a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

HOÀNG DIỆU CÒN LẠI TRONG TÔI. PHẦN 2.



Lớp của tôi, những năm đệ nhất cấp:

Tôi vào Hoàng Diệu năm 1964, sau khi học lớp 7 một năm ở trường Trần Văn (lớp thất Tư,1962 – 1963). Năm nầy trường Hoàng diệu mở 5 lớp đệ thất : 7A1, 7A2, 7P1, 7P2, 7P3 (xin lỗi các bạn đồng khóa 64 – 71, vì trong buổi họp mặt 50 năm rời trường tổ chức ngày 11/01/2014 tôi đã nói sai là chỉ có 01 lớp Anh văn). Lớp 7P2 nằm ở phòng thứ 3 cuối dãy ngang đếm ngược về phía Văn phòng. Năm nầy tôi học toán với thầy Tuấn “hẹ luộc”, sở dĩ có biệt danh “hẹ luộc” vì Thầy là người bắc, mà đa số chúng tôi là dân miền nam, nên khi Thầy đọc “hệ luận” thì chúng tôi lại nghe thành “hẹ luộc”.
 Cô Dương Thị Thanh Nguyên dạy Pháp văn (quyền Le Franҫais Elémentaire 01), cô Hoa dạy Việt văn, thầy Thiên dạy Nhạc, thầy Trần Ngọc Ẩn dạy Thể Dục, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 1 giờ, địa điểm là Sân Vận Động của Tỉnh. 
 Nhắc đến giờ Thể Dục, bọn tôi không thể nào quên được chuyện tắm ở Hồ nước ngọt (Hồ Tịnh Tâm). Chuyện là thế nầy: sáng sớm, vào lúc 6 giờ (giờ Sàigòn) chúng tôi phải có mặt tại Sân vận động để thầy dạy, nhưng có lẽ do bận công việc ở trường nên thầy Ẩn ít khi đến dạy, trong khi chờ thầy đến dạy thì tụi tôi chơi đá banh, đến hết giờ thì bọn tôi “hè nhau” qua hồ nước ngọt tắm. 
Thế là hồ nước ngọt lại có thêm khoảng ba-bốn chục “khách”. Ngày đó chúng tôi rất là hồn nhiên, khi tắm đứa nào cũng “ở truồng” cả, kể cả các bạn lớn tuổi, đã là thanh niên hẳn hòi vẫn vậy thôi!!!!. Như vậy toàn cảnh hồ nước ngọt bấy giờ có khoảng trên 100 người “tắm tiên”. Chuyện “tắm tiên” nầy duy trì cho đến giữa năm đệ tứ mới thôi.
                                                                           
Ngay khi chân ướt chân ráo vào trường, có 2 “sư huynh” gây ấn tượng" mạnh” cho tôi:
- Một là “sư huynh” Thạch Mô-del (hình như năm đó "sư huynh" đang học đệ Tam thì phải), đẹp trai, tướng tá vạm vỡ, ấn tượng nhất là bắp thịt cuồn cuộn, ngực thì nở nang, bọn tôi cứ trầm trồ mãi ước gì mình có được cái “sô” như anh ấy!!!
- Hai là “sư huynh” Trương văn Kế (cây xăng Trương văn Xuyên), luôn luôn mặc bộ đồ Pilot vào trường.
Khi còn học tiểu học thì học trò nam mặc áo sơ mi ngắn tay, quần đùi. Nữ sinh mặc áo bà ba, quần dài đen. Khi vào Hoàng Diệu, nam sinh phải mặc quần tây KAKI XANH DƯƠNG, áo sơ mi trắng ngắn tay “bỏ trong thùng”, nữ áo dài trắng (cấm mặc áo mỏng), quần dài đen. Nhờ vào quy định đồng phục (loại rẽ tiền) nên giữa bọn tôi không có sự ngăn cách giàu nghèo (ít nhất là về mặt hình thức), nên dể hòa đồng với nhau. Cũng vì chuyện đồng phục nầy mà xảy ra chuyện buồn cười là tất cả các nam sinh của trường, từ nhỏ đến lớn đều bị “hội chứng” “đóng khố”. Số là do quy định phải bận quần KAKI xanh (hàng nội hóa –Sàigòn) nên do bị, phơi nắng, ủi nhiều nên phần vải chỗ baguette, và phần giữa 2 mông bị phai màu, trông giống như quần sì-líp (thường là màu tím than).

Sang năm đệ Lục (6P2) tôi cũng học dãy nầy, nhưng lại “được lên phòng”: học phòng thứ 3 từ đầu dãy đếm xuống, Thầy Trần Phạm Hiếu dạy Pháp Văn (quyển Le Franҫais Elémentaire 01+02), Thầy Nguyễn Hữu Long (Long cao) dạy tôi môn Lý-Hóa, Thầy dạy chúng tôi đên hết kỳ Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt thì bị động viên (nhập ngủ). Năm nầy cũng có nhiều Thầy bị nhập ngũ.. Trong năm nầy tôi có 2 điều nhớ mãi:
- Một là trường phát động thi đua lớp sạch và ngoan trong toàn trường, cứ mỗi tuần lớp nào ngoan (do các Thầy-Cô nhận xét, ghi vào sổ đầu bài) thì được lĩnh cờ vàng về treo trước cửa lớp, còn lớp nào không ngoan thì phải lĩnh cờ đen có thêu hình con rùa về treo trước lớp suốt tuần. Lớp tôi luôn lĩnh cờ đen, ít có lớp nào “giành lại”, mà đa số các lần đi nhận cờ (lúc chào cờ đầu tuần) thì tôi lại là người đi lãnh cờ.
- Hai là có một hôm cô Huệ dạy toán, vào lớp bảo chúng tôi lấy giấy, viết ra làm một bài toán hình học. sau một hồi đo vẽ, cô bảo chúng tôi đánh dấu màu xanh vào các ô tam giác, màu đỏ vào ô hình cung do cô chỉ định, rồi đố chúng tôi nhìn ra đó là hình gì? Thì ra đó là hình “một con chim én đang bay về hướng mặt trời” (sau nầy là huy hiệu của trường), cô Huệ bảo đây là kỳ niệm của Thầy Điểu tặng làm kỷ niệm trước khi Thầy đổi đi (lúc đó bọn tôi chỉ nghe tên thôi, chứ không biết mặt Thầy).


Sang năm đệ ngủ (5P1) thì chúng tôi học ở dãy văn phòng, sát với Phòng Họp Giáo Sư. Năm đệ ngủ nầy, tụi tôi học Việt Văn với Cô Trân, được vài tháng thì Thầy Tô Quốc thay cho cô nghĩ hộ sản. Học Toán với Cô Lý Hồng Mộng, nhưng cũng chỉ một tháng thì cô xin nghĩ để cùng chồng là dược sĩ Diệp hữu Tâm mở nhà thuốc Hữu Tâm, Thầy Nguyễn Hữu Long (Long lùn) thay cho cô Mộng, Thầy Long cũng dạy chúng tôi vài tháng thì Thầy chuyển về trường Mỷ Xuyên (mới mở tại Bãi Xào). Thầy Lê Ngọc Sơn, dạy Lý-Hóa vài tháng thì thuyên chuyển về quê ở Kiến Tường (Đồng Tháp).Thầy Lý Ngọc Hiếu (Hiếu La Thoại Tân) thay Thầy Sơn dạy chúng tôi môn Lý-Hóa cũng đến gần cuối niên khóa thì bị động viên. Cô Hường dạy môn Sử-Địa. Hôm Thầy Hiếu chia tay chúng tôi để lên đường tòng quân, cô Mười, dạy Vạn vật  cũng đến chia tay. Thế là mọi đứa học trò mặc sức mà “thêu hoa dệt lụa”. Cũng trong năm nầy, nhà trường tổ chức tất niên bằng cách tái tạo lại khung cảnh làng quê xưa (theo miền Bắc), trong đó có trò “đập niêu” (đập nồi đất). Khi dự thi thì tất cả các “thí sinh” đều bị bịt mắt, phải dùng một cây gậy tre dể đập bể nồi, có một em đập hụt nhiều lần nên đi lạc vào gần khu treo nồi, sợ em nầy bị bạn đập trúng nên Thầy Điểu (Điểu nhỏ) lao vào kéo ra thì Thầy lại bị "Thuận Răng Vàng" lớp 7A2 đập trúng, cuộc thi đó kết quả là nồi không bể lại bể đầu Thầy !!!!!.

Cũng trong năm nầy, do nghĩ giữa giờ “hơi bị” nhiều nên bọn tôi thường ra trước cổng trường vào quán cà phê Bà Tư (lúc nầy quán chú Hai ở trong trường đã nghĩ bán), hoặc quây quanh 2 xe cà rem mút đậu trước cổng trường, hoặc vào đánh billard ở quán chi Tám xéo xéo cổng trường, có một nhóm nhỏ chơi “đập bạc cắc” (Thầy Trịnh Học Ký thường xuyên rượt bắt tụi tôi) cạnh phòng học cuối dãy nhà Thầy Răng (cổng sau). Nơi đây bọn tôi đã chứng kiến cuộc tình của Thầy Sinh và chị Sáng (trong phòng học, lúc đó hình như chị đang học đệ tam hay đệ Nhị gì đó (?), vậy là bọn tôi phải kêu “Chị” bằng “Cô” !!!
Năm đệ tứ (4P1), chúng tôi học ở dãy đối diện với văn phòng, Thầy Nguyễn Tôn Bá dạy chúng tôi môn Sử-Địa, tụi tôi rất khoái vì Thầy dạy rất hấp dẫn, ấn tượng trong tôi còn nhớ đên bây giờ là hình ảnh của Thầy “ném viên phấn trên tay xuống đất, rồi ngây người nhìn bọn tôi qua đôi kính cận” khi câu chuyện đến cao trào. Nhưng hởi ôi! Thầy chỉ dạy bọn tôi vỏn vẹn có 2 tiếng rồi không dạy nữa : thầy đổi về quê thầy ở Kiến Hòa (Bến Tre), “tiếc đứt ruột !!!”. Trong năm nầy có 2 thầy mới ra trường dạy tụi tôi: Thầy Lê Công Hoàng (Sử-Địa), thay thầy Lê Công Đức nhận chức Phụ Tá Giám Học (phụ tá cho Thầy Vịnh), và Thầy Lợi Minh Hà dạy Lý-Hóa, Thầy Lê Xuân Vịnh dạy Việt Văn, Thầy Phạm Thế Trúc dạy Pháp Văn độ 1 hay 2 tháng gì đó thì đổi cho thầy Nguyễn Thái Lân dạy, cũng 1,2 tháng gì đó thì Thầy Trần Phạm Hiếu thay thế làm “đầu bếp” món “cua xào lăn” cho đến hết năm học. Môn Công Dân Giáo Dục, đầu năm thì thầy Hoàng Đình Diệp dạy được 2 tuần thì giao lại cho thầy Mai Văn Kiêm phụ trách. Thầy Trần Thanh Thu dạy Vạn Vật.
                                                                            
Năm nầy, có nhiều sự kiện đáng nhớ:
- Một là đây là năm Mậu Thân, các thầy phải tuần tự đi học quân sự 1 tháng tại Thất Sơn (Châu Đốc), nên bọn tôi thường nghĩ học giữa buổi, nghĩ học nhưng không có đứa nào về nhà, mà rủ nhau đi chơi. “Nhờ” đi chơi nhiều nên nghe các anh lớn tuổi trong lớp truyền nhau biệt danh “Ngũ Long Công Chúa”. Theo “truyền thuyết kể lại” thì đó là các chị Lâm Hoàng Yến, Bạch Mai, Huỳnh Minh Nguyệt, Quách Hồng Lan, Trần Mỹ Hạnh đều học lớp 4P1. Còn lớp 4A1 thì có chị Dương Thị Liễu và vài chị nữa tôi không biết tên thường đại diện cho trường đi “làm ca sĩ” theo lời mời của bên Tâm Lý Chiến thuộc Tiểu Khu Ba Xuyên. Lúc nầy các chị đều “trổ mã” nên đi đâu cũng có vài cái đuôi theo “tò tò”.
- Hai là, trong năm nầy, quân đội Mỹ xây tặng cho trường 3 phòng học nằm ở khoảng sân giữa dãy Văn Phòng và dãy nhà của Thầy Phan Ngọc Răng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tận mắt thấy “người mắt xanh mũi lỏ”, có vài đứa còn lại gần “how are you?” rồi chạy mất, không chờ câu trả lời, thấy họ xài cưa máy (cưa xích) để cưa-hạ các cây nằm trong phần đất cất các phòng học, dùng xe ủi đất từ xa lao nhanh vào cụng các gốc cây vài lần rồi bứng gốc, quả là họ có nhiều cách làm mới, lạ, nhanh quá, bọn “con nít” chúng tôi chưa từng thấy bao giờ.
- Ba là dù rằng chúng tôi “biết đá banh” từ lâu, nhưng cũng chỉ là nghiệp dư, tự phát. Khi thầy Lợi Minh Hà về dạy, tập họp chúng tôi lại, thành lập một đội banh, do thầy Hà làm “ông bầu”, rồi rủ các lớp khác đá giao hửu. cuối năm đệ tứ, tôi (giữ “guun”, thủ môn), Hồ văn Thiện (trung phong), và Trần văn Quận (hậu vệ) được chọn đá dự bị cho đội tuyển của trường.
- Bốn là năm nầy, Bộ Giáo Dục và Thanh Niên chính thức bải bỏ Kỳ Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đây là cái cửa ải mà những ai học Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng ngán ngược.
- Năm là vào ngày đầu năm học, Thầy Trịnh Học Ký (Giám Thị) vào lớp thông báo: “Em Phạm Anh Dũng (Dũng Nam Mỹ) được phép đổi tên là Phạm Minh Dũng”. Chuyện đổi tên một người ngày nay là chuyện thường, nhưng ngày đó đối với chúng tôi thì đó là chuyện “to tát” lắm.
- Sáu là do biến cố Mậu Thân 68 nên luật Tổng Động Viên ra đời, những học sinh sinh năm 1951 trở về trước đang học đệ tứ không được học nữa chuẩn bị lên đường tòng quân. Vậy là có một số bạn bỏ trường sang tỉnh khác học nhảy (đệ tam hoặc đệ nhị) để khỏi đi lính. Cũng trong năm nầy, nam thanh niên đủ 16 tuổi thì phải khai Lược Giải Cá nhân, làm Căn Cước (thay vì 17 tuổi như trước).
- Bảy là trường thành lập Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường, gọi tắt là CPS Hoàng Diệu, do thầy Lê Văn Đức phụ trách. Chương trình CPS chuyên tổ chức học sinh thực hiện các công tác xã hội, vui chơi trong học đường . . . .

 CPS Hoàng Diệu có tổ chức buổi Lữa Trại đầu tiên......

LÝ VĂN HÀO HD 64-71

Cõi già trên đất lạ

                          
                            
Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.

Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.

Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Chúng ta bị buộc phải ra đi khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, và chúng ta đã sống xa xứ từ lúc đó. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.

Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.

Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.
 
Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.
image
Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?

Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!
 
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.

Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.


Andrew Lâm

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

HOÀNG DIỆU CÒN LẠI TRONG TÔI. PHẦN 1.




 LỜI NGÕ .

Các “Sư - huynh, đệ, tỷ, muội” cựu học sinh Hoàng Diệu Baxuyên, các Bạn Facebook thân mến, hôm tôi ghi lại những dòng nầy (tạm gọi là đề tài “Hoàng Diệu Còn Lại Trong Tôi”) một là để nói lên tình cảm, hoài niệm của cá nhân tôi về mái trường xưa, hai là mong các bạn đóng góp thêm để cho “đề tài” thêm phần xôm tụ.
Sau hơn 40 năm rời khỏi mái trường Hoàng Diệu, ngôi trường rất đơn sơ, ngói không còn đỏ, mà đã trở thành màu xanh đen vì rong rêu, tường đã loang lổ vì đã bong tróc nhiều mãng, sân trường trãi đất hầm, thường bị ngập khi trời mưa to. Nhưng giờ ngồi hồi tưởng lại những ngày còn đi học,  lòng vẫn còn bồi hồi, đôi khi ngồi cười “mình ên”, con tôi thường hỏi “ba nghĩ gì mà cười “mình ên” vậy ? "  tôi chỉ lắc đầu không nói.
Giờ tôi nghĩ là mình phải lưu lại những gì mình mà Hoàng Diệu còn đọng lại trong lòng. Những gì tôi nói ở đây có thể các “Sư - huynh, đệ, tỷ, muội” cựu học sinh của trường đều biết, nhưng tôi vẫn ghi lại để “các đồng môn” có thể thốt lên : “à thì ra nó có năm đó!” hoặc “à thì ra nó biến mất vào lúc đó!”. Đồng thời một lần nữa, mong “các đồng môn” tham gia đóng góp để đề tài xôm tụ hơn.
Thân!

LÝ VĂN HÀO HD 64-71
                                                                     
                  Hoàng Diệu của tôi thời xưa đó.

“. . . Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo ; đền củ, lâu đài bóng tịch dương . . .”
 
Lại nói chuyện ai cũng biết rồi, cáo lỗi nghe, trường Hoàng diệu ngày tôi mới vào học, có 3 dãy chính:
 
- Dãy Văn phòng, đầu dãy, là thư viện ở trên lầu do Cô Hội làm Thủ thư, dưới lầu là phòng Giám thị (tôi chỉ còn nhớ có 2 thầy là thầy Trần ngọc Ẩn, và thầy Bé), kế đến là Văn phòng và Phòng Tổng Giám thị, tiếp theo là Phòng Hiệu Trưởng và Phòng Giám học, kế đến Phòng Giáo sư, tiếp nữa là các lớp học. Cuối dãy là nhà vệ sinh. Sau lưng dãy văn phòng là bãi đất trống, có 1 hố nhảy cao, nhảy xa, một xà đơn, một khung sất cao khoảng 5 m để tập leo dây. Khoảng sân độ 5 m tính từ Văn Phòng vì có học sinh chơi đùa, tập thể dục nên tương đối quang đãng, khoảng còn lại thì cỏ dại mọc um tùm.
 
