a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

CHA LÀM THẦY CON BÁN SÁCH

Tới mỗi bửa ra phòng ăn, tôi đều rán kiếm chỗ cùng bàn để ngồi chung với một cặp vợ chồng Tây già, tóc hung hung đỏ, tánh tình dễ chịu, thoải mái. Cặp nầy nói tiếng Anh vì đàm đạo với nhau tiếng Anh dễ hơn tiếng Pháp. Số là ở đây, tôi có khá nhiều bạn già nhưng tôi khoái hai ông bà nầy hơn. Tiếng Tây tôi được học từ thời Tây thuộc địa tới bây giờ hầu như quên mất tiêu hết trơn rồi, xin học lại hoài để khá hơn mà chánh phủ không cho. Lo sợ nhứt là các danh từ Pháp khi nói, không biết tiếng đó nó thuộc giống đực hay giống cái, rồi tới động từ phải chia tới chia lui, hễ lộn một cái là cả câu phía sau bị sai tuốt luốt, mỗi lần biết mình nói trật quê ơi là quê. Mỗi khi nghe tôi nói chuyện với người nước ngoài qua điện thoại, ai nghe cũng đều nhăn mặt lắc đầu...

Vô cái Viện Dưỡng Lão nầy khi làm quen với đôi bạn già mới, qua màn giới thiệu nhau, ông tự xưng là Bob, rồi e tôi không hiểu tiếng lóng, ông giải nghĩa khi viết là chữ Robert được nói tắt. Tôi cũng bắt chước ông, tự xưng tôi là mông sừ Vô (Vo). Thấy ông bà ngơ ngác, tôi thêm : -Ông bà đừng có lộn nghen, coi chừng Vo nầy lộn Veau kia. Tôi không phải là con của con bò cái đâu (veau, le bébé de la vache) Nghe tôi nói xong, ông bà trơ mắt, suy nghĩ hiểu ra rồi cười ào ào.
Tôi thì nghĩ thêm lan man chút nữa May quá. Mình là người miền Nam, chớ là người miền Bắc thì phải là Vu. Mà nếu là Vu ghép lại với tên của ông là Bob, thì không biết nên cười ba tiếng hay nên khóc ba tiếng...
Có lần ông Bob đưa cái Ipad khoe với tôi, ảnh gia đình con cái ông. Ổng nói gia đình tao là một gia đình quốc tế. Tao là người Hung Gia Lợi, vợ tao Tô Cách Lan, con tao Gia Nã Đại, dâu tao là dân Haitienne, với Québecoise. Tôi nhìn thấy cái ảnh đông đầy, trai xinh gái lịch xinh xắn vui tươi. vội khen :-ông bà thiệt là may mắn và hạnh phúc. Rồi bà vui miệng hỏi tôi :-ông có bao nhiêu cháu rồi.
Tôi bèn trả lời ngay: -chỉ mới có một cháu nội sáu tháng tuổi, cũng chưa dám ẳm nó lần nào vì sợ lây Covid. Rồi vui miệng nói thêm: -thú thật với ông bà, ở đây trên bốn mươi mấy năm rồi mà tôi trụi lũi, không tiền, không nhà, không xe, không nghề nghiệp, là một con số O to tướng,.. Rồi tự nhiên đâm nhớ câu tiếng Mỹ bồi, hồi xưa ở Sài Gòn mấy đứa bé đánh giày thường nói, bật ra liền mà không biết mắc cở :-người ta thì năm-bờ one, còn tôi thì năm- bờ then... Nếu không nhờ cái xứ Canada nầy cứu giúp thì tôi không biết phải sống ra sao! Ổng cười -vậy chớ hồi xưa ông làm nghề gì?
Trả lời ông Bob sao bây giờ. Hổng lẽ nói là tôi đi dạy học. Quả là tôi có làm nghề dạy học một thời gian dài, từ tỉnh nầy qua tỉnh kia. Nhưng đi dạy là do cuộc đời cùng hoàn cảnh chiến tranh lúc đó đưa đẩy thôi. Chớ thiệt ra ba tôi lúc nào muốn tôi nối nghiệp nhà. Tôi biết là cha tôi đã hy vọng tha thiết như vậy mà chưa bao giờ nói ra, mấy anh em trong nhà có đứa nào học chữ nho như tôi đâu. Tất cả sách vở trong nhà đều viết bằng chữ nho, công cuộc làm ăn đều liên lạc với người Tàu ở Chợ Lớn, mấy anh em làm sao mà biết được và giúp được chút nào.
Gốc gác cha tôi vốn người cù lao Long Khánh gần cù lao Hòa Hảo thuộc Hồng Ngự, Tân Châu. Ông học thuốc với một vị thầy người Huế theo Đông Kinh Nghĩa Thục làm cách mạng chống Pháp bị truy nã, trốn vô đảo Phú Quốc ở chùa Sắc Tứ Sùng Hưng Tự cúa ông Cậu là Hòa Thượng trụ trì. Ba tôi biết ông là người giỏi nên xin theo học thưốc. Trên bàn thờ nhà tôi còn có thờ cây đũa đơm cơm của sư phụ còn sót lại. Cây đũa đen mun được chạm đục khéo léo. Mỗi lần thấy ba tôi thờ cúng quỳ lạy thầy, tôi rất xúc động. Ông nội tôi thì muốn cha học nhạc và cha đã từ chối để học thuốc. Cái nghề quí báu nầy đã giúp cha tôi nên cửa nên nhà, nuôi con lớn khôn.
Khi đó tôi vừa mới lớn, ông đè tôi ra tập tành học thuốc bắc từ từ. Bắt đầu ông bắt tôi học thuộc lòng từng vị thuốc bắc trong Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân đời Minh. Đến nay tôi còn nhớ rõ được vài câu lỏm bỏm:
-Nhơn Sâm vị cam, đại bổ nguyên khí, chỉ khát sanh tân, điều vinh dưỡng vệ.
-Huỳnh Kỳ tánh ôn, thâu hãn, cố biểu thác thương, sanh cơ khí hư, mạc thiếu
-Đương Quy cam ôn sanh huyết bổ tâm, phù hư ích tổn, trục ứ sanh tân...
Mới học được câu đầu, tôi hỏi liền ba: nhơn sâm vị ngọt thì con hiểu. Ba tôi giảng nghĩa thêm trong Thần Nông Bản Thảo khi Phục Hy nếm thuốc định vị, có nói rõ vị nhơn sâm nầy :-tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam. Ba nói tới đây tôi hiểu liền. Mới nếm lần đầu thì nhơn sâm có vị ngọt, sau đó thì nghe đắng, sau cái vị đắng thì ngọt trở lại và cuối cùng thì ngọt luôn. Nói tới đây thì tôi đâm thắc mắc:- nhơn sâm có cái vị ngọt, đại bổ nguyên khí, sanh thêm nước miếng làm hết khát, thì con hiểu nhưng làm sao ông Thần Nông năm ngàn năm trước, căn cứ vào đâu mà nói nhơn sâm điều vinh dưỡng vệ? Con biết “ vinh” là bì, phần da bên trong (derme) còn “vệ” là phần da bên ngoài, biểu bì “épiderme”?
Nghe tôi hỏi, đương nhiên ba tôi dư sức trả lời nhưng ông không thèm nói : -mầy có biết Thần Nông là một trong ba ông thánh lớn thời Tam Hoàng Ngũ Đế không, cái gì mà ổng không biết, ổng là Thánh Nhơn mà. Rồi bỏ qua chuyện “điều vinh dưỡng vệ” ba tôi dạy tiếp sang chuyện bắt mạch. Nghe đến bắt mạch là tôi ham lắm. Trong đông ý có bốn cách để thầy thuốc định bịnh, được gọi là tứ chẩn: “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”. Vọng là quan sát màu da, khí sắc bịnh nhân, Văn là nghe âm thanh, giọng nói, tiếng ho, mùi hôi, Vấn là hỏi các triệu chứng đau bịnh và Thiết là bắt mạch để coi bịnh gì và bịnh ở đâu trong lục phủ, ngũ tạng (tâm, cang, tỳ, phế, thận)
