a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Câu chuyện về Yersin


Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương “dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ”. Ông nói “đời mà không đi, thì còn gì là đời”.

Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur “mời ăn tối và nghe báo cáo”“thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể”. Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để “vang danh thiên hạ, giúp nhân loại”. Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để “ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời”.

Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương..

Ông cũng là người thực nghiệm nhiều giống cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình nhưng lúc đó chưa thành công), và bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu từ các nông sản này. Ông mang nhiều giống cây ôn đới trồng ở khu vực Đà Lạt vừa khám phá, như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua… (hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp). Ông còn nuôi thử cừu, trồng thử nho ở Phan Rang, nuôi thí nghiệm đà điểu ở Ninh Hoà, gà Tây (turkey) ở Đồng Nai, tuy chưa thành công nhưng sau đó có người triển khai tiếp.

Ông cũng là 1 triệu phú nhờ có nhiều farm trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và đồng thời là cổ đông lớn của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng “tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân”. Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà… thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh… mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ “ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..”.

Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật… không hề làm ông nản bước.

Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng ít nhất ở mỗi tỉnh một trường trung học lớn và 1 bệnh viện đủ để chữa trị hết cho cư dân tỉnh đó. Ông còn yêu cầu chính phủ Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông “bày vẽ” cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được.

Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt leo dốc Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói “do Pháp xây” là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt. Không rõ dải đất hình chữ S này, dân tộc này có gì mà khiến ông yêu thương đến thế.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đời đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu, sự kính trọng và thương yêu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo “thôi đừng la trẻ nhỏ, mình lớn tiếng chúng sẽ sợ”.

Một lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông “dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng nhẹ để không gây thương vong cho họ”.

Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn.. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém…. của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm.. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.

Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới, ông vẫn khăn gói xuống tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ. Ông nói “tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho họ”.

Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nhìn những con sóng vỗ ghi dấu 1 cuộc đời dọc ngang, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang vội vã bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày, cập bến vô xóm Cồn, như cha mẹ mình mất vậy. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, cởi cái nón lá Việt Nam quen thuộc và tự động lấy khăn tang đeo lên đầu. Người dân vừa đi vừa khóc, đám tang dài hàng cây số để đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Di chúc ông ghi giản dị “Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi”.

Người dân khắp nơi yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại với điều kiện làm việc và bổng lộc hậu hĩnh, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn về một tài năng, một nhân cách lớn lao của nhân loại, một trái tim nhân ái đã ngừng đập.

Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo….để ăn với mắm tôm, hem có đắp mặt được, kkk nói vui cho bớt khóc nè) thì hãy biết ơn BS Yersin nhé. Công lao của ông với dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế hệ mãi mãi biết ơn(vì chúng ta chưa tổng hợp tài liệu sau nhiều năm tháng chiến tranh)Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc. Các bạn đang đọc những dòng chữ này hãy nhớ là mình sống được đến giờ cũng từ những liều vắc xin của ông…

Và mỗi người, nếu đọc được những dòng chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà – miếng đất – bằng cấp – chức vụ – công danh, thẻ xanh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân, xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời, mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.

Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.

Xuân Kỷ Hợi, 2019  Sưu Tầm

Tản mạn chuyện… la-de

Trên báo Công Luận, ra ngày 17 tháng Mười Một, 1936, có ô quảng cáo “Lời người không sai”. Nội dung giới thiệu một loại thức uống xuất hiện trên thị trường từ mấy năm trước: “Rượu đời nay chẳng những là không say mà thôi, mà lại còn bổ dưỡng, hay ho nhiều chỗ, chỗ khoái là khác. Rượu gì mà khoái dữ vậy. Rượu La-ve Larue, chứ rượu gì?”.

