Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015
Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015
Tại sao bánh mì có hại cho sức khỏe của bạn? Sự thật gây sốc
Tác giả: Kris Gunnars, authoritynutrition.com
“Ăn bánh mì càng trắng thì bạn càng dễ chết sớm”
Từ lâu người ta đã biết rằng bánh mì trắng và các loại ngũ cốc tinh chế nói chung không đặc biệt bổ dưỡng.
Các nhà dinh dưỡng học và các chuyên gia dinh dưỡng trên toàn thế giới đã khuyến khích chúng ta nên ăn ngũ cốc nguyên hạt thay thế.
Nhưng các loại ngũ cốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc chứa gluten như lúa mì, đang được xem xét kỹ lưỡng trong những năm gần đây.
Giờ đây nhiều chuyên gia y tế uy tín khẳng định bánh mì và các sản phẩm khác từ ngũ cốc chứa gluten là không quá cần thiết mà còn có khả năng gây hại.
Bánh mì có hàm lượng Carbohydrate cao và có thể làm tăng mức độ đường trong máu
Ngay cả bánh mì ngũ cốc nguyên hạt cũng luôn không được làm ra từ ngũ cốc “nguyên hạt” thực sự.
Chúng là ngũ cốc đã được nghiền thành bột rất mịn. Mặc dù quá trình này bảo quản chất dinh dưỡng, nhưng nó khiến cho các sản phẩm này được tiêu hóa quá nhanh.
Tinh bột trong bánh mì nhanh chóng bị biến đổi trong đường tiêu hóa và chuyển thành glucose đi vào máu. Điều này làm lượng đường và insulin trong máu nhanh chóng tăng đột biến.
Ngay cả bánh mì làm từ bột mì nguyên cám cũng làm lượng đường trong máu tăng nhanh hơn nhiều so với kẹo.
Khi lượng đường huyết tăng lên nhanh chóng, nó có xu hướng đi xuống một cách nhanh chóng. Khi lượng đường huyết hạ, chúng ta trở nên đói.
Đây là tình trạng liên quan đến đường huyết quen thuộc với những người có chế độ ăn chứa hàm lượng Carbohydrate (Carbs) cao. Chẳng bao lâu sau khi ăn, họ nhanh chóng bị đói, và phải cần một bữa ăn nhẹ khác có hàm lượng carb cao.
Đường huyết tăng cũng có thể gây ra hiện tượng glycation ở cấp độ tế bào khi đường máu phản ứng với protein trong cơ thể (glycation là một tiến trình khi mức đường huyết cao kết hợp với các protein, tạo thành các protein không mong muốn). Đây là một trong các nhân tố gây ra quá trình lão hóa.
Các nghiên cứu về chế độ ăn hạn chế Carb (loại bỏ/ giảm tinh bột và đường) khuyến cáo rằng những người bị bệnh tiểu đường hoặc cần phải giảm cân nên tránh tất cả ngũ cốc.
Điểm mấu chốt: Hầu hết bánh mì được chế biến từ lúa mì nghiền hành bột. Chúng dễ dàng được tiêu hóa và nhanh chóng làm tăng lượng đường và insulin trong máu, có thể dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu vượt mức và kích thích ăn quá nhiều.
Bánh mì chứa nhiều Gluten
Lúa mì có chứa một lượng lớn protein gọi là gluten.
Protein này có các đặc tính giống như keo (do đó có tên gọi gluten) đảm bảo tính mềm dẻo, đàn hồi của chất bột.
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy rằng : một tỷ lệ đáng kể dân số nhạy cảm với gluten.
Khi chúng ta ăn bánh mì có chứa gluten (lúa mì, lúa mì spenta, lúa mạch đen và lúa mạch), hệ thống miễn dịch trong đường tiêu hóa của chúng ta “tấn công” các protein gluten.
Các thử nghiệm kiểm soát trên cơ thể người không có bệnh celiac (là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten) cho thấy rằng gluten làm hư lại bức tường của hệ tiêu hóa, gây đau, chướng bụng, đi ngoài không ổn định và mệt mỏi.
Nhạy cảm với gluten cũng liên quan đến một số trường hợp bệnh tâm thần phân liệt và thất điều tiểu não – hai tình trạng rối loạn nghiêm trọng của não bộ.
Có lẽ Gluten gây hại cho hầu hết mọi người, chứ không chỉ những người được chẩn đoán mắc bệnh celiac hay nhạy cảm với gluten.
Cách duy nhất để thực sự biết bạn có nhạy cảm với gluten hay không là bạn loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống của bạn trong vòng 30 ngày và sau đó quay lại với nó và xem bạn có bị ảnh hưởng gì không.
Điểm mấu chốt: Hầu hết bánh mì được chế biến từ các loại ngũ cốc chứa gluten. Gluten gây ra một phản ứng miễn dịch ở đường tiêu hóa của những người nhạy cảm. Điều đó có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa, đau, đầy hơi, mệt mỏi và các triệu chứng khác.
Bánh mì chứa nhiều chất có hại khác
Hầu hết các loại bánh mì thương mại có chứa đường hoặc siro ngô có lượng fructose cao, giống như các loại thực phẩm chế biến khác.
Đường gây nhiều tác dụng phụ và ăn thực phẩm chế biến có chứa đường có thể tác động xấu đến sức khỏe.