Đầu tiên ba tôi bắt tôi học thuộc lòng bài phú “Lư Sơn Mạch Phú”. Nói gì chớ chuyện học thuộc lòng là nghề của tôi. Dễ như ăn cơm sườn. Kể từ đó, suốt ngày tôi ê a - “Thường văn bịnh cơ uẩn áo, mạch lý diệu huyền, tuy vạn tượng phân vân, Phù, Trầm dĩ biện kỳ biểu lý, hữu lực vi thực, vô lực vi hư. Trì, Sác dĩ định kỳ nhiệt hàn, dương tắc đại hề, nhi âm tắc tiểu....
Tôi khoái bài phú Lư Sơn nầy, đọc lên nghe có ca có kệ. Nhưng cũng khoái gặp lại hai chữ Lư Sơn của Tô Đông Pha quen thuộc trong thi ca:
Lư sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt vị
Lư sơn yên tỏa Triết giang triều.
Bản dịch tiếng Việt của thiền sư Mật Thể:
Lư Sơn (Tô Đông Pha)
Mù tỏa Lư Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù toả Lư Sơn sóng Triết Giang.
Ba ơi, vị danh y nào đã đặt ra bài phú coi mạch nầy, sao không thấy ghi tên tuổi, chắc ổng cũng ở núi Lư Sơn. Ba tôi cũng không biết luôn- con cứ học cho thuộc rồi coi mạch cho đúng, chớ biết tên tuổi danh y đó để làm cái gì. -Dạ, dạ. Sau khi ba tôi kiểm tra thấy tôi đã thuộc làu làu, ông bèn dạy tôi thực hành bằng cách đặt ba ngón tay trên cổ tay bịnh nhân, để dò nghe các vị trí Thốn, Quan, Xích. Ngón giữa ở bộ Quan, hai ngón còn lại ở bộ Thốn và bộ Xích.
Tôi thấy cũng dễ. Nhưng rồi sau đó là tôi rối mù. Rán lắng nghe nghịp mạch đập ngang qua ba ngón tay. Mạch đập theo kiểu nào thì có tên mạch đó, mau, chậm, mạnh yếu,.. Rồi rán nhớ và phân biệt 27 kiểu mach đập khác nhau, chắc là không có mạch Tuyệt rồi vì có tuyệt mạch thì làm sao mà con người ta sống nổi. (tất cả là 28 bộ mạch) . Nào là Phù, Trầm, Trì, Sát, Hoạt, Thực, Khẩn, Hồng, Nhu, Phục, Tế, Sác, Trường, Đoản... Thiệt tình nghe nhịp đập của động mach qua ba ngón tay, tôi không biết mạch nào là mạch nào. Rán cách mấy cũng không phân biệt được. Cách gì cũng không phân biệt được. Mồ hôi rịn ra đầy mặt. Ông già tôi lắc đầu, không nói thêm câu nào. Thằng con hy vọng nối cái nghiệp nhà nầy ngu quá, làm sao bây giờ. Cứ như vậy mà tôi cố gắng, tới ba lần học tập và thử nghiệm, cả ba lần tôi đều chịu thua...
Vậy mà ba tôi vẫn còn hy vọng vì trong ngành nghề có lưu truyền câu nói -nhơn bất học Dịch vô dĩ ngôn y. Người không học kinh Dịch thì đừng mong nói chuyện học thuốc. Mà tôi thì khá giỏi về bộ kinh nầy. Ông không nhắc tới chuyện mạch lạc, bắt tôi học lại đặc tánh của các vị thuốc trong Bản Thảo Cương Mục và không được thắc mắc, sách nói sao thì cứ học y như vậy, cũng đừng hỏi tới hỏi lui. Tôi làm sao dám cãi ba tôi nữa. Lần dạy tiếp nầy tôi phải học quyển Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn với cấu tạo Lục Phủ, Ngũ Tạng, các cơ quan trọng yếu của con người, phối hợp với thuyết Âm Dương, Ngũ Hành.
Lần đó ba tôi giải nghĩa Tâm thuộc hành hỏa, Can thuộc hành mộc, Tỳ thuộc hành thổ, Phế thuộc hành kim và Thận thuộc hành Thủy. Các hành nầy tương sanh tương khắc với nhau. Cũng vậy Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận liên kết mà giúp đỡ nhau tạo ra cuộc tuần hoàn. Tôi lại thắc mắc: ba ơi, tại sao Thận lại thuộc hành thủy mà không là thổ hay kim? Ba tôi kiên nhẫn giải thích : -Quả thận hình nó giống quẻ khảm gồm có hai hào âm bên ngoài và một vạch liền bên trong. Tôi cũng biết quẻ khảm trong kinh Dịch và cũng biết hình quả thận chụp trong các sách y khoa. Đâu có giống nhau chỗ nào. Mà nếu có giống nhau thì đâu thể kết luận cái nầy là cái kia được. Thiệt tình không hiểu!
Tôi tìm mọi cách để bỏ học và ông già cũng chịu thua thằng con cứng đầu. Và cũng kể từ đó tôi thiệt tình khâm phục các vị bác sĩ tây y cũng như đông y. Vì sức tôi không cách gì học được ngành y khoa nầy. Quá khó khăn, dĩ nhiên rồi. Nhưng phục nhất là các vị bác sĩ vừa Tây kiêm luôn Đông Y hoặc ngược lại. Một bên là khoa học thực nghiệm, một bên là lý luận suy đoán trừu tượng, cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề khác hẵn nhau, đối nghịch nhau hẵn, vậy mà họ chấp nhận được, lại cho cả hai sống chung hòa bình, tôi thiệt tình không hiểu và chịu thua.
Đến bây giờ thì các bạn biết tại sao tôi thất bại trong đời sống chưa và tôi cũng có câu trả lời với vợ chồng ông Bob già rôi. Ông Bob ơi, tại tôi cứng đầu không nghe lời ba tôi, đem sách vở đi bán hết rồi. Mà ngộ lắm nghen, đời quả có luật nhơn quả, cái gì tôi nói với ba tôi, phê bình trách cứ ông già ngày trước, bây giờ thằng con tôi nó trả lại tôi y chang như vậy. Mà hình như có cộng thêm tiền lời nữa, nhiều lắm. Những gì tôi nói nó không thèm nghe, tôi viết nó không thèm đọc...
VÕ KỲ ĐIỀN Brossard. QC. Le 15 sep 2022
GHI CHÚ: Trong cưốn “Sinh Hoạt Cổ Đại của Đạo Sĩ Trung Quốc do công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Vụ Ấn Quán Bắc Kinh xuất bản 1997 có ghi “Lư San Mạch” là của Thôi Gia Nghiêm, tự Thuận Hy Gian, đời Hậu Tống, người Cam Túc, huyện Thiên Thủy. Ông tu theo Đạo Giáo, lấy hiệu là Tử Hư Chân Nhân. Lúc cuối đời ông ẩn cư núi Lư Sơn (Quảng Châu) để tu hành và đắc đạo thành tiên (khoảng năm 1174-1189) Cả đời Thôi Gia Nghiêm chỉ trước tác có một quyển duy nhất là Lư Sơn Mạch Quyết



Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

MỘT VÀI CHUYỆN TỪ CÂU CA DAO TRÁI BẮP NƯỚNG

 

Ảnh phố phường Niagara-on-the-Lake

Mấy ngày nay tôi khó ngủ. Hễ có việc gì lo lắng thì cứ trằn trọc hoài mà có phải chuyện lớn lao gì đâu. Chẳng qua vì một câu ca dao cũ, tự nhiên được nhớ lại gây phiền hà. Nhưng cũng không phải là không có lý do. Tại vì mùa bắp đã tới hồi nào không hay không biết. Mà hễ nghe nói tới bắp là lòng tôi nôn nao. Có lần một bạn thân VN mới qua thăm, vui miệng tình cờ mà hỏi - Anh ở đây lâu lắm rồi, trong các thực phẩm, món gì ngon nhất mà anh đã từng ăn? Tôi trả lời ngay không đắn đo - trái bắp xứ Canada nầy.
Thiệt ra thì cũng còn có rất nhiều sơn hào hải vị nhưng tôi đâu có giàu sang dư dả gì mà được thưởng thức nhiều hơn. Cái gì đã được ăn rồi mới dám nói. Ở đây có hai món ăn mà tôi rất thích. Một là tôm hùm, hai là bắp non mới hái. Tôm hùm đánh bắt các tỉnh ven biển Québec cũng được người người ca tụng, để thủng thẳng sẽ kể sau. Còn bây giờ đang mùa hè, bắp đã chín rộ nhiều rồi, được bán đầy lề đường, trong các chợ, không ăn ngay để lâu mất ngon.
Tôi lòng vòng về chuyện trái bắp là tại nhớ tới cái câu ca dao quen thuộc đất Sài Gòn thân yêu : “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm” Câu nầy khi đọc lên thì ai cũng hiểu hết. Nó đơn giản như tâm tình dân miền Nam nầy. Trái bắp còn non mới hái mà đem nướng trên lửa than hồng thì thơm ngon phải biết. Như cô chèo đò mỗi ngày đưa khách qua sông nhìn hiền lành xinh xắn dễ thương nhưng không phải dễ tán tỉnh đâu. Câu ca dao coi vậy mà tượng hình quá đổi, cô gái chèo đò được ví với trái bắp nướng thơm ngon. Ai nghe cũng phát thèm! Nhưng điều làm tôi mất ngủ không phải là câu chuyện chèo đò hay trái bắp nướng, hoặc hình ảnh của đôi trai gái hẹn hò, dê qua dê lại.
Mà tại cái chữ “ve” trong câu ca dao mắc dịch đó. Mỗi lần nghĩ tới nó là tôi khổ sở. Ve là gì? Là ve vãn chớ còn gì nữa. Paulus Huình Tịnh Của định nghĩa như sau: -trêu chọc làm cho kẻ khác xiêu lòng. Con trai khi gặp con gái đẹp thì tò tò lẽo đẽo đi theo, tìm mọi cách để rù quến cho người đẹp để ý mà mê mình. Đúng là như vậy. Nhưng “ve” rất giống”dê”. “Dê” là gì, cũng trong Quấc Âm Tự Vị Huình Tịnh Của đã nói về máu dê: -tiếng cười người đa dâm hay ve vặt. Vậy ve và dê về cử chỉ, thái độ, hành động ý nghĩa giống y như nhau. “Ve” và “dê” có phải là một, chữ nầy biến âm ra chữ kia hay không? Tại tôi là thầy giáo nên cứ thắc mắc cái vụ nầy. Đây mới là vấn đề tôi nhức đầu.
Chữ “ve” có phụ âm là “v” thuộc âm môi (b, v, m, ph) Chữ “dê” có phụ âm là “d” thuộc âm răng (t, đ, n, l, x, d). Về luật ngữ học (linguistique) thì khi biến đổi âm của một từ, không có chuyện từ của âm vùng nầy đổi qua từ của âm vùng kia. Trong miệng có bốn vùng phát môi là môi, răng, cúa (khẩu cái) và lưỡi. Từ âm môi “v” không thể biến sang âm răng “d” được. Một từ chỉ có thể biến âm cùng chung vùng với nhau, âm của môi chỉ được biến cùng các phụ âm khác của môi mà thôi (ví như vũ là mưa, vũ là múa, phòng là buồng, phóng là buông.... Phụ âm răng, lưỡi, cúa cũng vậy
Như vậy “ve” không thể biến thành “dê” dược. Đó là về luật ngữ học quy định. Nhưng tại sao ve và dê ý nghĩa lại giống hệch nhau? Đố ai ve 😊 dê) được con đò Thủ Thiêm. Đến giờ nầy cái thắc mắc của tôi vẫn còn y nguyên. Nói ve cũng được mà dê cũng được. Tôi cho rằng hai chữ nầy tuy nghĩa giống nhau nhưng không có liên hệ gốc gác gì hết. Thôi, đừng ve mà cũng đừng dê, cánh đàn ông nam nhi chúng ta... o mèo đi, cũng một nghĩa như nhau mà.
Lại thêm rắc rối nữa. “O” là gì và “mèo” là gì? Chịu thua luôn. Lại phải truy ra Từ Nguyên hoặc Nguyên Ngữ Học. Học giả An Chi có giải thích “mèo” gốc chữ Hán là 媌, (bộ Nữ + Miêu) mà âm Hán Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học Tôi không đồng ý chỗ nầy. Đi “o mèo”sao lại có nghĩa là “đi tán tỉnh ve vãn kỹ nữ “ được. Không có chuyện tiền bạc gì trong chuyện “o mèo”
