a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Bún ốc

 Tôi thích món bún ốc từ thời còn nhỏ. Nhất là bún ốc của Bà Ba Bủng! Năm xưa, tôi hay được bà chị lớn cho đi theo vào cuối tuần, thường đi chung với những người bạn của chị. Năm sáu cô đi dạo phố với tôi đi theo. Các chị người nào cũng đẹp, như những nàng tiên nữ giáng thế. Có chị tóc dài gần chấm gót, mặc áo dài thanh thoát, bay bay như bức tranh thủy mạc. Tôi đi sau lưng, còn ngửi thấy mùi hương bồ kết từ mái tóc mới gội của chị. Chị khác diện hơn, thoang thoảng mùi nước hoa Chanel No 5, lộng lẫy như tài tử màn bạc. Các chị vây quanh tôi, đi dạo phố Lê Lợi, ai đi ngang cũng phải ngoái đầu lại nhìn. Tại sao có nhiều người đẹp đến thế, đi dạo mùa xuân, với tôi như người trên mây, đi với những nàng tiên như trong truyện Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, không cần biết đường về!


Dạo phố một lúc xong, là ghé vào quán Bà Ba Bủng để ăn bún ốc! Sao trên đời lại có món bún ốc ngon như vậy, như đã đạt được mức tuyệt hảo cho khẩu vi, không thể nào có món khác so sánh được! Tô bún ốc nóng hổi, với ốc tươi, dòn, trơn trơn, mới vào miệng đã muốn trôi ngay. Nhưng phải nuốt chầm chậm để thưởng thức cái ngọt, cái mát, trong cái mềm của ốc, có cái dòn của ốc mới bắt đem về, hơi dai dai vừa đủ để kéo dài cái khoái khẩu khi nuốt miếng ốc! Rồi còn chút riêu cua để mặn mà hơn, mầu đỏ của cà chua, mầu xanh của lá thơm và những cọng bún trong nước dùng ngọt ngào. Chao ôi! Cuộc đời nếu có những giây phút đáng để sống, để ghi sâu vào ký ức, để mỗi khi nhớ đến là tất cả những giác quan ngày xưa ấy đều bùng dậy, để nhắc nhở những cảm xúc huy hoàng của một thời đã qua, không bao giờ trở lại! Đó là lúc ăn bún ốc Bà Ba Bủng với các người đẹp tuyệt vời, xuân sắc của tuổi trẻ và thanh xuân, bạn của bà chị tôi năm xưa!

Vì không bao giờ tôi được ăn lại bún ốc ngon như thế nữa! Bao năm nay, tôi đi kiếm lại món này ở những chỗ đông người Việt, Orange county, San José, Houston, Washington, DC, nhưng không có tiệm nào làm bún ốc ngon được như Bà Ba Bủng thời xưa! Ốc đều là loại đông lạnh, có dòn cũng do hàn the, preservatives. Tất cả mọi thứ đều khác, không còn hương vị như ngày xưa đã được biết! Nhưng có lần gần đây, tôi được ăn bún ốc của vợ một người bạn nấu, ăn cũng ngon gần được như Bà Ba Bủng thời xưa! Chị bạn này rất kén chọn, khi nào có đủ mọi thứ, ốc ngon, riêu ngon, đủ mọi thứ rau, gia vị, lúc đó chị mới làm món bún ốc này. Không có tiệm nào ở các chỗ có thể sánh được.

Gia đình người bạn ở một tiểu bang khác, mỗi năm tôi phải nằn nì để biết được hôm weekend nào chị nấu bún ốc, mò sang, bay ngàn dặm để chỉ ăn được bún ốc chị nấu! Tôi nói với tên bạn: "Mày với tao thân thì có thân thật đấy! Nhưng nói mày đừng buồn! Tao sang thăm mày chỉ vì món bún ốc vợ mày nấu! Một năm chỉ được một lần, hay xuân thu nhị kỳ, nếu mày quý tao, năn nỉ vợ mày nấu hai lần một năm, tao sẽ nhớ ơn mày trọn đời!"