Hầu hết các loại ngũ cốc đều chứa axit phytic “ngăn ngừa dinh dưỡng”.
Axit phytic là một phân tử liên kết mạnh mẽ với khoáng chất cần thiết như canxi, sắt và kẽm, khiến chúng không được hấp thụ.
Ngâm ngũ cốc trước khi chế biến có thể làm suy giảm axit phytic, và nâng cao hàm lượng các khoáng chất có sẵn.
Điểm mấu chốt: Hầu hết các loại bánh mì đều có chứa đường, thứ cực kỳ có hại cho bạn. Chúng cũng chứa chất “ngăn ngừa dinh dưỡng” cản trở hấp thụ các khoáng chất như canxi, sắt và kẽm.
Hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu rất ít trong bánh mì
Không có chất dinh dưỡng nào trong bánh mì mà bạn không thể lấy được từ các loại thực phẩm khác, thậm chí với hàm lượng lớn hơn.
Ngay cả bánh chế biến từ lúa mì nguyên cám cũng không bổ dưỡng như bạn nghĩ.
Không chỉ hàm lượng chất dinh dưỡng thấp so với các loại thực phẩm tươi, nó còn làm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm khác.
- Calo cho calo, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt có chứa một lượng thấp chất dinh dưỡng so với các loại thực phẩm tươi như rau quả.
- Các axit phytic cản trở sự hấp thụ các khoáng chất như sắt, kẽm và canxi.
- Bằng cách gây tổn hại niêm mạc ruột, gluten làm giảm hấp thụ của tất cả các chất dinh dưỡng.
- Ngũ cốc không chứa tất cả các axit amin thiết yếu, do đó nó rất nghèo protein cần thiết cho con người.
- Sợi mì có thể làm cơ thể bạn đốt nguồn dự trữ Vitamin D nhanh hơn nhiều và góp phần vào sự thiếu hụt vitamin D, tình trạng đó liên quan tới các bệnh ung thư, tiểu đường và cả tử vong.
Điểm mấu chốt: Hầu hết các loại bánh mì không phải là chất bổ dưỡng và protein trong bánh mì không được sử dụng nhiều. Niêm mạc ruột bị tổn hại cùng với axit phytic làm giảm hàm lượng của các chất dinh dưỡng. Lúa mì cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vitamin D.
Lúa mì nguyên cám làm tăng Cholesterol có hại
Trong một nghiên cứu, 36 người được chọn ngẫu nhiên phân thành hai nhóm.
Họ được hướng dẫn để ăn hoặc ngũ cốc yến mạch hoặc ngũ cốc lúa mì nguyên hạt.
Sau 12 tuần, các nhà nghiên cứu đo nồng độ lipid trong máu của cả hai nhóm.
Các ngũ cốc yến mạch làm giảm cholesterol LDL và LDL nhỏ, dày đặc. Về cơ bản, yến mạch nguyên hạt cải thiện đáng kể tình trạng mỡ máu.
Tuy nhiên, các ngũ cốc lúa mỳ làm tăng tổng cholesterol LDL lên 8% và LDL nhỏ, dày đặc lên một con số khổng lồ 60%.
LDL nhỏ, dày đặc là loại cholesterol có liên quan chặt chẽ đến bệnh tim.
Điều này có nghĩa là lúa mì nguyên cám gây hại đáng kể đến mỡ máu và có thể làm tăng mạnh nguy cơ mắc bệnh tim.
Đúng vậy, lát bánh mì nguyên hạt “trái tim khỏe mạnh” đó có thể giết chết bạn.
Điểm mấu chốt: Ăn bánh mì “trái tim khỏe mạnh” có thể tăng cholesterol LDL nhỏ, dày đặc lên một con số khổng lồ 60%. Đây là loại cholesterol có liên quan chặt chẽ tới bệnh tim.
Thông điệp cần nhớ
Bất cứ ai cần giảm cân, có vấn đề về tiêu hóa hoặc bằng cách nào đó bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống phương Tây thì nên loại bỏ bánh mì và các nguồn thực phẩm khác từ ngũ cốc chứa gluten.
Nếu thành ruột bị hư hại, lượng đường trong máu tăng nhanh, đầy bụng, mệt mỏi và LDL nhỏ, dày đặc tăng 60%, vẫn không phải là một lý do chính đáng để ngừng ăn bánh mì, thì có lẽ không còn gì hợp lý hơn nữa.
Bài báo được đăng lần đầu tại www.authoritynutrition.com
Khoa học: Cà phê là nguồn cung cấp chất chống ô xy hóa lớn nhất
Tác giả: Adda Bjarnadottir, www.authoritynutrition.com
Có nhiều ý kiến khác nhau về cà phê.
Một số người tin rằng nó mang lại sức khỏe và hưng phấn, số khác lại bảo gây nghiện và có hại.
Khi để ý phần lớn bằng chứng các nghiên cứu về cà phê, ta thấy rằng nó thực sự tốt cho sức khỏe
Ví dụ, cà phê liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2, bệnh gan, bệnh Alzheimer và một số bệnh khác
Lý giải điều này có thể là hàm lượng ấn tượng các chất chống oxy hóa mạnh mẽ được tìm thấy trong cà phê.
Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy ăn uống cà phê cung cấp nhiều chất chống oxy hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Cà phê chứa một số chất chống oxy hóa mạnh
Cơ thể chúng ta đang bị tấn công liên tục do các phân tử phản ứng được gọi là “các gốc tự do.”