Tôi cho rằng “o” gốc từ “o bế” cũng giống như ve vãn, còn “mèo” là cử chỉ điệu bộ của người con gái dịu dàng giống như con mèo. Giải nghĩa như vầy là suy đoán bình dân, không biết đúng không vì chưa chắc. Hồi xưa chữ “mèo” nầy do chữ nào biến âm và thời đó “mèo” nghĩa là gì. Phải là gốc từ nguyên cổ mới chắc được. Bạn có còn dám dạy tiếng Việt nữa không? Tôi thì sợ lắm rồi, may là đã bị bỏ nghề hồi còn rất trẻ. Ai cho rằng tiếng Việt nghèo nàn nên suy nghĩ lại, nó phong phú biết bao nhiêu .
Chuyện chữ nghĩa xin để một bên, đợi chờ cao kiến bạn đọc giúp đỡ. Đang nói về trái bắp, xin kể lại một kỷ niêm nhỏ cho vui. Tôi có một giai đoạn dài cư ngụ thành phố Toronto ở Canada. Chuyện nầy không có gì đáng nói nếu bên cạnh thành phố nầy trên trăm cây số, có một phong cảnh du lịch đẹp đẽ hùng vĩ nổi tiếng nhất thế giới. Đó là thác nước Niagara Falls, thác nước hình móng ngựa nầy nhìn phía bên Canada đẹp hơn bên Mỹ. Người ở phương trời xa, ai ai cũng ước ao một lần trong đời được chiêm ngắm nó, bỏ qua là một ân hận. Mùa hè ấm áp là mùa du lịch thích hợp nhất sau mùa đông dài lạnh lẽo lê thê. Bạn bè ghé thăm thủ phủ Toronto xong, thế nào cũng phải dành thì giờ để ghé thăm thác nước. Một năm tôi vui vẻ làm hướng dẫn viên du lịch vài ba lần, đi hoài nhưng không chán. Bởi vì trên đoạn đường dài, tôi không chọn xa lộ lớn mà lựa chọn đường làng quê êm ả để đi ngang qua thành phố cổ Niagara-on-the-Lake đầy hoa, các trại nho với màn cho khách thử thứ rượu tuyết đặc phẩm Ice wine ngọt ngào miễn phí... Chán sao được, không mê sao được.
Buổi trưa đó bận về trời chiều mát dịu, xe lướt bon bon trên đường làng, hai bên là rẫy bắp xanh mướt bạt ngàn. Từng vạt bắp nối tiếp nhau trên từng cây số. Cái xứ Canada nầy người thì ít chớ đất thì rộng mênh mông. Mà bắp vùng nầy thì cũng được trồng quá nhiều, ăn sao cho hết. Trên xe bạn bè cười nói đông vui. Bổng dưng có bà bạn nói -bắp quá nhiều tại sao mình không hái một mớ để chiều về nhà ăn chơi. Cả đám ai cũng đồng ý. Tôi đang lái xe suy đi nghĩ lại thì lo sợ. Trời ơi, một đồng bạc mua tới được mười hai trái. Bỏ ra mười đồng mua được một trăm hai chục trái, ăn bể bụng luôn. Hái trộm như vầy rủi bị người ta bắt gặp thì ăn nói làm sao. Ăn cắp là xấu hỗ lắm. Tuy là sợ nhưng bạn bè xúi giục quá đi, tôi nhìn trước nhìn sau thiệt xa thấy không có ai, cũng từ từ tìm chỗ ngừng xe lai bên lề đường. Các bà túa xuống nhanh nhẹn chạy vô rẫy bắp ngắt hái liên hồi. Tôi mở cốp thùng sau xe chờ sẵn và tiếp tay quăng bắp vô. Chỉ trong chốc lắt, nguyên một thùng xe rộng lớn đã đầy nhóc bắp xanh. Trái nào trái nấy to lớn chắc nịt mập tròn, tươi non mơn mởn. Xong rồi, vui ơi là vui.
Tôi vừa lái xe vừa kể chuyện suy nghĩ trong đầu cho các bạn nghe - ngày mai trên trang nhứt các báo ở Toronto, ở New Jersey và bên San Jose dăng một tin hấp dẫn là một đám người Việt Nam có danh phận, người thì giáo sư, người thì là bác sĩ, người là dược sĩ... đi ăn cắp bắp ngoài ruộng vắng. Mấy bà nhao nhao lên biện hộ, nói tại không thấy chủ, chớ có chủ thì tôi mua hoặc xin, chớ ai ăn cắp làm chi. Cả đám xúm nhau mà cười rần rần.
Về tới nhà chưa kịp tắm rửa, việc đầu tiên là tôi đem bắp ra luộc. Lấy cái nồi lớn nhất trong nhà. bỏ vô chút muối cho bắp ngọt hơn. Xong rồi, tất cả háo hức để thưởng thức chiến lợi phẩm vừa chiếm đoạt được. Một bà bạn ăn trái bắp đầu tiên, thất vọng nói lớn -sao mà cứng ngắt vầy nè. Tôi cầm lấy một trái còn nóng hổi và thử cắn một miếng. Trời ơi muốn gảy răng luôn. Và chợt hiểu liền, bắp nầy nhà nông trồng cho bò ăn, chớ không phải cho người... như tụi tôi. Còn thắc mắc, tiếc nuối gì nữa, bèn đem đi bỏ, để một đống chình ình đó thấy mà tức ứa gan. Tôi phải dùng tới mấy bao rác lớn ì ạch khiêng ra thùng rác bên sau hè nhà, đi không nổi nặng muốn chết luôn!