Rồi lan man nghĩ đến chuyện economy sharing viết khi trước. nếu có một website nào về chuyện dinner sharing như Airbnb làm về thuê nhà, thuê phòng. Nhiều bà nội trợ giỏi nấu nướng, có biệt tài về một món ăn nào đó, các tiệm ăn không sánh được như bà vợ bạn tôi với món bún ốc. Các bà này có thể dùng website loại trên, dinnersharing.com chẳng hạn, để cho mọi người biết tài mình, sẵn sàng nấu món ăn ngay trong nhà cho khách đến ăn. Mở tiệm ăn quá nhiều vốn, quá bận rộn, các bà không dám hay không muốn mở. Vả lại như vợ chồng người bạn đều là professionals, lợi tức cao, đâu muốn mở tiệm ăn làm gì. Nhưng nếu làm nho nhỏ, kiếm chút tiền ra tiền vào cho khách ăn chọn lọc qua website, sẵn sàng trả giá cao, gấp một vài lần để được thưởng thức những món như bún ốc, bún bò Huế, cơm hến, bánh xèo, bánh cuốn, phở ngon đặc biệt hơn tiệm thường,v.v.., cũng là điều có lý lắm!

Tương lai với kinh tế chia xẻ economy sharing, nhiều phần rồi cũng sẽ có mục này. Bây giờ chưa có, tôi phải bay ngàn dặm đi thăm thằng bạn mắc dịch, chỉ vì món bún ốc vợ nó nấu quá ngon! Nên phải dẹp mọi công chuyện bận bịu, book vé máy bay cuối tuần này sang thăm nó vậy!./.

Cây chuối.


Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về cây chuối. Có một lần nhìn thấy một cây chuối có buồng, tôi hỏi ba tôi:

“Ba , trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”

“Chỉ một buồng duy nhất thôi con ạ.” - ba tôi trả lời.

Tôi ngạc nhiên về câu trả lời của ba . Tôi cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.

“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” - ba tôi nói thêm.

Về sau, tôi có dịp được nhìn một cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ, xác xơ và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình - chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá - để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hóa ra lâu nay hằng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Và bạn biết không, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, tôi nhìn thấy chồi non của một cây chuối mới. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu…

Hình ảnh cây chuối mang một quày chuối nặng trĩu không xa lạ đối với chúng ta ; nhưng có bao nhiêu người nghĩ rằng cây chuối chính là hình ảnh của người mẹ hiền.

Ta chỉ nhìn những quày chuối to béo, nõn nà mà quên đi những thân chuối xác xơ, héo tàn.

Có khi ta dành gần cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp tận đẩu tận đâu mà quên những cái đẹp tuyệt vời ở gần bên ta...


 Sưu tầm 


Chờ cha về

Chị có bầu. Cả Viện nghiên cứu xôn xao. Đàn bà có bầu là chuyện bình thường, mắc mớ gì xôn xao? Là vầy, ở cái Viện này toàn là trí thức, những nhà đạo đức, những giáo sư, bác sĩ, có tiếng tăm và địa vị trong xã hội. Tất nhiên là để phục vụ, cho những công trình cứu nhân độ thế của họ, còn có mấy thành phần lơm cơm khác như tài xế, lao công, nhà bếp…

