mà kiêng khem.

Lúc sắp đi, tôi hỏi cha mẹ có muốn đi cùng tôi không, nhưng cả hai đều từ chối. Cha nói với tôi rằng:“Con trai à, cha đã đi cùng con gần nửa đời người, cũng đã đến lúc phải biết đủ rồi. Mẹ con đã ở với cha gần cả cuộc đời vất vả lo toan, cha muốn dành chút thời gian ngắn ngủi sống với mẹ con những ngày tháng vui vẻ, cha mẹ sống ở đây rất tốt”.Cha chọn những ngày sau cùng của cuộc đời mình để ở riêng bên mẹ.

Mỗi cuối tuần tôi và vợ đều về thăm cha mẹ, nhưng có một lần mẹ gọi điện kêu tôi không cần về nữa, vì cha mẹ vắng nhà. Sau đó tôi nói chuyện với cô ba thì được biết cha mẹ đi du lịch 8 ngày, vì sợ con cái lo lắng nên đã giấu vợ chồng tôi.

Tôi khẽ trách cha chủ quan với sức khỏe bản thân mình, và trách mẹ quá chiều cha. Sau đó mẹ nói với tôi:“Ngày tháng không còn dài, chúng ta nên tôn trọng ý kiến của cha con, để cha con được làm những điều mình thích. Đời người trước sau đều phải chết, nếu như có thể làm được những điều không để lại tiếc nuối vậy thì hoàn mỹ rồi”. Nghe xong tôi không thể nói được lời nào thêm nữa…

Sau khi cha mẹ trở về, sang tuần thứ hai, bệnh tình của cha chuyển biến thêm nặng. Lần này tôi tôn trọng ý kiến của cha, không đưa ông đến bệnh viện. Cha ở lại nhà và được mẹ và vợ chồng tôi chăm sóc chu đáo cho đến khi ông nhẹ nhàng nhắm mắt. Lúc sắp đi, cha khe khẽ gọi một tiếng tên mẹ, mẹ đưa tay cho cha, hai người nắm chặt tay nhau đến khi cha qua đời.

Trong đám tang, mẹ nhẹ nhàng quan sát mọi việc, tuy có đau buồn nhưng không hề mất đi sự kiểm soát, có lúc bà còn dùng đôi tay gầy yếu của mình vỗ vào đôi bờ vai đang run rẩy của tôi:“Con trai, đừng khóc nữa, cha con đi rồi, đến một thế giới mà ở đó sẽ không còn bệnh tật nữa”.

Tang lễ kết thúc, mọi người ra về hết nhưng mẹ vẫn không chịu về, mẹ để chúng tôi về trước:“Các con về đi, mẹ muốn ở lại đây với cha con thêm một lúc nữa, dưới lòng đất tối đen kia chắc cha con cô đơn lắm”.

Sau khi cha mất, mẹ đi du lịch khắp nơi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi nửa năm mẹ đã đi rất nhiều nơi như đảo Hải Nam, Tây Hồ, Vịnh Hạ Long, Yên Tử,…

Khi về nhà thăm mẹ, tôi được mẹ cho xem những bức ảnh chụp khi đi du lịch. Tôi thấy ảnh chụp trên một ngọn đồi, tuy sức khỏe cha rất yếu nhưng thần thái và sắc mặt luôn thể hiện sự mãn nguyện, cha ôm mẹ vào lòng đứng bên bờ sông ngắm cảnh. Tôi còn nhìn thấy những bức ảnh sau này mẹ đi du lịch một mình, trên tay mẹ đều cầm bức ảnh chụp chung hai người. Mẹ nói rằng đó đều là những nơi mà khi còn sống cha muốn đi mà chưa đi được, mẹ giúp cha đi tiếp cuộc hành trình.

Tới lúc này, lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận được tình yêu sâu đậm của cha và mẹ dành cho nhau.

Mẹ nói:“Mỗi lần thấy những người cầu sống không được mà cầu chết cũng không xong, mẹ thấy may mắn vì lúc trước không để cha con phải chịu khổ. Mẹ hiểu cha con, cả một đời điều quan trọng nhất với ông ấy chính là sự tự tôn, cha con không sợ chết, chỉ sợ chết không có thể diện. Cha con mất đi, người tổn thương nhất chính là mẹ, nhưng mẹ thà rằng nhìn thấy cha con vui vẻ ra đi còn hơn thấy ông ấy ở lại mà chịu khổ trong lòng. Mẹ tin rằng nếu đổi lại là mẹ thì cha con cũng sẽ làm như vậy”.

Mẹ còn nói:“Mỗi người cuối cùng đều phải ra đi, như trăm sông đều phải đổ về biển lớn, mẹ bằng lòng cho cha con vui vẻ ra đi, đến nơi đó trước chờ đợi mẹ”. 