VÕ KỲ ĐIỀN , Brossard. QC 3 Sep 2022

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

ÁO MỚI NGÀY XUÂN

 


1 - Ngày xưa, cha mẹ thường sắm quần áo cho con cái một năm hai lần đó là vào dịp tết và đầu năm học mới. Nghĩ lại, với một gia đình nghèo đông con mà mỗi đứa phải may vài ba bộ cũng tốn khá bộn tiền.
Như mọi đứa trẻ khác, tôi rất náo nức khi được mẹ sắm sửa quần áo tết. Ngắm nghía bộ đồ mới tôi dự định mỗi bộ mặc một ngày tết ở một đứa trẻ vừa mới lên 10 như tôi thật không có gì sung sướng hơn. Chiếc áo mới bằng vải KT, có thêu hình con chim bồ câu chắc sẽ không đụng hàng mấy thằng nhóc trong xóm.Tôi nghĩ sáng sớm ngày mồng một tết sẽ “mở hàng” bộ đồ mới này để chúc tết ông bà và sẽ nhận tiền lì xì bằng những phong bao đỏ thắm.
Ở trong xóm tôi có nhà thằng Tèo nghèo lắm. Ba nó đạp xe lôi nuôi cả nhà. Anh em nó rất đông, chừng chục đứa. Lại còn thêm ông bà nội của nó, tất cả đều sống nhờ vào chiếc xe lôi. Một người đàn ông gầy yếu phải cáng đáng lo chừng ấy người trong gia đình thì quả là hết sức vất vả. Chưa năm nào tôi thấy thằng Tèo được áo mới, bởi ba nó nói nó lớn rồi phải ưu tiên cho mấy đứa em của nó sắm sửa trước. Bà tôi thấy nhà nó khó khăn quá nên hay mang quần áo cũ của anh em tôi cho anh em thằng Tèo. Có năm tôi thấy nó mặc áo cũ của tôi đi chơi trong xóm, cũ người mới ta, xem ra nó có vẻ thích thú lắm!
Mỗi lần nhớ những cái tết ấu thơ, không hiểu sao tôi nhớ đến những chiếc áo mới đầu năm. Nhớ sao xóm nhỏ phần đông là dân lao động sinh sống, bà con tuy nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Thằng Tèo đã mất từ lâu, cả đời không có lấy một ngày vui sướng. Có đêm tôi nằm chiêm bao thấy nó đang mặc chiếc áo cũ của tôi đi chơi tết, khuôn mặt rất vui, cười rạng rỡ.
2 - Hồi những năm cả nước sống vào thời bao cấp, tôi đã hơn 20 tuổi. Đương nhiên ở tuổi đó chiếc áo mới ngày tết đối với tôi không còn là điều quan trọng nữa. Thời ấy, đời sống bà con rất khó khăn, tết đến ai cũng ăn tết đơn giản nhưng nhiều tục lệ của ông bà vẫn cố gìn giữ.
Tôi nhớ lúc đó bà con trong ấp đều mua vải vóc ở hợp tác xã. Hàng hóa không đa dạng, chỉ có vài loại, bởi vậy nhiều người mặc quần áo giống nhau. Sắm được quần áo rất khó, trong khi còn nhiều thứ phải chi tiêu, vượt khả năng nhiều gia đình.
Trong xóm tôi, có xảy ra một chuyện liên quan đến chiếc áo tết mà tôi còn nhớ. Cô giáo Tuyết vừa mới sắm cho đứa con gái của mình một bộ đồ mới. Em giặt rồi phơi trước sân nhà. Khi phơi đồ, em ngồi canh giữ. Trong một phút lơ là, kẻ gian lấy mất bộ đồ đang phơi. Cô Tuyết chạy khắp xóm đi tìm và hỏi thăm bà con trong xóm có ai thấy người lấy hay không. Khi tìm không ra, cô đứng bên nơi đầu hẻm khóc sướt mướt, ai trông thấy cũng thương! Chuyện này, những người trẻ bây giờ nếu có nghe tưởng như chuyện cổ tích.
Tôi đi xa xóm cũ đã lâu lắm. Nhưng đó là nơi chốn tôi yêu nhất vì gắn bó với tuổi thơ của tôi. Có những người bây giờ không còn nữa nhưng hình dáng, tính cách của những người đó luôn sâu đậm trong trí nhớ tôi.
3- Ngày nay, việc sắm những bộ đồ mới không còn là chuyện khó khăn đối với nhiều gia đình. Những em nhỏ bây giờ được cha mẹ sắm sửa đồ mới chúng chẳng tỏ vẻ vui mừng, đâu giống thời của anh em tôi.
Mỗi năm tết về có bao chuyện cũ để nhớ. Bao nếp cũ dần dần phai lạt. Tôi vẫn chưa quên hình ảnh những người nông dân nghèo ở quê tôi ngày xưa quanh năm toàn mặc áo cũ sờn vai, tết nhất chỉ mặc chiếc áo mới chỉ trong sáng mồng một rồi cất lên vì sợ cũ! Người nông dân của mình là như vậy, dù sau này có của ăn của để vẫn quen nếp sống đạm bạc thuở nào. Như ông bác tôi quanh năm sống lặng lẽ ở quê, rất ít khi chịu đi đây đi đó chơi như những anh em khác. Ăn uống thì đơn giản đã quen, con cháu mà xài sang một chút là không chịu!
Với tôi, những cái tết ấu thơ luôn là những kỷ niệm đẹp trong đời. Tôi đọc lại mấy câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ thấy hình bóng mình trong đó : "Từ khi ông tôi mất/ Bà tôi cũng qua đời/ Tôi mỗi ngày mỗi lớn/ Nên chẳng thấy gì vui..” Những người già sẽ mất đi để những người trẻ lớn lên. Vòng đời đó cứ tiếp tục và không bao giờ dừng lại.
Mùa Xuân đã về rồi đó. Sáng mồng một năm này tôi sẽ trở lại quê để tìm lại hương xuân năm cũ. Thèm sống lại khung cảnh của quê xưa. Dù biết rằng có những đổi thay không thể nào tìm lại được, nhưng quê hương là nơi chốn để trở về, nơi yên bình trong tâm hồn không nơi nào so sánh được.

Tuấn Ba

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

MÀU ÁO TÔI YÊU

 


Ngày trước, các trường trung học công lập ở miền Nam nữ sinh đến trường đều phải mặc áo dài trắng hay nói cách khác nữ sinh mặc kiểu quốc phục của phụ nữ Việt Nam.
Mới bước vào lớp 6, nhiều bạn tuổi tác hãy còn nhỏ nhưng khi mặc chiếc áo dài trông chững chạc hẳn ra. Những cô nữ sinh tuổi mười một, mười hai, mười ba như những đóa hoa đồng nội chớm nở. Các bạn của tôi e ấp trong chiếc áo trắng tinh khôi như thấy mình được lớn thêm một chút.
Chiếc áo dài Việt Nam đã qua nhiều giai đoạn hình thành. Từ kiểu áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường năm 1939 đến kiểu áo dài tay raglan năm 1960, cho đến kiểu hiện đại ngày nay. Chiếc áo dài truyền thống, Quốc Phục của người phụ nữ Việt Nam luôn được trân trọng và yêu thích.
Trở về mái trường xưa sau nhiều năm xa cách....Mới đó, từ ngày vào trường đã qua 50 năm..!!. Tất cả chúng tôi gặp lại nhau trong ngày hội trường, mùa Xuân 2017. Tôi thật vui khi gặp lại thầy xưa, bạn cũ. Những cánh én Hoàng Diệu từ khắp bốn phương trời, mang cả mùa xuân, bay trở về xứ Sóc thân yêu, với những tà áo dài nữ sinh như những đôi cánh màu trắng làm sáng lên bầu trời trường Hoàng Diệu. Không khí hội ngộ tưng bừng.Trong số những cánh én đó, tôi gặp lại một người bạn học cùng chung lớp những năm đầu bậc trung học với tôi. Bạn xinh tươi trong chiếc áo dài trắng, bạn đẹp hẳn ra trong màu áo học trò. Bạn thật tinh tế với chiếc nón lá như tái hiện lại hình ảnh cô nữ sinh của ngày xưa. Chiếc áo dài trắng đưa tôi về vùng trời kỷ niệm.Trường xưa, lớp cũ chưa phai mờ trong trí nhớ. Nhìn bạn thướt tha trong tà áo dài bất chợt tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa:
“Có phải em mang trên áo bay.
Hai phần gió thổi một phần mây.
Hay là em gói mây trong áo.
Rồi thở cho làn áo trắng bay”.
Ngày ấy tôi vẫn thường nhìn thấy bạn từ xa mỗi khi tan trường. Tà áo dài trắng vờn bay phất phơ theo cơn gió nhẹ trên con phố quen thuộc. Bóng dáng ấy đã in đậm vào tâm hồn tôi tự bao giờ và theo tôi vào đời. Bởi sau này, chúng tôi bặt tin nhau trong một khoảng thời gian dài.
Khi tôi lên đại học và kể cả khi tôi đi làm, màu áo ấy luôn gợi về nhiều hình ảnh một thời để nhớ, ngày hai buổi ôm sách đến trường Hoàng Diệu. Sân trường với những cây còng hoa màu tím, thấp thoáng những bóng áo dài trắng bên dãy lớp đối diện là lớp của người bạn tôi. Trong tâm tưởng của tôi, tà áo dài trắng học trò thân thương tôi đã không quên mang theo trong những ngày xa quê ... Buổi sáng nay, bạn một lần nữa xuất hiện tại trường, cũng với chiếc áo dài màu trắng tinh khôi. Bức màn thời gian 50 năm như vừa được vén lên, làm sống lại trong tôi bóng dáng cô bé dễ thương năm nào khi bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường trung học.
Đã qua rồi... những ngày xuân hoa mộng tuổi mười hai, tuổi mười ba...! Nhưng với tôi hình ảnh tà áo dài trắng, mãi mãi là màu kỷ niệm không bao giờ quên.