- Dãy ngang, có hình như là 6, 7 lớp gì đó, cuối dãy là quán của Chú Hai, bán nước đá.
 
- Bước qua dãy ngang là dãy đối diện với dãy văn phòng, đầu dãy (bên đường Mạc đỉnh Chi) là nhà thầy Hiệu Trưởng, phía sau dãy nầy là nhà Chú Khuôl “cao”, lao công của trường.
 
- Ngoài 3 dãy chính, còn có một dãy phụ (tôi tạm gọi như vậy) nằm bên đường Mạc đỉnh Chi. Tôi tạm gọi là dãy phụ vì 3 dãy chính đều lợp ngói, còn dãy nầy thì lại lợp tole,  dãy nầy có 3 phòng: phòng đầu thì dùng để chứa bàn ghế hư hỏng, kế đến là Phòng Y tế học đường do cô Năm phụ trách, tiếp theo là phòng Văn nghệ (lúc nghĩ học tụi tôi thường “lấp ló” tại đây để xem các anh chị lớp trên tập dợt văn nghệ. Khi đó, tụi tôi rất “khoái” bài múa Trấn Thủ Lưu Đồn do anh Đức “ròm”(nhà ở dãy phố làng) làm “đạo diễn”, Chị Hằng (chị của Chi Lăng) và anh Đông Triều hát bài gì mà tôi không biết tên, chỉ nhớ là có câu: “ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình . . .” và bài Đám Cưới Đầu Xuân.) tiếp nữa là khu đất trống, nơi để xe của học sinh (chỉ toàn là xe đạp thôi!!!).

                                                                              
 
Cột cờ nằm ở trung tâm. Vòng sân trường, đường nối 2 dảy đối diện nhau là đường lót bằng đất hầm, hai con đường nầy chia sân trường thành 4 ô sân nhỏ, mỗi sân như vậy có 1 bồn hoa. Dọc các con đường nầy có trồng cây còng, điệp (phượng) và dương (phi lao), đặc biệt là 4 góc sân là 4 cây còng cao to, tàng lá của 6 hàng cây trên đường che mát cả sân trường. Tôi còn nhớ là sau cơn mưa tụi tôi thường chạy ra các con mương thoát nước dọc theo các con đường nầy để bắt cá, còn trời nắng thì chạy giỡn dưới các táng cây.
 
Ngày nay, mỗi khi có dịp vào trường, đứng trước những dãy lớp bê-tông khang trang, nhưng sao tôi lại chỉ nhớ đến những dãy lớp đơn sơ, con đường đất hầm của ngày xưa đó. Đơn sơ nhưng thơ mộng, ấm áp tình bè-bạn, thầy-trò cùng nhau gắn bó trong suốt 6 năm.
 
Vậy là mình đã già rồi, chỉ còn lưu luyến cái “thời xưa” thôi.

LÝ VĂN HÀO HD 64-71

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

NHỚ CÙ LAO DUNG

                                                                                






Đây trời mênh mông, nưóc mênh mông
Cù lao Dung nằm giữa dòng sông
Nước lên sóng gợn theo từng lớp
Đã mấy mươi năm, mãi trong lòng.

Vì thời cuộc, cam làm thân viển xứ
Thân nhân bè bạn xa lìa nhau
Lòng mãi ưóc mơ về bên ấy
Để hết nhói đau bởi vạn sầu

Nhớ thời thơ ấu, tôi rất ngoan
Theo Ba ra ruộng lúa chín vàng
Được cỏng trên vai, tôi còn nhớ
Như nhớ khoãng đời đã sang trang

Vào mỗi hoàng hôn ngắm đất trời
Ngắm dòng sông Hậu mãi êm xuôi
Mãnh đất cù lao, nuôi tôi lớn
Kỷ niệm buồn vui, mấy tuổi đời

Nhớ những hàng bần theo ven sông
Lơi lả cùng con nưóc lớn ròng
Hay phải dập dùi theo triều sóng
Như kiếp đời ta mãi bâng khuâng.

Nhớ ông thây già trên bục giảng
Tóc bạc thêm nhờ bụi phấn bay
Tim đập mạnh, thì thầm nho nhỏ
Mong đưọc thoát qua, khỏi trả bài.


HOÀI VIỆT.


ĐÁP LẠI BÀI ” KHI Ở CÙ LAO DUNG” (Cuả T.T.CH- HD 68-75)








CLICK PLAY ĐỂ NGHE NHẠC.


Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Á HẬU HOÀNG DIỆU.

                                                                                    





Ngày xưa có bảy chú lùn,
Thảnh thơi đùa giởn trong rừng hoang vu,
Trời đông tuyết phủ mịch mù,
Gặp nàng Bạch Tuyết che dù dạo chơi,

Họ kết làm bạn một thời,
Giờ đành tạm biệt xa rời rừng hoang,
Bạch Tuyết trở lại quê nàng,
Tham dự hoa hậu thuộc hàng phu nhân,

Rủi may thi thử một lần,
Không ngờ nàng đậu được phần á thôi,
Thế là có tiệc đây rồi,
Đêm vui có rượu có mồi tới khuya,

Lâu nay nghỉ việc đi cày,
Để bù đắp lại năm dài cực thân,
Đi chơi đây đó bội phần,
Thật là số dzách tấm thân làm người.



VÂN NGUYỄN . JUNE 25 , 2014 . 1.00PM .VIẾT TẶNG BẠCH TUYẾT CHSHD , SAN JOSE ,CALI.



CLICK PLAY ĐỂ NGHE NHẠC.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

NHỚ VỀ CỐ HƯƠNG

                                                                                     




 
Mấy mươi năm đã rời xa đất tổ,
Trên chiếc thuyền đóng bằng gỗ mong manh,
Vượt trùng dương trong đêm tối hải hành,
Rồi ngoảnh lại nhìn quê cha lần cuối,

Tới bờ bến xứ người buồn rã rượi,
Tuy có vui vì thoát lưới tử thần,
Lòng chợt buồn chợt nhớ mọi người thân,
Nghĩ không biết có một lần gặp lại,

Dân nước Việt ngày xưa từng oằn oại,
Bởi bạo quyền thống trị ách ngoại bang,
Giòng Âu Lạc chịu cai đắng vô vàn,
Nguyện quốc tổ độ nguy nan tái diễn,

Ngày an cư dưới vùng trời tân tiến,
Vẫn nhớ về quê cũ mến yêu xưa,
Dòng sông quê dưới mưa nắng hai mùa,
Ruộng lúa chín vàng bao la bát ngát,

Người dân quê với cuộc đời đạm bạc,
Gái trai làng e thẹn tuổi cặp kê,
Bao nhiêu là những kỷ niệm lê thê,
Mỗi khi nghĩ miên man về đất Việt.



VÂN NGUYỄN. JUNE 23, 2014.



MỜI CLICK PLAY NGHE NHẠC.

CHIẾC LÁ SẠCH

                                                            
 
 
Trong cuộc sống bạn sẽ gặp nhiều biến cố thăng trầm, những điều tệ hại xảy đến với bạn nhưng rồi những thứ đó cũng trôi đi giống như nước dội vào chiếc lá, càng muốn ấn chìm chiếc lá thì chiếc lá càng nổi lên cao và cảng trở nên sạch sẽ hơn. Hãy làm chiếc lá để cho mọi thứ không hay trong cuộc đời càng tấn công thì càng rửa sạch bạn thêm.
~~~~~~~~~~~~~~~
 
Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng : 
- Con là một thư sinh luôn biết Tam cương-Ngũ thường.. từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn xỉ nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi trần, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử ! 
  
 
                        
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng : 
- Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì. 

Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước. 

Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư. 

Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai : 
- Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy. 

Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói : 
- Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, xỉ nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không ? 

Chàng trai thở dài gật đầu thưa : 
- Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng. 

Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói : 
- Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ. 

Vừa nói, vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước. 

Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng : 
- Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào ?                                  
Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ. 

Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư : 
- Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần.. 

Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng : 
- Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn..không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước ( những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm. 

Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng. 

Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước. 

Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng : 
- Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt. 

Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng : 
- Vì sao Ngài lại nói như thế ? 

Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi. 

Đại sư bảo chàng trai : 
- Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi ..rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang. 

Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế : 
- Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi. 

Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.

 Hiếu Kỳ

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

CHIẾC LONG SÀN "THA HƯƠNG" CỦA VUA THÀNH THÁI

Cuộc đấu giá cổ vật ngày 13/6/2014, tại Chateau de Cheverny (Cộng hòa Pháp) đã xác nhận 2 cổ vật thuộc triều Nguyễn bị lưu lạc qua Pháp, là chiếc long sàng (giường vua Thành Thái) đã được một cá nhân ở Pháp đấu trúng và 1 chiếc xe kéo tay của bà Từ Minh Hoàng Thái hậu (mẹ vua Thành Thái) được người đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế mua thành công, nhưng phía Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) đã đề xuất được mua theo giá của tỉnh Thừa Thiên Huế theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Như vậy xem ra, đường hồi hương của Cổ vật triều Nguyễn tại Pháp vấn rất khó khăn.

Báu vật độc bản

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sau khi tìm kiếm và nghiên cứu hồ sơ hiện vật cũng như tham khảo một số ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu và sưu tập cổ vật, Trung tâm đã có những nhận định cụ thể về giá trị hiện vật.

Chiếc long sàng cao toàn bộ 191cm; dài 212 cm; rộng: 140cm, làm bằng gỗ. Các hoa văn ở các vị trí thành gường, chân giường, khung giường được chạm trổ theo mô-tip cung đình Huế. Cụ thể phần đầu gường ở trên chạm trổ, thếp vàng hoa lá hóa dơi theo mô-tip ngũ phúc; phần đầu hộc giường phía sau chạm trổ, sơn son thếp vàng hoa văn tam sơn, cổ đồ và rồng ngang bốn móng; phần đầu hộc giường phía trước chạm trổ con triện và mô-tip chữ tọ hình đỉnh cách điệu; phần thân và chân giường chạm trổ hoa lá, rồng mây dưới dạng dao hóa không sơn thếp. Đây là một cổ vật thuộc thời Nguyễn, có xuất xứ từ tầng lớp hoàng tộc, với niên đại trên 100 năm (đầu thế kỷ XX).

Long sàng của vua Thành Thái
Long sàng của vua Thành Thái

Chiếc xe kéo, cao toàn bộ: 136 cm; dài 230 cm (kể cả phần tay kéo); rộng: 102cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở các vật dụng bằng gỗ ở hoàng cung xưa. Đặc biệt, các loại hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy đây là các hoa văn thuần Việt và phổ biến dưới thời Nguyễn. Chiếc ghế trên xe kéo được bọc nỉ với phong cách kiểu dáng Luis (như nhiều ghế khác cùng thời- thường gọi là phong cách Tân cổ điển, hiện còn ở hoàng cung Huế). Ngoài ra trên xe kéo còn ghi các chữ Hán 東 京 河 內 廣興 造: Đông Kinh, Hà Nội, Quảng Hưng tạo nghĩa là hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo. Theo hồ sơ đấu giá, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng cho mẹ mình là bà Từ Minh hoàng thái hậu để dạo chơi trong vườn ngự uyển.

TS Phan Thanh Hải nhận định 2 hiện vật trên có thể là trong số rất nhiều các cổ vật của triều Nguyễn bị thực dân Pháp cướp đoạt trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, hoặc cũng có thể là những vật dụng gắn liền với gia đình vua Thành Thái trong thời gian nhà vua sống ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion. Chúng là các cổ vật có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật và văn hóa lịch sử.

Họa tiết trang trí sơn song thiếp vàng của long sàng
Họa tiết trang trí sơn song thiếp vàng của long sàng

Nhận định chung của các nhà nhà nghiên cứu, chuyên gia về cổ vật, đây là 2 “báu vật hoàng cung” quan trọng mà tỉnh Thừa Thiên Huế cần có chính sách và hành động ngay để được 2 hiện vật này về nước và trưng bày tại hoàng cung Huế.

Tranh mua giá cao - đường hồi hương chưa rõ

Theo hồ sơ đấu giá, hai cổ vật trên là của ông Prosper Jourdan (vốn là trưởng bộ phận bảo vệ trong cung lúc bấy giờ) mua được và để lại cho con cháu. Giá khởi điểm do văn phòng bán đấu giá Rouillac đưa ra cho chiếc long sàng là 1.000 euro và chiếc xe kéo tay là 2.000 euro.
Trung tâm BTDTCĐ Huế đã đề xuất được tham gia đấu giá và được sự chấp thuận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với mức giá 33.000 euro (gấp 11 lần so với giá khởi điểm). Trung tâm đã ủy nhiệm Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp giúp đỡ tham gia đấu giá cũng như vận động thêm nguồn kinh phí từ kiều bào ở Pháp và đã có thêm 7.000 euro huy động từ nguồn vận động kiều bào.

Liệu báu vật hoàng cung triều Nguyễn này có trở về với cố quốc?
Liệu báu vật hoàng cung triều Nguyễn này có trở về với cố quốc?

Với 40.000 euro, Đại sứ quán tại Pháp đã cử người đại diện cho Huế trực tiếp tham gia đấu giá. Tại phiên đấu giá, chiếc giường đã bị đẩy lên mức giá quá cao, nên người đại diện của Huế không thể theo được. Cuối cùng, chiếc giường đã được bán đi với mức giá là 100.000 euro (chưa kể 24% lệ phí đấu giá).

Xe kéo tay của bà Từ Minh Hoàng Thái hậu
Xe kéo tay của bà Từ Minh Hoàng Thái hậu

Với chiếc xe kéo tay, sau một hồi đấu giá, một người nước ngoài đẩy lên giá 44.000 euro, người đại diện của Huế trả giá cao nhất (45.000 euro) và giành được quyền mua chiếc xe kéo (chưa kể 24% lệ phí đấu giá). Nhưng bất ngờ, bà Katia Mollet - phụ trách trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố rằng, Bảo tàng đề nghị mua lại chiếc xe này (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Theo đó trong vòng 15 ngày, nhà nước Pháp phải công bố xác định quyền này cho bảo tàng Guimet. Do đó, cho đến nay, văn phòng Rouillac vẫn chưa xác định bán cho Huế hay cho bảo tàng Guimet.

Xe kéo tay của bà Từ Minh Hoàng Thái hậu


Hiện nay, phía Việt Nam đang tích cực đưa ra các giải pháp thuyết phục, đấu tranh để đưa chiếc xe kéo trở về Huế, góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đề nghị phía Pháp trên tinh thần nhân văn, phù hợp với các công ước quốc tế về bảo tồn di sản, không nên áp dụng “quyền ưu tiên mua” của nước sở tại trong trường hợp này.

Xe kéo tay của bà Từ Minh Hoàng Thái hậu


Đối với hiện vật chiếc giường, tin vui vừa nhận được cho biết, người mua được là ông Tạ Văn Quang, cháu họ của vua Thành Thái - với ý định sẽ chuyển chiếc giường này về Việt Nam. Hy vọng với thiện chí từ người mua được hiện vật này thì cơ hội chiếc giường sẽ trở về Việt Nam là rất lớn.

Cần cơ chế và cách làm hiệu quả

Do quá trình lịch sử nên có thể nói rất rất nhiều “báu vật” triều Nguyễn đã lưu lạc tại nước ngoài, trong đó có nhiều ở nước Pháp mà mỗi lần đấu giá những hiện vật thì Việt Nam đều chậm chân hơn do không đủ kinh phí và không có cơ chế đấu giá linh hoạt đến cùng. Đơn cử là trong phiên bán đấu giá bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi diễn ra 24/11/2010, tại Paris, phía đại diện cho Huế cũng không thể đấu giá đến cùng mà chỉ hồi tiếc nhìn Chiều tà thuộc về sở hữu của người nước ngoài.

Theo TS Phan Thanh Hải, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ kiến nghị các cấp hữu quan sớm ban hành chính sách cụ thể đối với các hiện vật tương tự để khỏi bị động như trong những trường hợp vừa rồi. Trong đó rất chú trọng đến hình thức tôn vinh những người có công trong việc đưa hiện vật trở lại môi trường mà nó vốn tồn tại. Đối với các hiện vật có xuất xứ từ đánh cắp hay cưỡng đoạt, sẽ kiến nghị làm rõ nguồn gốc, sau đó ý kiến mạnh mẽ, thậm chí tranh kiện để đưa hiện vật quay về Việt Nam. Việc làm cấp bách bây giờ trong nỗ lực đưa các hiện vật giá trị của Huế lưu lạc nước ngoài hồi hương là phải có cơ chế tài chính linh hoạt, đủ mạnh trong việc tham gia đấu giá mua các hiện vật tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyễn Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nên tiến hành ngay cuộc vận động cấp quốc gia để hồi hương cổ vật một cách hiệu quả vì chúng ta không còn nhiều thời gian và cơ hội nữa. Đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị nhân dân các nước trên thế giới và phát động phong trào hiến tặng, chuyển nhượng các cổ vật và tư liệu quý hiếm đang là tài sản của tập thể, cá nhân ở nước ngoài trên tinh thần hữu nghị, giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa.
 

Theo Trần Ngọc