a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Cách làm chả cá đơn giản mà thơm ngon

Cách làm chả cá sau sẽ giúp bạn trổ tài vào bếp thực hiện món chả cá cho gia đình nhâm nhi những ngày cuối tuần tụ họp.

Chả cá là món ăn ngon được nhiều người yêu thích tuy nhiên, không phải ai cũng biết cánh làm chả cá đúng chuẩn.
Sau đây là 2 cách làm chả cá đơn giản mà thơm ngon.
Cách 1:
Chuẩn bị nguyên liệu:
1kg cá rô phi
1 mớ thì là, 2 củ hành khô
Hạt tiêu, nước mắm, hạt nêm, đường, mỳ chính, dầu ăn
Cách làm chả cá
Cá lọc lấy phần thịt cá. Thì là rửa sạch thái nhỏ.
Cắt cá thành những miếng nhỏ, ướp 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh hạt nêm, ½ thìa canh đường, hạt tiêu, mỳ chính, hành khô băm nhỏ. Sau khi ướp xong thì để cá vào ngăn đá tủ lạnh 2-3 tiếng.
Đem cá ra xay nhuyễn lần 1, xay xong lại cho vào ngăn đá 2 tiếng và bỏ ra xay lại lần 2, sau khi xay xong thì dùng muôi gỗ quết chả 10-15 phút (nên phết kỹ thì món chả cá sẽ càng dai hơn.)
Nặn cá thành những viên tròn, sau đó ấn hơi dẹt.
Cho chả cá vào chảo chiên vàng.
Sau đó vớt ra giấy cho ráo dầu. Lưu ý, nếu chưa ăn ngay bạn có thể rán sơ, để nguội rồi cất chả vào ngăn mát hoặc đem cất đông.
Cách làm chả cá đơn giản mà thơm ngon
Cách 2:
Chuẩn bị nguyên liệu:
600 gr cá phi lê
150 gr tôm lột vỏ
1 thìa cà phê muối
1 thìa cà phê tiêu trắng
1 thìa canh dầu ăn
1/2 thìa cà phê đường
1 nhánh hành lá thái nhỏ.
Cách làm chả cá
Cá, tôm rửa sạch với nước có pha chút muối, sau đó rửa qua nước lạnh. Lấy giấy/ khăn thấm khô nước. Thái cá từng miếng nhỏ. Cho cá và tôm vào ngăn đá tủ lạnh để 45 phút. Sau 45 phút lấy cá, tôm ra, cho vào máy xay sinh tố cùng với muối, đường, tiêu, dầu xay thật nhuyễn. Tiếp tục cho cá xay ra tô, cho hành lá vào trộn đều.
Bắc chảo dầu lên bếp (không cần nhiều dầu). Thoa một ít dầu vào hai lòng bàn tay. Viên cá dài hay tròn hoặc dẹp tùy thích. Khi dầu nóng cho cá vào chiên vàng hai mặt với lửa nhỏ.
Bích Châu (tổng hợp)

2 món rau trộn giảm cân

 

Sau những ngày lễ, một thực đơn nhiều rau sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, vừa ngon miệng vừa có tác dụng giảm cân, bổ sung dưỡng chất. Để đổi khẩu vị, có thể trộn rau với các loại thịt ít năng lượng như thịt gà (bỏ da), thịt bò...

Bắp cải trộn gà
Nguyên liệu
2 cái đùi gà
1/2 bắp cải
2 củ hành tây
10 củ hành tím
1/2 trái ớt sừng
1 nắm rau răm
Nước trộn: 2 trái chanh, 1/4 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng canh dầu ăn.
Nước mắm chua ngọt: 1 trái chanh, 1/2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh nước ấm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê ớt băm.
Thực hiện
Gà rửa sạch, luộc chín, bỏ xương, da, xé nhỏ.
Cải tách lá, rửa sạch, xắt sợi. Rau răm lặt, rửa sạch, xắt nhỏ.
Hành tím lột vỏ, bào mỏng, lấy 1/2 phi vàng với dầu ăn.
Hành tây lột vỏ, xắt mỏng, ngâm trong nước giấm đường 10 phút cho bớt hăng, vớt ra vắt ráo.
Nước trộn: Chanh vắt nước vào chén, bỏ hạt, cho muối, đường, bột ngọt, tiêu, dầu ăn vào khuấy đều, cho 1/2 hành tím còn lại vào trộn đều.
Nước nắm pha: Chanh vắt lấy nước. Cho tỏi, ớt băm vào chén, cho đường, nước chanh, nước ấm vào quậy đều, thêm nước mắm vào trộn đều.
Cho gà xé, bắp cải, hành tây, ớt sừng vào thau, rưới nước trộn gỏi vào trộn đều cho thấm. Cho hành phi, rau răm vào, rưới 1/2 nước mắm vào trộn đều.
Dọn gỏi ra đĩa, ăn kèm với nước mắm còn lại.
Xà lách xoong trộn thịt bò
Nguyên liệu
300g phi lê bò
1 bó rau xà lách xoong
2/3 củ tỏi
Gia vị: 1/4 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê đường, 1/4 muỗng cà phê bột ngọt, 2 muỗng canh nước tương, 2 muỗng canh dầu ăn.
Thực hiện
Thịt bò rửa sạch, xắt mỏng. Tỏi lột vỏ bằm nhuyễn. Ướp thịt bò với 1/2 phần tỏi bằm, 1 muỗng canh nước tương, tiêu, bột ngọt, đường, 1 muỗng cà phê dầu ăn, trộn đều, để khoảng 15 phút cho thịt thấm gia vị.
Rau xà lách xoong bỏ cọng cứng, lặt cọng vừa ăn, rửa sạch, để ráo.
Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, chảo nóng cho tỏi vào đảo thơm, trút thịt bò vào đảo nhanh trên lửa lớn xào trong 2 phút cho vừa chín tới.
Dùng lại chảo, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, dầu nóng cho xà lách xoong vào trộn nóng trong 2 phút, thêm thịt bò vào trộn đều, nêm nếm lại vừa ăn, trút ra đĩa, dọn ăn kèm nước tương.
HUYỀN CHÂU

Bao tử trộn chua cay giòn ngon khó chối từ

 

Bao tử trộn chua cay là món ăn dân dã mà lại cực kỳ hấp dẫn, dùng để ăn chơi nhâm nhi cùng bạn bè hay góp mặt trong bữa cơm gia đình đều thật tuyệt.

Rau răm và ớt trái rửa sạch, thái nhỏ. Hành tây thái mỏng.


- Bao tử heo chà qua với muối rồi rửa sạch cho hết nhớt. Sau đó cho giấm bóp đều với bao tử để khử mùi hôi và làm trắng. Rửa sạch lại với nước.
- Đun sôi nước, cho bao tử vào luộc chín rồi lấy ra cho ngay vào âu nước lạnh có vài viên đá để bao tử không bị đen. Cắt bao tử thành những miếng mỏng vừa ăn.


Trộn đều bao tử heo cùng rau răm, ớt trái, hành tây, 1/2 thìa cafe muối, một ít tiêu và bột ngọt. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Khi ăn thì vắt thêm vài giọt chanh để món bao tử trộn có vị chua nhẹ.
Bao tử trộn chua cay là món ăn dân dã mà lại cực kỳ hấp dẫn. Có thể dùng để ăn chơi nhâm nhi cùng bạn bè hay góp mặt trong bữa cơm gia đình đều thật tuyệt. Bao tử heo có độ giòn quyện vị chua cay đậm đà, vẫn giữ được độ trắng không bị thâm đen chút nào.

Chúc bạn thành công và ngon miệng nhé!

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Cách làm mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao

Món mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao giòn giòn sần sật lại ngọt ngào thật thích hợp để đãi khách vào dịp Tết.

Cách làm mứt dừa non không khó nhé chị em.
Nguyên liệu:
- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột cacao: 2 thìa cà phê
Thực hiện:
Mứt dừa non ăn rất ngon vì mứt khá dẻo và dai chứ không bị cứng cứng như mứt dừa làm từ dừa bánh tẻ. Nhưng để làm ra được 1kg mứt dừa non sẽ tốn khá nhiều quả dừa non vì mứt dừa non này mình làm hoàn toàn bằng loại dừa lấy nước uống nên phần cơm dừa không được nhiều. Các bạn có thể mua loại dừa non này ở những hàng bán dừa non, nhưng nên nói người bán chọn cho những quả có phần cơm dừa hơi dầy một chút.
Tốt nhất là các bạn nên mua lại những quả dừa đã được người ta bán hết phần nước cho khách, như thế sẽ vừa rẻ mà lại không bị lãng phí phần nước dừa vì không thể tiêu thụ hết một lúc. Hoặc trong những ngày nắng nóng, các bạn mua dừa non về uống hết nước. Sau đó các bạn hãy tách lấy phần cùi non rồi cho vào túi bóng zip (hoặc hộp), cất vào ngăn đá tủ lạnh.
Các bạn cứ góp dần như thế cho đến khi được nhiều nhiều một chút, đủ để làm một mẻ mứt. Lúc này các bạn chỉ cần bỏ cùi dừa non ra khỏi tủ lạnh, rã đông rồi làm. Với mẻ mứt dừa non này là mình cũng làm từ cùi dừa non được cấp đông từ lâu.
Bước 1: Dùng dao chặt quả dừa làm 4, lấy 1 chiếc thìa (loại thìa cứng một chút) cạy lấy phần cùi non (vì là dừa non nên khó để nạo được những sợi dừa thật dài và mỏng như dừa bánh tẻ nên không cần phải tách cùi dừa còn nguyên hình dạng như với dừa bánh tẻ).
Bước 2: Gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, thái dừa thành miếng hoặc những sợi nhỏ dài cỡ cái đũa ăn cơm (nếu thái thành miếng thì thời gian sên mứt sẽ lâu hơn một chút).
Bước 3: Rửa dừa với nước để loại bỏ phần dầu dừa, rửa lặp đi lặp lại khoảng vài lần cho đến khi nước rửa dừa trong là được.
Bước 4: Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 1 phút. Sau đó chắt bỏ nước, đổ dừa ra rổ cho ráo nước.
Bước 5: Cho 1/3 lượng đường và sữa tươi vào chảo, đun nhỏ lửa cho sữa ấm lên, dùng đũa quấy đều để đường tan. Cho 1/3 số dừa vào chảo, đun ở mức lửa trung bình, thi thoảng đảo đều. (Ở đây mình sên mứt dừa vị sữa trước vì mình sẽ tận dụng phần đường thừa không bám hết vào mứt cho mẻ sau).
Bước 6: Khi nước đường cạn sền sệt thì hạ lửa về mức nhỏ nhất, đun liu riu và dùng đũa đảo liên tục để đường kết tinh bám trắng vào mứt. Vì mứt dừa non thái miếng khá dày cho nên nếu không sên cho mứt khô hẳn thì sau vài tiếng có thể mứt sẽ ra nước và ướt nhẹp.
Cho nên khi đường đã kết tinh bám trắng vào miếng mứt các bạn cứ vẫn tiếp tục đảo đều trên bếp như thế khoảng 10 -15 phút nữa. Khi cắn thử thấy bên trong miếng mứt có vẻ khô ráo và dẻo dai là được (khi đảo khô mứt trên bếp, lửa phải để thật nhỏ và đảo đều liên tục, tránh việc lửa to sẽ làm đường bị cháy).
Bước 7: Khi mẻ mứt dừa vị sữa đã được, các bạn cho mứt ra khay để hong cho mứt nguội và khô hơn. Phần đường thừa trong chảo các bạn cho thêm một ít nước và ½ lượng đường còn lại vào, đun cho đường tan hoàn toàn thì cho tiếp ½ chỗ dừa còn lại vào.
Đun cho đường cạn sền sệt thì rắc cacao vào, dùng đũa đảo đều và hạ lửa liu riu. Tiếp tục làm tương tự như mứt dừa vị sữa.
Bước 8: Để không bị lẫn mùi vị thì các bạn sên mứt dừa vị trà xanh bằng một chảo khác. Các bước sên mứt vị trà xanh sẽ làm tương tự như với mứt dừa non vị cacao.
Để mứt dừa non được khô hơn nữa thì sau khi sên, các bạn cho ra khay, đợi nguội rồi cho vào tủ lạnh 1-2 ngày.
Sau đó mới cho mứt dừa non vào lọ thủy tinh hoặc túi nilon để bảo quản.
Chúc các bạn thành công với cách làm mứt dừa non đầy màu sắc hấp dẫn nhé!

Cách đồ xôi gấc thơm ngon, màu đẹp tự nhiên

 

Cách đồ xôi gấc: Cách nấu xôi gấc sau sẽ giúp bạn trổ tài thực hiện món xôi gấc vừa ngon, có hàm lượng vitamin cao lại vừa có màu sắc bắt mắt.

Món xôi gấc thường dùng vào những dịp cưới, hỏi hay lễ, Tết. Xôi gấc chín dẻo, thơm, hột nếp không nở bung và bóng khi ăn kèm với giò lụa rất ngon.
Sau đây là cách đồ xôi gấc thơm ngon, màu đẹp tự nhiên
1. Nguyên liệu đồ xôi gấc
2 kg gạo nếp
1/2 bát con dầu ăn
200 gr đường (nếu thích)
1/2 thìa canh muối
100ml nước cốt dừa (nếu thích)
2 thìa canh rượu trắng nấu ăn
1 quả gấc tươi
Cách đồ xôi gấc thơm ngon, màu đẹp tự nhiên
2. Cách đồ xôi gấc
Gạo nếp vo sạch, cho nước vào ngập hơn mặt gạo, ngâm khoảng 7 tiếng đồng hồ. Hôm sau đem ra xả lại cho sạch, để cho ráo nước.
Gấc chọn trái chín đỏ, vỏ mềm, gai nở hết. Bổ gấc làm hai, lấy hột gấc có thịt đỏ để riêng ra, phần cùi vàng nạo để riêng. Dùng tay bóp cho tan cùi gấc. Sau đó, cho phần gấc thịt đỏ vào chung, bóp tan thịt đỏ gấc cho đều.
Ướp gấc với rượu trắng, một ít màu đỏ và một ít muối, ướp qua đêm. Tiếp tục, trộn thịt gấc với nếp và ½ thìa canh muối cho đều.
Cho gạo vào xửng, đặt lên bếp hấp. Xôi khoảng ½ giờ , mở nắp xửng ngửa lên, lau khô hết nước đọng trên nắp. Dùng đũa sới xôi lên cho xôi được xốp.
Rưới nước cốt dừa hay dầu ăn lên xôi. Sau đó, đậy nắp xửng lại hấp thêm khoảng 30 phút nữa, tiếp tục rưới nước cốt dừa hay dầu ăn lên xôi và xới đều. Hấp cho đến khi thấy xôi mềm dẻo là được. Nếu thấy sôi hơi khô, có thể rưới thêm nước cốt dừa hay dầu ăn và hấp thêm một lúc nữa.
Khi xôi đã chín mềm và dẻo, nhấc xửng ra khỏi bếp, đợi cho xôi bốc hơi đi bớt, lúc đó mới rắc đường vào và trộn đều (nếu thích). Không nên trộn đường vào khi xôi còn quá nóng. Vì làm như thế, xôi sẽ bị nát.
Cuối cùng, đơm xôi ra đĩa hay cho xôi vào khuôn đóng thành bánh là hoàn thành.
Bích Châu (tổng hợp)

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Rồi Thì Ta Cũng Già ( Bài chuyển của Mai Hương HD 67-74)


Image
Rồi Thì Ta Cũng Già 



Những ngày ở bệnh viện PNT, tôi chứng kiến sự già nua của cơ thể người bệnh, nỗi buồn của bệnh tật, sự cô đơn của những bệnh nhân không ai chăm sóc và nhìn thấy cả niềm hạnh phúc long lanh của những ông cụ được vợ đem lưỡi lam, kéo đến tận giường để cạo râu, tỉa tóc...Tôi thương một ông cụ 84 tuổi, ông không có người chăm sóc và ông bị mất tiếng nói sau một cơn tai biến trong quá khứ ( tôi nghe người nhà tôi nói vậy). Ông thường vẫy vẫy bất cứ người nào ...đưa ánh mắt nhìn ông, và một trong những người đó có tôi. Tôi thường mua cháo thịt bằm cho ông và nhận nhiệm vụ chia gói thuốc bột tan đàm làm 3 phần, mỗi phần bột thuốc trút vào một muỗng cháo cho ông. Tôi giúp ông thu dọn một số hộp nhựa vương vãi xung quanh. 



Tôi không biết ông đã làm gì khiến con cháu tức giận đến mức bỏ mặc ông, hoặc họ chỉ có thể thương ông ở chỗ trả tiền viện phí cho ông. Có một giây phút nào đó tôi có sự đồng cảm và chia sẻ cho con cháu của ông. Tôi nghĩ chắc họ bị những "vết thương lòng" từ lời nói hay hành động nào đó của ông trong quá khứ, khiến họ bị chai sạn cảm xúc trước bệnh tật và sự già yếu của ông. Nhưng khi tôi chứng kiến người con trai gần 50 tuổi và người con gái của ông hơn 50...chỉ vào mặt ông bảo rằng..." (tiếng chửi thề)..tui dọng vô mặt ông bây giờ, ông ứ ứ cái gì" và " ...lần này tui xin cho ông về, tui cho ông chết m.. ông luôn. Ông sống ông chỉ báo con báo cháu. Ông chết thì chết m .. ông đi cho tụi tui nhờ". Họ nói lớn tiếng và tôi tin chắc tất cả từ người bệnh đến thân nhân, tổng cộng hơn 20 con người ở đó (bao gồm cả tôi) đều thấy đều nghe. Nhưng tất cả đều im lặng ( hoặc có chút bất nhẫn gì đó trong lòng)...nhưng chẳng ai giúp ông già, chẳng ai tát tai hai đứa con kia, chẳng ai khuyên can đừng la lớn tiếng, chả ai can thiệp cho một một sự bạo hành gia đình, bạo hành người già. Ai đó có cả TÔI. Có lẽ ai cũng nghĩ....đèn nhà ai nấy sáng, chuyện gia đình người ta.


Tôi chảy nước mắt vì tôi thấy tôi hèn và tôi thấy thương ông già.
Rồi thì ta cũng già!
Rồi thì ai cũng già!


Rồi thì mai này anh gần 50, chị trên 50 nọ cũng già, cũng đau yếu , cũng bệnh tật...và có chắc khi mình sống một cuộc đời rất mực thương yêu con cháu, tốt bụng với hàng xóm làng giềng thì mình sẽ tránh được sự cô đơn, già yếu, bệnh đau???


Có ai dám tự tin bảo rằng ...cứ thương con thương cháu thì sẽ có ...con cháu có hiếu., sẽ được yêu thương chăm sóc khi về già. Ngộ nhỡ con cháu ta đang du hành vũ trụ, đang du lịch phương đông, đang du hí ở phương tây ....thì khi ta đau, ta yếu...ta có vẫy vẫy đôi tay trơ xương, đôi mắt kéo màn...mà ráng dòm ráng ngó xem có ai đang nhìn ta để mà nhờ đi mua chút cháo lót lòng?


Ai ơi, sân si chi với kẻ đau bệnh già nua, mà kẻ đó lại là người sinh ra ai đó!


Tôi hỏi một câu hỏi với bạn thân, rằng khi một đứa trẻ bị bạo hành xã hội sẽ có rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ nhưng sao ít thấy ai lên tiếng về bạo hành người già.? Bạn bảo cơ bản vì…người già có sức chịu đựng hơn con nít, người già hiểu được tại sao người khác làm vậy với mình?


Câu trả lời không thỏa mãn tôi cho lắm. Nhưng câu hỏi mà tôi dành cho tôi đó là “tại sao tôi vẫn đứng yên nhìn sự bạo hành người già?” Rồi thì tôi cũng sẽ già cơ mà!?


Tôi không biết mình dành lời chúc nhưng thế nào cho ông lão. Ước ông bình an hay ước ông sống thêm được vài năm, vài chục năm? Ước cho con cháu cảm nhận được rồi họ sẽ già hay ước có cô tiên gieo yêu thương vào trái tim họ? 


Tôi nghĩ đến lời một bài hát: 

Bao nhiêu năm làm kiếp con người 
Chợt một chiều tóc trắng như vôi 
Lá úa trên cao rụng đầy 
Cho trăm năm vào chết một ngày



Rồi thì ta sẽ già và chết vào một ngày nào đó. Bạn giống ta, ta giống bạn. Chúng ta đều giống nhau khi chung một kiếp con người, nên nếu như ta còn được ai đó yêu thương, ta còn chút sức khỏe, ta còn chút ít bạc tiền...



…thì thôi hãy thấy “ được sống là một niềm hạnh phúc lớn lao”
…thì thôi hãy tha cho những lỗi lầm của “người già”
…thì thôi hãy yêu thương và cho đi chút yêu thương đối với “người bệnh”, “người già”…



Người nay đã không còn sức mắng ta như khi ngày xưa còn sức khen ngợi ta lúc ta bé xíu. Người nay không còn khỏe như ngày xưa để rút roi mây nhịp nhịp vào mông ta mỗi khi ta làm điều sai trái khiến người buồn. Người nay không còn tiền để tự kêu một chiếc taxi vào bệnh viện, đâu phải rủng rỉnh bạc cắc như ngày xưa từng ngoắc xích lô đưa ta đi chơi sở thú.


Tử tế tại tâm. Tỉnh tâm chút nhé ai đó, vì rồi thì ta cũng sẽ già mà!

Trần Thị Nhung


Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo


Image
Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo


Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Điển cố Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh trở thành câu chuyện kinh điển nhắc nhở con người về chữ Nhẫn. 



Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là “Hán triều Tam kiệt”, đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán – Sở.


Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội Trương Lương là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.


Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Trương Lương phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).


Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!” Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên. Ông lão lại giơ chân lên bảo: “Mang vào!” Trương Lương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Trương Lương nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.


Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: “Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống “xin vâng” một tiếng.



Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến nơi hẹn, không ngờ ông già đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến”. Nói xong liền quay lưng đi mất. 


Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, Trương Lương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương Lương về và nói năm ngày sau nữa hãy tới. 


Lần sau thì Trương Lương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: “Phải vậy chứ!”.



Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. 


Trương Lương mang cuộn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách. 

Mười ba năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, Trương Lương liền mang về. 

Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.


Công Tôn

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Nấm rơm kho tộ

Ngày đông se lạnh, với nhiều người thích ăn chay, món nấm rơm kho tộ là sự lựa chọn số 1 cho một bữa cơm ngon và tốt cho sức khỏe.

Ảnh: Tuyết Khoa
Hồi nhỏ, khi tôi còn ở quê, cứ đến mùa mưa lũ là những đống rơm trong sân nhà lại ra nấm. Những cây nấm mập ú lú nhú trên những tảng rơm mục nát. Tôi và anh trai lại tranh nhau hái thật nhiều nấm để làm chiến lợi phẩm khoe với mẹ. Vậy là bữa cơm hôm ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ có nồi nấm rơm kho tộ ngon đáo để của mẹ.

Để có nồi nấm kho tộ ngon, trước hết phải chọn những búp nấm chưa nở và thật múp máp. Mẹ tôi khéo léo dùng dao gọt nấm thật sạch rồi ngâm nước muối khoảng chừng 15 phút. Những chiếc nấm trắng trẻo được vớt ráo rồi đem ướp cùng gia vị như xì dầu, dầu mè, bột ngọt, đường, ớt bột và vài lát ớt trái. Để thêm thơm ngon, mẹ rang một ít mè rồi đảo đều cùng nấm và gia vị. Sau đó cho nồi đất lên bếp, phi một ít dầu mè với phần gốc của cây boa rô rồi cho nấm vào. Để lửa nhỏ liu riu, thật đều quanh nồi, nấm thấm từ từ. Nấm vừa sôi vừa tỏa mùi thơm khó cưỡng. Mùi xì dầu quyện cùng mùi nấm rơm, ớt trái, mè... thơm ngon hết độ. Món này không nên kho quá khô mà phải có nước sền sệt mới ngon. Khi chín, có thể rải lên trên một ít tiêu và lá rau răm để món ăn thêm tròn vị.
Tuyết Khoa

Cơm đỏ bò lúc lắc lạ miệng

 

Bạn cũng có thể dễ dàng làm được món cơm thường được phục vụ trong các nhà hàng này để thưởng thức tại nhà.

Nguyên liệu cho cơm đỏ:
- 1 bát to cơm nguội
- 1 thìa canh bơ đun chảy
- 1 thìa nhỏ tương cà
- Tỏi băm
- Muối, hạt nêm, đường
Nguyên liệu cho bò lúc lắc:
- 450 g thịt bò phi lê
- 1/2 củ hành tây
- 1/2 bó hành lá
- 2 thìa canh bơ đun chảy
- Dấm gạo, đường, muối, tiêu, nước tương, nước mắm, hắc xì dầu, dầu ăn.
Tỏi băm, hành tây và hành lá sẽ làm món ăn dậy mùi thơm.
Cách làm:
* Cơm đỏ:
- Cho chút dầu ăn cùng bơ vào chảo, phi tỏi cho thơm, đổ cơm nguội cùng tương cà vào. Xào cho hạt cơm tơi ra. Nêm nếm lại vừa ăn thì tắt bếp.
* Bò lúc lắc:
- Hành tây thái múi cau, hành lá cắt khúc.
- Thịt bò cắt quân cờ to vừa ăn. Ướp thịt bò với dầu, đường, muối và tiêu. Để khoảng 2 tiếng.
- Cho dấm, nước tương, hắc xì dầu, nước mắm và đường vào bát, khuấy đều đến khi đường tan.
- Cho dầu ăn vào chảo, đổ thịt bò vào chiên khoảng 3 phút thì trở mặt. Cho đến khi 2 bên vàng đều thì vớt ra dĩa.
- Dùng tiếp chảo đó, lấy dầu ra bớt, cho hành tây cùng hành lá vào. Cho một chút hỗn hợp nước sốt bên trên vào và bỏ thịt bò trở lại chảo. Lắc chảo cho sốt thấm đều thịt bò thì tắt bếp.
- Cho cơm đỏ vào đĩa, bên cạnh bày thịt bò. Ăn kèm với dưa leo, xà lách và cà chua.
Thịt bò lúc lắc đậm đà, có thể ăn nhiều mà không ngán.
Diệu Kim

Làm cơm cuộn hình bông hoa không khó

 

Nếu bạn thích một thứ đồ ăn vừa có thể ngắm nghía, vừa có thể ăn mà lại chế biến nhanh và tiện dụng thì cơm cuộn là một gợi ý hay đấy nhé.

Cơm cuộn giờ đã là một thứ đồ ăn mà những người yêu ẩm thực thỏa sức sáng tạo ra những hình thù đa dạng và bắt mắt. Và nếu bạn muốn làm cơm cuộn hình bông hoa nhưng vẫn còn ngần ngại thì hãy thử vì nó không khó chút nào.
Bạn có thể tham khảo cách làm cơm cuộn hình hoa theo công thức dưới đây nhé!
Nguyên liệu:
- Trứng gà: 2 quả
- Đậu cove hoặc đậu đũa luộc chín (để chiều dài gần bằng chiều miếng rong biển)
- Rau dền để nhuộm màu
- Cơm dẻo, một ít dấm pha mặn ngọt (hoặc dùng dấm Nhật)
- Và rong biển khô.
Thực hiện:
Bước 1: Rau dền sau khi nhặt và rửa sạch, bạn luộc rau dền với ít nước để rau dền ra nước màu.
Bước 2: Trứng đánh đều, cho chảo lên bếp, chảo nóng xoa một ít dầu ăn lên bề mặt chảo rồi đổ trứng vào chảo lượng vừa phải. Dùng tay lắc tròn chảo để trứng láng đều một lớp mỏng trên bề mặt chảo. Trứng chín, nhẹ nhàng lắc trứng ra đĩa.
Bước 3: Cơm dẻo sau khi trộn với ít dấm chua ngọt để cơm có vị rồi chia làm 3 phần. Một phần bạn rưới nước rau dền luộc để cơm lên màu, phần còn lại để nguyên màu trắng.
Bước 4: Trải miếng trứng tráng lên bề mặt, sau đó là một lớp cơm màu hồng dàn đều trên bề mặt trứng. Cuộn dần dần miếng trứng bọc cơm này lại.
Bước 5: Trải miếng rong biển lên mành tre, tiếp đến là một lớp cơm trắng dàn mỏng, tiếp đó là đặt một vài quả đậu nằm ngang trên miếng rong biển và cuối cùng đặt cuộn trứng cuốn cơm ở giữa.
Bước 6: Cuốn nhẹ nhàng rong biển lại để lớp cơm trắng bọc tròn miếng trứng cuộn cơm hồng ở giữa. Dùng mành cuốn (hoặc màng thực phẩm) cuộn chặt để tạo độ kết dính. Cuộn xong dùng dao cắt miếng cơm cuộn thành từng miếng khổ khoảng 1.5cm là được.
Bước 7: Sau khi cơm cuốn được cắt ra và bày trên đĩa, bạn sẽ thấy một bông hoa nhỏ xinh trong đĩa ăn của bạn rồi đó.
Màu hồng từ cơm pha nước rau dền, màu vàng từ trứng tráng và màu xanh như lá hoa bằng đậu quả sẽ làm bạn thích thú đấy.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với cơm cuộn hình hoa cho cả nhà nhé!