Hắn ở trong đám lơm cơm đó và chị cũng vậy. Chị làm lao công quét dọn, trong cái Viện này, tới nay cũng mười mấy năm chứ ít ỏi gì. Mười bẩy tuổi chị lấy chồng, một thằng chồng nông dân, thương rượu hơn thương vợ. Nó tỉnh thì không sao, mà hể xỉn là có chuyện. Ở được 2 năm, thì chị có mang đứa con đầu lòng với nó. Dưới quê kể lại, lỗi một phn là do chị. Nó say, nó chửi kệ nó, cự nó chi cho nó đánh, nó rượt rồi chạy. Thiếu cha gì chỗ trốn, leo lên cây trốn chi cho té sẩy thai, cho khật khà khật khùng! Người thì nói chị khùng do té đập đầu, người khác nói do chị xót con mà ra. Chỉ biết sau ngày đó, chị làm biếng nói chuyện với mọi người! Ra ruộng lầm lũi, về nhà như cái bóng. Vui buồn cất trong bụng. Được cái chị khùng mà khùng hiền. Không gây gổ, quậy phá gì ai. Chỉ lâu lâu đang làm gì đó, chị chợt ngưng ngang, lầm bầm nói một mình, rồi cười khóc một mình. Cứ tưởng chị như vậy mà sống. Ai ngờ, cũng không ai tin, có ngày chị nhảy lên xe đò, bỏ nhà, bỏ xứ đi mất! Thằng chồng đang chán, như thoát nợ, không thèm đi kiếm. Ở với nhau có giấy có tờ gì đâu. Hồi đi nói vợ cho nó, bất quá như sắm món đồ về làm của. Giờ chị như thứ của hư, của bể, tiếc thì cũng có, mà giữ lại cũng chẳng ích gì. Chị đi khỏi, nhẹ nhỏm cho mọi người. Không nói ra, nhưng có ai muốn ở gần đứa khùng đâu. Thấy hiền vậy chứ, lỡ nó lên cơn sảng ai mà biết…

Lên thành phố, lúc đầu chị ở đợ cho một nhà, sống cũng tạm. Nhưng rồi, gia chủ phát hiện ra, ngoài cái nhan sắc mặn mòi, dễ mến, còn thêm cái tật ngơ ngơ dễ dụ của chị. Nữ chủ nhân nào cũng e ngại. Nuôi chị trong nhà giống như treo sẵn miếng mồi ngon trước mặt tên nhậu, sớm muộn gì thằng chồng cũng đớp. Cho lên đường sớm chắc ăn. Ngặt cái, chị siêng năng lắm, cắm đầu cắm cỗ làm từ sáng tới tối, biểu gì cũng dạ, sai gì cũng làm, không than van không từ chối. Chị làm hùng hục như trâu. Nuôi chị đáng đồng tiền bát gạo. Nên nhà nọ không mướn thì chuyền tay qua cho nhà khác mướn, nhờ vậy mà chị không thất nghiệp.

Năm chị hai mươi hai tuổi. Chỗ cuối chị ở là coi em và dọn dẹp nhà cửa cho gia đình tay cán bộ tổ chức của một Viện nghiên cứu, nơi chị làm bây giờ. Chưa được năm thì bà vợ đánh hơi sao đó, đuổi! Lão chồng thương hại hay tiếc mồi chưa kịp nhai, đã xin cho chị vào làm lao công ở Viện. Chị thì trước giờ vẫn vậy. Đuổi thì đi, có thì làm. Không thắc mắc, không xin xỏ, không buồn, không vui! Đâu thì cũng phải làm mới có miếng ăn. Ở Viện chị còn có được một chỗ ở mới. Sát bên dãy nhà xe. Xe lớn, xe nhỏ của Viện đi về đậu ở đây. Tại vậy mà đám lái xe gần gũi và thân với chị hơn những người khác. Ai đâu dư hơi để ý tới con khùng. Khùng mà biết mê cải lương, mà ghét nhậu trăm tám! Bữa nào tụi hắn có độ nhậu với nhau ở nhà xe, là chị đóng chặt cửa, kêu mấy cũng không nghe, cho gì cũng không ăn. Tới chừng uống đã, Thành Mập chuyển qua ca vọng cổ. Phải công nhận, nó ca ngọt sớt. Mấy cái trích đoạn tuồng Thành thuộc làu làu, từ đoạn này nhảy qua đoạn khác, nó ca ba, bốn giọng y chang nghệ sĩ thứ thiệt! Tới chừng đó, mới thấy chị hé cửa, người quấn cái mền cứng ngắc, chỉ thò cái mặt xanh mét ra nghe và…đợi! Đợi cho tụi hắn say mèn, nằm lăn ra ngủ, chị lò mò đi dọn, dọn sạch nhách không còn chút dấu tích gì của bữa nhậu mới thôi!