Nhà máy bia B.G.I tại Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickrs) 

Không chỉ quảng cáo trên tờ Công Luận ca tụng La-Ve Larue là loại rượu không say mà còn có vài tờ báo khác viết lời đăng hơi quá đà: “Ðàn bà thiếu sữa cho con bú thì phải làm sao? Uống La-ve Larue thì sữa ra dư dật. Ông già yếu sức hay khát nước, thì phải làm sao? Uống rượu La- ve Larue thì giải khát ngay, đã giải khát lại còn được tinh thần tráng kiện”. Và: “Con nít có nên uống La-ve Larue không? Nên lắm chớ. Vì cho con nít uống cho có chừng thì càng ngày càng mập mạnh. Ðã vậy nó lại còn tránh khỏi sự uống nước bậy bạ mà sanh bệnh hoạn là khác”. Cuối cùng kết luận: “Nói tóm lại, thứ rượu La-ve Larue là một thứ giải lao, giải khát chẳng có thứ chi bì kịp nó”.

Có lẽ, hồi đó người ta quan niệm rằng loại rượu này là một thức uống giải lao, giải khát như câu kết của quảng cáo ở trên, tức phải hiểu uống có chừng mực. Nó là một loại rượu nhẹ, uống vào không say. Nhưng thực tế với người thích rượu bia lại là chuyện khác. Uống một chai thì lòng sảng khoái. Uống 2 chai thì cảm giác lâng lâng. Uống 3 chai thì đầu óc ta bay theo trời mây. 4, 5 chai thì tâm hồn ta cuồng quay. Và cứ thế uống rượu không say nào hay, uống rượu không say nào mê như lời ca của một bài hát.

Rượu La-ve hay Larue là một loại bière (bia) như bao thương hiệu bia của châu Âu hay beer ở Mỹ. Một loại thức uống có chất cồn nhẹ do hãng bia nhỏ mang tên Bière Larue làm ra. Hãng này được thành lập từ năm 1875 tại Sài Gòn (gần sân vận động Cộng Hoà), do một sĩ quan hải quân giải ngũ có tên là Victor Larue làm chủ. Tuy vậy, suốt nhiều năm, sau khi thành lập, hãng chủ yếu sản xuất nước đá cây và nước ngọt, còn bia chỉ sản xuất một số ít tiêu thụ ở các nhà hàng qua các thương hiệu như Royale, Hommel hay Tiger (các thương hiệu này đều có chung logo hình đầu con cọp). Vậy, bia Larue hay La-de có từ lúc nào?

Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, rượu vang vẫn là loại thức uống có cồn được người Pháp tại Ðông Dương tiêu thụ nhiều nhất. Nhiều tài liệu báo chí và niên giám cho thấy, vào đầu thế kỷ 20 lúc đó vẫn chưa có bài viết hay một quảng cáo nào về bia Larue. Mãi cho đến đầu thập niên 1920, khi nền báo chí nở rộ cả nước mới có những bài viết và quảng cáo các sản phẩm tiêu dùng trên báo. Theo một tài liệu thì bia Larue bắt đầu sản xuất từ năm 1927, sau khi hãng bia Larue chính thức sáp nhập vào hệ thống hãng B.G.I (Brasseries Glacières d’Indochine – hãng Bia và nước đá Ðông Dương) của chính quốc.



Một quảng cáo của hãng bia Larue với các sản phẩm thuở đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Internet)

Có thể bia là một thức uống chưa được phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn do mãi lực còn yếu so với rượu vang nên nhà máy bia B.G.I sản xuất cầm chừng với cái tên Larue bên cạnh nước ngọt và nước đá cây. Ðến đầu thập niên 1930 mới bắt đầu thấy xuất hiện quảng cáo bia La-ve Larue trên các trang báo Công Luận, Hà Thành, Sài Gòn… như giới thiệu ở phần đầu bài viết. Người ta ra sức ca tụng La-ve, xem nó là một thứ giải khát chẳng thứ gì bì kịp. Nhãn hiệu bia La-ve có hình đầu con cọp màu vàng trên nền đỏ hình bầu dục. Do vậy, người Việt mình gọi là bia Con Cọp hay gọi La-de (Larue) cho gọn.