Tình yêu của cha mẹ giống như một mảnh đất phì nhiêu thầm lặng, không cần hương hoa để tô vẽ, cũng không cần sự biểu hiện hời hợt bề ngoài. Ngược lại, tình yêu đó lại khiến con người có được cảm giác an toàn đáng tin cậy, nó cũng là nền tảng thiết thực nhất mà mỗi một con người đều cần đến trong kiếp nhân sinh…


 Minh Vũ biên dịch

Mùa Xuân này sẽ vui.


Giữa tháng 10, trời Dallas Texas vẫn còn những ngày nắng nóng. Mỗi lần phải đi ra ngoài, chị Bông luôn có 3 thứ không thể quên: cái mũ, kính mát và cái face mask chống dịch.

Chị Bông vừa chích ngừa Covid19 vaccine Pfizer liều 3. Cả ba lần chị đều vui vẻ đi chích ngay, khỏi cần đợi ai mời chào hay “năn nỉ”, thưởng quà thưởng tiền gì cả, mà giả dụ như chích ngừa Covid phải trả chi phí chị Bông cũng đồng ý luôn. Tại tiểu bang Texas nhiều người chưa chích ngừa làm chị Bông lo lắng và… giận hờn những cư dân Texas của mình đã không chăm chỉ đi chích ngừa, làm góp thêm phần lây lan nguy hiểm này.

Chị luôn cầu mong hai điều, thứ nhất là các nhà khoa học mau chóng tìm ra thuốc chữa trị dứt điểm Covid và điều thứ hai cũng quan trọng không kém là tìm ra nguyên nhân nào đã gây ra dịch bệnh này, nếu là con người thì họ phải trả giá tội ác với nhân loại, với thế giới.

Bẵng đi mấy tháng, hôm nay chị Bông bỗng nhận được tin nhắn của chị Trinh: “Thằng Hải con tôi đã có bạn gái và chúng sẽ đám cưới, chị Bông khỏi cần giới thiệu người nữa nha” làm chị Bông giật mình chợt nhớ ra lúc này cứ lo những tin tức về dịch bệnh Covid khắp nơi mà quên phéng đi chuyện mai mối dở dang.

Hôm ấy, chị Bông tình cờ gặp lại chị Trinh trong một đám cưới, hai người cùng làm chung một hãng cách đây gần chục năm, mừng rỡ hỏi thăm nhau. Nghe chị Trinh kể thằng Hải, con trai chị đang làm Chief Marketing officer trong một hãng lớn, vẫn còn độc thân. Thế là chị Bông vồ lấy, hứa sẽ làm mai cho nó một đám tương xứng, dù chị Trinh không hề lên tiếng nhờ vả. Cái tật này anh Bông hay mắng chị Bông tài lanh vô duyên mà chị Bông không chừa.

Chị Bông nhắm vào con gái chị Huyền cũng xinh đẹp giỏi giang, nhưng khi chị gọi phone cho chị Huyền, vừa nói muốn giới thiệu một chàng trai học về business thành công là chị Huyền gạt phăng, không cần nghe tiếp: “Học Business là không hợp với con Bích Hảo nhà tôi đâu!”. Chị Huyền biết tính ý con chị nên không muốn mất thì giờ người làm mai, mặc cho chị Bông tiếc rẻ chưa kịp nói ra những tương đồng nhà chàng trai với nhà chị Huyền, cùng khá giả, cùng hiền lành đạo đức và nhất là cùng đạo công giáo. Thế là chuyện làm mai cho Hải bị rớt ngay từ khúc dạo đầu.

Chị Bông thua keo này tính bày keo khác, tìm đám khác giới thiệu cho con chị Trinh mà… tìm hoài chưa ra, nên chưa dám nói năng gì với chị Trinh. Nay chị Bông mừng húm… thoát nợ đã hứa ẩu trong lúc bốc đồng.

 

Bích Hảo, con gái chị Huyền là nha sĩ, dáng cao ráo đẹp đẽ, năm nay đã 35 tuổi mà vẫn còn độc thân. Vô duyên như chị Bông còn sớm lấy được chồng, cô Bích Hảo quá kén chọn mà thôi. Cô muốn người chồng phải hơn cô “một cái đầu” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô cao 5 feet 4 thì chồng phải cao hơn; cô là nha sĩ thì chồng phải bằng cấp tương đương hay “nặng ký” hơn cơ. Từ thuở đôi mươi đã có nhiều chàng trai theo đuổi tỏ tình nhưng Bích Hảo đều từ chối. Anh được bằng cấp chức vụ thì xấu trai hay thấp lùn béo mập; anh cao ráo đẹp trai thì bằng cấp… thua kém (ấy là cô tự chấm). Thế nhưng, những chàng trai bị cô kiêu hãnh từ chối ấy chẳng ai ế vợ cả. Họ đã lập gia đình còn Bích Hảo vẫn chờ một tấm chồng lý tưởng hết năm này đến năm nọ, cứ cái đà này thì cô sẽ ế chồng muôn thuở.  Chị Huyền đã cảnh cáo con gái: “Các chàng trai bị con chê ỏng chê eo đang vui hưởng cảnh gia đình, mai sau tuổi già sức yếu có vợ, có con cháu chăm sóc. Còn Bích Hảo của mẹ sẽ là bà lão cô độc lẻ loi trong nursing home”. Bích Hảo vẫn không chịu “hạ giá” tiêu chuẩn tìm chồng, vẫn tự kiêu: “Thà rằng con chịu ế chồng; còn hơn vơ đại kẻ không… bằng mình”.