Những phân tử này có những electron (điện tử) chưa trung hòa có thể làm hỏng cấu trúc tế bào quan trọng như protein và DNA.
Đây là nơi mà chất chống oxy hóa vào cuộc. Chúng tặng điện tử cho các gốc tự do, vô hiệu hóa chúng một cách hiệu quả.
Điều này được cho là bảo vệ chống lại sự lão hóa và nhiều bệnh có một phần nguyên nhân là do oxy hóa, bao gồm cả ung thư.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa có thể có nhiều tác dụng sinh học khác và được coi là rất quan trọng cho sức khỏe nói chung.
Điều thú vị là cà phê có chứa một lượng rất lớn các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Có thể nêu một vài ví dụ như các axit hydrocinnamic và polyphenol.
Axit Hydrocinnamic rất hiệu quả trong việc trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa đáng kể sự oxy hóa.
Ngoài ra, các polyphenol có trong cà phê có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh như bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tóm lại: Cà phê có chứa một lượng rất lớn các chất chống oxy hóa, bao gồm cả các chất polyphenols và axit hydrocinnamic. Những chất chống oxy hóa có thể cải thiện sức khỏe và giúp giảm nguy cơ một số bệnh.
Nguồn thực phẩm có các chất chống oxy hóa
Hầu hết mọi người tiêu thụ khoảng 1-2 gram chất chống oxy hóa mỗi ngày.
Chủ yếu đến từ đồ uống như cà phê và trà.
Trong chế độ ăn uống của người Tây phương, đồ uống thực ra là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn hơn rất nhiều so với thực phẩm. Trong thực tế, 79% các chất chống oxy hóa đến từ đồ uống, trong khi chỉ có 21% đến từ thực phẩm.
Tóm lại: Hầu hết các chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống ở phương Tây đến từ đồ uống như cà phê và trà. Chỉ có 21% các chất chống oxy hóa bắt nguồn từ thực phẩm.
Cà phê là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét thành phần chống oxy hóa của các loại thực phẩm khác nhau theo khẩu phần ăn.
Cà phê đứng thứ mười một trong danh sách, sau một vài loại quả mọng khác nhau
Tuy nhiên, rất ít người ăn một lượng lớn các loại quả mọng, nhưng uống vài ly cà phê mỗi ngày thì lại rất phổ biến.
Vì thế, tổng lượng chất chống oxy hóa được cung cấp bởi cà phê vượt xa số lượng trong các quả mọng, mặc dù quả mọng có thể chứa lượng lớn hơn trong mỗi phần ăn.
Trong các nghiên cứu ở Na Uy và Phần Lan, cà phê cho thấy là nguồn chất chống oxy hóa lớn nhất, cung cấp khoảng 64% tổng lượng chất chống oxy hóa.
Trong nghiên cứu này, lượng cà phê trung bình dùng là 450-600 ml/ngày, hoặc 2-4 cốc/ngày.
Ngoài ra, các nghiên cứu từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ba Lan và Pháp đều kết luận cho đến nay cà phê là nguồn cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong ăn uống.
Tóm lại: Các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã chỉ ra rằng cà phê là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong ăn uống.
Cà phê liên quan đến việc giảm nguy cơ của nhiều bệnh tật
Uống cà phê có liên quan với việc giảm nguy cơ của nhiều bệnh.
Ví dụ, người uống cà phê giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 xuống từ 23 đến 50%. Mỗi tách cà phê hàng ngày tương ứng với nguy cơ giảm đi 7%.
Uống cà phê dường như là rất có lợi cho gan, vì người uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh xơ gan thấp hơn nhiều.
Cà phê cũng có thể giảm nguy cơ ung thư gan và ruột, một số nghiên cứu đã cho thấy còn làm giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Tiêu thụ cà phê một cách thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson từ 32% đến 65%.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê cũng có thể đem lại lợi ích sức khỏe tâm thần. Phụ nữ uống cà phê ít có khả năng bị trầm cảm và tự tử.
Trên hết, uống cà phê có liên quan đến tuổi thọ dài hơn và nguy cơ tử vong sớm thấp hơn từ 20 – 30%.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hầu hết các nghiên cứu đều là quan sát. Chúng không thể chứng minh rằng cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh, mà chỉ là những người uống cà phê bị những căn bệnh này ít hơn.
Tóm lại: Uống cà phê có liên quan đến rất nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cả việc giảm nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2, gan, tim và các bệnh thần kinh. Cà phê cũng có thể lợi cho sức khỏe tinh thần và giúp bạn sống lâu hơn.
Chất chống oxy hóa trong cà phê có tương đương những chất tìm thấy trong trái cây và rau quả?
Có rất nhiều loại chất chống oxy hóa trong thức ăn, và cà phê là một nguồn rất tốt trong số đó.
Tuy nhiên, nó không chứa các chất chống oxy hóa giống thức ăn thực vật toàn phần như trái cây và rau quả.
Tốt nhất cho sức khỏe là sử dụng các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật từ nhiều nguồn khác nhau.
Vì vậy, trong khi cà phê có thể là nguồn cung lớn nhất chất chống oxy hóa trong ăn uống, nhưng không nên coi là nguồn duy nhất.