Thời gian trôi. Cuộc sống của chị cũng lặng lẽ trôi. Không biết lão cán bộ tổ chức mang chị về có sơ múi gì không? Không biết ở Viện có tay nào nháp nhúa, rù quến được chị không? Mọi thứ phẳng lặng và kín như bưng trong con người của chị. Rồi thì tay Trưởng phòng tổ chức khác về thay. Tay này trẻ hơn, bảnh trai. Quê miền Trung. Vô làm trước, ở luôn trong phòng làm việc, chờ ổn định xong mang vợ con vô sau. Gã năng nổ thấy sợ, từ tổ chức, gã vói tay qua Công đoàn, qua luôn Hành chánh quản tr, tới... Nhà ăn, Bảo vệ! Chuyện gã chui đầu vô bếp coi nấu cái gì, hay tối tối, đi vòng vòng tuần tra là thường! Còn với tụi hắn và những công nhân khác, thì ai lên ai xuống, ai đi ai ở, ai làm ai ăn là chuyện của tầng lớp cao hơn, chẳng liên quan, ảnh hưởng gì tới loại quần quật với hai bữa ăn như hắn, như chị. Quan tâm chi cho mệt xác.

Tối đó, xe hắn đi tỉnh giao hàng xong, về tới Viện đã quá khuya.

Hắn de xe vô bãi, kéo vòi nước tính rửa sơ, mai đi sớm. Hồi này hắn có tài đều, đồng nghĩa với số dầu dư cũng kha khá, đỡ khổ. Đang vui, tay tổ chức ở đâu thò ra như ma trơi, cái mặt hất lên, hai con mắt trừng trừng như có ý hỏi sao trể vậy. Tự nhiên hắn khó chịu. Gã giả bộ hay thiệt tình không biết. Xe tải ban ngày cấm vô thành phố, hắn toàn chạy đêm hồi nào tới giờ. Tính im, lại thấy không nên, hắn ráng cười:

– Dạ, bình thường mà anh…

Tay tổ chức đi rồi, hắn mới chợt nghĩ, cha nội siêng thiệt chứ, giờ này còn lòng vòng kiểm với tra, chuyện này của bảo vệ, thò vô chi cho cực thân. Hay gã này thần kinh có vấn đề? Không lẽ gã khùng như chị?

Nhắc tới khùng. Y như kinh, linh như miếu! Có liền. Loay hoay rửa cái thùng xe vừa xong, nghe lục đục phía trước, ngó ra thấy chị đang đứng cheo leo trên cái bánh xe, cố vói tay lau cái kiếng trước, chắc mọi ngày thấy hắn làm giờ bắt chước. Biết là chị muốn giúp, nhưng tụi hắn quen rồi, còn chị… Hắn la hoảng:

– Xuống đi!

Chị lật đật nhảy xuống, sàn nước trơn trợt, loạng choạng. Đầu chị cúi gằm, lấm lét như đứa trẻ phạm lỗi. Chợt nhớ ra mình hơi quá, hắn chạy lại phía chị, giằng lấy cái giẻ lau trong tay chị, rồi hạ giọng:

– Ai mượn làm, lỡ té bể đầu báo hại tui nữa! Khùng quá!

Không đợi chị trả lời. Hắn lôi trong ca-bin mấy gói mì gói đưa cho chị:

– Thôi xong rồi. Cảm ơn chị. Nấu giùm tui gói mì. Nấu cho chị ăn luôn.

Hắn leo lên cái võng giăng sẵn trong nhà xe. Tính nằm chờ. Ai dè, mệt quá ngủ quên mất đất. Gần sáng, giựt mình dậy, thấy chị ngồi dựa vách tường, ngủ gà ngủ gật. Tô mì để trước mặt, chương phình, đặc cứng. Hắn gắt:

– Sao không kêu?