Tuấn Ba

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

ĐỜI SINH VIÊN. NGUYỄN MỸ DUNG

 


Trời đã bắt đầu nhá nhem tối .Cả bọn năm cô gái vừa dùng cơm xong , kéo nhau ra đứng ngoài balcon , hứng chút gió trời .
Mấy anh chàng sinh viên bên nhà trọ đối diện đã có mặt từ lâu .Anh chàng đeo kiếng trắng đang ôm đàn chơi bài " Cây đàn sinh viên" , bài hát tủ của ca sĩ Mỹ Tâm .Hai , ba giọng hát bè phụ họa , nghe chẳng rõ lời.
Nhỏ Lý lên tiếng :" Dở ẹc ! Vậy mà cũng bày đặt hát "
Út , Huyền, và Thụy nắm tay Lý kéo vào trong , cản không cho cô nàng càm ràm nữa , sợ xảy ra lời qua tiếng lại , cãi cọ không hay



Vừa đúng lúc anh Hai chủ nhà bước ra chuẩn bị dụng cụ "câu điện chùa" .
Nhỏ Út vẫn còn đang cằn nhằn Lý chuyện lúc nãy. Đột nhiên, Thụy thấy ngọn lửa bốc lên từ tấm màn che phía cánh cửa. Cô la chói lói :" Cháy ! Cháy rồi ! "
Anh Hai quơ vội cái mền dùng ủi đồ để trong góc kẹt cửa, dập lửa lia lịa
Cả bọn nhốn nháo cả lên ,hốt hoảng , chạy qua , chạy lại , tìm về phía cầu thang .
Khổ nỗi , cái cầu thang ngày thường đã quá nhỏ bé, giờ đây lại càng gây khó khăn , khi đứa nào cũng muốn xuống trước cho an toàn .
Mười ba nấc thang bình thường ngắn ngủn , hôm nay sao thấy nó dài lê thê .Đứa đứng sau xô đứa xuống trước , nhí nhố , loạn xạ cả lên ...
Tiếng anh Hai trấn an :" Không sao rồi , các cô ơi !"
Cả bọn thở phào nhẹ nhỏm , lục đục quay trở lên .Khi đã định thần xong , Thụy thấy Lý vẫn còn đứng gần cầu thang , tay ôm khư khư, cái hộc tủ , y như lúc nảy .Thụy thắc mắc không biết cái hộc tủ chứa vật quý gì mà Lý có vẻ kỹ càng thế .
-Có tiền trong đó hả Lý ?
Lý lắc đầu, đáp tỉnh bơ :
-Toàn giấy tờ không hà !
Cả bọn phá lên cười cái rần .Huyền vỗ tay :
-.Trời đất ơi ! Lúc nguy cấp , người ta ôm vàng , hoặc tiền bạc, ai đâu chỉ ôm có giấy tờ.Lỡ có chuyện gì, lấy tiền đâu mà sinh sống
Lý gãi đầu, cười chữa thẹn :
- Giấy tờ cũng quan trọng chớ bộ !.Mất khó làm lại được . À ! Mà có thấy ai mang gì theo đâu.
Mấy đứa nhìn nhau. Rồi một lần nữa, cùng phá lên cười ngặt nghẽo .Ừ ! Toàn tay không ! Quýnh quáng , hỏng ai nhớ gì , chỉ mong thoát thân thôi .
Chị Trang đề nghị , ngày mai phải nói với chủ nhà , đừng câu điện đường nữa, nguy hiễm quá chừng luôn .
Buổi tối căn gác lặng thinh.Mạnh ai nấy cắm cúi lo học bài .Sắp thi tới nơi rồi
Gần mười giờ đêm, Thụy trở mình, nhìn quanh
Chị Trang đã chui vô mùng từ lúc nào. Chỉ còn bốn đứa ngồi bốn góc .Thụy cảm thấy đói bụng quá. Có lẽ do hôm nay là ngày rằm, chị chủ nhà cúng chay . Toàn rau cải, không có thịt cá , đói là phải rồi.
Thụy rên với Út .Nào ngờ cả ba đứa đều hưởng ứng. Lý lên tiếng " Lục cơm nguội nghe , hồi chiều còn dư cơm mà " Cả bọn thống nhất ý kiến
Lý lò dò , rón rén từng bước nhẹ nhàng xuống gác Nhà dưới đã tắt đèn từ lâu , chỉ còn hiu hắt tia sáng rọi ra từ bóng đèn ngủ trong phòng chị chủ nhà
Lý đi rất lâu mà không thấy trở lên .Nhỏ Út nóng ruột , chạy xuống .Lúc leo trở lên , Thụy hỏi :
- Ủa , Lý đâu ?
Út nói nhỏ , vẻ bí mật
- Nó đang xem phim
Thụy vô cùng ngạc nhiên
- Phim gì giờ này ?
- Phim cấm !
- Ở đâu ?
- Dưới nhà...
Thụy chợt hiểu ra , chạy xuống .Lý đang đứng lưng chừng cầu thang , mắt dán vào mấy ô gạch chữ nhật dành để cho thoáng gió , ở phía vách tường phòng chị chủ nhà...Cái tò mò của tuổi thanh xuân! . Kề sát tai Lý, Thụy khẽ thì thầm" Đui mắt bây giờ "!
Lý thè lưỡi với Thụy...
Bốn đứa ngồi quanh nồi cơm nguội .Bên cạnh là chai xì dầu. Lý ôm cái nồi đặt giữa hai chân , hai tay cố nạy lên những phần cơm cháy bám dưới đáy nồi . Mạnh ai nấy bốc cơm cháy , xịt xì dầu vào , nhai nhóp nhép ngon lành , như đang ăn cao lương mỹ vị vậy
Không mấy chốc , cái nồi đã sạch sẽ .Cả bọn thở ra khoan khoái .Chợt Út chỉ vào Lý la lên
Mặt Lý đầy lọ... Do hồi chiều cúp điện, chị Hai phải nấu cơm bằng lò củi.
Cả bọn cười ồ lên thích thú ! Chị Trang tốc mùng ra nhìn , thấy mặt Lý , chị cũng không nhịn được , góp tiếng cười theo giòn tan .
Căn gác tràn ngập tiếng cười của năm cô gái trẻ. Những tiếng cười vô tư, hồn nhiên , đáng yêu , của một thời sinh viên đáng nhớ .