Uống cà phê giúp bạn ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Tác giả: Tang Yaling, Epoch Times
Một nghiên cứu của Đại học St. Paul (University of St. Paul) ở Brazil cho thấy rằng uống bốnounce (tương đương với 113 gam) cà phê sau bữa trưa mỗi ngày giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tương ứng.
Nhà nghiên cứu Daniela Sartorelli đã theo dõi 70.000 người, từ 41 tới 72 tuổi kể từ năm 1990, và bà đã so sánh tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tương ứng với lượng cà phê mà họ uống.
Bà nói rằng có những nghiên cứu khác cũng cho thấy cà phê hiệu nghiệm trong việc phòng chống bệnh tiểu đường loại 2, nhưng sự khác biệt là ở thời gian, tức là uống cà phê vào lúc nào trong ngày.
Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm 34% đối với những phụ nữ uống cà phê sau bữa trưa. Ngược lại, phụ nữ uống cà phê vào những lúc khác trong ngày không có cùng kết quả như vậy.
Trong thời kỳ thu thập dữ liệu, có 1.425 người có biểu hiện bệnh tiểu đường loại 2, và 1.051 người trong số đó không uống đủ 4 ounce cà phê hoặc không uống chút nào sau bữa trưa; 374 người còn lại uống ít nhất 4 ounce cà phê sau bữa trưa.
Dữ liệu cũng biểu thị rằng liệu cà phê có chứa chất caffeine hay đường có ảnh hưởng đến kết quả hay không.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù các đối tượng (nghiên cứu) là phụ nữ, kết quả cũng sẽ giống như với nam giới, vì các nghiên cứu tương tự khác đã bao gồm cả nam giới và phụ nữ.
Bà Sartorelli tin rằng lý do mà cà phê có thể phòng bệnh tiểu đường loại 2 là vì cà phê có thể làm chậm sự hấp thụ sắt của cơ thể, một quá trình có thể đưa đến căn bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu khác về việc phòng bệnh đái tháo đường bằng cà phê cũng đã chỉ ra rằng các sản phẩm cà phê không chỉ giúp cải thiện sự nhạy cảm insulin và hấp thụ glucose của cơ thể, mà còn ngăn quá trình ô-xy hóa insulin bằng cách chặn đứng việc tiết ra các tế bào bê-ta tuyến tụy.
Hoạt động của đàn kiến vừa như chất rắn vừa như chất lỏng
Tác giả: Jason Maderer, Georgia Institute of Technology
Theo một nghiên cứu mới, loài kiến thực ra có thể hoạt động như chất lỏng và chất rắn cùng một lúc.
Các thuộc tính này có thể giải thích khả năng đặc biệt của bầy kiến: thay đổi đội hình và nhiệm vụ tùy thuộc vào yêu cầu môi trường. Khi nước lũ tràn đến, chúng bám vào nhau và tạo thành chiếc bè nổi để có thể sống sót. Chúng cũng có thể sử dụng thân mình để tạo thành chiếc cầu và bắc qua khoảng trống.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện công nghệ Georgia đã thăm dò các thuộc tính cơ học của đàn kiến lửa bằng cách bỏ hàng ngàn con kiến vào máy đo độ lưu biến (rheometer), một loại thiết bị được sử dụng để kiểm tra phản ứng của các loại vật liệu như thực phẩm, kem tay, hoặc nhựa tan chảy, xem chúng giống chất rắn hơn hay giống chất lỏng hơn.
Những con kiến bị tác động bởi một tỷ số tốc độ cắt không đổi từ khoảng 0,0001 rpm lên đến khoảng 100 rpm. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng hành vi của những con kiến sống cũng tương tự như những con kiến chết: khi bầy kiến bị ép xô đẩy, những con kiến sống cứ để cho mình trôi đi và giả chết. Trong trường hợp này, độ nhớt (là một đại lượng vật lý đặc trưng cho trở lực do ma sát nội tại sinh ra giữa các phân tử khi chúng có sự chuyển động trượt lên nhau) giảm đáng kể khi tốc độ tăng lên.
“Nó không khác gì nước sốt cà chua”, Alberto Fernandez-Nieves, một giáo sư tại Khoa Vật lý nói. “Bạn càng bóp thì nó càng dễ chảy. Nhưng với những con kiến, chúng chảy còn nhanh hơn cả nước sốt cà chua.”
“Loài kiến dường như có một nút bật/tắt nên khi bị tác động bởi một lực đủ lớn, chúng tự buông trôi,” David Hu, một giáo sư tại Khoa Cơ khí George W. Woodruff nói. “Mặc dù chúng luôn muốn bám vào nhau nhưng chúng sẵn sàng buông ra để hoạt động như chất lỏng nhằm hạn chế việc bị giết hoặc bị thương.”
Thả một đồng xu qua một bầy kiến (như trong video) cũng kích hoạt hành vi này. Đàn kiến sẽ chạy quanh đồng xu để cho nó từ từ chìm dần xuống xuyên qua chúng. Sẽ mất một khoảng thời gian tương đối dài để đồng xu chìm xuống. Tuy nhiên, khi đàn kiến bị một lực tác động nhanh, nó sẽ phản ứng như một cái lò xo và trở về hình dạng ban đầu khi thôi tác dụng lực.