Nghe tiếng hắn, chị mở mắt nhìn, lắc đầu. Hắn chợt thấy mình lớn tiếng vô lý, nên nhẹ giọng lại:

– Thì bỏ đó, rồi vô ngủ đi. Ngồi chi ngoài này…

Chị lại lắc đầu:

– Sợ!…

– Sợ cái gì? Ma cỏ gì ở đây mà sợ…

Chị lắc đầu tiếp, xua xua tay:

– Không phải ma! Sợ… người!…

Hắn nhìn chung quanh, đâu có ai ngoài chị với hắn. Tới phiên hắn lắc đầu:

– Không có ai hết, vô đi, đừng sợ. Tới giờ tui đi rồi…

Hắn lên xe, đề máy. Ngó qua kiếng chiếu hậu, thấy chị còn đứng nguyên đó. Hắn cũng thấy xốn trong bụng:

– Tội nghiệp…

Chỉ có Thành Mập được đi họp vụ chị không chồng mà chửa, với các phòng ban khác, vì nó là Đội trưởng đội xe. Nó về, đám lái xe bu lại:

– Họp là sao? Mắc gì họp? Rảnh quá! Có bầu thì đẻ, đẻ thì nuôi. Có ai nuôi giùm không? Không thì mặc kệ cha người ta, lôi ra làm gì?

– Tại chị tâm trí không bình thường. Tại chị khùng! Sợ chị bị dụ dỗ, bị lừa. Là muốn hỏi coi ai là cha đứa nhỏ, mà quy trách nhiệm!

– Cái đó mới khùng chứ không phải chị. Chị là con người, chị có quyền, ngủ với ai là chuyện của chị. Ngon thử ADN biết liền!

– Có đâu mà thử!

– Là sao?

– Họp không có chị. Chị trốn mất tiêu rồi!

– Khốn nạn! Hại người ta rồi còn gì. Rốt cuộc sao?

– Thì giải tán. Hồn ai nấy giữ. Báo hại lúc trước cha nọ ngó cha kia, nghi nghi ngờ ngờ, giờ thì mừng húm. Không có chị, coi như thoát nạn…

Không nói ra, nhưng cả cái Viện đều thấy nhẹ nhỏm. Chị đi là phải. Những kẻ nhân danh đạo đức sẽ không còn cơ hội để miệt thị. Những kẻ giả nhân đạo cũng không cần tỏ ra thương cảm. Không ai phải đóng kịch nữa. Người ta rồi sẽ mau quên chị, như rủ bỏ được thứ phiền toái của họ.

Đợi anh em ra về hết, Thành Mập lôi dưới nệm xe một nắm tiền bán xăng, rồi nhìn hắn hất hàm:

– Đi!… Gấp lắm rồi!… ĐM! Thằng chó thiệt! Lơ con người ta lúc này…

Biết ngay mà, phải có ai đó giúp chứ. Hắn khoái Thành Mập quá! Chị không thể đi một mình như mười mấy năm trước. Cái bụng ì ạch, cái đầu ngu ngơ! Mà sao phải đi? Lôi cổ “thằng” đó ra, bắt nó lo! Thành mập khỏi chửi! Nó đâu có khùng. Hắn cũng không khùng. Hai đứa đều đoán được là “thằng” nào. Nhưng không phải chuyện mình, xía vô cũng kẹt. Để “thằng” đó xử sau. Giờ lo cho chị trước. Đúng là khùng thiệt!…

Ra khỏi Viện, Thành nói:

– Qua xa cảng, nhà trọ này chỗ bà con với vợ tao. Lạ, người ta kỵ, có bầu không ai dám chứa đâu. Xui lắm!…

Hai đứa đạp miết. Tới nơi, đã thấy vợ Thành đợi trước cửa. Chị lo lắng ra mặt:

– Không xong rồi. Cho vô bịnh viện gấp…

Ở bịnh viện, bác sĩ nói phải mổ liền mới cứu được. Thành Mập đi vô, rồi đi ra:

– Thua! Mổ tới mấy chục triệu!... Kiếm đâu ra!…

– Chứ tiền của chị? Làm khổ cực mười mấy năm không để dành được đồng nào sao?

– Không thấy cắc nào. Chắc thằng nào dụ lấy hết rồi! Mà có cũng không ăn thua! Số tiền lớn quá…

– Không lẻ chở về chờ chết!

– Tao không biết!