NGUYỄN MỸ DUNG
26/10/2017

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

THUNG LŨNG NHỚ

 


 

Bây giờ trời đã vào hè. Nắng lên như vầng hào quang trên cành cây kẻ lá linh động hóa sinh vật thiên nhiên. Hè mà, người ta đổ xô ra phơi nắng, hứng gió núi rừng biển cả, lặn hụp trong nước mát mà Tạo hóa đã ban. Khấm khá hơn, du lịch cho thoả chí bình sinh, phỉ tình non nước. Quê hương xa hơn nửa vòng trái đất, mình cũng chu du qua ba miền đất nước bằng nỗi nhớ đong đưa vời vợi, hình ảnh sâu lắng chập chờn nuối tiếc khôn nguôi.

Vẫn biết nhớ nhung chỉ làm lòng người thêm ray rức nhưng đó cũng là tiềm lực thôi thúc bảo tồn. Chân muốn đi mà lòng vẫn ngại ngờ, bụng bảo dạ quên đi mà óc tim chẳng nở. Hầu dung hòa hai con đường ngược chiều quên quên nhớ nhớ ấy, nên nghiêng nhẹ sang Đông hay thử rẽ lối qua Tây, thẳng lên Bắc hay vượt ngược xuống Nam thăm thẳm, chỉ có Trời cao mới biết rõ ngách ngõ ngọn nguồn.

Nhớ quả là thứ hương thơm gần thì nồng nặc làm ta choáng váng, ngộp thở, thẩn thờ. Thoang thoảng, xa xa, nhẹ nhàng, thắm thiết. Nhớ là kiểu tẩm quất massage đau đau mà giảm đở gây thần trí đê mê, óc tưởng tượng choàng vào hồn ta chiếc áo quàng kỷ niệm lắng sâu trong lớp bụi thời gian chồng chất.

Có sợi nhớ tất có chỉ thương giây ghét tuy mỏng manh tinh vi mà bền chắc vô cùng. Sợi tình cảm nào cũng thật khó lường, tự biến hóa sinh sôi nẩy nở. Không khéo đưa óc tim ta vào mê hồn trận, tiến thối lưỡng nan trước bước đường cùng.

Nhớ là một cách luyện tinh trí não, bộ óc con người kỳ diệu tuyệt vời. Âu cũng là lối làm vệ sinh kỳ cọ dũa mài phủi sơn đánh bóng, đánh thức gợi dậy cảm quan, phát giác kinh nghiệm hằn sâu trong tận cùng tâm não. Nhớ làm ta thức tỉnh giật mình, thao thức đăm chiêu, mộng mơ tiếc nuối, càng muốn quên hóa ra thêm nhớ.

Nhớ chiếc diều con đang bay lượn trên nền trời vương vướng bóng mây, tùy cơn gió tung tăng lên xuống. Tự do thay chiếc diều vô tri ấy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã thoát khỏi sức hút của địa cầu, nhởn nhơ trước đôi mắt thán phục của thế nhân.

 

Thả diều

 Nhớ như cơn gió mát trong nắng hè gay gắt thoảng qua trên bộ ván gõ còn đẩm mồ hôi, đu đưa chiếc võng kẽo kẹt văng vẳng tiếng à ơi ầu ơ ru con của mẹ. Kỳ diệu thay nỗi nhớ, đối với ta như bóng với hình, bóng khi khuất ẩn tan chỉ có hình xuất hiện. Thủ thỉ, thì thầm mở ngõ, kinh nghiệm tích lũy quả là viên gạch bàn đạp cho tầm phóng đến ngày sau.

 

Bóng với hình

 Nhìn những chiếc quần jean đúng thời trang, chỗ bạc màu, nơi được khoét xé dọc ngang tua sợi, sao mà thương bà mẹ nghèo ngày xưa quần áo vá nhiều phen, những trẻ em co ro trong chiếc chiếu manh tả tơi trên vỉa hè, xó ga, góc chợ. Trời âm u làm ta liên tưởng đến mưa Ngâu chia rẽ Ngưu lang Chức Nữ. Kỷ niệm đây, quá khứ đấy, thời gian qua đi mà sao ta cứ nhìn lại phía sau. Nhớ là cái chi chi mà lắm lúc như là mệnh lệnh khắt khe ta đành bó tay không tài nào xua cưỡng dược.

Nhớ phải chăng là nơi tựa nương khuyến khích, nâng đỡ ta trong cơn hụt hỏng túng quẫn tình đời, an ủi khyên lơn, thúc giục, ’ôn cố tri tân’ soi rọi ngách nguồn. Có những đêm chợt choàng tỉnh giấc, tia sáng vừa loé lên rồi phụt tắt làm ta ngẩn ngơ tiếc nuối như ngươi leo núi vừa tới mức hẹn đỉnh cao mà tuột dốc bất ngờ.

Nhớ còn là cơn mộng mị, ác mộng bâng khuâng, ray rứt cồn cào triền miên làm ta biếng ăn mất ngủ, hối hận dày vò. Ngược lại cũng là hương thơm thoang thoảng thoát tục biến khóe môi Mona Lisa nhẹ kéo góc hai bên trong bức tranh bất hủ La Joconde của họa sĩ kỳ tài Léonard de Vinci Ý quốc. Nhớ là gì gì mà chi phối đời người quá quắt, tùy tính khí cường độ như sóng ngầm chi phối biển cả đại dương.

Một câu nói bâng quơ, tiếng đàn réo rắt, con chim sẻ đậu trên cành trúc, bướm ong vờn lượn quanh hoa, đôi mắt mơ huyền, giọt mưa trên lá,...trong tíc tắc có thể gây bao biến chuyển tâm tư. Nhớ như trong ván cờ ta chợt tìm ra thế đánh, tia chớp trong đêm gây bàng hoàng, đê mê, vỡ mộng. Nhớ là tiếng đàn dạo nhạc chơi vơi du hồn mình vào võng mây ký ức len lỏi theo lối cũ đường xưa tìm lại bản chất của tâm tư.

                     


La Joconde-Mona Lisa

Cũng có thể ngọn sóng thần Tsunami rút đi rồi ập tràn bất chợt biến đổi hãi hùng, thần tốc. Dân tộc ta dòng giống Rồng Tiên , 50 lên non, 50 xuống biển, nước ta bao lơn dài rộng nhìn ra đại dương lồng lộng, sống theo ảnh hưởng của gió mùa, thủy triều, hệ thống sông ngòi. Trận lũ lụt kinh hoàng nầy làm liên tưởng đến các trận bảo hằng năm ở nước ta, nhớ để biết tiên liệu đừng để nước ‘tới trôn mới nhảy’.

Từ thung lũng nhớ, bao tia hào quang tâm tư được phóng lên đủ đầy màu sắc, tầm phóng bạt ngàn, thiên hình vạn trạng. Đó chẳng khác chi tia pháo bông trong ngày lễ hội. Có lúc muốn quên đi lại là tăng tốc nhớ, khi bất thần cần nhớ lại chẳng thấy tăm hơi.

Có những kỷ niệm vùi sâu chỉ mình ta biết, tưởng đâu là được khóa chặt trong tim. Có những gương mặt mà mình dù có muốn quên vẫn vấn vương chập chờn hiện rõ. Thế mà chỉ cần một bóng thoáng qua, một bước chân ngập ngừng, một dáng dấp phỏng chừng, một cái nhìn hờ hững, một nụ cười lấp lửng cũng đủ là mồi lửa cho hứng nhớ cháy phừng.

Rồi những lúc bâng khuâng lần về dĩ vãng tìm lại một vần thơ cũ, một câu nói bâng quơ, bức óc nghĩ suy mà không tài nào tìm ra manh mối. Giận mình sao ngu tối cũng chẳng nặn được chữ nào. Nhớ như người xa lạ dửng dưng thờ ơ nhởn nhơ trước nỗi bất lực của thế nhân và cũng là kẻ độc tài tự cho mình quyền uy tối thượng ban bố hoặc khước từ. Tiếng Eureka của Archimède minh chứng hùng hồn nhất vì ngay cả thần đồng, bác học danh nhân, ai cũng không thoát khỏi việc đi tìm nước Cam lồ huyền diệu nầy. “Nhớ đấy, đừng quên”câu kinh nhật tụng của người liên hệ với người, câu nói đầu môi chót lưỡi. Mẹ dặn con, thầy dặn trò và trong tình yêu còn ngọt ngào sươt mướt hơn. Vì thế tội đãng trí cũng khó dung khi quên cuộc hẹn hò thân mật.

Giận, hờn, ghen cũng phát xuất từ lò nung nỗi nhớ, đó có phải là chất chàm chất lượng tối cao nhuộm đỏ thâm đen khó gỡ khó chùi. Tay đau chặt đứt được chứ cái tâm tình đó không dễ cắt, khó chữa khó chừa. Đặt dấu ấn đâu là suốt cuộc đời không xóa được. Có mòn tưởng tiêu tan rồi rực sáng, bất ngờ chợt đến chợt đi. Không ai thoát khỏi con đường quên quên nhớ nhớ ấy. Tùy mức độ sâu thẳm phát sinh bao mũi tên tình cảm khó lường. Một cử chỉ vô tình nào đó có thể làm gãy đổ gia đình, chỉ vì không quên nên bao chuyện tình đẹp thủy chung kết thúc có hậu. Vậy nhớ là cái chi chi mà ta mãi chi chi với nhớ ? Không biết có phải nhớ để trong đầu, thương ghét để trong tim không vì khoảng cách nầy tuy xa mà gần, tuy nhỏ mà to. Có những nỗi nhớ bâng quơ làm ta biếng ăn mất ngủ, có những nỗi nhớ ngọt ngào đưa ta lịm vào giấc mơ hoang. Ta phí bao thời gian để tìm căn nguyên sợi giây vô hình ấy, lắm lúc trở thành thi sĩ, triết gia lúc nào không biết không hay tự suy, tự diễn. Vừa thấy sao xẹt sao rơi, ta liên tưởng đến huyền thoại ngày nào nghe kể, ước mơ sẽ thành hiện thực nếu thực hiện được ngay trong khoảnh khắc bất ngờ. Khám phá triều cường, cơn sóng thần Tsunami tượng trưng uy vũ của thiên nhiên, người vượt biển mới kiểm nghiệm mình quả là có phúc. Bao kỷ niệm dồn về đong đầy ký ức mới nhận chân số mạng do Trời. Trẻ nhỏ đồng quê ngày xưa thường gọi nhau ơi ới, mang theo giây để buộc khi nhìn thấy vòi rồng trên nền trời đen nghịt. Ở nước chưa tân tiến mà đã muốn trở thành chuyên viên săn con trốt (tornadojager),để rồi chạy đến mỏi chân mà vòi rồng vẫn biền biệt xa vời.

 

Cầu vồng kép ở Victoria, Úc

 

   

Vòi rồng

Vòi rồng gặp cầu vồng

Sau đó cơn mưa trùm xuống, ướt như chuột lột, tắm mưa là cái thú của tuổi trẻ mọi thời. Sao mà nhớ tiếng ếch kêu « uệch oạc », tiếng « huênh hoang » của ảnh ương, tiếng nghiến răng của

« Con cóc là cậu Ông Trời,

‘Ai mà trêu cậu là Trời đánh cho ».

 « Hạt mưa mưa rơi tí tách » trên bờ đất trượt trơn, thương bác nông phu bám chặt ruộng đồng dầm sương giải gió. Nhớ những chiếc vợt bằng vải thô buộc ở đầu cán tre dài chọc thủng tổ kiến vàng trên cành cây so đũa, những cần vó đong đưa trên kinh rạch xanh um cành bần đầy bầy tổ ong, đom đóm.

 

 

Bông so đũa
Con kiến vàng với giọt nước

 Làm sao quên được những thay đổi hình hài cùng những cơn đau từng hồi oằn oại của các bà mẹ lúc gần sanh vì Chúa Trời phạt bà Ê và  đã quên lời cấm, dụ A dong ăn trái táo

Nhớ những buổi chiều tan học vội tránh mưa bên phố vắng, hai xe đạp cận kề, hai đôi mắt chạm nhau lần đầu, ngại ngùng chưa quen thế mà sao hồi hộp bâng khuâng. Có những điều tầm thường vô lý chẳng tài nào hiểu được, mà hiểu để làm chi vì có bao giờ ta hiểu nổi được đâu?

Nhưng thật ra vô phúc cho những ai không còn bộ nhớ, sợi nhớ vì đó là tâm trạng chơi vơi sắp đi đến đoạn đường cùng.. Và phúc cho những ai còn biết dò đường tim về quá khứ, phủi nhẹ lớp bụi thời gian, lần giở trong kho tàng ký ức kỷ niệm lắng đọng, sợi nhớ sợi thương cuộn ràng vết tích biến thành chỉ tơ hồng thảm lót dìu bước hướng tương lai.

Cô Trần Thành Mỹ