“Đây là biểu hiện của thuộc tính đàn – nhớt (có nghĩa là đặc điểm của vật liệu thể hiện cả 2 thuộc tính nhớt và đàn hồi khi chịu lực biến dạng)”, Fernandez-Nieves nói. “Những con kiến biểu hiện phản ứng như lò xo khi bị tấn công trong thời gian ngắn, nhưng biểu hiện đặc điểm như chất lỏng khi chịu lực tác dụng trong thời gian dài hơn.”
Sống hay chết
Nhóm nghiên cứu định lượng khả năng đàn – nhớt bằng cách xem xét phản ứng của loài kiến theo từng thay đổi của tỷ số tốc độ cắt máy đo độ lưu biến. Họ phát hiện ra rằng những con kiến hoạt động cả như chất lỏng và chất rắn. Họ làm thí nghiệm tương tự với những con kiến chết và thấy rằng nó chỉ giống chất rắn. Điều này cho thấy những con kiến sống giống như chất lỏng và chất rắn là do sự chuyển động của chúng.
“Thật ấn tượng, các hành vi quan sát được tương tự như những gì quan sát thấy trong các vật liệu nhân tạo, như gel polymer tại thời điểm nó chế xuất thành gel,” Fernandez-Nieves nói.
“Điều này khá khó hiểu, và hiện tại chúng tôi đang thực hiện nhiều thí nghiệm hơn để thử nghiệm và hiểu sâu hơn về nguyên nhân phát sinh những điểm tương đồng này và giới hạn của chúng. Việc làm này hy vọng sẽ mở rộng cách suy nghĩ hiện tại của chúng ta về vật liệu, giống như những con kiến, vốn luôn ở trạng thái động chứ không phải trạng thái cân bằng. Chúng tôi có rất nhiều kế hoạch thú vị muốn thực hiện với loài kiến. ”
Giống như thạch rau câu
Michael Tennenbaum, một tiến sỹ làm việc ngắn hạn tham gia vào nghiên cứu này, cũng so sánh hành vi của đàn kiến với thạch rau câu.
“Hãy tưởng tượng nếu bạn muốn làm được rau câu ngon nhất từ gelatin. Nó vừa rắn nhưng lại vừa lỏng,” ông nói. “Đó là vì gelatin có thể làm cho nó rắn lại nhưng không đủ rắn hoàn toàn. Thạch rau câu vẫn ở cả dạng rắn và lỏng. ”
Hu cũng sử dụng các tính chất giống như chất lỏng của loài kiến để nghiên cứu vật liệu tự phục hồi.
“Nếu bạn cắt một miếng bánh mì bằng một con dao, bạn sẽ có hai miếng bánh”, Hu nói. “Nhưng nếu bạn cắt qua một đống kiến, chúng chỉ đơn giản là cho các con dao đi qua, sau đó trở lại trạng thái ban đầu. Nó giống như kim loại lỏng như cảnh trong phim Terminator (Kẻ hủy diệt)”.
Hu nói sự linh hoạt này cho phép những con kiến thưởng thức những điều tuyệt vời nhất trong cả hai thế giới. Chúng có thể trở thành chất rắn để làm mọi việc và trở thành chất lỏng để tránh bị phá vỡ thành từng “mảnh vụn”.
Nghiên cứu được công bố trên Nature Materials.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội Mỹ và Viện nghiên cứu Khoa học cơ khí Văn phòng Bộ Lục Quân Hoa Kỳ, Chương trình cơ chế và hệ thống phức, hỗ trợ nghiên cứu này. Bất kỳ kết luận thể hiện là của các điều tra viên chính và có thể không nhất thiết thể hiện quan điểm chính thức của các tổ chức tài trợ.
Bài viết này được đăng lần đầu tại Georgia Tech. Tái xuất bản với sự cho phép của Futurity.org,Creative Commons License 4.0.
6 điều bạn có thể làm sau khi thưởng thức cà phê
Tác giả: Rhodri Jenkins, University of Bath
Nhiều người trong chúng ta cần phải có một cốc cà phê để nạp năng lượng cho một buổi sáng sớm với các cuộc họp, một buổi trưa uể oải hay những buổi học thâu đêm. Ngày nay, cụm từ “cà phê” và “nhiên liệu” được nói đùa như là những từ đồng nghĩa. Hơn 9 triệu tấn hạt cà phê được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới, khi chúng được pha chế xong sẽ tạo ra một lượng chất thải vô cùng lớn. Hiện nay chủ yếu chúng được xử lý bằng cách chôn cùng các chất thải khác.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc đã khám phá ra một cách sử dụng phế thải từ cà phê làm một dạng nhiên liệu vô cùng có ích. Trong một nghiên cứu về công nghệ Nano, họ đã sử dụng chất thải cà phê để sản xuất một chất liệu carbon với rất nhiều các lỗ nhỏ làm tăng diện tích bề mặt, được gọi là carbon “đã hoạt hóa”. Vật liệu mới này có khả năng hấp thụ và lưu trữ methane và hydrogen – đều là những chất có thể được sử dụng làm nhiên liệu.
Trong khi khả năng lưu trữ các nhiên liệu này từ một loại vật liệu giá rẻ như vậy là một bước tiến lớn, giúp cho công nghệ này có thể đứng vững được, nó cũng đem tới một lợi ích đối với môi trường: methane là loại khí nhà kính có hại.