Hắn nhìn ra ngoài. Người ra vô tấp nập. Những khuôn mặt lo âu và sợ hãi. Hắn nói, giọng chắc nịch:

– Cho mổ đi. Mai đóng tiền…

Bỏ mặc chị đang nằm thiêm thiếp trong phòng cấp cứu. Bỏ mặc vợ chồng Thành mập đứng ngơ ngác, hắn lấy xe đạp dông tuốt về Viện…

Ngay trong đêm đó. Nguyên chuyến xe tải của hắn, chở 7 tấn gạo, Viện thu mua từ dưới Long An, để phục vụ cho nhà ăn, về tới nơi không còn một hột. Hôm sau, hắn bị bắt với cái xe trống rỗng. Hỏi, hắn khai thua bài, bán trả nợ hết rồi! Người ta kêu án hắn 5 năm, tội “chiếm đoạt tài sản công”.

Trong tù, Thành Mập vô cho hay, ca mổ thành công. Chị sanh con trai, mẹ con đều khỏe. Còn chút vốn, vợ chồng nó mở cho chị cái tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm. Cũng tạm sống được.

Năm sau, hắn chuyển trại, ra lao động. Chị bồng đứa nhỏ lên thăm. Có con trong tay, cái khùng của chị trốn đâu mất. Chị rạng rỡ. Chị tươi vui. Thằng bé nhìn hắn cười miết. Ai cũng tưởng vợ con hắn. Hắn nhìn chị đăm đăm. Thấy cái duyên khùng trong mắt. Hắn hỏi:

– Sao biết tui ở đây?

– Anh Thành chỉ. Ảnh kể tui nghe hết trơn rồi…

Hắn ngó qua thằng bé:

– Coi bộ lớn bộn rồi nghen!

Tự nhiên chị hỏi:

– Thấy nó giống ai?

Hắn lom khom ngắm, bao nhiêu bực bội, chất chứa trong lòng hồi nào tới giờ tan biến! Hắn không đáp, hỏi lại:

– Thấy nó cười giống ai không?

Chị cúi đầu xuống, lí rí:

– Cười hả?… Giống anh!

Hắn cười lớn, đưa tay đón đứa bé, áp sát mặt nó, thầm thì:

– Mai mốt mãn hạn. Chờ cha về…Cha chở con đi học… Chờ cha về!…


Nhà văn Ngô Đình Hải.


Những Giọt Mưa Trên Vùng Đất Khô Cằn - Giao Thanh Phạm



Năm 1980 tôi bỏ vợ và cô con gái mới 13 tháng để đi vượt biên một mình. Chẳng biết vì may mắn ra sao mà tôi chỉ mất có hơn 4 tháng thì qua tới Mỹ. Cứ nghĩ, vào thời điểm ấy, chắc chẳng bao giờ còn gặp lại được vợ con. Thế là tôi nhắm mắt bắt đầu cuộc đời mới.

Qua Mỹ tháng 8, tháng 9 tôi cắp sách đến trường, vừa đi học vừa đi làm. Được đồng bạc nào gởi hết về Việt Nam cho vợ con, qua những thùng đồ cần thiết nhưng giản dị. Những tờ 100 đô cuộn thật chặt, bó bằng giấy bạc, bọc trong bao ny lông, nhét dưới đáy cây kem đánh răng, hoặc trong hộp bánh, hay trong cái khe hở của chiếc máy cassette giả trang, với những lời nhắn nhủ, “đồ kỷ niệm”, “quà sinh nhật cho con”… đừng bán. 

Ai dè, lại may mắn thêm một lần nữa, hơn một năm sau thì nhận được điện tín vợ báo “Anh ơi, em và con được tàu Úc vớt, mang vào Singapore”.  Thế là vừa mừng vừa lo, chạy cuống cuồng. Gia tài có độc nhất hai cái thùng giấy, một thùng đựng quần áo, một thùng đựng sách vở.

Vừa đi học, vừa đi làm bán thời gian, có nhiêu gởi về cho vợ con hết nhiêu, bên đây thằng chồng chỉ có trên răng dưới “....”, ngay cả cái sổ nhà băng còn không có. Ăn thì ăn đường, ngủ thì ở cái shop may đồ gia công của mẹ thằng bạn. Trong túi chưa bao giờ có hơn mấy chục bạc. 

Vợ con qua tới biết sống sao ? Ở đâu ? Không lẽ kéo nhau núp ở đâu cả ngày, chờ tối đến, shop may đóng cửa mới mò về “nhà” ? 

Chân ướt chân ráo, qua Mỹ được hơn năm trời, mới học xong được 3 khóa, tín chỉ chưa được 50, bằng cấp thì không có, biết tính sao ?

Hồi mới bước chân vào trường Đại Học năm trước, có hai thằng kia nhỏ hơn tôi độ 2-3 tuổi, qua từ năm 1975 và đã đi học ở đây được gần hai năm. Chúng nó có xe, có nhà mướn, có việc làm bán thời gian nhưng cũng chưa được 5 đô/giờ. Hồi đó lương tối thiểu là $2.75/giờ. Hai thằng nó độc thân ky cóp giúp đỡ tôi, lúc thì ly cà phê, khi thì lon nước ngọt.

Một thằng, mẹ nó có cái shop may nho nhỏ, ban ngày thợ đến may, ban tối họ về, mẹ nó thương tình cho tôi ở đỡ không lấy tiền. Cái này là sai luật pháp nhưng liều vì không tiền, biết sao ? Cũng may ở đó có cái bồn tắm nhưng khổ cái là không có máy nước nóng. Mùa hè thì còn đỡ, mùa đông vừa tắm vừa nhảy. Chưa đầy vài phút nhảy ra chui ngay vào trong cái túi ngủ.

Khi được tin vợ con tôi chỉ mấy tuần nữa thì qua tới, chúng nó chạy lăng xăng như gà mắc đẻ. Đứa tìm nệm cũ, đứa tìm giường tủ, đứa xin được ít nồi niêu soong chảo, đứa khuân về bộ sofa lòi lò so, ngồi đâm đau cả đít …

Thằng Hải đến cái shop may tôi đang trú ngụ vào một buổi tối, lừng khừng mãi, mới loay hoay moi trong túi ra xấp tiền, run run nói : “Tao biết mày chẳng có tiền, mà vợ con thì sắp qua tới nơi. Tao để dành mấy năm nay được 2 ngàn rưởi, tao cho mày mượn dằn cọc mướn nhà, dư chút đỉnh chợ búa và mua sắm cho vợ con, còn ít thì phòng khi cần đến”.

Tôi đứng há miệng chết trân, chẳng biết nói gì. Cái thuở 1981 ấy hai ngàn rưởi nó to lắm. Giá một chiếc xe mới trung bình chỉ khoảng 6-7 ngàn. Tôi lại đang là cái thằng khố và áo, gom lại chưa đầy được cái thùng giấy. Công ăn thì nhiều, việc làm thì chưa có. Học hành chưa tới đâu, tương lai thì tối như mõm chó mực.

Số tiền ấy to lắm. Tôi với nó chẳng thân thích gì, chỉ biết nhau qua lại ở trường. Nó cho thằng trọc đầu vay tiền, thì có tóc hay chỗ nào để nắm mà đòi lại ? Và khi nào thì trả ?

Nó chẳng nói gì nữa, cầm nắm tiền dúi vào tay tôi rồi bỏ ra về. Tôi đứng ngẩn ngơ, nước mắt đoanh tròng mà đầu óc trống rỗng. Hai chữ CẢM KÍCH không đáng để diễn tả.

Hai tuần sau, chúng nó chạy đôn chạy đáo sau giờ học đi tìm nhà mướn dùm cho tôi. Chúng nó mới có tín dụng để xin mướn nhà, chứ như tôi, mướn cái chòi lá vẫn chưa đủ tư cách. Thằng Hải đi học cả ngày, buổi tối làm nghề đổ xăng trong phi trường quá nửa đêm mới về, thế mà sáng nào cũng cùng tôi đi lùng sục tìm nhà trọ. Rác rưởi thiên hạ bỏ đi, thì ba thằng lại khuân về cái tổ quạ cũ và dơ dáy nhất thành phố ấy cho thằng bạn trang điểm để đón vợ con.