Ba của người bạn đồng nghiệp với tôi lúc sinh thời không phải là người mê thích rượu bia nhưng hồi làm công chức thời Pháp vẫn thích loại La-ve này. Ông kể, lúc còn thanh niên bắt đầu biết uống bia với vài anh em cùng sở thích ca cổ. Vào mỗi cuối tuần họp mặt nhau đàn ca tài tử, anh em hùn tiền mua một két bia Con Cọp 12 chai cùng ít mồi, có khi là đậu phộng rang nước tương hay chục hột vịt lộn. Chỉ bấy nhiêu thôi, buổi ca cổ nghiệp dư sôi nổi tưng bừng suốt cả buổi chiều. Bia Con Cọp chai lớn có dung tích 0.66 lít, dung tích gấp đôi chai bia 33, tính ra rẻ hơn bia 33. Do vậy, hầu như mọi giới từ lao động bình dân đến dân trí thức khá giả ai cũng thích uống bia Con Cọp.

Ông kể thêm một chi tiết, là sau Hiệp định Geneve tên hãng bia viết tắt vẫn là B.G.I nhưng tên viết đầy đủ được sửa lại là Brasseries Glacières d’Internationales – (quốc tế), vì Liên Hiệp Ðông Dương giờ đây đã tan rã. Tuy vậy, hãng bia vẫn thuộc quyền điều hành của người Pháp. Sản phẩm bia cho đến sau này (1975) vẫn chỉ có hai loại: Bia 33 Export hảo hạng dành cho xuất cảng sang các nước Ðông Nam Á, tuy vẫn có phân phối trong thị trường nội địa và bia Con Cọp.



Bia Larue bán trên đường phố Sài Gòn dưới dạng bia hơi (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Mặc dù, chỉ có bia Con Cọp và bia 33 phổ biến trên thị trường nội địa nhưng mức tiêu thụ cũng chưa nhiều do tình hình kinh tế chính trị bất ổn, đời sống dân chúng còn nhiều khó khăn. Cho đến khi chính phủ nền Ðệ Nhị Cộng Hoà đời sống người lao động, công chức, quân nhân khá hơn, theo đó nhu cầu tiêu dùng cũng được tăng theo. Lúc đó các cửa hàng PX có cung cấp bia Budweiser, Coor light cho lính Mỹ, tuy vậy, không ít lính Mỹ lại thích bia Con Cọp của VN. Ðơn giản vì hương vị đậm đà.

Kể từ thời gian này, bia Con Cọp xuất hiện khá rộng rãi trên khắp mọi miền, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thành phố Sài Gòn, nơi tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các quán nhậu, quán ăn, quán nước vỉa hè, chợ búa, bến xe cho đến các nhà hàng sang trọng. Ðể có giá thấp hơn cho quân đội VNCH, năm 1973 chính phủ ký hợp đồng với hãng B.G.I sản xuất bia với nhãn hiệu riêng bán cho các cơ sở Quân Tiếp Vụ. Từ đó, bia Con Cọp có thêm tên gọi là bia Quân Tiếp Vụ.

Cũng trong thời gian này, bia Con Cọp xuất hiện thêm nhãn hiệu Trái Thơm. Những người uống bia đều khen rằng ngon hơn bia Con Cọp. Ðể hiểu rõ chuyện này, tôi xin ghi lại lời nói của Tiến sĩ Phạm Văn Song, từng là trưởng phòng tiếp thị rồi là giám đốc B.G.I từ năm 1973 đến 1976.


Bia 33 và bia Con Cọp có nhãn hiệu mới hình trái thơm quanh logo con cọp và bia Quân Tiếp Vụ (Ảnh: Internet)

Năm 1973, B.G.I có kế hoạch thay đổi mẫu mã nhãn hiệu, ông Song giao cho hoạ sĩ thiết kế trong công ty thực hiện. Hình ảnh con cọp vẫn là chủ đạo chỉ vẽ thêm hoa houblons bao quanh. Hoạ sĩ từ nào giờ chưa thấy hoa houblons tươi nên dựa theo hình dạng hoa khô vẽ ra. Bộ phận marketing xem xong duyệt qua cái rụp vì họ cũng đâu biết hoa houblons tươi là như thế nào. Thiết kế được đưa qua nhà máy thuỷ tinh ở Khánh Hội đặt in đợt đầu 100,000 vỏ chai. In xong, mang về thì các kỹ sư trong hãng cho biết hình in không giống hoa houblons mà giống hình trái thơm hơn. Vỏ chai lỡ in xong rồi không thể bỏ. Và thế là số chai bia mang nhãn hiệu có hình trái thơm bao quanh con cọp được bỏ chen vào mỗi két một chai để “tẩu tán” sự sai lầm này.