Đây không phải là cách sử dụng duy nhất đối với bã cà phê thải. Do nó là một nguồn chất thải tương đối tinh khiết và cơ bản là miễn phí, các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nhân đã và đang có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc tận dụng nó.
Dùng cà phê làm nhiên liệu đốt với chi phí thấp
Những năm gần đây, hãng Nestle đã bắt đầu dùng bã cà phê từ sản phẩm cà phê hòa tan của mình làm nhiên liệu nhiệt. Hiện hãng dùng cà phê để nấu thực phẩm do hãng này sản xuất tại hơn 20 nhà máy toàn cầu, thay vì đổ đi 800.000 tấn bã cà phê mỗi năm vào những bãi rác phế liệu.
Công ty Bio-bean có trụ sở ở London đang cố gắng để biến chất thải từ các nhà sản xuất cà phê hòa tan địa phương (gần 200.000 tấn chỉ riêng tại London và đông nam nước Anh) thành các viên sinh khối để sản xuất điện, cũng như thành sản phẩm sưởi gia dụng dùng phương thức đốt khí hóa trấu hiện đại. Những hạt cà phê đốt sạch hơn và chứa năng lượng nhiều hơn 50% so với viên gỗ truyền thống. Tuy nhiên, không giống như Nestlé, Bio-bean đầu tiên tách dầu từ cà phê và đem tới công dụng thứ 2 dưới đây.
Biến cà phê thành nhiên liệu lỏng
Giống với hầu hết các giống cây trồng, hạt cà phê có chứa một lượng dầu đáng kể mà có thể được vắt ép ra hoặc chiết xuất hóa học. Sau đó nó có thể được biến đổi thành dầu diesel sinh học, có các thành phần tương tự như dầu diesel thông thường.
Nghiên cứu của tôi cho thấy dầu diesel sinh học chiết xuất từ cà phê không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như địa phương nơi cà phê được trồng, chủng loại cà phê hay nó được ủ như thế nào. Đây là điểm cộng tuyệt vời vì điều này có nghĩa rằng khi đốt nhiên liệu làm từ cà phê sẽ phát ra năng lượng ổn định và nhất quán.
Bã cà phê cũng có thể được lên men để sản xuất ethanol hoặc dưới điều kiện nhiệt độ và áp rất cao có thể tạo thành dầu sinh học, là vật liệu tương tự như dầu thô. Tuy nhiên, cả hai quá trình này đều rất tốn kém. Dầu diesel sinh học là nhiên liệu duy nhất mà có vẻ là khả thi đối với quy mô lớn hơn, vì vậy hãng Bio-bean mới nỗ lực thương mại hóa nó.
Với nhiều hóa chất có giá trị
Cà phê có chứa nhiều hóa chất trong nó mà khi được phân tách và làm sạch có thể phục vụ cho nhiều mục đích cụ thể. Ví dụ như nó có axít chlorogenic, một loại phụ gia thực phẩm có thể hạ huyết áp; trigonelline giúp phòng chống và điều trị tiểu đường và các bệnh hệ thống thần kinh trung ương, polyhydroxyalkanoate được dùng làm nhựa sinh học; và một loạt các chất chống oxy hóa được dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc thêm vào trong nhiên liệu và chất bôi trơn để kéo dài tuổi thọ của chúng.
Phân trộn cà phê?
Bã cà phê rất giàu đạm, một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự tăng trưởng của thực vật. Rất nhiều cửa hàng cà phê biết điều này và họ cung cấp cà phê đã qua sử dụng cho những khách hàng có yêu cầu. Nó giúp họ bớt chất thải và còn góp phần làm tăng trái cây và rau hữu cơ được chăm bón bằng cà phê. Các cửa hàng có lý do gì để từ chối?
Thấm các kim loại nặng
Bã cà phê thậm chí còn hiệu quả trong việc thấm các “kim loại nặng” có hại như crom, đồng, niken, hoặc chất chì vốn hay bị rò rỉ từ nhà máy hóa chất, trang trại, hoặc các nhà máy và gây ra thiệt hại đáng kể. Trong những điều kiện cụ thể trong phòng thí nghiệm, bã cà phê cho thấy có thể loại bỏ đến 91 phần trăm các ion kim loại nặng trong dung dịch – một ví dụ tuyệt vời về lợi ích môi trường tiềm năng.
Cà phê trong công nghệ
Phức tạp hơn hết, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra việc dùng cà phê để làm siêu tụ điện – có khả năng tích tụ nhiều điện năng hơn với chu kỳ nạp dài hơn so với pin truyền thống. Những tấm nanosheet carbon xốp siêu mỏng với các ưu điểm điện tử đã được đưa vào sản xuất.
Cho dù nó được sử dụng làm phân bón trong vườn, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc ngay cả trong sản xuất nhiên liệu công nghiệp, rõ ràng chất thải từ cà phê có thể được dùng trong rất nhiều việc. Sự đa dạng về mặt ứng dụng có thể lại là mặt trái của nó. Cuối cùng thì, làm sao bạn có thể quyết định được đối với thứ quá đa năng.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta không nên vứt chúng đi.