Hơn tuần nữa vợ qua, tôi đi nhận nhà. Ba thằng xúm lại cuối tuần quét dọn, lau chùi và trang hoàng nhà cửa. Chúng nó khuân về cho mấy bao gạo, ít đồ khô, và mắm muối i như kiểu cha mẹ lo cho con trai lớn ra ở riêng.

Đến bữa ra phi trường đón, thằng Dũng chở tôi đi chờ chực cả tiếng đồng hồ mà không một lời phàn nàn. Làm xong thủ tục chở vợ chồng con cái tôi về nhà là nó biến ngay. Quay lại không thấy nó đâu, tôi mới chợt nhớ lời nó nói mấy hôm trước : “Vậy là từ nay chỉ còn hai thằng tao, mày về lo cho vợ con êm ấm nhé”. Giờ nhớ lại nghe buồn đứt ruột. 

Ngày vợ đến, mặc dù tôi đã định cư ở Mỹ được gần 1 năm rưỡi trời, nhưng vì chúi đầu vào sách vở, nên chẳng có gì ngoài hai cái thùng giấy. Vợ bước vào nhà đứng khựng lại mấy giây ngỡ ngàng. Mãi sau này nàng mới kể lại : “Lúc ấy, em thất vọng quá, nhìn vô trong nhà, trống hốc trống hoác từ trước ra tới sau. Ngoài tấm nệm cũ đặt thẳng dưới nền nhà và cái ghế sofa rách rưới cũ kỹ ra, thì chẳng có gì. Em không nghĩ được là anh đã làm gì gần hai năm nay ?”. Sau này nàng hiểu rằng, thằng chồng cu ky, cút kít, cắm đầu đi học lo cho tương lai, nên mới thế.

Tình bạn giữa ba đứa chúng tôi không còn quá sâu đậm như hồi còn “độc thân” nữa vì giờ đã có “người khác” xen vào, nhưng nó lại có cái nhẹ nhàng sâu lắng của tình bạn chân thật ít có cơ hội gặp nhau vì chẳng bao lâu sau, chúng tôi chuyển trường, mỗi đứa một nơi.


Thế rồi, đường đời cứ vậy trôi đi, chúng tôi học xong, mỗi đứa dọn đi đến những vùng xa xôi hẳn, ít có cơ hội gặp lại. Cái món nợ hai ngàn rưởi đó tôi đã thanh toán xong ít lâu sau đó, nhưng cái ân tình đó tôi còn nợ đến tận thiên thu. Có lẽ chỉ khi nào từ bỏ cõi đời này thì món nợ ấy mới trả đủ. Mỗi khi có dịp ghé về California, tôi lại tìm gặp những người bạn xa xưa. Chúng nó giờ con cái đầy đàn, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Chuyện cũ chẳng đứa nào nhắc lại bao giờ, nhưng riêng tôi thì có bao giờ quên được. Hôm nhận tiền trả nợ, Hải nói với tôi : “Ôi, ơn nghĩa gì, tình cảm trong đời nó phải như những giọt nước, bốc hơi bay lên trời, gom tụ đủ lại thì sẽ thành mưa, tưới xuống những mảnh đất khô cằn cho cây trái đơm bông”. Ghê thế đấy, cái triết lý của thằng nhóc qua Mỹ một mình mới hơn 20 tuổi đầu.


NHỮNG GIỌT NƯỚC ĐÓ, TÔI VẪN CHUYỂN GIAO ĐI ĐẦY ĐỦ, BẰNG HẾT SỨC MÌNH, BỞI CÁI TẤM CHÂN TÌNH ẤY HẾT ĐỜI NÀY TÔI CŨNG TRẢ CHƯA ĐỦ.

 

Phải chi Tất Cả Người Trên Đời này đều "Đối Xử Với Nhau Như Vậy" chắc là cuộc sống của chúng ta Hạnh Phúc.


Giao Thanh Phạm










Không có nhận xét nào: