a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Cách gói bánh chưng bằng lá chuối đơn giản và thơm ngon

Cách gói bánh chưng bằng lá chuối vừa đơn giản vừa ngon lại giúp bạn tiết kiệm tiền mua nguyên liệu gói bánh chưng trong dịp Tết.

Nguyên liệu:
- 1 kg gạo nếp
- 400gr đỗ xanh
- 500 gr thịt ba chỉ
- Một bó lá chuối tươi, không nát, rách.
- Một bó lá nếp (lá dứa)
- Lạt chẻ mỏng hay nếu không có, bạn có thể sử dụng dây nilon cũng được nhé.
Gói bánh chưng bằng lá chuối rất đơn giản mà ngon.
Cách làm:
Bước 1: Gạo nếp bạn chọn loại gạo nếp cái hoa vàng với những hạt nếp to, tròn sẽ giúp món bánh chưng của bạn dẻo và thơm hơn.Thêm một bí quyết nữa là bạn dùng lá nếp để ngâm gạo gói bánh chưng. Với cách gói bánh chưng bằng lá chuối, lá nếp sẽ góp phần làm tăng độ thơm của phần gạo của bánh.
Bạn thái nhỏ lá nếp, cho vào máy xay sinh tố xay, lọc lấy nước cốt, trộn với nước thường và một chút muối để ngâm gạo nếp. Ngâm gạo trong vòng 8 tiếng để gạo dền khi luộc bánh. Với thủ thuật ngâm gạo nếp với lá nếp, gạo sẽ rất thơm và xanh!
Bước 2: Đỗ xanh bạn cũng ngâm trong vòng 8 tiếng. Nếu bạn chọn loại đỗ xanh chưa cà vỏ, bạn nhớ đãi thật sạch! Sau khi ngâm gạo và đỗ xong, bạn vo sạch rồi để ráo nước!
Ngoài ra, phần thịt bạn chọn để làm nhân bánh chưng cũng cần chọn kĩ lưỡng! Thịt ba chỉ phải tươi ngon, phần thịt mỡ và thịt nạc xen kẽ đều nhau, không chọn phần thịt quá nhiều nạc sẽ khiến bánh bị khô. Phần mỡ sẽ giúp bánh được thơm và béo ngậy hơn. Thịt ba chỉ cắt thành những miếng to, dài, và hơi dày một chút.
Ướp thịt với gia vị và tiêu, bột canh để thịt đậm đà hơn. Không ướp mắm vào thịt vì bánh dễ bị ôi thiu, không để bánh chưng được lâu! Tiêu bạn có thể giã nhỏ và để dành chút tiêu giã dập. Khi ăn bánh chưng, phần tiêu giã dập sẽ khiến bạn thích thú khi thưởng thức.
Lá chuối lau sạch, thật nhẹ nhàng để tránh lá chuối bị rách.
Bước 3: Bắt đầu gói bánh chưng bằng lá chuối.
Nguyên liệu để gói bánh chưng.
Dùng khuôn để gói để chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt.
Bạn nhớ nắn chỉnh cho bánh chưng phẳng phiu.
Bước 4: Bạn đổ 1 lớp gạo nếp lên gần bằng nửa chiều cao của khuôn, rồi đổ 1 chén đậu xanh vào giữa bánh, trải cho đậu xanh đều ra, cho nhân thịt vào, lại đổ thêm 1 lớp đậu nữa sao cho trải đều và phủ kín phần nhân. Cuối cùng ta đổ tiếp gạo nếp vào điền đầy bánh, thêm một tấm lá chuối phủ lên mặt bánh rồi gập lá chuối lại và cột dây lại là xong.
Bạn nhớ nắn chỉnh cho bánh chưng phẳng phiu và vuông vắn nhé!
Bước 5: Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể buộc thêm 2 dây ngang và 2 dây dọc nữa để bánh tránh bị xổ ra khi luộc nhé! Vậy là chiếc bánh chưng với cách gói bánh chưng bằng lá chuối của chúng ta đã hoàn thành rồi. Bạn áp dụng tương tự để gói thêm các chiếc bánh khác nữa nhé! Và chuẩn bị đem bánh chưng đi luộc thôi nào.
Bước 6: Để luộc bánh chưng xanh hơn, bạn lấy lá chuối thái nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, xay sơ qua rồi đổ vào nồi nước nếu không các bạn lót một ít lá chuối vụn ở dưới đáy nồi cũng được, với cách này bánh sẽ rất xanh.
Xếp bánh ngay ngắn vào trong nồi rồi đổ nước ngập bánh. Rồi nhóm lửa lên đun khoảng 8 – 10 tiếng là được. Các bạn chú ý khi bánh chưng sôi thì nước sẽ cạn nên các bạn phải đun thêm 1 nồi nước sôi dùng để châm nước (Trong cách gói bánh chưng bằng lá chuối các bạn tuyệt đối được để nồi cạn nước, mực nước luôn luôn ngập bánh và không được châm bằng nước lạnh). Nếu châm thêm nước bằng nước lạnh bánh sẽ bị trương lên, gạo không chín đó nhé!
Bánh chưng gói bằng lá chuối có màu xanh rất tự nhiên.
Sau khoảng 10 tiếng thì bánh chín tắt bếp ta không nên vớt bánh ra ngay mà để khoảng 2 giờ cho nước ấm ấm rồi vớt ra. Rửa sạch cặn bẩn bám bên ngoài. Để bánh chắc hơn, khi luộc xong bạn nhớ dùng vật nặng để ép cho ra hết nước trong bánh và bánh dẽ đẹp.
Ép chừng vài giờ đồng hồ là được.
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối cũng rất tiết kiệm.
Chúc các bạn thành công!
Cách gói bánh chưng gấc đỏ cho Tết may mắn
Hi vọng rằng màu đỏ tươi của món bánh chưng gấc sẽ đem lại may mắn cho gia đình bạn trong năm mới.