Rhodri Jenkins là nhà nghiên cứu với học vị tiến sỹ về nhiên liệu sinh học tại University of Bath, Vương quốc Anh. Bài viết này đã từng được đăng trên TheConversation.com
7 loại hoa được sử dụng trong y học cổ truyền
Thực vật có hoa thật tài tình. Chúng biết làm thế nào để chiếm được sự chú ý của chúng ta và thu hút các loài côn trùng. Chúng cố ý khoe ra giới tính của mình. Và điều đó là hoàn toàn hợp lý vì nhiệm vụ của những bông hoa là đảm nhiệm chức năng sinh sản của cây. Thực vật sản sinh ra những cánh hoa xinh đẹp có màu sắc và hình dáng đa dạng với bộ phận sinh sản được ẩn giấu tài tình ở bên trong. Những bông hoa tỏa ra mùi hương kích thích mạnh mẽ, khuyến khích các loài côn trùng bay đến. Mật hoa và phấn hoa là phần thưởng cho côn trùng, ngược lại thực vật cũng thu được lợi ích từ côn trùng khi chúng giúp các loài hoa thụ phấn bằng cách mang theo phấn hoa của cây này sang cây khác. Loài hoa thông minh hơn bạn tưởng, và chúng còn có rất nhiều công dụng.
Nhờ có hoa mà chúng ta có được các loại thực phẩm, chẳng hạn như gạo, lúa mì, ngô. Hoa còn cho chúng ta các vật liệu may mặc như bông và nguyên liệu dùng trong y học, liên tục trong hàng ngàn năm nay. Từ rất lâu trước khi thuốc tây y xuất hiện, các loại hoa đã được sử dụng để làm thảo dược trị bệnh và việc sử dụng chúng đã được ghi chép từ 500 năm sau công nguyên. Y học cổ truyền đã dùng hoa làm thảo dược trị bệnh để chữa trị rất nhiều các chứng bệnh khác nhau. Dưới đây là một vài ví dụ:
Hoa Viola (Tử hoa địa đinh) là loại hoa có màu tím. Loại hoa/thảo dược này có tác dụng chống viêm và hạ nhiệt, vì thế nó có khả năng điều trị sốt và nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phương thuốc thảo dược để trị rắn cắn vì tác dụng làm giảm sưng và tiêu độc hiệu quả.
Hoa chùa hoặc hoa hòe (Hòe hoa) được sử dụng để cầm máu. Y học cổ truyền thường sử dụng loại hoa/thảo mộc này trong điều trị bệnh trĩ và chứng đa kinh ở phụ nữ.
Hoa cúc (Cúc hoa) Loại thảo dược phổ biến này có tới hơn 30 loại khác nhau và là một phương pháp tự nhiên điều trị các bệnh về mắt như chứng khô mắt và đau mắt nói chung. Nó cũng thường được sử dụng cho bệnh cao huyết áp, đau đầu và một số bệnh khác trong y học cổ truyền.
Hoa rum (Hồng hoa) là loại hoa có màu đỏ, thường được dùng để điều trị rối loạn kinh nguyệt. Nó giúp điều hòa và làm tan các cục máu đông. Hoa rum đã được nghiên cứu rộng rãi và chứng tỏ hiệu quả trên những bệnh nhân bị bệnh tim và đau khớp. Loài hoa này cũng có tác dụng cao trong điều trị mụn cơm.
Hoa mộc lan (Ngọc lan hoa) Bạn nghĩ sao khi một bông hoa sẽ giúp bạn trị nghẹt mũi? Loài hoa này là một trong những biện pháp thảo dược hữu hiệu nhất đẻ trị nghẹt mũi và viêm xoang mãn tính.
- Hoa sen (Liên tử tâm) Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến một trong những loài hoa nổi tiếng nhất trong y học cổ truyền, hoa sen. Tám bộ phận của cây sen đều được sử dụng và có các đặc tính dược liệu khác nhau. Hoa sen có tác dụng điều trị rối loạn chảy máu (ví dụ chảy máu cam) và thường được sử dụng trong chứng sốt cao và các hội chứng kích thích khác. Nhị của hoa sen cũng có khả năng làm lành vết thương. Một tác dụng nữa của hoa sen trong y học cổ truyền là giúp ngủ ngon và chữa mê sảng.
Hoa thật sự có những đặc tính chữa bệnh tuyệt vời và làm thay đổi thế giới của chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Y học cổ truyền nắm bắt và sử dụng được những lợi ích chữa bệnh của hoa chứ không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp bề ngoài của chúng. Còn có rất nhiều loại hoa được sử dụng trong y học cổ truyền, nhiều hơn những gì mà tôi đề cập đến trong khuôn khổ bài viết này.
Cảm ơn các thực vật có hoa trong mùa hè này vì đã cho chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đa dạng của chúng. Những bông hoa không chỉ đẹp mắt, mà còn cung cấp cho chúng ta một nguồn dược liệu phong phú và quý giá.
Jennifer Dubowsky, là một bác sĩ châm cứu đã được cấp chứng chỉ hành nghề ở trung tâm thành phố Chicago, Illinois, kể từ năm 2002. Dubowsky có trong tay bằng Cử nhân Khoa học về Y học vận động từ trường Đại học Illinois ở Chicago và bằng Thạc sĩ Khoa học về Đông y từ trường Cao đẳng Châm cứu Tây Nam ở Boulder, Colorado. Trong quá trình học tập, bà đã hoàn thành xong một khóa thực tập bác sĩ nội trú tại Bệnh viện hữu nghị Trung-Nhật ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Dubowsky đã nghiên cứu và có các bài viết về y học cổ truyền và tổ chức các buổi tọa đàm về chủ đề này. Bà duy trì một trang blog nổi tiếng về sức khỏe và y học cổ truyền tại Acupuncture Blog Chicago.Adventures in Chinese Medicine (Những cuộc phiêu lưu trong Y học cổ truyền) là cuốn sách đầu tay của bà. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin về tác giả tại website: www.tcm007.com.
Tác giả: Jennifer Dubowsky
Tác dụng chữa bệnh của hoa cúc
Tác giả: Lynn Jaffee
Mỗi độ thu sang, khi những chiếc lá bắt đầu chuyển sắc, lòng tôi lại ngập tràn những cảm xúc hoài niệm về thời thơ ấu ở New England. Khi những ngày hè oi ả qua đi, không khí trở nên mát mẻ báo hiệu rằng mùa thu sắp đến, trẻ con chúng tôi lại chọn ra những chiếc lá nhiều màu sắc nhất để làm thành giấy sáp, hay cùng nhau khắc hình lên những quả bí ngô. Dăm ba lần mỗi độ mùa thu, chúng tôi sẽ đi đến Cider Mill, một nhà máy làm rượu táo kiểu cũ ở gần nhà chúng tôi. Ở đó, chúng tôi có thể xem táo chín lăn vào một chiếc thùng rộng hình phễu, sau đó được nghiền nát thành nước táo tươi hoặc làm rượu táo.
Không chỉ có táo, bí ngô, và những bông ngũ cốc đầy màu sắc, Cider Mill còn có những chậu hoa cúc – những khóm hoa cuối cùng còn sót lại trong tiết trời se lạnh của mùa thu. Những bông cúc vẫn thản nhiên khoe sắc, rực rỡ và tươi mới như thể đã sẵn sàng ngồi trên những bậc cửa xinh xắn và chờ đón cái giá lạnh se sắt đầu tiên của mùa đông.
Ngoài vẻ đẹp và sức chịu đựng phi thường, những bông hoa cúc còn có nhiều đặc tính đáng quý khác, đặc biệt là trong y học cổ truyền. Dưới đây là một số điều bạn có thể chưa biết về loại thảo dược này:
– Trong các nền văn hóa phương Đông, hoa cúc là biểu tượng của sự may mắn, giàu có, hạnh phúc, và trường thọ. Chính vì thế, hoa cúc được coi là quốc hoa của Nhật Bản.
– Những bông hoa cúc gợi cho chúng ta những suy ngẫm về mùa thu và mùa đông sắp tới. Những cánh hoa nở rộ còn tượng trưng cho mặt trời và sự trở lại đầy hy vọng sau những ngày mùa đông u ám.
– Hoa cúc là một loài hoa cổ xưa. Chúng đã được trồng từ hơn 3.000 năm về trước.
– Trong y học cổ truyền, hoa cúc là một loại thảo mộc đa năng. Chúng được sử dụng để trị đau đầu thể phong nhiệt, một dạng đau đầu kèm theo cảm mạo và sốt nóng.
– Hoa cúc là một loại thảo mộc tính mát, hương thơm nhẹ. Nó có tác dụng giải nhiệt, trị gan nóng, đặc biệt khi có biểu hiện mắt khô, đỏ, hoặc đau.
– Tính mát của hoa cúc còn giúp điều trị thận hư gan yếu, đặc biệt khi nó gây ra mờ mắt hoặc hoa mắt, hoặc giải nhiệt trong trường hợp gan nóng, triệu chứng là chóng mặt, hoa mắt và đau đầu.
– Vì hoa cúc có khả năng làm tiết chế “dương vượng” nên nó còn là một loại thảo mộc hữu ích trong điều trị cao huyết áp.
– Hoa cúc màu nào cũng đều có thể sử dụng được, cúc trắng (còn gọi là cúc ngọt) là loại tốt nhất để bổ gan và bổ mắt. Cúc vàng cũng rất tốt trong việc điều trị các triệu chứng về mắt và đau đầu do cảm lạnh và cúm.
– Bạn có thể thu hoạch hoa cúc, rồi phơi khô, và cất đi dùng dần. Chỉ cần cắt toàn bộ cây khi hoa đang nở rộ và dốc ngược xuống để phơi khô. Sau đó, bạn có thể dùng những bông hoa này để ướp trà. Để có hiệu quả điều trị, trà hoa cúc phải được dùng liên tục trong vài tuần hoặc vài tháng.
– Để làm hạ huyết áp hoặc cholesterol, hãy uống trà hoa cúc với nước quả hawthorne. Bạn có thể cần phải thêm một chút đường, vì quả hawthorne có vị hơi chua. Nếu muốn bồi bổ cho gan và thận, hoặc bổ mắt, hãy cho thêm kỷ tử vào ấm trà của bạn.
Khi bạn ghé thăm chợ nông sản hoặc một nông trang vào mùa thu này, đừng quên ngắm nhìn những khóm hoa cúc xinh đẹp. Và suy nghĩ về chúng như một là loại thảo mộc thanh mát, có tác dụng giải nhiệt, bổ mắt và hạ huyết áp.
Lynn Jaffee là một bác sĩ châm cứu đã được cấp phép, bà là tác giả của cuốn sách Simple Steps:The Chinese Way to Better Health. Bài viết này được đăng lần đầu trênAcupunctureTwinCities.com.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)