Tin vui nhà chị Trinh làm chị Bông phấn khởi vui lây, chị gọi phone định kể cho chị Huyền để bạn… tiếc chơi, nào ngờ vừa nghe tiếng chị Bông, chị Huyền đã nhanh nhảu:

– Bông đấy hả? Bông định làm mai đám nữa hả? Khỏi cần, cháu Bích Hảo đã chọn được người rồi.

Trời, con gái chị Huyền khó tính khó nết này kiếm đâu ra duyên tình nhanh vậy? Chị Huyền kể con gái đã quen chàng trai trong tiệc tùng nào đó, rồi hai đứa đã nhiều lần chuyện trò và gặp gỡ, Bích Hảo vẫn giữ bí mật về chàng trai chờ đến ngày chàng theo cha mẹ đến ra mắt nhà bạn gái cho cha mẹ bất ngờ. Chị Bông đoán già đoán non:

-Chắc Bích Hảo đã gặp đúng người trong mộng rồi. Anh chàng này phải vừa đẹp trai vừa to chức lắm.

Chị Huyền tâm tình:

– Dù con rể là khoa học gia vĩ đại bay lên không gian hay công việc bình thường, bằng to bằng nhỏ nào cũng được miễn là người hiểu biết, đàng hoàng tử tế và yêu thương Bích Hảo. Mình từng khuyên con gái như thế.

Chị Huyền vui vẻ rủ rê:

– Mình muốn đi mua sắm quần áo chuẩn bị ra mắt nhà bạn trai Bích Hảo. Ði shopping với mình nhé Bông?

Chị Huyền sợ chị Bông từ chối nên… bảo đảm:

– Chúng ta đi vào ngày thường sẽ vắng vẻ, Outlet Mall lại thoáng mát, đỡ đụng chạm, an toàn mùa dịch.

Hai người hẹn nhau đi shopping vào ngày thứ Ba. Thế mà chẳng vắng vẻ tí nào! Ngoài mall, người ta vẫn đi lại tấp nập, cửa hàng nào cũng mở từ 11 giờ trưa đến 8 giờ chiều. Từ tiệm nữ trang hột xoàn sang trọng, tiệm nước hoa gợi cảm những mùi hương đến những cửa hàng giày dép giỏ xách quần áo thời trang và cả tiệm Starbuck Coffee thơm ngon cũng góp phần đông vui.

Hai người bước vào tiệm nào thì tiệm ấy cũng đang có nhiều khách, người vào kẻ ra thường xuyên. Chị Bông tưởng ít người đi mua sắm vì sợ dịch Covid, vì chưa đến dịp lễ Tết hay giảm giá gì. Té ra thiên hạ vẫn đi shopping, vẫn chiều theo nhu cầu của cuộc sống.

Chị Bông hào hứng không thua gì chị Huyền, mua sắm vài váy áo đẹp để sẵn sàng tham dự những hai đám cưới, con chị Trinh và con chị Huyền. Hai người chị định làm mai với nhau mà không thành. Tình yêu từ đâu đã đến với họ, không cần ai giới thiệu mai mối, chẳng lẽ chồng chị nói đúng, chị thật vô duyên!

Hai tấm thiệp cưới không hẹn nhau mà ông đưa thư bỏ vào thùng thư nhà chị Bông cùng ngày. Thiệp cưới nhà chị Trinh và thiệp cưới nhà chị Huyền. Chị Bông mở ra xem và giật mình ngạc nhiên đến thú vị, tuy hai nhưng… là một, chú rể là Hải, cô dâu là Bích Hảo.

Chị Huyền kể rằng chị thật bất ngờ khi con gái đã thay đổi tiêu chí chọn chồng, Bích Hảo không vì sợ già sợ ế mà cô đã hiểu ra giá trị và kiến thức con người không vì bằng cấp to nhỏ. Tiếng gọi con tim đã quyết định tất cả. Cô đã gặp Hải và cảm mến anh chàng cao ráo đẹp trai hiền lành lịch lãm, thành công trong nghề nghiệp. Cô gái khó tính nhất hành tinh cũng đã nhún nhường biết người biết ta.

Sau 2 năm ở nhà vì Covid cuộc sống chậm lại với bao âu lo, chị Bông nao nức thèm muốn không khí đông vui tiệc tùng, chị sẽ có mặt trong tiệc cưới con hai người bạn thân vào mùa Xuân năm nay.

Mùa Xuân của đất trời hồi sinh sau một mùa Ðông lạnh lẽo, sau những cố gắng phi thường của con người đã và đang vượt qua cơn ác mộng ghê gớm của dịch bệnh Covid.

Mùa Xuân này sẽ vui!

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Đính kèm là hình của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương chụp ngày 08 tháng 01 năm 2023 :