Bia được tung ra thị trường nhưng sự sai sót kỹ thuật này lại biến thành sự kiện nhãn hàng khiến người tiêu dùng chú ý, và ban giám đốc B.G.I coi như đó là một chiến dịch marketing. Ðó cũng là cơ hội kiếm thêm tiền của các đại lý lớn của người Hoa hợp tác với nhà máy phân phối sản phẩm. Họ nói với các đại lý bán lẻ, bia Trái Thơm là loại đặc biệt, thơm ngon mỗi két chỉ có một chai nhưng nếu muốn mỗi két có vài chai thì chi thêm tiền. Doanh số bia của hãng theo đó cũng tự nhiên tăng vọt. Nhưng có mấy ai hiểu rằng, sản phẩm bia Con Cọp, bia Trái Thơm hay bia Quân Tiếp Vụ cũng chỉ là rượu cũ bình mới mà thôi.

Sau năm 1975, B.G.I bị quốc hữu hóa và hãng mẹ B.G.I ở Pháp tiếp tục dùng nhãn hiệu này trên toàn thế giới. Trong khi đó loại bia tại Việt Nam được Nhà máy bia Sài Gòn (tức B.G.I cũ) sản xuất ra theo công thức của bia 33 không được mang thương hiệu 33 vì đây là nhãn hiệu đã đăng ký toàn cầu, nên đổi thành 333 cho hợp pháp.

TN/Không thấy tên tác giả.


Người me của đất Nam Kỳ


Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn (阮福玉萬) là con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên
Năm 1620 Vua xứ Chân Lạp Chey Chetta II trước sự uy hiếp của người Xiêm ,ông đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cho sứ giả qua Phú Xuân cầu hôn con gái chúa Sãi.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả bà Ngọc Vạn cho Chey Chetta II
Bà Ngọc Vạn đẹp nổi tiếng,lại muốn dựa Việt Nam nên vua Chân Lạp liền phong cho bà làm“Đệ nhứt Hoàng Hậu” tước hiệu “Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey”. .Hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv
Theo ký của giáo sĩ Chistofo Borri thì chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền lẫn binh lính để làm của hồi môn bảo vệ con gái mình,chống lại quân Xiêm,quân Việt Nam đưa công chúa Ngọc Vạn về Oudong như sau:
“Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị võ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khmer , thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
Hai năm sau khi Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Chân Lạp, năm 1623, chúa Nguyễn sai phái bộ tới Oudong yêu cầu vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé).
Vua Chey Chetta II chấp thuận, chúa Nguyễn khuyến khích người Việt di cư đến đây làm ăn, rồi lấy cớ giúp chánh quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự, còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Nokor nữa.
Khi Chey Chetta II mất, vùng đất từ Prey Nokor trở ra tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa đã có nhiều người Việt đến ở,định cư
Sau khi vua Chey Chetta II mất thì trào đình Chân Lạp bắt đầu sóng gió,chém giết nhau giành quyền lực .Ông anh qua Xiêm rước quân về,ông em thì cầu cứu thái hậu Ngọc Vạn .Chân Lạp cứ từ từ cắt đất trao Việt Nam và Xiêm La
Thái hậu Ngọc Vạn dầu chồng chết,con còn nhỏ,nhưng nhờ có đội binh riêng nên không vương tướng Chân Lạp nào dám đụng tới cung của bà,bản thân bà cũng sống những ngày đầy biến động
Trong hơn 50 năm sống trong chốn đẫm máu tại hoàng cung Chân Lạp ,những năm cuối khốc liệt tới mức ná thở,Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Gòn , rồi lui về sống ẩn tu ở Bà Rịa, chùa Gia Lào (núi Chứa Chan)
Những năm cuối đời bà quay về Huế và chết tại làng Dã Lê Thượng
Sau đó bà được Khải Định phong làm ”Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần” hay ‘Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”
Bà Nguyễn Phúc Ngọc Vạn được xưng là 宋山郡主 Tống Sơn quận chúa ,được phối tự tại chùa Linh Sơn làng Dã Lê Thượng
Trước đây ít ai biết bà Nguyễn Phúc Ngọc Vạn do chánh sử nhà Nguyễn không chép,giấu kín
Chỉ có Phan Khoang trong”Việt sử xứ Đàng Trong” là chép tới.Dần dà ngày nay sáng tỏ lần hồi ,tới hôm nay biết chính xác mộ bà tại Dã Lê Thượng (Hình)
Người dân Nam Kỳ lục tỉnh gồm :
- Gia Định 嘉定
-Biên Hòa 边和
- Định Tường 定祥
-Vĩnh Long 永隆
-An Giang 安江
- Hà Tiên 河仙
Tất cả đều phải ghi nhớ và tri ơn với Tống Sơn quận chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn
Vai trò của bà Ngọc Vạn thật to lớn không hề thua kém Huyền Trân Công Chúa, vì bà chứng kiến,tham gia vào tất cả những biến động trong chánh trường Chân Lạp thời đó
Sau này phải có một đại lộ mang tên và lập đền thờ Tống Sơn quận chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn ngay trên đất Nam Kỳ này để tri ân bà .