Cách làm hoa mai, hoa đào bằng vải voan trang trí Tết

Làm hoa mai, đào bằng vải voan cực đơn giản mà tạo ra những bông hoa đẹp y như thật. Cùng học cách làm những bông hoa xinh đẹp bằng vải đón Tết.

Nguyên liệu làm hoa mai
Mô tả ảnh.
- Vải voan
- Nhụy
- Kẻm xi màu vàng
- Keo sáp
- Nụ hoa giả
- Chậu + thân mai giả
Cách làm hoa mai vải voan:
Hoa mai là biểu tượng ngày tết của người dân miền Nam.
Quấn cánh mai, bạn dùng nắp hồ làm khuôn.
Bóp cánh cho thon như hình.
Bọc cánh mai, đặt nhụy dùng chỉ quấn chắc.
Cánh thứ đặt chồng qua cánh thứ nhất, quấn chỉ chặc từng cánh.
Tiếp tục thế đến cánh thứ 5 quấn chỉ nhiều vòng.
Quấn sáp nâu che chỉ.
Các hoa hoàn thành.
Nếu hoa búp như hình dưới.
Nếu bạn muốn hoa mai nở nhiều cánh, bạn bắt thêm 5 cánh xen kẽ.
Quấn nhị hoa vào bông hoa và cành.
Hoa mai nở hoàn chỉnh.
Cách làm hoa đào Nguyên liệu làm hoa đào
Cách làm hoa đào bằng vải xoan đơn giản mà tạo ra những bông hoa đào đẹp y như thật.
- Vải voan màu đỏ hồng hoặc hồng nhạt
- Nhụy hoa giả bằng ngựa
- Tăm bông, băng dính thô màu nâu
- 2 lõi cuộn chỉ kích thước khác nhau
- Chỉ - Kìm, kéo
- Dây đồng
- Keo sữa
- Cành giả
Thân cây có thể làm bằng kẽm bó lại và quấn vải voan nâu hay giấy nhăn màu nâu bên ngoài. Nếu và giấy nhăn phết lên 1 lớp keo sữa pha nước để được hiệu ứng nhăn của thân cây.
Cách làm:
1. Cắt những đoạn dây đồng nhỏ rồi bạn uốn dây đồng thành một hình tròn nhỏ quanh lõi tròn rồi xoắn lại đầu dây thừa để làm khung cho các cánh hoa.
Cách làm hoa đào bằng vải xoan không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bạn phải thực hiện tỉ mỉ từng chút một.
Phủ vải voan lên từng khung cánh, sau đó dùng đây chỉ để cố định vải lại. Với mỗi bông hoa đào cần 5 cánh hoa.
2. Cắt một đoạn dây đồng khác để làm thành từng bông hoa một. Bạn xiên dây đồng vào phần nhụy hoa.
3. Thêm lần lượt 5 cánh hoa xen kẽ nhau để tạo thành bông hoa. Sau khi thêm từng cánh, bạn lại dùng chỉ cố định cánh vào cành hoa nhé. Lấy băng dính màu nâu quấn xung quanh làm phần cuống hoa, kéo băng dính dài xuống một chút để che đi phần dây đồng thừa.
4. Khi đã thêm đủ 5 cánh, bạn khéo léo uốn từng cong từng cánh ra ngoài để tạo hình rõ ràng cho bông hoa nhé.
5. Để làm nụ hoa đào, bạn dùng một chiếc tăm bông. Lấy bải voan quấn xung quanh một đầu bông rồi bạn lại lấy vải xoan trùm vào đầu bông vừa quấn và dùng chỉ cố định lại cho chắc. Tiếp đó, bạn dùng băng dính nâu để làm phần cuống nụ hoa, quấn băng dính dài xuống để che đi phần dây đồng phía dưới.
6. Gắn lần lượt từng bông hoa và nụ hoa vào cành hoa đào giả. Dùng băng dính nâu để cố định từng bông hoa nhé. Bạn quấn thêm băng dính nâu xuống cả phần cành hoa để trông tự nhiên nhất.
Làm hoa đào bằng vải voan trang trí nhà ngày Tết cũng thú vị.
7. Tiếp tục gắn hoa và nụ để tạo thành một cành hoa đào hoàn chỉnh.
Chúc các bạn thành công!


Mực nướng chảo cay cho ngày lạnh

Có nhiều thời gian, chị em hãy làm thử món mực nướng chảo cay, nóng hổi cho cả nhà thưởng thức nhé!

Cách làm mực nướng chảo cay không khó nhé!
Nguyên liệu:
- 2 con mực to
- 3 muỗng canh tương ớt Hàn Quốc
- 2 muỗng canh nước tương
- 1 muỗng canh giấm
- 2 muỗng canh mật ong
- 1 muỗng cà phê dầu mè
- Gia vị: 1/4 muỗng cà phê muối; 1/2 muỗng cà phê tiêu
- 1 muỗng cà phê mù tạt (Không có thì bỏ qua)
- Mè rang vàng
- Hành lá thái nhỏ
Thực hiện:
Bước 1: Các gia vị (trừ mè và hành lá) cho hết vào 1 cái chén trộn đều.
Bước 2: Mực rửa sạch. Lấy giấy thấm khô. Dùng dao khứa 1 mặt còn 1 mặt để nguyên.
Bước 3: Sau đó cho 1/3 gia vị vào mực ướp.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho 2 muỗng canh dầu, dầu hơi nóng cho mực vào nướng với lửa hơi cao. Nhớ trở mực thường xuyên và cho thêm hơn 1/3 gia vị vào tiếp túc nướng. Mực rất mau chín vì vậy bạn đừng nướng lâu quá mực sẽ bị dai.
Trình bày: Cho 1 ít xà lách ra dĩa, sau đó gắp mực cho lên trên cho hết phần sốt còn lại lênmực nướng chảo cay. Trang trí hành lá và mè rang vàng cho hấp dẫn.
Món mực vừa cay, vừa mềm cuốn với rau xà lách và cơm ăn đúng kiểu Hàn Quốc.
Chúc bạn và gia đình ngon miệng với mực nướng chảo, cay cay hấp dẫn trong ngày lạnh!

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

TẾT TÂY TẾT TA



Đa số người Việt sống ở Bắc Mỹ từ lâu đã coi tết Dương lịch ngang hàng với Tết Ta.

Ngay từ giữa tháng 12 dương lịch trên các đường phố người ta đã dựng cây Noel/Christmas tree và trang hoàng trọng thể cho Năm mới. Không phân biệt tôn giáo từ Noel cho đến tết dương lịch ai ai cũng lấy ngày nghỉ để có dịp đoàn tụ gia đình, thăm viếng họ hàng vì cả năm trời tất bật với công ăn việc làm, sắm sửa quần áo mới vì ít có thì giờ dành riêng cho cá nhân mình.

Ngày tết tây các nhà thờ không những làm lễ linh đình mà các ngôi chùa cũng nùm nượp người hành hương đến chùa để hái lộc đầu xuân. Ngày xưa khi tôi còn bé đa số các chùa ở Việt Nam đón gia thừa rộn rịp bằng pháo nỗ. Đón tết vui nhất có lẽ là đám sinh viên du học và người có tuổi. Sau áp lễ các cô cậu kéo nhau ra bờ sông, kéo nhau ra phố hay sân Vận động để chụp ảnh. Về đến nhà đã 2-3 giờ sáng các bạn còn thức để tải ảnh lên Facebook chia sẻ cùng bố mẹ, anh chị em và bạn bè nơi quê nhà. Bạn bè thân thuộc gửi cho nhau lời chúc chân thành nhất qua mạng Internet. Có người gửi thêm vài câu thơ chúc tụng.

Tuy nhiên Tết Nguyên Đán vẫn duy trì nhiều nét đặc trưng tiêu biểu mà chỉ Tết Việt Nam mới có. Tất nhiên ngày Tết cổ truyền Việt Nam lệch khá xa với dịp nghỉ năm mới của người phương Tây nên thông thường chúng ta vẫn phải đi làm, bọn trẻ vẫn phải đi học hay đi làm, âu cũng là sự chuẩn bị cho một năm mới Việt giữa trời Tây bởi vì trời lạnh buốt  mà tuyết rơi đầy đường xá. Đôi chiếc bánh chưng bánh tét xanh bạn bè cùng nhau tự gói, một ít nem cuốn do các cô con gái lớn làm trong vài gia đình truyền thống còn giữ phong tục Á châu làm tăng không khí tết Nguyên Đán. Năm nào thật là rãnh thì thêm chút dưa hành, mứt… Chúng tôi nghĩ cũng như bạn bè, cố gắng hết sức để trong nhà có không khí Tết, để con cái biết về cái Tết Việt Nam như thế nào.

Từ thế kỷ thứ 20 người Việt chủ yếu đã ăn tết Nguyên Đán như một lễ tết gia đình, về cội nguồn với những sinh hoạt rất tiêu biểu của văn hóa Việt nam. Trong những ngày đầu năm người Việt có phong tục về quê thăm họ hàng nội ngoại, hàng xóm và bạn bè. Ngày nay vẫn còn nhiều gia đình tiếp tục ăn tết truyền thống. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đặc biệt trong thế kỷ 21, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ, người ta thường nói 'nghỉ Tết' chứ ít nói "ăn Tết". Sau Noel 2014 tình cờ tôi có dịp về Sài gòn ăn tết tây mới ngộ ra rằng ngày nay tết tây hiện đại, mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi trong nước trong những resort hay đi du lịch nước ngoài đã trở thành một mốt mới. Những ngày tết là đỉnh cao điểm của nghành du lịch. Xu hướng mới mẻ nhất gần đây vẫn là đi ăn tết ở nước ngoài. Bất chấp rằng tất cả các resort đều áp dụng thêm lệ phí gia tăng phòng, vẫn đầy ắp khách nước ngoài lẫn Việt Nam. Trong đại đa số các thống kê cho biết các tour 4-5 ngày trong khu vực Đông Nam Á là ăn khách nhất. Mốt số ít du lịch hành hương ở Taibet hay Nepal, Ấn Độ,v.v…

Cuối năm nay tôi có việc khẩn cấp phải về Việt nam sau Noel thăm người thân bị bệnh nặng và có dịp nhìn thấy dân tình trên quê hương ăn mừng Tết tây tại Sài gòn. Tôi gọi điện thoại cho vài đồng môn Hoàng Diệu khóa 65, 66 và 67 đến nhà chúng tôi họp mặt đêm giao thừa và cùng nhau nâng vài ly rựơu để thưởng thức lễ giao thừa 31/12 với pháo bông rập trời từ building Bitexco trên đường Hồ Tùng Mậu và Hàm Nghi Sài gòn. Nhưng vào giờ cuối chúng tôi buộc phải hủy bỏ buổi họp mặt một cách bất đắc dĩ vì bệnh tình của người thân nặng hơn và chúng tôi phải trực trong nhà thương nên không có thì giờ và cũng không có lòng đâu mà ăn vui với bạn bè. Khoảng 8 giờ tối 31 tháng 12 chúng tôi rời bệnh viện trực chỉ về nhà ở quận 1. Chu cha ơi phải mất hơn 1 giờ vất vả tranh đấu với đoàn người và xe cộ thật đông đúc mới qua chỉ được 50 mét một khúc đường Phạm Ngủ Lão thôi, ngang hông hotel New World và về đến nhà gần 10 giờ đêm. Không biết ở đâu ra hàng vạn người nùm nượp đi bộ có, chạy Honda có, vài đoàn xe bus du lịch khởi hành từ New World hotel cùng nhau đua chen từng tất đường đổ về  hướng tòa nhà Bitexco có 68 tầng lầu nơi sẽ bắn pháo bông lúc 12 giờ đêm. Về đến nhà ở quận 1 chỉ cách vài góc đường là đến tòa nhà Bitexco, chúng tôi leo vội lên tầng thứ 9 nhìn xuống đường mà chóng mặt vì đoàn người đang vội vả lẩn xe Honda đổ sô về đường Hàm Nghi đểmong ngắm càng gần càng tốt. 11 giờ đêm nhiều đèn laser từ các tòa nhà xung quanh Bitexco rọi lên từ nhiều phía trên nền trời Sài gòn trong khi đó một tòa nhà đối diện chiếu các biểu ngữ quảng cáo bằng laser lắm màu lên bc tường thẳng của tòa nhà Bitexco trông thật ngoạn mục. Khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya thì pháo bông bắn lên dồn dập từ bãi đậu trực thăng của building Bitexco. Chỉ trong vòng 30 phút tôi không biết có bao nhiêu là pháo bông được phát ra. Kể ra dân Việt mình chơi hơi sang đấy. Nghe nói đây là lần thứ mấy rồi họ được hội đồng thành phố đài thọ chi phí để mướn tụi Pháp lập dàn bắn pháo bông trên building cộng với lợi tức từ việc quảng cáo bằng laser.


Nhưng cho dù ở đâu đi nữa, Tết vẫn là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương với ông bà cha mẹ. Dù cho cuộc sống có thay đổi đến bao nhiêu, nhịp sống có náo nức khẩn trương như thế nào thì cứ Tết đến xuân về, người Việt chúng ta thế nào cũng dành cho mình những thời khắc hoài cổ, thả hồn mình về một chốn xa xưa của nguồn cội và ngóng chờ một bữa tất niên đầm ấm, đầy đủ người thân trong gia đình. Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà phong tục ẩm thực của từng vùng cũng có những “dấu ấn” không lẫn vào đâu được. Bánh chưng bánh tét của người Việt. Trước đây các bà nội trợ Việt Nam chủ yếu đã tự làm bánh chưng bánh tét trong gia đình. Nay hình như đa số người Việt không làm bánh chưng/bánh tét ở nhà nữa. Thế hệ người lớn đã biết cách làm bánh chưng/bánh tét vì đã học từ thế hệ ông cha, bà mẹ. Thế hệ trẻ ngày nay đặt chủ yếu vào công việc vui chơi nhiều hơn, vả lại bánh chưng/bánh tét ngày nay có bán đầy rẫy trong các siêu thị.  Dưới góc nhìn này xu hướng hiện đại đã làm phai nhạt sắc phai hương biểu tượng và ý nghĩa của bánh chưng trong văn hóa gia đình.

Nhưng bên cạnh đó có nhiều xu hướng đã cho thêm màu sắc cho phong tục truyền thống ngày tết. Lì xì và cuốn lịch treo tường là một ví dụ của ảnh hưởng tốt này. Đây là mốt đặc biệt làm khách nước ngoài vào Việt Nam thấy ngạc nhiên. Ngày nay tục lệ lì xì và tặng lịch treo tường rất đẹp tràn lan khắp lảnh vực, trong công sở, các thương mại, công ty du lịch hay công sở nhân dịp Tết đặt in bao lì xì và lịch treo tường kiểu corporate. Lịch treo tường và bao lì xì vừa mang thương hiệu công ty vừa có lời chúc mừng cũng là một dịp tốt để chúc mọi người an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

Giữa đêm Giao thừa, khi ở Việt Nam pháo hoa bắn rực bầu trời, thì ở bên đây chúng tôi sẽ thả mình dạo bước trên những con đường hay những cánh đồng tuyết mênh mông, trắng xóa.

Nếu dịp Tết ở Việt Nam trùng ngày nghỉ cuối tuần ở bên đây thì mọi người cũng sẽ đi thăm nhau, lì xì nhau, chúc nhau một năm mới nhiều niềm vui, may mắn. Ở Canada, có loài hoa gọi là “cơn mưa vàng”. Hoa này bình thường nở khi mùa xuân  sang, nghĩa là khi mùa đông đã qua đi, tuyết đã tan hết. Cơn mưa vàng đặc biệt rất giống hoa mai, cánh vàng rực rỡ. Vào thời điểm Tết ở Việt Nam thì tại Montreal vẫn còn rét đậm, tuyết vẫn phủ khắp nơi, vì thế, muốn có những cơn mưa vàng trổ bông như hoa mai báo hiệu mùa xuân đến, cộng đồng người Việt thường phải bẻ cành mang về cắm trong nhà ấm áp để hoa nở sớm. Có màu vàng rực ấy trong nhà, thì nghĩa là cũng có thêm chút xuân.

Có lẽ chúng tôi làm vậy để lòng dịu lại, nỗi nhớ nguôi ngoai. Cộng đồng người Việt ở Montreal khá đông nên Tết Nguyên Đán cũng không thiếu gì những đồ ăn, thức uống. Nếu có thiếu thì chỉ thiếu không khí và những nhành hoa mai đặc trưng của mùa xuân. Vì thế những ngày này, bạn bè người Việt thường tự làm mâm cơm, gọi nhau đến chung vui. Bữa cơm cũng có bánh chưng xanh hay bánh tét, dưa hành muối, nem rán, giò lụa…. Bọn trẻ con thì háo hức vô cùng.  Người Việt và người Tàu ở trong thành phố này cũng khá đông. Dẫu có vui cũng chỉ giới hạn trong từng nhóm nhỏ, trong một không gian nhỏ của sân thể thao trường trung học hay trong một shopping lớn vào ngày chúa nhật. Tết Dương lịch thì tha hồ đốt pháo hoa cùng dân tây phương, nhưng tết ta tuyệt đối không. Vì đốt pháo sẽ kinh động đến người xung quanh. Người ta gọi điện chúc Tết cho nhau qua điện thoại. Gần nhà thì rủ nhau qua nhâm nhi vài ly.

Tết xa quê hương tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm vì trong lòng mỗi người đều ao ước có một ngày được ăn tết đoàn tụ thực sự ở quê hương…

Nguyễn Hồng Phúc

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

PHÂN ƯU CHỊ NGÔ THỊ LY ( HIỀN THÊ CỦA ANH MẠCH HÚT SƠN HD 68-75)






Cơm, Phở, và Hủ Tíu

Image



Buổi chiều có cơn mưa nhỏ làm cho đường phố ẩm ướt, không gian dường như đặc lại. Bước chân vào đến sân đã nghe thơm mùi phở. Mùi phở ngập không gian, căn phòng ấm áp hơn, gần gủi hơn với mùi rau quế, mùi hành. Mọi người cởi bỏ áo khoát, ngồi quanh chiếc bàn lớn.

Một bà mở đầu:


- ở quê tui, có mưa rắc hột như vầy đổ bánh xèo là hết ý.

- Ừ, bánh xèo. Nhắc đến bánh xèo làm tui phát thèm. Một người bạn khác biểu đồng tình.

Người Việt có nhiều món ăn, và mỗi món ăn gắn liền với một không gian và thời gian khác nhau. Không ai hiểu do cảnh mà sanh món ăn hay do món ăn hợp với cảnh và thành thói quen. Không ai làm bánh xèo vào mùa nóng. Thông thường bánh xèo vào khoảng những tháng mưa, khi đó mùa màng đã gặt rồi và có những cơn mưa và gió bấc thổi lành lạnh. Bánh xèo là một xa xỉ đối với người nông dân, ăn bánh xèo chỉ để dặm cho đời sống thêm hương hoa, vì cơm gạo là lương thực chính của đời sống, không ai hoang phí xay gạo thành bột để làm bánh xẻo ăn chơi, ăn trừ cơm.

-Nói như ông vậy thì ăn phở cũng ăn chơi thôi à?

-Chớ gì nữa mà hỏi. Có ai ăn phở trừ cơm? 

-Sao không có. Sáng phở, trưa phở và chiều cũng phở nốt.

-Có mà ở phố ở chợ chớ ở làng quê ai mà ăn phở trừ cơm?

Những tô phở nóng bốc khói thơm lừng được bưng ra để trên bàn, mỗi người một tô…nào hành trần, giá sống, ngò gai, rau quế đầy đủ. “Ngồi trong nhà ăn tô phở nóng thấy ấm bụng, họp mặt bạn bè thì thấy vui…nhưng ăn phở tại nhà mất đi hương vị của một tô phở.” Một ông có ý kiến. Ông khác hỏi liền “Sao vậy? Phở nào chẳng là phở” 

-Không có không khí của tiệm phở.

-Nhiều chuyện!

Phở xuất phát từ miền Bắc đi vào miền Trung và miền Nam thập niên 1950. Nhưng phải đợi đến khi có cuộc di cư vào miền Nam năm 1954 mang theo món phở và phở đã bắt đầu có những sự khác biệt. Nhưng chẳng có nguồn tài liệu nào xác định được nguồn gốc của Phở. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về nguồn gốc của phở. Có người nói rằng phở bắt nguồn từ món thịt hầm của Pháp (pot-au-feu, đọc như "pô tô phơ"). Nhưng có người cho đó là tư tưởng vọng ngoại, cái gì ngon cũng gắn cho nguồn gốc ngoại quốc. Người ta nói rằng phở có nhiều gia vị và rau thơm là nguồn gốc Việt Nam. Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, Phở là một món ăn có thể nói là truyền thống của Việt Nam, là một trong những món ăn tiêu biểu của ẩm thực Việt. Phở thường dùng làm món ăn điểm tâm. Khi phở “di cư” vào Nam Việt Nam, phở được ăn thêm với rau thơm, hành, giá sống, rau quế, ngò gai. Phở thường là phở bò, phở gà.
Câu chuyện xoay quanh tô phở…nào tái nạm gầu gân sách, nước béo hành trần…v.v. Bỗng có hai anh cười cười với gương mặt bí mật làm cho các bà nhìn nhau dò hỏi.

-Các ông có chuyện gì mà bí mật như vậy?

-Đâu có chuyện gì đâu.

-Anh ấy thèm phở!

-Thì cứ ăn thoải mái. Còn nhiều mà.

-Không, anh ấy muốn ăn…phở ngoài tiệm.

Người bạn nói xong kèm theo tiếng cười ha hả. Những chị vợ nhìn nhau…một bà đập hai tay vào nhau…nhíu mày:

-Thôi tôi biết rồi. Mấy ông này quá quắc lắm!

-Chuyện gì vậy?

-Mấy ổng nghĩ bậy đó.

-Là sao?

-Mấy cha già mắc dịch kháo với nhau như vầy: Vợ là “cơm” bồ là “phở” …khi thèm phở thì chán cơm đó mà.


Bỗng có ông la toáng lên oai oái…”Tui làm gì mà bà nhéo tôi. Có còn là thanh niên nữa đâu….” Một cái liếc sắc như dao cau “Ông léng phéng thì chết với tui”

Image


Thì ra đàn ông thèm "phở" vì ít được ăn phở.

Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn. 

Cái khung cảnh cũng thêm phần hấp dẫn hơn vì đàn ông ăn cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, dù có ấm áp riết cũng nhàm, còn dùng “phở” có trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc. Hơn nữa khi “no” thì rất khó ăn thêm cơm. 

Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô nho nhỏ. Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn “cơm” xong nhiều khi phải thu dọn và rửa chén.

"Phở" thì không “quán” nào giống “quán” nào, thậm chí là không “tô” nào giống “tô” nào. Còn cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn mà thôi.

"Phở" có thể ăn chung với bạn bè. "Cơm" thì phần lớn là ăn chung với... bà nấu cơm. Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tí hành, tí bánh hoặc thêm tí ớt cho mặn nồng. Còn cơm, có gì trên mâm ăn nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng "không ăn thì thôi". 

Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gân.. tùy “thực khách”. Cơm thì do người nấu cơm quyết định. 

Ăn “phở” có thể ăn... nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, "cơm" sẽ dừng ngay. 

Bỏ tiệm "phở" này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ "cơm" thì phức tạp vô cùng ....cho nên cái cảnh “Sáng đèo cơm đi ăn phở.Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm. Chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở. Tối nằm với cơm, nghe thơm thơm mùi phở” đã và đang xảy ra khắp nơi.


Thế cho nên có những câu thơ thời “hiện đại”, hoặc có thể kéo dài đến thời “hậu hiện đại” như vầy.

“Vợ là địch,
Bồ bịch là ta.
Khi chiến sự xảy ra,
Ta lui về với địch,
Nằm trong lòng địch,
Rục rịch ta nhớ ta.”

Các bà mà nghe chuyện này thì các ông có thể “tán gia bại sản”, hy vọng ôm gối nằm “ga-ra” là cái chắc.



Trở lại tô phở, từ ngày người Việt Nam đi tị nạn cộng sản đến ở nhiều nơi trên thế giới, tại các nước phương Tây đã có nhiều tiệm phở ở Mỹ, Pháp, Úc và Canada và thực khách là Mỹ, Mễ, Tàu, Phi, Nhật…v.v.


Nói đến hương vị Phở Bắc, người ta không thể nào quên Nguyễn Tuân, Vũ Bằng từ vài thập niên trước…Tuy nhiên các ông nhà văn đó bây giờ mà ghé ngang qua San Jose chắc hẳn các ông sẽ có cái nhìn khác về phở. Phở ở Mỹ đã “nhập cảng” trở lại Việt Nam và chiếm được cảm tình của “dân bản xứ”


Nhắc đến những món ăn mang tính truyền thống, hoặc tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt, không thể không nhắc đến Hủ Tíu Mỹ Tho của đất Định Tường – được xem là món ăn ngon, ăn no bụng thay cơm và bây giờ có thể nói nó là một trong những món phổ biến, chu du khắp mọi nơi và ra cả nước ngoài! 

Image


Hủ Tíu Mỹ Tho hiền hòa như đồng bằng sông Cửu, như trái Mận Mỹ Tho, trái dừa Bến Tre…nó không hăng hắc như phở. Hủ tíu Mỹ Tho gồm có sợi bánh bằng bột gạo, thịt heo và nước lèo. Cái hấp dẫn của hủ tíu Mỹ Tho tùy thuộc vào đó. Không thể nào có được một tô hủ tíu ngon lành khi mà sợi hủ tíu và thịt thì ngon mà nước lèo lại lạt phèo, lạt nhách được. Nước lèo hủ tíu phải ngọt thanh dìu dịu mà đậm đà, thịt mềm ngọt và thơm. 


Để có một tô hủ tíu Mỹ Tho ngon lành cần phải hội đủ các điều kiện: Hủ tíu và nước lèo. Người ta nói trước đây, bánh hủ tíu Mỹ Tho được làm từ gạo thơm Gò Cát, Mỹ Phong. Hủ tíu thường là bánh khô. Khi nấu, trụng qua nước sôi cho mềm sợi bánh hơi dai, hương thơm vị béo. Hủ tíu ngon hay không là tùy thuộc nước lèo. Thùng nước lèo chứng tỏ tài nghệ của người đầu bếp. Người cố cựu Mỹ Tho không thể quên Phánh Ký, Nam Sơn, Tuyền Ký…Mới đầu, hủ tíu Mỹ Tho chỉ có thịt và lòng heo thêm con tôm, có người thêm một miếng thịt heo quay. Sau này người ta cho thêm thịt cua, sườn, trứng cút. Hủ tíu Mỹ Tho nêm nếm bằng nước tương ăn với rau cần và giá sống.


Các quán ăn Việt Nam ngày xưa thường treo bảng trước cửa hàng: Cơm, Phở, Hủ Tíu…vì đây là 3 món ăn chính của khách hàng. Người lỡ đường ăn cơm đường cháo chợ không thể thiếu Cơm, Phở hoặc Hủ Tíu.


Thung lũng Silicon bao gồm 11 thành phố từ Gilroy cực nam, đến Palo Alto cực tây đến Milpitas cực bắc

…đông nhất vẫn là San Jose thì không thể thiếu Cơm, Phở, Hủ Tíu. Người Việt xa quê nhớ nhà có thể tìm thấy hương vị quê hương ở các hàng quán Việt Nam. Người bản xứ biết đến Việt Nam cũng qua các món ăn mang nặng hương vị độc đáo của giòng giống Việt. Cơm Phở Hủ Tíu không thể giống bất cứ món ăn nào của các nước khác trên thế giới. Tiệm phở ngon đúng hương vị hợp gu mọi người có thể dễ tìm tại San Jose; nhưng, tìm một to hủ tíu Mỹ Tho đúng gout đúng điệu…thì hơi khó tìm ở San Jose. 

-Đến quán Phở Nguyễn trên Milpitas thử tô hủ tíu Mỹ Tho xem sao.

-Quán phở?

-Ừ, phở cũng độc chiêu mà hủ tíu thì số dách. Buổi trưa đến đó không có chỗ ngồi.

Nhưng các ông Việt Nam thì…ví von Cơm với Phở ở một lãnh vực khác dễ “cháy nhà” quá đi thôi. Đúng là người Việt mình phong phú lắm… Tuy nhiên, cũng đừng quên…nhìn Cơm Phở ở một góc độ khác. 

Image


Tỷ như:

“Vợ là…"cơm nguội" của ta,
Nhưng là…"phở tái" của cha láng giềng!!!”

Cuộc đời con người có thể được phân định qua 4 giai đoạn: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt…hoặc sinh, già, bịnh…chết. Khi chưa đậy nắp áo quan, người ta chưa thể định phận được ai. Nếu đã ví von “Vợ là cơm” thì:

“ Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.”

Lê Bình