a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TÔI CƯỚI VỢ. ( MAI HƯƠNG CHUYỂN.)



                                                  



Hồi học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ), tôi có đọc đâu đó truyện ngắn tựa là "Lấy vợ miền quê", của tác giả nào tôi quên. Tôi rất khoái truyện ngắn nầy và định bụng lớn lên mình cũng “lấy vợ miền quê” như tác giả kia. Nói thì hơi xấu hổ, vừa đậu Tú Tài phần hai, lúc đó tôi mới 18 tuổi tây, tức 19 tuổi ta, mà tôi đã..."muốn vợ"! Con trai mà “muốn" chuyện gì thì thường vòi vĩnh với mẹ, như chiếc xe đạp, đồng hồ, quần áo mới, kể cả chiếc solex cáu cạnh tôi đang chạy, mà chỉ hàng “thiếu gia”... ở tỉnh như tôi mới có.



Những thứ đó tôi đều manh dạn nói với mẹ, và lần nào cũng vậy, mẹ tôi không cần suy nghĩ mà “ô kê” liền. Còn cái vụ "muốn vợ" nầy, tôi có miệng mà chẳng thốt nên lời! Tôi định bụng lúc nào mẹ vui và khi chỉ có hai mẹ con ở nhà thì tôi "tâm sự" liền. Mẹ lúc nào lại không vui! Vả lại tôi là con một trong gia dình, chỉ cần ba tôi đi uống cà phê hay đi đâu đó thì có biết bao nhiêu dịp… may!

Thế mà khi thấy mẹ ngồi, tôi vừa xề lại thì bao dũng khí đã tiêu tan! Bao lần như vậy, dường như bà để ý, giọng ngọt ngào cố hữu:

- Gì đó con trai cưng? Muốn gì nữa phải không?


Lúc đó tôi chỉ cần một “gờ-ram” dũng khí, thêm một tiếng "vợ" sau tiếng "muốn" của me tôi thì đòn cân cục diện đâu lại vào đấy rồi.

Đàng nầy tôi lại nhút nhát, rụt rè! – Điều nầy, vốn không phải là bản tính của tôi:

- Dạ... có "muốn" gì đâu mẹ!

Trả lời xong tôi thấy ấm ức, giận mình sao quá yếu gan! Thì may thay, vợ chồng anh hai Trân tới chơi. Anh với tôi là chú bác ruột tôi. Hai Trân là con trai trưởng của bác hai, còn cha tôi đến thứ chín, nên ảnh nhỏ hơn cha tôi chẳng bao nhiêu. Anh rất vui tính, cởi mở, lẹ làng, sốt sắng. Cái gì cũng chịu hoạch toẹt, không chịu úp úp mở mở, nên có khi hơi lố lố. Vậy mà tôi lại quý mến anh ở điểm nầy nhất, mới lạ!


Chưa chào hỏi mẹ tôi, anh nhìn tôi bôm bốp:

- Đậu (Tú Tài ) rồi hả mậy? Là người lớn rồi, cưới vợ được rồi đó nghen!

Thuở đó đậu Tú Tài cũng oai lắm, kiếm việc làm dễ như chơi. Trong thân tộc có người đậu tú tài là niềm hãnh diện chung. Nghe anh nói, tôi khoái chí tử, nhưng cũng làm bộ:
- Mới bây lớn mà có vợ gì anh ơi!

- Sao lại “bây lớn"? Hồi tao cỡ mầy là con cu biết gáy rồi. Mầy hỏi chú chín....

Chị hai thúc mạnh vào hông chồng:

- Nói bậy không hà! Thím chín kìa!.. Chú nó còn nhỏ...

- Nhỏ nhỏ cái gì? Cỡ tuổi nó tôi có con rồi!


Tôi mỉm cười, thấy thích anh lạ! Anh hai quay sang mẹ tôi:

- Thím chín! Em lớn rồi nghen thím. “Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương”đó thím. Em nó đẹp trai, học giỏi, nhà giàu, mà thím không chịu cưới vợ cho nó là có ngày có người bồng cháu nội về cho thím nuôi đó!

Chị hai nạt:

- Nói bậy không hà! Cái tật không bỏ!

Anh hai nói chuyện thường chêm vào mấy câu chữ nho, những lần đó tôi cũng bực mình, vì có câu tôi cũng không hiểu nghĩa rõ ràng.


Câu anh vừa nói tôi hiểu, xem ra nó cũng hay đó chứ! Còn chị hai, là người phụ nữ nết na, đẹp lại hiền, hay kìm chế chồng những khi anh quá trớn. Đặc biệt lần nầy tôi lại thấy chị hơi… quá trớn!





Mẹ mỉm cười:

- Biết nó chịu không mà cưới?

Tim tôi đập thình thịch. Không ngờ diễn tiến lại thuận lợi như vậy. Mẹ nói thế tức là nếu tôi "chịu" thì mẹ cưới chứ gì? Ôi con đường... cưới vợ sao mà hanh thông như vậy!
Anh hai quyết liệt:

- Sao lại hổng chịu thím? Hỏng lẽ nó muốn vợ nó lại la làng lên sao? Hồi trước con muốn vợ, con cũng đâu dám nói cho má con mà phải nhờ chú chín mở hơi giùm. Thím quên rồi sao?

Quay qua tôi, anh dịu giọng:

- Nè cưng, anh hai hỏi thiệt nghen, cưng có muốn cưới vợ không?

Phải nói là nhờ anh hai mà lòng tôi tràn dũng khí. Tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội. Chỉ cần tôi nói một tiếng "muốn" là bài toán có đáp số ngay, và bao nhiêu đè nén trong lòng bấy lâu chắc chắn giờ đây tan biến! Nhưng như vậy xem phàm phu quá! Tôi cười cười, đợi cho mọi người chờ một lát, thần khẩu xui tôi phát ra một câu quá tuyệt vời:

- Thì hồi trước anh hai sao thì giờ em vậy thôi!

Mọi nghười cười rần và mang ý nghĩa khác nhau. Tôi cười cho... đở mắc cở. Chị hai cười xòa góp phần vui; anh hai cười ngất, cười sặc sụa của người thích chí; còn mẹ thì cười hiền hòa, sung sướng, lấy tay áo chậm hai khóe mắt rưng rưng. Tôi thấy thương mẹ vô cùng, sà vào lòng mẹ. Dù là một cậu tú, nhưng với mẹ, tôi vẫn thường thích mẹ vuốt ve như thuở lên ba. Mẹ vò tóc tôi, nói với anh chị hai:

- Bây thấy hôn? Nó làm còn như nhỏ lắm vậy!

Mẹ hỏi tôi:

- Bộ con có để ý bạn gái nào ở trường hả?


Tôi lắc đầu. Mẹ bảo:

- Vậy thì mẹ biết ai mà cưới cho con?

Anh hai nhanh nhẩu:

- Thì làm mai! Hồi trước chú chín cũng vậy, con cũng vậy. Có ai thương yêu ai trước đâu? (liếc sang chị hai) Chừng về ở chung cũng khoái thấy mồ...

Anh phủi bàn tay chị hai định nhéo vào hông anh:

- Vậy chớ hỏng phải sao?

Rồi quay sang tôi, anh lại ngọt ngào và xôm tụ:

- Nè, bây giờ em chưa quen ai phải không? E hèm! Hồi trước anh cũng vậy thôi. Có sao? Nhưng em phải cho thím chín và anh chị hai đây biết mẫu người em ưng thế nào thì ở đây mới kiếm cho em được chứ! Thí dụ, hồi trước anh ra tiêu chuẩn là phải vừa đẹp, vừa hiền, vừa có chút học vấn. Em thấy hôn, chị hai đúng bon tiêu chuẩn đó, Anh thấy là khoái liền. Hề hề…!

Tôi thấy mặt chị hai đỏ lên vì sung sướng:

- Nói không biết mắc cở....

Sẵn đà, tôi tiếp:

- Mà phải ở miệt vườn nữa em mới chịu.

Anh hai có vẻ cụt hứng, còn mẹ thì có vẻ vui:

- Phải đó à bây, con gái ở vườn nó nết na, thùy mị, giỏi giang.

Anh hai cười. lại xông xáo:

- Trúng tủ bả rồi! Mà cũng dễ thôi! Thím bán tạp hóa lớn, mối mang miệt vườn biết bao nhiêu, nhờ họ mối lái giùm.


Chị hai:

- Sao hăng hái dữ! Mai mốt anh hai chịu lạy đó nghen!

- Tất nhiên! tất nhiên!


Thói thường người ta tin tưởng vào những gì mình hy vọng, và sợ mất những gì mình có. Mẹ đã xong rồi, còn ba thì sao? Ba thường hay chìu ý mẹ dù đôi khi ý mẹ có đôi chút ông chẳng hài lòng, nhưng đó là những việc nhỏ đời thường, còn đây là "hôn nhân đại sự", liệu ba có còn chìu mẹ hay không?


Ngày hôm sau, tôi thấy ba có vẻ khác khác - vậy là mẹ nói với ba rồi! Ba ít nói, có chiều nghĩ ngợi. Khi giáp mặt tôi, ba mỉm cười khó hiểu. Phúc hay là họa đây!

Rồi ngày tôi chờ đợi cũng đến. “Phái đoàn” gồm ba mẹ, anh chị hai và tất nhiên có vai chánh là tôi. Thật khó tả được bao cảm xúc bồn chồn lo lắng, hồi hộp, đủ thứ lộn xộn trong lòng tôi. Mẹ tôi cứ dặn dò đủ mọi việc, hết chuyện nọ tới chuyện kia, đến nỗi khó mà nhớ hết; còn anh hai thì cứ lải nhải bên tai "bình tỉnh, bình tỉnh, đừng có run".


Nhà ông nhạc tôi (tạm gọi vậy) ở xã Ngũ Hiệp, cách thành phố Mỹ tho 30 cây số về hướng tây. Chợ Ngũ Hiệp nằm bên kia sông, muốn qua phải nhờ một phà nhỏ. Từ chợ, theo lời bà mai, chúng tôi phải đi bộ thêm gần ngàn mét nữa. Nghe vậy anh hai nói với tôi:

- Như vậy là "vườn trong vườn" rồi phải không cưng? Tiêu chuẩn một đạt hai trăm phần trăm rồi hén!

Chị hai cau mặt:

- Cái ông nầy lúc nào cũng đùa được.


Thật vậy, đây là vùng trù phú đất đai, cây lành trái ngọt. không biết cơ man nào là cây trái quả mọng trĩu cành! Cam, bưởi, sa bô, dừa, vú sữa, nhãn, chôm chôm... nhất là sầu riêng cây nào cây nấy chân tay đeo đầy nghẹt quả, theo gió thơm lừng. Bà mai chỉ tay về căn nhà ngói kiểu xưa (kiểu "chữ đinh") nói:

- Nhà đó đó.

Tất cả dừng lại “hội ý”. Mẹ khẩn trương thấy rõ, lại dặn dò:

- Nhớ những gì mẹ dặn nghen con!”

- Dạ!


Anh hai cũng thì thào:

- Nhà cất kiểu nầy mà gặp ông già củ tỏi thì mệt lắm à nghen!
Chị hai nạt nhỏ:

- Ông lo cái miệng ông đó. Vô đó nói bậy đi!

Bà mai vô trước, mẹ sửa lại áo quần tôi chưa xong thì có người ra mời vào. Giờ phút nầy tôi càng thấy tình mẫu tử bao la như thế nào. Mẹ hồi hộp như sắp bước vào nơi hang hùm nọc rắn không bằng, lại điệp khúc "Nhớ nghe con!" lại phát ra!


Vừa vào cỗng, tôi bị hốt hồn vì hơn hai chục cặp mắt, đủ hạng tuổi, nhiều nhất là trẻ em chăm chú vào tôi, một bà trạc tuổi mẹ có lẽ thông cảm được điều ấy, bèn rầy đám nhỏ:

- Nè, mấy đứa làm gì tụ tập lại đây dữ vậy? Có đi hết không?

Đám trẻ tản đi vài bước rồi bẽn lẽn đứng nhìn.


Phòng khách được bài trí hai bàn. Bàn giữa gồm ba mẹ tôi, bà mai, ông bà nhạc và hai vị cao niên. Bàn bên có anh chị hai tôi và bốn người bên gái cùng trang lứa.

Phần tôi nghe lời mẹ là không được ngồi, mà đứng sau ghế cha mẹ, hai tay xếp lại để dưới bụng (nếu đã mời trà xong), tư thế y như lính hầu ở phủ huyện, hay các thái giám ở cung đình hầu hạ đức vua!

Theo cách nói chuyện… lại có dịp đứng trước nhạc phụ mẫu; tôi biết ông bà là người cởi mở, dễ tính. Câu chuyện của hai "sui" càng lâu càng khởi sắc tốt đẹp. Dần dà khách khí không còn, mà như đã quen nhau từ trước vậy.

Bỗng Ông nhạc gọi:

- Con hai đâu, châm trà mới đi con!

Một tiếng "dạ" thảnh thót không kém Điêu Thuyền thời Tam Quốc từ nhà dưới vọng lên làm tim tôi rộn ràng. “Phái đoàn” nhà trai ai cũng hồi hộp chờ đợi. Bởi ai cũng biết bảo “châm trà” chẳng qua là lời nói khéo cho con mình ra chào để nhà trai “coi mắt” đó thôi!

Mẹ quay lại nhìn tôi mỉm cười, thầm bảo ”hãy xem kỹ vì thời gian không lâu”. Tôi chưa kip mỉm cười với mẹ thì rèm hoa lay động, một kiều nữ vận bộ bà ba, không phấn không son mà má phấn môi hồng.Tóc dài phủ long gọn gàng bởi chiếc kẹp vàng có đính bông hồng chói lọi. Thoạt trông, tôi giật nẩy người, đến nỗi bố vợ nhìn thấy. Đợi giai nhân chăm trà xong, ông vội bảo:

- À quên nữa, cháu qua bên ngồi uống nước, hay cứ ra ngoài dạo cho thoải mái.

Mẹ lại quay ra tôi, nhướng mày, thầm bảo “hãy đi đi con”, vì thực ra, ông nhạc cũng ngầm ý cho tôi và vợ tôi gặp nhau để “tìm hiểu”, dù thời lượng ít oi, nhưng nếu tri túc ắt tiện túc mà thôi! Mọi sự đều được người lớn sắp xếp có bài có bản và, có màn có lớp hẳn hoi!




Không khí bên ngoài thực thoãi mái. Nhiều loại cây trái lớn nhỏ thi nhau che rợp ánh mặt trời làm mát rượi cả một không gian rộng. Vài tia sáng yếu ớt cố gắng chen vào đất tạo thành những đóm trắng lưa thưa đây đó tựa rãi hoa. Mùi sầu riêng thơm lừng. Hàng sa-pô thẳng tắp trái nặng sai oằn. Mấy nhánh ổi cho trái bóng láng no tròn, rục mềm rơi rụng tứ tung, tỏa hương thơm bát ngát. Chim hót líu lo, bướm vờn thẳng cánh. Đàn ong tranh nhau hút mật của trăm ngàn hoa đủ sắc đủ màu. Rõ ràng là vùng đất lành thừa mứa cây lành trái ngọt.

Bên sau một giọng êm đềm:

- Biết người ta ưng hay không mà dám đi hỏi vậy?

Tôi quay lại, thì ra là vợ tôi, (tạm gọi vậy), mà cũng là Vi, người đã làm tôi kinh ngạc đến đánh thót cả người khi nãy!


Vi là bạn học cùng lớp với tôi hồi năm đệ tứ. Hồi đó lớp đệ tứ được xem là cái “móc” của sự chia tay. Bởi con trai, nếu thi rớt thì cha mẹ thường cho nghỉ để học nghề, còn thi đậu (cấp bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) thì cũng mỗi người một hướng đi: Vào sư phạm hoặc ngành nghề nào đó, hoặc học tiếp ba năm nữa để lấy Tú Tài rồi lên đai học. Con gái thì ít người được học đến chốn đến nơi. Rớt hay đậu cũng thường bị cha mẹ cho nghỉ mà lo phụ việc nhà, viện lẽ con gái “học cao” khó có chồng!

Vi cũng nằm trong số phận nầy. Bởi vậy cuối năm đệ tứ, chúng tôi thường trao nhau lưu bút, mọi người đều nắn nót tuồng chữ cho trang mình thường tặng cả ảnh, dán vào giữa trang viết, dưới đề:

"Thương nhau mới tặng ảnh nầy,
Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau'
Dù cho ảnh có phai màu,
Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng người!”

Không biết bốn câu thơ ấy là của tác giả nào, sáng tác tự bao giờ, mà đến nay, thỉnh thoảng tôi lại thấy sa bức ảnh ”tặng nhau” của các em cũng có đề như vậy.

Hơi lạc đề, nhưng nói thêm cho vui: Hồi đó tôi cũng có quyển lưu bút, tất nhiên khi ai nhận thì cũng nắn nót từng chữ và giữ sạch sẽ như nói ở trên. Khi tôi đưa cho thằng Nhứt, ngày sau nó trả (thường thì vậy), nó viết vào trang đôi mấy chữ tổ bố: “Lưu niệm làm cái xê bình phương gì?" (2), rồi láu cá ký tên giáp cả hai trang giấy!

                                                    

Tôi xem giận run. Cự nó. Nó cười: “Để sau nầy mầy nhớ tao”.

Tôi nghe cũng xìu lòng. Quả thật, đến giờ, nó là người tôi nhớ nhất. Và đến ngày cuối, chúng tôi tổ chức tiệc liên hoan cuối khóa tại lớp. Văn nghệ xung quanh các bài hát về “mùa chia tay”, “tạm biệt”, “nỗi buồn hoa phượng”... Tôi có sở trường ngâm thơ, ngâm hai bài thơ Đường luật, bài đầu của thầy H.C, giáo sư sử địa (3), bài nầy tôi chỉ nhớ hai câu cuối:

“...
Rồi đây nếu chẳng sau mùa phượng, Tất cũng mai kia ở chợ đời!”

Và bài họa của tôi:

"Việc cũ, ngàn sau vẫn đổi dời. Chút tình tâm huyết nói sao vơi? Luyến lưu kẻ ở đôi dòng lệ, Tiếc nhớ người đi một góc trời Chín tháng vui buồn trong một lớp, Vài giây ly biệt rẽ ngàn khơi, Đường mây một kẻ hanh thông bước, Một kẻ lang thang giữa chợ đời!
(Thơ Kha Tiệm Ly)

                                                 

Đám con gái mắt đỏ hoe, có đứa khóc thành tiếng. Chúng tôi lai tặng quà lưu niệm cho các bạn “nghỉ luôn”. Tôi tặng Vi cái kẹp tóc bằng vàng 14 (tôi là... “thiếu gia” mà! Vàng hồi đó rẻ lắm, đàn bà con gái chẳng thấy ai đeo, có đeo thì cũng sơ sài, đeo nhiều mắc cở, bị coi là “quê”; không thấy ai đeo cục cục như giờ. Vi tặng lai cho tôi cây bút Pilot nắp vàng, loại cao cấp nhất thời ấy.

- Sao không trả lời?

Vi nghiêm trang như thuở nào, tôi hơi chột dạ:

- Thật lòng tôi không ngờ mình đi hỏi cưới Vi. Đã bao năm rồi, vả lại lúc đó mình còn nhỏ cả mà!

- Bộ mấy năm qua không nhớ chút gì về Vi sao?

- Vẫn nhớ về người bạn nhỏ hiền lành, nhiều nước mắt.

Vi vừa đưa tay rút cây viết trên túi áo tôi, vừa nói:

- Xin lỗi nghe, cho Vi mượn.

Rồi xoay cán viết, nhìn những dòng chữ khắc trên ấy, Vi có vẻ xúc động:

- Vẫn còn giữ của Vi à?

Tôi không đáp, nhìn hai rèm mi chơm chớp, tôi thấy Vi đẹp não nùng. Tôi nắm lấy tay Vi:

- Không ngờ lại gặp lại Vi. Chẳng phải không có duyên số hay sao? Vi đồng ý nhé!

Vi tủm tỉm cười:

- Nếu em không ưng thì sao?

- Thì anh về, nhưng xin gởi trái tim anh lại.

Lại cười:

- Rõ là thi sĩ! Em đã đồng ý từ khi bà mai nói chuyện với ba mẹ, đâu phải đến bây giờ.

- Không biết mặt làm sao ưng?

Vi kéo mái tóc về phía trước ngực:

- Khờ quá đi! Mọi người ở đây ai không biết con trai một của tiệm tạp hóa Vạn Phát, chứ em thì rành lắm. Vị “công tử” ấy còn tặng cho em chiếc kẹp xinh đẹp nầy nữa phải không?

Trên đường về, mẹ luôn miệng với ba:

- Con nhỏ xem nết na và lịch sự (4) ghê ông há?".


Lại lo ngại:

- Hổng biết nó có ưng thằng con trai cưng tôi không nữa?”

Nãy giờ tôi lặng thinh, nhớ lại những lời nói của Vi mà thấy lòng hân hoan lạ. Nhưng thấy mẹ cứ lo lắng mãi, tôi mói nói:

- Chắc ăn rồi mẹ ơi! Mẹ đừng lo!

Mẹ nghi ngờ. Anh hai nói:

- Hồi nãy ngoài vườn tụi nó nói chuyện, chỉ cần khi về, đá lông nheo một cái là kể như xong. Thím lo gì!
Ba châm vào:

- Hồi trước bả cũng vậy, sao bả mau quên quá!

Không biết mẹ đánh hay phủi bụi cho ba::

- Cha già mất nết!

oOo

Thế là chậm lắm khoảng một tuần, mươi ngày tôi đều đến tham nhạc gia, nhạc mẫu. Ba mẹ vợ tôi đều nhân hậu, nghiêm khắc với con cái nhưng xem chừng ”dễ” với thằng rể tương lai.
Trước khi đi, ba tôi dặn. Con đến đó thấy cái gì làm được thì làm, chứ đừng lấy mắt ngó là không được! Ngày xưa trước khi cưới, phải làm rể ba năm: Chẻ củi, vác lúa, cày bừa, làm đủ thứ nặng nhọc, chứ chẳng phải chơi đâu!

Nhưng tôi biết cái gì mà làm, mà phụ? Lần đầu đến, tôi thấy ba vợ tôi đang chài cá, thấy tôi sựng rựng, ông hiểu ý, nói:

- Con đứng chơi, ba vãi vài chài nữa ba vô.

Thế coi sao được! Đợi mỗi khi ba kéo chài lên, tôi phụ gỡ cá, mà có được đâu! Tôi đụng tới con nào thì con ấy giãy rồn rột, rách cả tay, có khi phóng lại xuống mương; trong lúc ông bỏ vào giỏ lia lịa như bỏ đá vào vậy!

Một lần thì thấy ông đang chiết nhánh cây, cái nầy tôi càng mù tịt, nhưng cũng có việc làm là... đưa dây cho ba tôi cột “bầu”; cái công việc không cần người phụ tá!

Ba vợ tôi rất điệu đời, ông thường bảo vợ tôi dắt tôi ra vườn xem có “cái gì nó thích thì hái nó ăn”. Tôi biết ba tạo điều kiện cho chúng tôi chuyện trò. Ông dư hiểu, bởi nói tiếng là thăm cha mẹ vợ, nhưng chủ yếu của chàng rể tương lai nào cũng là thăm... vợ cho đở nhớ mà thôi. Nếu không, tại sao mỗi lần đến thăm mà cha mẹ vợ đi vắng thì chàng rể lại hớn hở trong lòng!?

Vườn nhà vợ tôi đủ loại cây nên có trái quanh năm, chúng chen chút nhau nên chỉ cách hơn mười thước là không thấy dáng người. Tôi có cảm tưởng như hoàng tử gặp công chúa trong rừng vậy! Đến hàng dừa tơ, quày ôn trĩu trái màu vang rực, sai oằn đụng tới mép mương, Vi đưa tôi dao, bảo:

- Chặt dừa uống nhé!


- Trái nào đây?
- Thì tùy chon

Khổ sở lắm tôi mới đem được hai trái dừa rời quày được. Dùng dao chặt phần đầu có cuống. Dao bén ngót mà tôi phạt năm bảy nhát liền mà vỏ dừa chỉ dập dập, trầy trầy, tung mấy miếng văm! Vi cười khoe hai hàm rang đều như hạt bắp:

- Để nô tì giúp cho, thưa công tử!


Giành lấy dao, Vi chỉ phập ba nhát nhẹ nhàng mà vỏ dừa tách ra từng mảng lớn, nhát thứ tư, nhẹ hơn, chạm vào gáo, Vi thuần thục lách nhẹ lưỡi dao, để lộ phần “cái” trắng bóc mịn màng, bao quanh phần nước sóng sánh trong veo! Một tay đưa dừa cho tôi, tay kia chỉ chỉ vào trái dừa bảo:

- Chặt dừa phải chặt đầu lớn nầy nầy, Lưỡi dao phải để hơi xiêng. Ai đời ở trên bổ xuống... 90 độ. Làm sao đứt được?


Lợi dụng tôi nắm lấy cổ tay tròn trịa mịn màng của Vi, ghé mũi xuống hít một hơi dài. Vi vẫn để yên nhưng bặm môi:

- Có thấy con dao ở đây không thì bảo?

Rồi cùng cười, tôi hít mũi chọc:

- Còn ngọt hơn cả nước dừa!

Đến địa phận chuyên canh sầu riêng. Ôi! hàng hàng thẳng tắp. Không biết cơ man nào là trái đậu trên cành! Toòng teng nhỏ to đủ cở, lủng la, lủng lẳng tầng thấp tầng cao, xem vô cùng ngoạn mục.

Tôi hỏi:

- Nghe nói sầu riêng chỉ rụng về đêm, phải không?

- Sao lạ vậy?

- Thì ... trời khiến để đừng bể đầu người!

Vi cười ngoặt ngoẽo:

- Sao trái dừa vẫn rụng ban ngày? Bộ trái dừa không làm bể được đầu người? Chủ vườn nòi vậy để cho mấy thằng ăn trộm không dám lẻn vào đó thôi!


Rồi chỉ vào phía trước, bảo:

- Có hai trái rụng kìa! Anh lại lượm đi! Coi chừng nó "bịch" một cái là hết có vợ đo.o..ó!

Tôi nhìn lên, thấy hàng trăm trái lòng thòng, gai tua tủa, giống như những quả chùy của các võ tướng ngày xưa. Nói dại, nếu nó mà"phịch" xuống một cái như lời Vi nói thì dù không bể đầu, thì mặt mũi chắc cũng khó coi! Dợm chạy đi, bỗng luồng gió quái ác từ đâu lùa tới, bèn chột dạ, tôi dừng lại. Vi cười ngất:

- Coi vậy mà cũng sợ mất vợ hén!


Tôi chữa thẹn:

- Vậy chớ vợ như Tây Thi thì chết sao dành!

Má Vi càng đỏ thêm, nắm tay lại giá giá vào tôi:

- Cái tật nịnh.......

Tôi vừa dặt hai trái sầu riêng xuống thì Vi bảo:

- Tách ra đi!


Nói đoạn lại bờ rào tìm hái những nhánh bông. tôi lui cui lấy dao chặt phình phịch vào đầu lớn trái sầu riêng, dao cũng để xiêng một góc mà xem ra vỏ sầu riêng còn dai hơn cả vỏ dừa. Thật tình, sầu riêng tôi ăn có hàng trăm nhưng mỗi lần đều được mẹ bóc sẵn bỏ vào tủ lạnh, nên có biết gì đâu!


Tôi lật qua, lật lại, chợt nhớ tới cái vỏ sầu riêng mẹ bóc xong đâu có trầy trụa, hay mất một góc đàng đầu trái, mà xem ra nó còn nguyên vẹn giống như một chiếc xuồng! Tôi sửa lại rồi dùng dao bổ theo chiều dọc, cũng chẳng ăn thua! Mệt, tôi định gọi cầu cứu, thì Vi đã đứng sát bên tôi bụm miệng cười tự lúc nào...

Rõ ràng là Vi biết tôi không làm được mà cố chọc chơi! Bèn ngồi xuống, lấy dao, vừa làm vừa dạy đời:
- Hồi nãy em bảo công tử “tách” ra chứ có bảo “chặt” đâu mà làm như bửa củi vậy? Đây nè, chỗ nầy lúc nào cũng có một khe hở. Chỉ cần để mũi dao vào đây rồi dùng đòn bẩy Ạc-Shi-Met là xong. Làm rể kiểu nầy mất vợ như chơi.

Tôi bá lấy cổ Vi:

- Giỏi quá, để anh thưởng cho một cái.

Vi nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy:

- H..ô..ông..!

Đợi khi tôi “chụt” xong, Vi mới mở mắt ra, chỉ tay vào vỏ sầu riêng, nói:

- Cái vỏ sầu riêng nầy mà vô mặt thì còn hơn té thùng đinh nữa đó!
                                                

Lần nào cũng có chuyện tương tự như vậy, thử hỏi sao tôi không khoái về thăm... ông bà nhạc?
Gần tới ngày cưới, tội nghiệp Vi gầy thấy rõ. Sau nầy tôi mới biết, là con gái trưởng trong gia đình, Vi lo lắng sắp xếp mọi thứ, lại nghĩ tới ngày theo chồng, xa mẹ bỏ em nên đủ thứ tình cảm ray rức trong lòng. Vậy mà trò chuyện với tôi một hồi, mặt hoa lại rạng rỡ, nói nhỏ cho tôi vừa nghe, như một chuyện gì quan trong lắm:

- Làm rể mà lỏng nhỏng không động móng tay, cứ đeo sát con gái người ta hoài không sợ bà con họ nói sao?

Ba vợ tôi thường bảo tôi: “Con ở chợ không quen việc ở vườn. Con cứ về thăm, khỏi làm gì hết, đừng ngại, cứ coi như ở nhà con”.

Tôi đem lời nầy nói cho vợ nghe, rồi châm thêm:

- Vậy chứ anh có việc gì để làm?

- Em chỉ cho. Gần tới ngày cưới rồi, phải có củi để nấu chứ! Hay là anh chịu khó ra chẻ một mớ....

- Ở đâu?


Vi chỉ tay về một hàng củi được chất ngay ngắn từng ô một, dài chừng... vài chục mét, khúc nào khúc nấy cở bắp đùi... voi. Tôi chột dạ:

- Chẻ hết sao?

Vi làm mặt nghiêm:

- Ừa!... thì tới đâu hay tới đó! Ngày còn dài mà!....

Tôi xách búa đi mà tác phong rời rã như Hạng Võ tại bến Ô Giang! Nhưng muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn cưới được vợ thì phải bửa củi, cày bừa… Thì ra lời ba tôi nói chẳng sai, bằng chứng là tôi cũng không ngoại lệ!


Tôi cởi áo sơ mi máng trên cành bưởi, còn lại chiếc áo thun ba lổ trắng tinh, vốn là mô đen của con nhà giàu mới có áo lót bên trong. Dù là “công tử”, nhưng tôi thường tập tạ nên bắp thịt coi cũng ngon lành. Tôi đếm thầm: Một, hai, “phập!”; một, hai “phập!” Có cái “phập” làm củi vỡ ra, có cái “phập” thì búa lại dính khắn vào củi, gỡ ra cũng tróc vải trầy vi! Khi độ mệt đã choáng váng mặt mày, nhưng còn đủ để nhận được tiếng ông nhạc ở sau lưng:

- Bây làm cái gì vậy?


Tôi quay lại chào ông bà vừa đi xóm về, rồi trả lời với giọng điệu của người vừa lập nên công trạng:
- Dạ, vợ con biểu chẻ củi để khi đám cưới có mà xài!

- Thôi, thôi! Bây “bị” nó rồi! Đi vô! Đi vô uống nước con!

- Dạ, để con chẻ thêm một mớ nữa, ba!

- Củi nầy ba để bán cho lò bánh mì, đâu cần chẻ! Còn củi dùng cho đám cưới thì để trong nhà kho kia, có xài mười đám cũng không hết!

Bà nhạc lắc đầu:

- Cái con nhỏ nầy…

Vào nhà bà nhạc rầy Vi:

- Chồng của mầy nó không quen làm việc nặng. Xúi dại rũi nó trợt chân trợt cẳng thì sao?
Bà nhạc dùng tiếng “chồng mầy” tôi thấy ấm áp lạ lùng! Còn vợ tôi thì chúm chím cười, còn liếc qua tôi với ánh mắt còn bén hơn... lưỡi búa, lại chu đôi môi đỏ ao chế nhạo.
Thế là bao mệt mỏi trong tôi biến mất tiêu!

Phải nói trong đời thường, về sự thông minh, lúc nào vợ cũng hơn tôi một phép. Khi về làm dâu vợ tôi đã chứng minh đầy đủ điều đó. Ngoài sự hiếu thảo với cha mẹ chồng, vợ tôi còn nhiều đức tính như nhân hậu, cần kiệm...

Thuở đó, ở thành phố “nhà giàu” mới có tủ lạnh (ti vi chưa có), còn dưới quê thì tuyệt đối không, bởi có điện đâu mà xài! Nên những ngày đầu, tủ lạnh đối với vợ tôi là một phát minh khoa học lớn lao, nó đủ công năng, nên có cái gì cũng “thồn” vô trong đó. Có lần mẹ tôi mở tủ lạnh, rồi nói với vợ tôi:

- Tô mắm nêm nầy, con đừng có để vào đây, nếu không tất cả cái gì trong nầy đều có mùi mắm nêm hết.


Chỉ chờ có dịp nầy, tôi cười hí hí:

- Trái cây mà có mùi mắm nêm ăn càng ngon chứ sao mẹ?

Mẹ cười, còn vợ tôi cứ đem cái sở trường là bắn nửa mắt vào tôi.

Tôi khoái chí, nói theo kiểu đá banh thì “gỡ” được một, nhưng dường như chỉ có một mà thôi!


Khi con chúng tôi đã lớn, tuổi có thể về quê thăm ngoại một mình, thế mà một tối cả nhà xem ti vi, không phải nhằm đoạn hài mà vợ tôi cười ngất. Con hỏi, “sao tự nhiên mẹ cười?” Một lát vợ tôi mới trả lời được:

- Mẹ thấy bộ tướng ông thái giám đứng khúm núm kia giống"mấy thằng cha“ lần đầu coi mắt vợ quá!” Hi! Hi!


Biết bị xỏ ngọt nhưng tôi biết gì hơn ngoài làm...thinh! May sao đến chương trình quảng cáo, quảng cáo tủ lạnh, tôi nói tỉnh bơ:
- Tủ lanh đời mới coi bộ tốt à nghen! Nó tự khử mùi, dù “mấy con mẹ” ở vườn có để mắm nêm vô đó cũng không sợ hôi. Ha! Ha!...

Tức thì vành tai tôi bị kéo ra cả thước, tiếp theo là một giọng tru tréo, muốn nổi da gà:

- Trời..u.u..i! Chuyện cũ nhắc hoài! Nhắc hoài!

Vậy đó, “chuyện xưa” thì vợ tội nhắc được, còn “chuyện cũ” tôi nhắc thì như bị muốn nhai xương!

Có vợ miệt vườn, miệt quê là vậy đó!

Thái Quốc Mưu

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

NẾU.

                                                                                      





       Nếu lỡ ngày xưa anh có em,
     Thanh xuân chắc phải rất êm đềm,
     Chẳng chịu một bờ tim vỡ nát,
     Tình đầu có lẽ đạt tơ duyên,

     Nếu lỡ ngày xưa anh có em ,
     Lang thang dạo mát buổi lên đèn,
     Cạnh Hồ Nước Ngọt ven bờ ruộng,
     Thời tuổi học trò đượm thắm thêm,

     Nếu lỡ ngày xưa anh có em,
     Cùng nhau đưa đón bước qua thềm,
     Cổng trường Hòang Diệu nên thơ ấy,
     Dòng đời lặng lẽ thoáng bình yên,

      Nếu lỡ ngày xưa anh có em,
     Tình anh đâu bị phủ màn đêm,
     Dở dang thầm trách mình phận bạc,
     Hương yêu theo nước chảy qua ghềnh.



VÂN NGUYỄN . APRIL 18,2014 VIẾT TẶNG NGỌC DUNG CHSHD 65 - 72,CẦN THƠ.





VUI LÒNG CLICK PLAY ĐỂ NGHE NHẠC.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

VIDEO CLIP HOTEL CALIFORNIA. MAI HƯƠNG SƯU TẦM.

ĐIỆN THOẠI CỦA MẸ.( MAI HƯƠNG CHUYỂN )



                                    



Suốt ngày ở nhà hiu quạnh một mình nên mẹ tôi rất thèm tiếng người, hễ nghe tiếng của ai ở phía trước là bà lọ mọ đi lên, dù quen hay lạ: một người hàng xóm, một bà lão bán vé số, một người đi đường dừng lại. Bà hỏi chuyện đủ thứ, chuyện đâu không, mà khi hỏi là hỏi cho tới cùng: từ gia đình, con cái, quê quán, nhà cửa, làm ăn… làm nhiều người lúng ta lúng túng. Nhưng không ai giận cả, rất vui vẻ trả lời bà già.

Chúng tôi đi làm, bà ở nhà, điện thoại reo bà nằm nghe, tôi về bà nói lại:

- Tao đếm chuông reo mười ba lần.

Tôi phì cười:

- Hơi đâu mà mẹ nghe cho mệt, chắc là bạn bè con.

Một bữa đi làm về, tôi lui cui dọn cơm bà kêu lại nói:

- Hồi sáng con vừa đi chuông reo hai mươi lần, chắc ai gọi có chuyện cần.

Tôi nói qua loa:

- Không có gì cả mẹ,đừng quan tâm mẹ cao huyết áp cứ nằm nghe rồi bệnh nặng.

Nói thế tôi lên phòng nằm nghỉ, bỗng chuông điện thoại reo lên, tôi xuống nghe, một người bạn hỏi chuyện cơ quan, tôi vừa định đi lên bà kêu lại.

- Gì thế mẹ? - Tôi hỏi.

- Ai gọi con thế?

- Người bạn gọi mẹ ơi!

- Gọi làm gì?

- Chuyện cơ quan ấy mà - Tôi bỗng cáu gắt - Mà mẹ hỏi vớ vẩn làm gì cho mệt.

Bà im lặng, tôi cảm thấy hối hận vì to tiếng với mẹ, một lúc bà lại nói trổng:

- Chuông reo có bốn lần chắc bạn con có chuyện không quan trọng.

Tôi cười khì:

- Mẹ ơi! Quan trọng hay không do cuộc gọi, mẹ đoán già đoán non làm sao mà trúng, tại vì không ai bắt nó reo hoài khi bắt thì nó im.

Nói là vậy nhưng bà vẫn nghĩ theo cách của bà.

Thường chúng tôi hay giấu những câu chuyện không vui,gây xúc động cho bà. Nhưng có một đêm, bà chợt nghe tiếng cầu kinh gõ mõ vọng lại bèn hỏi:

- Đám ma ở đâu vậy tụi bây?

Tôi ra dấu bọn trẻ im lặng và nói:

- Xa lắm, đầu xóm trên mẹ ơi!

Bà không chịu:

- Gần lắm, tao nghe như trước cửa nhà mình.

Chúng tôi im lặng tản hàng sợ bà hỏi thêm thì nguy thật, vì bà Tám láng giềng bạn của bà đã mất đêm qua, chúng tôi đều dặn nhau giấu kín bà. Thời gian sau bà nói:

- Sao lâu quá không thấy bà Tám sang chơi vậy tụi bây?

Tôi vội đỡ lời:

- Lúc này bà Tám bệnh thường xuyên ít đi đứng mẹ ạ!

Bà liền nói:

- Bịnh gì bất tử vậy? Bịnh cũng có người báo, đằng này biệt tăm chắc chết rồi.

- Sao mẹ biết? - Tự dưng tôi bị hớ lời.

- Vậy là bả chết thiệt rồi, mọi lần sáng nào không qua xin trầu tao, mấy tuần nay không qua là có chuyện rồi. Tao nghi bữa nghe tụng kinh là bả mất nhưng tụi bây giấu tao.

Đúng là khi chúng tôi đi làm, nhà vắng vẻ, bà Tám thường qua chơi xin trầu ăn, hai bà tâm sự như một cái lệ, bây giờ tự nhiên đột biến ắt là có chuyện phải rồi. Tôi ngồi lặng thinh, còn bà nằm thở dài thườn thượt… Người ta nói thật đúng: Người già có tánh linh, chuyện gì cũng biết.

Có bữa bà đếm hai ba cái điện thoại reo, tôi về bà báo lại:

- Tao đếm nhà mình tới mười lăm lần chắc là chuyện cần gấp lắm, còn nhà con Út (em gái phía sau nhà tôi) kêu lớn lắm, rất nhiều, tới hai mươi bốn lần, không biết có chuyện gì không mày qua hỏi thử xem sao?

- Trời ơi! Hơi đâu mà mẹ lo, người ta làm ăn buôn bán điện hoài, điện không được thì người ta điện qua di động của nó, dân làm ăn nhau mà, sợ gì.

Câu chuyện thường ngày như thế, tôi đã quá quen với kiểu nói của bà nên không cáu gắt, không bình luận gì cả chỉ đi nghỉ. Vậy mà một bữa tôi dọn cơm lên, bà vừa ăn vừa nói:

- Đứa nào mới điện bên nhà con Út hai ba lần rồi tắt chắc là chuyện thường, điện làm gì!
Tôi lại bực mình:

- Đã dặn rồi, bác sỹ không cho suy nghĩ, cứ nằm đó đếm đếm có ngày lên máu chết.

Tự dưng tôi bật cười nghĩ bà có thể là một điện thoại viên độc đáo nhất cả nước, nghe tiếng chuông mà biết được câu chuyện? Có lẽ tiếng chuông điện thoại mang cho bà một niềm vui nào đó, một cách thư giãn của bà chăng?

Tình hình kéo dài như thế vợ tôi bàn:

- Hay là mình bỏ điện thoại bàn cho mẹ đỡ lo, anh sắm một cái di động có tiện hơn không?

Nhưng tôi cứ lưỡng lự hoài, hình như tôi muốn để cái điện thoại bàn làm niềm vui cho mẹ, tôi nghĩ nếu bỏ đi bà buồn bệnh sẽ nặng hơn. Tôi chợt nhớ câu chuyện "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen Ry, một cô gái bệnh hoạn nhìn chiếc lá qua ô cửa sổ rơi rơi cứ phập phồng lo sợ chiếc lá cuối cùng rớt xuống, nàng sẽ chết mất… Câu chuyện thật cảm động. Còn âm vang tiếng điện thoại này, nếu mất đi chuyện gì sẽ xảy ra, ai biết được?

-Thôi cứ để vậy biết đâu mẹ sẽ vui! - Tôi nói đại với vợ.

Vả lại nhờ có điện thoại mà tôi gắn bó, có dịp trò chuyện với bà đủ thứ chuyện:

- Mày điện xem dì mày đã hết bịnh chưa?

- Mày điện coi mấy đứa nhỏ đi cúng ở Châu Đốc về chưa?

- Điện cho cậu Năm mày nói kì này tao đi Thủ Dầu Một ăn đám giỗ bà ngoại.

Cứ những câu hỏi như thế hằng ngày tôi phải nghe và phải trả lời cho vui lòng bà. Mỗi lần bắt máy tôi đưa tận tai cho bà nghe, tuy nói lắp bắp không ra lời nhưng bà rất vui, hình như những người thân, con cháu đã về tề tựu đông đủ cả.

- o O o -


Từ ngày Mẹ mất, gia đình càng thêm vắng vẻ buồn thiu. Ai đi làm về cũng lủi thủi vào phòng lặng thinh, ít ai trò chuyện với ai. Căn nhà dưới nơi chỗ mẹ nằm đã được dọn dẹp trống trải càng thêm cô quạnh. Tôi về nhà buổi trưa, theo thói quen nằm võng kế bên giường mẹ, bỗng dưng chợt thấy như thiếu thiếu một cái gì: thuốc lá chăng, cà phê, tờ báo như thường lệ? Suy nghĩ hoài không biết, thì ra thiếu tiếng nói của mẹ về chuông điện thoại, còn ai nói chuyện với tôi, còn ai nhắc chuông reo mấy hồi...

Một hôm đang nằm đọc báo, chuông điện thoại vang lên, tôi giật mình ngơ ngác lắng nghe, bỗng lên tiếng:

- Em ơi! Chuông reo mười lần rồi không ai bắt máy chắc bà con gọi đó.

Vợ tôi cằn nhằn:

- Sao anh biết, chuông reo không nghe mà ngồi đó đếm đếm, bộ nhiễm bệnh của mẹ rồi sao?

Tôi hết hồn, chợt nhận ra mình đã nhiễm thói quen của mẹ hồi nào không hay.

Sau này khi nghe chuông reo, tôi định lại cầm máy, nhưng cũng phải thần thừ ngồi nghe một lúc. Vợ tôi thấy nhiều lần như thế nên nhắc nhở:

- Anh như người bệnh thần kinh, chuông reo thì đến nghe, làm gì ngồi thừ ra mà đếm.

Hay tôi bị bệnh thần kinh từ hồi nào mà không biết nữa, tôi cố bỏ nhưng lâu lâu cũng vấp phải.

Những lúc nhà vắng lặng, tôi nằm nghe tiếng chuông điện thoại reo, reo mãi… Chừng như âm vang của nó có linh hồn, có tiếng nói, có hình bóng của mẹ hiện về…

ST ! (Tác Giả: Ngữ Yên )

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

MỘT NỮA TUỔI ĐỜI.

                                                                              

 



Cháu nội đích tôn nửa tuổi đời,
Nhìn nó hồn nhiên thật thắm tươi,
Lắm lúc đến chơi vui với nội,
Về rồi làm nội nhớ thì thôi.

 

Lẩm bẩm thì thầm đếm tuổi đời,
Thuở còn bé bỏng đã êm trôi,
Nay nhìn ngắm lại thân làm nội,
Lục thập qua rồi chớ chẳng chơi.



VÂN NGUYỄN . APRIL 7 ,2014 . VIẾT KỶ NIỆM CHÁU NỘI ĐÍCH TÔN TRISTAN NGUYỄN 6 MONTHS OLD

.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

TÂM TÌNH NGƯỜI VIẾT.



                                                    


Đối với nhạc sĩ Trúc Phương, đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn thì đối với tôi, đường vào làng văn cũng có chừng ấy buồn vui. Đó là tâm trạng của riêng tôi khi bắt đầu tập tễnh gõ phím học đòi làm văn sĩ. Bởi nghĩ rằng cho dù mình có khả năng viết đi nữa nhưng vấn đề là viết ra rồi làm cách nào để phổ biến tới tay người đọc. Độc giả là động lực thúc đẩy, là niềm khích lệ lớn lao giúp cho người viết thêm phấn khởi để tiếp tục sáng tác. Bài viết không được hưởng ứng đón nhận thì chẳng khác nào một sản phẩm được làm ra không có người tiêu dùng, có cung mà không có cầu thì sớm muộn gì tác giả cũng sẽ lâm vào tình trạng thất chí dẫn đến sự phá sản tinh thần mà thôi.

Mấy lúc gần đây, những khi rảnh rang đọc những bài thơ trong báo, tôi chợt nảy ý sao mình không bắt chước người ta làm thơ gởi đăng báo cho vui tuổi về chiều. Nhớ thời đi học, tôi thích nhứt là môn văn, những bài luận văn và bình giảng của tôi cũng có hạng lắm chớ đâu đến đổi tệ ở hạng cá kèo. Nhờ may mắn gặp được cô giáo dạy Việt văn tên Duyên rất yêu văn chương thi phú, giảng văn lưu lóat xuất thần khiến tôi bị lôi cuốn mê hoặc bởi văn thơ từ dạo đó. Muốn dạy học sinh phân tích mệnh đề để biết cách hành văn, cô Duyên thường mượn những câu văn nên thơ súc tích gợi hình làm mẫu chẳng hạn như ‘’Đã có những buổi chiều tôi đi lang thang giữa cánh đồng ngập gió, nhìn chân trời xa mà mơ giấc mộng sông hồ’’ nói lên ước mộng lãng du, chí phiêu bồng. Họăc để than thân trách phận thì có câu ‘’Thân hỏi thân sao thân lận đận, phận sao phận bạc như vôi’’,  và ‘’Mây bay bay vô hạn, nước trôi trôi vô định, nỗi buồn của tôi như mây nước lúc bấy giờ’’ khi diễn tả một nỗi buồn mênh mông vô bờ bến.    

Yêu thơ, mê sách truyện, tiểu thuyết, tôi vẫn hằng nuôi mộng một ngày nào đó có thể làm thơ viết truyện như các bậc đàn anh đàn chị văn nhân thi sĩ cho thỏa lòng khao khát đam mê. Nhưng ước mơ chưa một lần được chạm tới, tôi đã vội lên xe hoa theo chồng để rồi sớm bận bịu với bổn phận vợ hiền mẹ thảo trong gia đình. Và chẳng bao lâu sau đó, nước nhà xảy cơn chính biến đổi chủ thay cờ, như hằng triệu người dân không cam lòng sống dưới chế độ độc tài đảng trị phi nhân của cộng sản, gia đình tôi đã liều mình vượt biển đi tìm tự do ở một chân trời mới bên kia bờ đại dương. Nơi đất khách quê người, tay trắng bắt đầu lại, tôi cùng chồng mải lo sinh kế, đầu tắt mặt tối cho cuộc sống hằng ngày, nuôi con ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già, mua nhà sắm cửa chẳng còn thời giờ đâu mà mộng với mơ thơ với thẩn. Khi con khôn lớn gả chồng, tôi tưởng đâu mình sẽ  thảnh thơi nhàn hạ, sẽ có cơ hội thực hiện những gì mình mong muốn nhưng nào ngờ trái lại, càng ngày càng đa đoan bận rộn hơn vì nuôi con xong lại bắt quàng sang nuôi cháu theo thiên chức, bản năng của một người làm mẹ làm bà.   

Cho mãi đến bây giờ, khi bóng hòang hôn thấp thóang bên đời, mặt trời chỉ còn le lói vài tia nắng yếu ớt ở cuối đường thì lòng người chợt bàng hòang thảng thốt bừng sống dậy ước mơ xưa, ước mơ của một thuở thanh xuân hoa mộng đã bị bỏ quên chôn vùi vì bao hệ lụy nhân sinh. Chút thời gian còn lại, trước khi màn đêm buông xuống vĩnh viễn, tôi quyết chí phải làm được một chút gì cho mình kẻo chết đi không cam lòng nhắm mắt. Sự sống của con người tùy thuộc vào hơi thở. Có ai biết trước bao giờ trái tim thôi đập làm mình ngưng thở kết thúc đi một kiếp người. Có ai biết được khi nào mình ngủ luôn một giấc miên trường không thức dậy nữa thì nguyện vọng này sẽ vĩnh viễn theo thân xác tan thành tro bụi hư vô!  Thế nên:

Vội vàng dệt mấy vần thơ
Gởi đi tứ xứ thân sơ xa gần
Bà con ai nấy khen rần
 Nhưng nào dám chắc giả chân thế nào
Tự mình chứng thực xem sao
Gởi đi đăng báo, gởi vào web-site
Cũng may chẳng bị tẩy chay
“Xông lên thừa thắng, bác tài tới luôn’’

Muốn đến với làng báo, lúc ban đầu tôi cũng đã gặp nhiều thử thách chua cay chớ không phải dễ dàng may mắn gì được tổ đãi. Bởi vì thứ nhứt tôi là một kẻ vô danh, suốt cuộc đời chưa có một title lớn nhỏ gì ngòai xã hội hay “cựu” này “cựu” nọ nổi đình nổi đám với đời như thiên hạ mà chỉ là một bà nội trợ thuần túy ở xó bếp góc nhà, lại không quen với ai trong giới viết văn làm báo có thể cho tôi một cái reference giới thiệu gởi gắm như lần đầu tiên tôi đi xin việc làm. Thứ hai là tôi chưa có phương tiện  internet, đó là một trở ngại lớn lao cho việc liên lạc gởi bài tới tòa sọan báo chí. Cho dù bài vở có phù hợp cho chủ trương của tờ báo hay nhu cầu của độc giả đi nữa, chắc gì chủ báo chịu bỏ công ra đánh máy lại bài thơ hay bài viết của tôi khi mà thời buổi này người ta ai cũng gởi bài bằng điện thư, click một cái là tới ngay tòa sọan và ban biên tập sau khi kiểm duyệt, họ chỉ việc lấy từ đó đăng lên, khỏi mất công phí giờ.

Vì vậy khi gởi bài thơ đầu tiên cho một tờ báo có trang "Vườn thơ giao cảm", tôi cứ thấp thỏm lo âu, trông cho mau tới ngày báo phát hành để coi bài thơ của mình có được ra mắt độc giả hay không, tâm trạng này ai có qua cầu mới hay mới hiểu! Sau ba tuần lễ nặng nề chậm chạp trôi qua, không thấy bài thơ mình lên báo, tôi thất vọng não nề, vừa buồn tủi  cho mình mà cũng vừa giận thầm ông nhà báo vu vơ. Thiệt đúng là ‘’Đời’’ mà.

Bao nhiêu hoa mộng cuộc đời
Rồi như mây khói theo đời bể dâu

Tôi cứ tưởng là đăng hay không thì ít ra người ta cũng sẽ nói cho mình một tiếng chớ lẽ nào lại làm thinh làm thế để tôi cứ mãi băn khoăn đợi chờ! Tôi đã biết thân biết điều để lại số phone rồi chớ phải không đâu. Tại sao người ta lại có thể làm ngơ tảng lờ  như vậy mà coi được hay sao!? Uổng công tôi đã chọn mặt gởi vàng, uổng công tôi đã chắt tim vắt óc mấy đêm dài o bế bài thơ từng câu, từng chữ, từng vần như một chuyên gia ẩm thực nghiên cứu các thứ vật liệu gia vị sao cho hài hòa để hòan thành một món ăn mới mẻ, độc đáo, vừa ngon mắt lại vừa ngon miệng mà chẳng được ai đếm xỉa ngó ngàng! Tôi nghĩ chắc mẽm là  bài thơ của mình đã đi thẳng một đường ngọt sớt vô sọt rác rồi chớ còn gì nữa!. 

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi bỗng phát giận mình ghê gớm, ai biểu tự dưng lại ‘’nạp mạng’’ cho người ta rồi giờ đây bầm gan tím ruột ngồi tức một mình. Không thể được! không thể nào im lặng dễ dàng như vậy được. Người ta không lên tiếng thì mình lên tiếng, ít ra cũng trút được nỗi phiền muộn trong lòng thì mới hả dạ cam tâm. Mặc dù tôn giáo nào cũng dạy con người phải biết buông bỏ thì mới  tìm được sự bình an trong tâm hồn nhưng trường hợp của tôi thì khác, bỏ qua sao được? Tôi chỉ mới nhập cuộc bắt đầu, nếu buông bỏ đi thì hòai bão cả đời của tôi kiếp này coi như đi đời nhà ma! Thế là tôi ‘’tống’’ đi thêm một bài thơ nữa.

Thơ tôi làm không đạt tiêu chuẩn
Hay tại… o-ver qua-li fied
Mà sao tôi chờ mãi ngày ngày
Vẫn không thấy trình làng in ấn?!

Hay tại tôi mồ côi không xuất xứ
Chẳng được ai điểm phấn tô hồng
Nên dù thâm thúy cũng như không
Cho free mà chẳng ai đăng thử

Không phải tôi ham danh thi sĩ
Mà chỉ  muốn dàn trải nỗi lòng
Ước mong được đón nhận cảm thông
Chớ đâu cần bốc thơm hoa mỹ

Nếu không post cũng xin cho biết
Hà cớ sao nín lặng làm ngơ
Để bẽ bàng vỡ mộng nàng thơ
Dù hay dở cũng là tâm huyết...

Và tôi tự nhủ mình thua keo này thì bày keo khác vậy. Đừng vội nãn chí ngã lòng, đã biết trước là vạn sự khởi đầu nan rồi kia mà. Đường dài thăm thẳm mà tôi chỉ mới bắt đầu thôi, lo gì không tìm ra  cơ hội, nếu cửa này đóng thì mình gõ cửa khác, trước sau gì chắc chắn cũng sẽ có người nghe thấy mở ra cho mình. Qua kinh nghiệm lần đầu, tôi nhận thấy mình phải có internet thì mục đích mới mong đạt hiệu quả, chớ cứ cái kiểu đánh máy bài rồi in ra gởi bưu điện như vầy mãi chắc không nhà báo nào chịu đoái hòai ghé mắt. Bao nhiêu tâm huyết của mình rồi sẽ như nước cuốn hoa trôi! Thế là tôi nhờ thằng em xúc tiến việc gắn internet, nhờ thằng rể chọn provider, một công ty nào thịnh hành có uy tín, ít bị ‘’cà giựt, cà chớn’’ để đăng nhập và sau đó lo cắm đầu cắm cổ học cách xử dụng căn bản “send & receive” cho quen, quên bẵng đi chuyện bài thơ bị xù hôm nọ.

Và trong lúc tôi đang ‘’nghiên cứu thị trường’’ để tiêu thụ ‘’sản phẩm’’ của mình thì bất ngờ một buổi trưa, trong lúc đứng trước cổng trường chờ rước cháu tan học, thình lình tôi nhận được một cú phone từ một người lạ. Người này tự giới thiệu là chủ bút tờ báo mà tôi đã gởi bài, báo cho tôi biết là bài thơ của tôi sẽ được trình làng ngày mai. Ông nhà báo nói:
-Tôi thiệt sợ cô luôn, bài vở dồn dập nhiều quá, tôi chưa kịp đăng bài của cô thì cô đã hỏi phủ đầu nhắc khéo tôi rồi, hỏi sao mà hỏi ngặt quá đổi làm tôi chỉ có cách là đăng lên cho cô vừa lòng thôi. Sao cô làm thơ bi quan cay đắng quá vậy? ‘’Nhân sinh một kiếp phù du, cõi trần chỉ tạm lãng du chờ về, hư vô một cõi đi về, khi đi tay trắng khi về tay không’’, quả thật không sai.     
            -Thì tại thấm thía tình đời quá cho nên làm sao lạc quan cho được. Mà bài thơ của tôi anh thấy sao, có đạt tiêu chuẩn không chớ tôi không muốn anh miễn cưởng đăng đâu nhé.
Ông nhà báo hỏi ngược lại:   
-Nếu không hài lòng thì sao tôi lại thuộc làu mấy câu thơ đó của cô chớ?  
Tôi mừng rỡ hỏi tới tấp:         
- Anh nói thiệt hả? Vậy là tôi có đất dụng võ rồi, mai mốt anh có nhận bài của tôi nữa không? Tôi gắn internet rồi, mai mốt chỉ cần click một cái là tới anh ngay, khỏi phiền đánh máy lại, tiện cho anh hơn. Tôi còn có cả một truyện dài nữa đó.
Ông nhà báo reo lên:
-Ồ, thế thì tốt quá, mà trước giờ cô có làm thơ viết truyện cho báo nào chưa? Sao lại có truyện dài nữa, hay vậy?
Tôi tình thật nói:
            -Chưa bao giờ. Chỉ gởi cho bạn bè đọc chơi. Họ khen quá chừng nhưng tôi nghĩ họ chỉ khen an ủi lấy lòng nên muốn tự kiểm chứng coi sao. Còn truyện dài  là hồi ký của tôi, tại tôi thích viết, điếc không sợ súng mà, cứ viết bừa, viết tưới hột sen, viết rồi cứ để đó không dám gởi ai đăng hết vì e rằng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Như bài thơ tôi gởi anh đó, tới nay đã gần một tháng rồi mà không có hồi đáp, tôi đinh ninh là lọt sổ, vô sọt rác rồi.
Ông nhà báo cãi chính:
            - Cô nghĩ oan cho tôi quá. Tôi chỉ chậm trễ chớ đâu có vứt đi, bằng chứng là bây giờ tôi đã gọi cho cô rồi nè. Từ nay có bài gì cứ gởi cho tôi để tôi đọc rồi dần dà sẽ đăng lên cho cô. Vậy đi. Cám ơn cô nhé.     
-Tôi phải cám ơn anh mới phải, cám ơn anh đã gọi, đã cho tôi niềm tin và hy vọng. Tôi sẽ cố gắng để anh không bị thất vọng vì gọi lầm.

Quả thật cú phone của ông nhà báo đã giúp tôi tươi tỉnh phấn chấn tinh thần hẳn lên như nắng hạn gặp mưa rào, cây khô được tưới lên nguồn nước mát. Như một người đi tìm việc được chủ nhận, tôi nghe lòng rộn rã reo vui mặc dù việc làm này chẳng có lương bổng thù lao, đồng tiền bát gạo chi cả nhưng bù lại tôi có thể đạt thành tâm nguyện ấp ủ bấy lâu. Tôi thầm cám ơn ông nhà báo này vô cùng đã bắt cầu cho tôi đến với độc giả và…hiền giả cũng như đã dẫn dắt tôi vào thế giới làng báo làng văn góp mặt với tiền bối hậu bối để từ đó tôi có thêm cơ hội học hỏi trau dồi thêm kinh nghiệm viết văn vốn còn rất sơ đẳng kém cỏi của mình.

Và sau một thời gian gởi bài trên báo, một ngày nọ nhân lục lạo tìm tòi trên net, tôi tình cờ phát hiện ra truyện ngắn truyện dài của mình trong một diễn đàn mà tôi chưa bao giờ liên lạc, tự hỏi không biết họ lấy từ đâu ra. Nhưng điều đó đã chứng tỏ là bài của tôi cũng được  người chiếu cố lắm chớ không đến nổi bị ma chê quỷ hờn trôi sông lạc chợ. Do đó tôi bèn nghĩ đến chuyện gởi bài lên mạng sau khi đã gởi đăng báo tại chỗ. Mà khổ nỗi, lúc đó tôi chưa biết cách tìm bài trên mạng nên khi gởi bài, tôi đã dặn dò trưởng ban biên tập vui lòng cho tôi biết phải mở chỗ nào ra để check lại nếu bài của tôi được chọn đăng. Có lẽ vì thấy tôi khù khờ cho nên thánh nhân mới thương tình đãi ngộ cho tôi thuận gió xuôi buồm.   

Giờ đây thì chuyện gởi bài không còn là vấn đề khiến tôi phải ‘’mất ăn mất ngủ’’ lo lắng như lúc ban đầu nữa tuy không phải diễn đàn nào cũng welcome đón nhận. Có người reply bằng một lời cám ơn. Có người chẳng nói chẳng rằng lặng lẽ post, có người thì biệt vô âm tín tưởng chừng như trang mạng đó chỉ là trang ảo với người hư vô. Thôi thì tùy nghi họ hành xử bởi vì đời là vậy, muôn mặt muôn lòng. Người thì sốt sắng ân cần, kẻ thì lạnh nhạt chẳng hề quan tâm người khác. Nói chung thì ai cũng bận rộn và ai cũng có lề lối làm việc riêng của họ. Ai cũng có trăm thứ lý do, hơi đâu mà thắc mắc nghĩ ngợi buồn phiền, miễn sao thỉnh thỏang thấy được bài mình xuất hiện trên mạng là tôi như tìm thấy hạnh phúc đâu đó, nghe lòng hớn hở tưng bừng nở hoa.

Chuyện gởi bài coi như tạm ổn, giờ đây vấn đề là mỗi lần viết xong một bài gởi đi, tôi lại băn khoăn tư lự không biết sẽ viết  gì kế tiếp. Thời buổi internet thống trị tòan cầu, báo điện tử thịnh hành đua nhau nở rộ, người viết cũng cùng lúc bùng lên như pháo bông chấp chới khắp cùng năm châu bốn biển, mở trang mạng nào ra cũng hoa mắt chóang ngộp vì bài vở dày đặc ngập tràn đủ mọi đề tài như thời sự, xã hội, chính trị, kinh tế, y học, tôn giáo, lịch sử, phiếm luận, tin tức cập nhật thế giới vv…Còn văn thơ thì đủ mọi thể lọai như hồi ký, ký sự, biên khảo, tạp ghi, tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn hằng hà sa số như sao trời lung linh, như suối nguồn lai láng tuôn đỗ, người viết nhiều còn hơn người đọc khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mình là kẻ dư thừa, là một hạt cát trong sa mạc, một giọt nước trong đại dương, có hay không cũng không cần thiết, có cũng chẳng ai màng, không có cũng chẳng ai biết ai hay, nobody cares!

Vả lại sự hăm hở lúc bắt đầu đã không còn thôi thúc mãnh liệt nữa nên đôi lúc tôi tự nhủ mình rằng nguyện ước của mình coi như đã thành tựu, bấy nhiêu cũng đã đủ lắm rồi cho một kẻ không có tham vọng cao xa, bon chen đua đòi làm danh tướng. Hay là mình ‘’gác kiếm” rút khỏi giang hồ cho xong. Viết ít trật ít, viết nhiều trật nhiều, làm sao tránh được sơ xuất đôi khi, mà thói đời, người khen người thích thì ít, còn người chê người ghét, kẻ chuyên môn moi móc thì vô số, họ sẵn sàng chực chờ có dịp là đạp mình xuống ngay. Chừng đó “văn sởi” chưa lên mà đã chuốc lấy thảm bại não nề. Thôi thì nếu muốn là giai nhân cho đời còn luyến tiếc thì phải biết ‘’bất hứa nhân gian kiến bạc đầu’’ mới may ra.

Tôi có người em gái, mỗi lần gặp nhau, cô em cứ hỏi “Chị đã chán viết chưa, dẹp quách cho rồi cho khỏe đầu óc, thời nay đâu còn mấy người thích đọc văn chương chữ nghĩa nữa, người ta có xu hướng thích coi phim hơn là coi sách đọc truyện, nhứt là thế hệ tuổi mình mắt ai cũng đã già đã yếu, coi phim giải trí là thượng sách hơn là coi truyện. Phim Hong Kong, Trung quốc, Đại Hàn, Việt Nam ôi thôi nhiều bất tận, lại rẻ rề rẻ mạt tha hồ mà coi.  Em có hơn cả trăm bộ phim đây nè, chưa kể còn đổi qua đổi lại với bạn bè, nói chị đem về coi đi, thích thì coi luôn, không thích thì dẹp, đổi bộ khác chớ gì, lại được thêm cái vui tha hồ phê phán bình phẩm người này người nọ, đã nói là mua vui mà. Tội gì cứ thức đêm thức hôm ngồi suy nghĩ nặn óc viết bài, chẳng những không được cây kim sợi chỉ gì mà nhiều khi còn bị thiên hạ chê lên chê xuống làm mình buồn tủi nữa là khác. Tội nghiệp bà chị tui quá đi, thích cái gì sướng không thích, lại thích chuốc cực vào thân, thích làm cho người ta vui, nhường nhịn người ta từ miếng ăn miếng uống đến tiền bạc cho tới chữ nghĩa”.  

Hết cô em khuyên lại tới cậu em ‘’rầy rà’’. “Bà sao chưa chịu nghỉ viết đi, để thời giờ coi TV, theo dõi những chương trình cập nhựt cho theo kịp người ta. Bà thích làm bếp thì coi ‘’My Kitchen Rule, Master Chief, thích văn nghệ  thì có Australia got talent, thích phiêu lưu thì có Amazing Race, biết bao nhiêu chương trình đáng coi đáng thưởng thức, các đài truyền hình tranh nhau phục vụ mình tối đa mà bà không để mắt tới thiệt là uổng. Ban ngày bà đã quần quật với bao nhiêu công việc chợ búa bếp núc, coi cháu tới tối mò mới rảnh rang được một chút thì làm ơn nằm nghỉ coi TV, xem phim tập hay phim action giải trí đi, cứ lo cặm cụi ngồi trước cái máy rị mọ ba cái chữ rồi than nhức mắt, nhức đầu đau lưng. Thiệt là tức bà hết sức, can hổng nổi”.

Con gái tôi thì cằn nhằn “Má nói thích phim action, coi nó đấm đá khỏi suy nghĩ, con đã download cả đống cho má mà lần nào hỏi má cũng nói chưa coi, không  biết má lục lạo gì trên net tới khuya lơ khuya lắc cho mệt trí vậy hổng biết nữa”.

Mặc đứa nào nói gì thì nói, tôi chỉ cười ruồi nói “Kệ tao, tao thích vậy chớ bộ
Trót vương vào kiếp con tằm
Dẫu rằng bạc bẽo cũng đành nhả tơ!
Chẳng mong một tiếng khen vờ
Chỉ mong đời mãi có thơ theo mình

Bọn nó làm sao có thể hiểu được sở thích và niềm vui của tôi chỉ tìm thấy ở nội tâm, đến từ hai mươi sáu chữ cái rất đơn giản mà cũng rất phức tạp. Từ những chữ cái đó, tôi ráp vần, nối chữ thành câu rồi thêm thêm bớt bớt, viết ngược viết xuôi, viết nên đủ thứ chuyện thị phi ta bà của đời thường mà tất cả những ai trót mang thân phận con người cũng đều vướng mắc kinh qua cho dù là cùng đinh mạt rệp hay tột đỉnh vinh quang. Đối với tôi, đây mới là mục đích lẽ sống mà cho tới tuổi đời này tôi mới tự mình khám phá ra và thực hiện được cho mình, ngòai ra những thú vui khác đều hòan tòan vô nghĩa.

Để có chút thành quả ngày hôm nay, tôi biết rằng tôi đã mang ơn rất nhiều người. Trước nhứt là ơn trời đã cho tôi chút khiếu văn thơ, kế đến phải cám ơn đời đã phát minh ra mạng lưới tòan cầu, đã chấp cánh cho tôi bay đến mọi nơi trên thế giới. Cám ơn những nhà báo, trang mạng, diễn đàn đã làm nhịp cầu đưa tôi đến với người đọc và nhứt là cám ơn độc giả bốn phương đã ưu ái đón nhận để tôi còn can đảm và hứng thú tiếp tục viết thêm những điều Nhân- Lễ- Nghĩa- Trí - Tín ở đời.


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgLrVCUO_z4pykLMz0aoIN9VMA9lRAT2ctoSSpJlM2wBxMFjNuaeZToA0lcj5GI9ldOS5OgxNJobY6Zv8i6B0zE7uVw1rJ9OJZZf_igiEkShPcbYmu3Z4eXGG9Op0bDaX4Ho7VDVj_Uen8/s1600/Hinh+Rose.jpg   Người Phương Nam