Share from Phan Tan Loc.

Bằng chứng giật mình người ngoài hành tinh 'động tay' vào kim tự tháp?

Một số đặc điểm của kim tự tháp hoàn hảo đến mức khó tin khiến một số người hoài nghi có liên quan đến người ngoài hành tinh.


Hàng chục kim tự tháp Ai Cập trường tồn với thời gian. Những công trình này được xem là thành tựu để đời của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những công trình kỳ vĩ này khiến hậu thế tò mò vì nhiều bí ẩn.

Trong số này có việc, các kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng một cách tráng lệ và hoàn hảo đến khó tin.

Vào thời cổ đại, nền văn minh Ai Cập bị giới hạn về công nghệ. Thế nhưng, người xưa chỉ dùng những công cụ thô sơ để có thể vận chuyển 2,3 triệu khối đá có tổng trọng lượng là 5,9 triệu tấn. Mỗi khối đá nặng từ 2 - 30 tấn.

Thậm chí, một số khối đá nặng tới 50 tấn. Điều khó tin tiếp theo là toàn bộ khối đá được người Ai Cập cổ đại đánh bóng, nhẵn và phẳng với độ chính xác cao.

Từ đây, các chuyên gia vô cùng tò mò về việc người xưa đã sử dụng những công cụ, phương tiện nào để có được những khối đá hoàn hảo xếp khít vào nhau mà không cần dùng vữa. Ngay cả những tờ giấy cũng không thể lọt qua bức tường của kim tự tháp.

Kỳ bí hơn, Đại kim tự tháp Giza gây tò mò khi nằm ở điểm giao nhau giữa đường kinh tuyến dài nhất và vĩ tuyến dài nhất thế giới.

Theo đo đạc của giới chuyên gia, 3 kim tự tháp lớn tại quần thể Giza tạo thành đường thẳng hoàn hảo trên mặt đất và nằm thẳng với 3 ngôi sao vành đai của chòm sao Orion.

Không những vậy, kim tự tháp Giza quay mặt đúng về điểm cực Bắc của Trái đất. Công trình này hướng về cực Bắc chuẩn xác hơn bất cứ công trình nào trên thế giới.

Điều này khiến giới nghiên cứu tò mò vì sao người Ai Cập thời xổ đại có thể tính toán, lựa chọn địa điểm xây dựng kim tự tháp một cách hoàn hảo như vậy.

Do chưa tìm được lời giải chính xác cho những bí ẩn trên nên một giả thuyết cho rằng, người ngoài hành tinh có thể đã "truyền dạy" công nghệ hiện đại cho người Ai Cập thời cổ đại để xây dựng lên các kim tự tháp trường tồn với thời gian.

Thậm chí, những người theo thuyết âm mưu cho rằng, người ngoài hành tinh ghé thăm Trái đất và sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để xây dựng các kim tự tháp.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện chưa tìm được bằng chứng nào chứng minh việc người ngoài hành tinh "động tay" vào việc xây dựng kim tự tháp là có thật. Dù vậy, họ không bỏ cuộc khi nỗ lực tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh ngoài Trái đất cũng như kim tự tháp.

Thiên Trang (TH)





 

Không có nhận xét nào: