a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT MÙA GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2025 AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM MỚI 2025 VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

6 điều bạn chưa biết về dưa hấu


(gresei/iStock)
(gresei/iStock)
Ở Mỹ, tháng bảy được gọi là Tháng Dưa hấu Quốc gia, điều đó không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ sự tươi mát của dưa hấu luôn là hình ảnh biểu trưng của mùa hè, mà tháng bảy còn là mùa thu hoạch dưa hấu cao điểm nhất trong năm.
Hiện nay, dưa hấu là giống dưa được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ (tiếp đó là dưa đỏ và dưa ngọt). Cùng họ với các giống dưa chuột, bí ngô và bí, dưa hấu được cho là có nguồn gốc từ Ai Cập cách đây gần 5.000 năm trước, nơi mà giống dưa này từng được mô tả bằng chữ tượng hình.
Ngày nay, có tới 300 giống dưa hấu được trồng ở Hoa Kỳ và Mexico (mặc dù chỉ phổ biến khoảng 50 loại). Có thể bạn nghĩ rằng mình đã biết rất rõ loại trái cây mùa hè này, nhưng hãy để tôi cho bạn thấy một số điều bất ngờ thú vị… dưa hấu không chỉ thơm ngon… mà nó còn là một loại thực phẩm bổ sung siêu lành mạnh cho chế độ ăn uống của bạn (tất nhiên là trong một chừng mực nhất định).
Khi ăn bất kỳ loại dưa nào, kể cả dưa hấu, bạn chỉ cần cẩn thận một chút, thực hiện theo lời khuyên của Wayne Pickering trong cuộc phỏng vấn với tôi. Không ăn dưa cùng bất kỳ một loại thức ăn nào khác vì nó sẽ làm cho bạn bị trướng bụng. Vì vậy, tốt nhất là không nên ăn gì trước và sau khi ăn dưa khoảng 30 phút.
(majesticca/iStock)
Nước chiếm hơn 91% thành phần Dưa hấu (majesticca/iStock)

Sự thật về dưa hấu có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên

1. Dưa hấu có hàm lượng Lycopene lớn hơn cà chua nguyên chất
Lycopene là chất chống oxy hóa carotenoid rất mạnh, nhờ nó mà trái cây và rau quả có màu hồng hoặc màu đỏ. Lycopene có nhiều trong cà chua, nhưng thực tế dưa hấu lại là nguồn cung cấp lycopene dồi dào hơn.
240 ml dưa hấu có hàm lượng lycopene gấp 1,5 lần so với một quả cà chua tươi cỡ lớn (nghĩa là trong 240 ml dưa hấu có 6 mg lycopene thì trong 1 quả cà chua có 4 mg). Dưới đây chúng tôi sẽ nói rõ hơn về sự quan trọng của lycopene…
2. Nước dưa hấu có thể chữa đau nhức cơ bắp
Nếu bạn sẵn có một máy ép trái cây, hãy thử ép khoảng 1/3 quả dưa hấu tươi và uống trước khi bạn luyện tập thể lực. Nó chứa nhiều hơn một gram l-citrulline – là một loại axit amin – có công dụng bảo vệ chống lại các cơn đau cơ.
Một nghiên cứu cho thấy, so với những người sử dụng giả dược, những người uống nước ép dưa hấu tự nhiên không tiệt trùng trước khi tập luyện đã giảm đau nhức cơ bắp trong 24 giờ sau đó.
Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng với việc uống nước dưa hấu, vì nó chứa một lượng fructose khá lớn. Có lẽ tốt hơn là nên ăn nguyên trái hay lựa chọn các thủ thuật khác để ngăn ngừa đau cơ.
3. Dưa hấu vừa là rau, vừa là quả
Bạn hãy nghĩ xem dưa hấu có mối liên hệ gì với dưa chuột, bí ngô và bí? Đó chính là vì một phần nó vừa là rau, một phần vừa là quả (nó có vị ngọt và hạt của nó có thể gieo trồng). Và một bằng chứng khác nữa là vỏ của nó hoàn toàn có thể ăn được …
4. Bạn có thể ăn cả vỏ và hạt dưa hấu
Hầu hết mọi người thường vứt vỏ dưa hấu vào thùng rác, nhưng bạn hãy thử xay sinh tố vỏ dưa với nước chanh xem sao, nó thực sự lành mạnh và giúp bạn cảm thấy sảng khoái. Vỏ dưa không chỉ chứa nhiều chất diệp lục bổ máu và tăng cường sinh lực, mà thực sự nó còn chứa nhiều axit amin citrulline hơn các loại trái cây có ruột màu hồng.
Citrulline chuyển đổi thành axit amin arginine trong thận, loại axit amin này không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và duy trì hệ thống miễn dịch, mà nó còn được nghiên cứu là có tiềm năng điều trị trên hơn 100 loại bệnh.
Trong khi nhiều người thích các giống dưa hấu không hạt, thì hạt dưa hấu có thể ăn được và thực sự có lợi cho sức khỏe. Chúng chứa sắt, kẽm, protein và chất xơ. (Nếu bạn thắc mắc, chúng tôi xin trả lời rằng dưa hấu không hạt không phải là sản phẩm biến đổi gen, mà chúng là kết quả của việc lai tạo.)
5. Thành phần chính của dưa hấu là nước
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng nó vẫn là một thực tế đầy thú vị; nước chiếm hơn 91% thành phần của dưa hấu. Có nghĩa là việc ăn dưa hấu trong những ngày hè nóng bức là một giải pháp tuyệt vời giúp bạn bổ sung và tránh mất nước (tuy nhiên, nó không thể thay thế cho việc uống nhiều nước lọc).
6. Một số loại Dưa hấu có màu vàng
Loại dưa hấu Crimson ruột vàng có hương vị mật ong, ngọt hơn so với các loại dưa Crimson ruột hồng thường thấy. Có thể dưa hấu vàng có những giá trị dinh dưỡng riêng của nó, nhưng cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào các giống dưa ruột hồng.
(Jay Directo/AFP/Getty Images)
Dưa hấu là nguồn cung cấp lycopene tuyệt vời. (Jay Directo/AFP/Getty Images)

Lycopene: chất dinh dưỡng khẳng định giá trị của dưa hấu

Dưa hấu là một nguồn cung cấp lycopene tuyệt vời với hàm lượng lên tới 6.500 microgram (tương đương 6,5 mg) trong chưa đầy 120 ml dưa (các giống dưa ruột đỏ chứa lượng lycopene nhiều hơn đáng kể so với giống ruột vàng).
Điều đáng nói là các lycopene trong dưa hấu khá bền vững, sau hơn hai ngày cắt và trữ lạnh, lycopene trong dưa hấu chỉ bị hư hỏng chút xíu, không đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy, sau khoảng bảy ngày lưu trữ, các lycopene mới bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, nhưng chỉ khoảng 6% đến 11%.
Điều gì làm cho lycopene trở nên quan trọng đến vậy? Tác động chống oxy hóa của lycopene từ lâu đã được cho là mạnh hơn so với các carotenoid khác, chẳng hạn như beta-carotene. Trong một nghiên cứu, sau khi kiểm soát các yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ như tuổi già và bệnh tiểu đường, người ta đã phát hiện ra rằng người có nồng độ lycopene trong máu ở mức cao nhất có ít nguy cơ bị đột quỵ hơn 55% so với những người có mức lycopene thấp nhất.
Năm 2014, một phân tích tổng hợp cũng tiết lộ rằng, lycopene làm giảm nguy cơ đột quỵ hơn 19% (bao gồm cả đột quỵ hoặc tử vong). Ngoài ra, lycopene còn được chứng minh là có khả năng chống ung thư, có lẽ là do tính chất chống oxy hóa mạnh của nó.
Cũng trong một phân tích tổng hợp từ 10 nghiên cứu vào năm 2014, người ta thấy bổ sung lycopene trong chế độ ăn uống có thể bảo vệ phụ nữ ở độ tuổi hậu mãn kinh chống lại các nguy cơ ung thư buồng trứng. Ngoài ra, một số bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật còn phát hiện lycopene có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Nghiên cứu đã chứng minh điều trị với lycopene có khả năng làm giảm sự tăng trưởng của các khối u não, trong khi đó những nghiên cứu khác cũng cho thấy sử dụng lycopene thường xuyên có thể kìm hãm sự tăng trưởng khối ung thư vú ở chuột.
(martakat83/Flickr/CC BY 2.0)
Dưa hấu có tác dụng làm hạ huyết áp (martakat83/Flickr/CC BY 2.0)

Nước ép dưa hấu có thể giúp giảm huyết áp khá hiệu quả

Nghiên cứu mới đây cũng nhấn mạnh vai trò của các chất dinh dưỡng có trong dưa hấu đối với việc phòng chống các cơn đau tim, bởi tính năng hạ huyết áp hiệu quả của nó. Những người béo phì tham gia nghiên cứu được sử dụng các chất citrulline và arginine có nguồn gốc chiết xuất từ ​​dưa hấu đã có những biểu hiện cải thiện rõ rệt về huyết áp và phản ứng của tim trước áp lực từ bên ngoài, cả trong trạng thái nghỉ ngơi và sau khi thử nghiệm căng thẳng với nước lạnh. Theo các nhà nghiên cứu:
“Bổ sung dưa hấu làm giảm BP (huyết áp) động mạch chủ, giảm nhu cầu oxy của cơ tim trong quá trình CPT (thử nghiệm huyết áp trong môi trường lạnh) và giảm sự gia tăng cường độ sóng phản xạ do môi trường lạnh ở người lớn bị béo phì cùng với cao huyết áp. Dưa hấu có thể cung cấp chất bảo vệ tim mạch bằng cách làm thuyên giảm những phản ứng ở huyết động mạch chủ do môi trường lạnh.
Hãy nhớ rằng, citrulline của dưa hấu khi được dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành L-arginine, là tiền chất oxit nitric. Việc cung cấp đủ oxit nitric là rất cần thiết, giúp mạch máu thư giãn và lưu thông, đây chính là lý do tại sao nó có thể hỗ trợ hạ huyết áp.

Dưa hấu dành cho các loại bệnh viêm nhiễm và hơn thế nữa

Dưa hấu còn có ích lợi gì nữa? Nó rất giàu chất kháng viêm. Chẳng hạn, dưa hấu chứa chất lycopene kháng viêm chống oxy hóa cũng như chất cucurbitacin E, hay tripterpenoid, chúng có tác dụng làm giảm tác động của các cơn đau và viêm do enzyme cyclooxygenase – bằng cách ức chế enzym bởi COX-2 inhibitors, trong đó hầu hết chứa các chất NSAIDs* như aspirin và ibuprofen. Mặc dù có hàm lượng calo rất thấp (khoảng 46 calo trong 240 ml), nhưng dưa hấu chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng khác mà nhiều người Mỹ hiện nay đang thiếu như:
  • Vitamin C
  • Vitamin B6
  • Kali
  • Vitamin A
  • Magnesium

Làm thế nào để lựa được một trái dưa hấu hoàn hảo

Ăn thử một miếng dưa hấu mới nhận ra là nó nhạt nhẽo thì quả là đáng thất vọng. Có một mẹo mà bạn có thể áp dụng để lựa cho mình một trái dưa hấu chín từ chợ nông dân hay từ trong chính khu vườn nhà bạn. Hãy nhìn những đốm màu vàng bơ và xanh nhạt (không phải màu trắng hay màu xanh lá cây) ở mặt dưới của quả. Đây là nơi dưa hấu tiếp xúc với mặt đất khi chín và đó là một trong những dấu hiệu về độ chín tốt nhất mà bạn có thể nhận thấy (thậm chí những người hái dưa hấu chuyên nghiệp để bán thường sử dụng nó như một chuẩn mực). Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng bí quyết sau đây để lựa một trái dưa hấu chín:
  • Quả nặng so với kích thước
  • Vỏ mượt, có mặt trên tối màu (mặt trên ngược với phía tiếp xúc với mặt đất)
  • Dùng tay vỗ lên trái (điều này đang gây tranh cãi, nhưng dưa hấu chín được cho là có một âm thanh trầm rỗng)
Dưa hấu nên được bảo quản ở nơi mát mẻ (khoảng 50-60 độ F tương đương 10-15 độ C) cho đến khi sử dụng. Sau khi cắt, dưa cần giữ lạnh và trước khi cắt nhớ lau sạch vỏ dưa bằng một miếng vải ẩm. Đừng quên thử làm sinh tố vỏ dưa với nước chanh thay vì vứt chúng vào thùng rác (hãy chọn một quả dưa hấu hữu cơ, đặc biệt là khi bạn muốn ăn cả vỏ). Và sau cùng, chỉ tiêu thụ dưa hấu ở mức vừa đủ, bởi nó có hàm lượng fructose rất cao. 1/16 của một quả dưa hấu kích cỡ vừa phải chứa 11,3 gram fructose (tôi khuyên bạn nên hạn chế tổng lượng fructose tiêu thụ dưới 25 gram mỗi ngày nếu bạn có sức khỏe tốt, và dưới 15 gram một ngày nếu bạn đang thừa cân hoặc bị huyết áp cao hay tiểu đường).
* NSAIDs (Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs): thuốc kháng viêm không có chất kích thích steroid
Tác giả: Joseph Mercola, www.mercola.com | Dịch giả: Tottochan

Các loại hóa chất thông thường có làm tăng nguy cơ ung thư?

(F Mira/Flickr/CC BY-SA 2.0)
(F Mira/Flickr/CC BY-SA 2.0)*
Nghiên cứu mới về nguy cơ ung thư do việc tiếp xúc với các loại hoá chất phổ biến thường đi kèm với những tiêu đề tức cười “chất X gây ung thư!” Vì vậy, khi một nghiên cứu mới đây về chủ đề này được đăng trên chuyên mục Carcinogenesis (các tác nhân gây ung thư) của tạp chí Oxford vào tuần trước, mới nghĩ đến thôi đã làm tôi co rúm.
Ung thư gây ra do sự kết hợp giữa những ảnh hưởng từ di truyền và môi trường – kiểu như một ván bài về mặt di truyền trong đó người chơi phải chấp nhận các quân bài được chia cho mình, nhưng ‘thời vận’ trong cuộc chơi lại được quyết định bởi các yếu tố môi trường và lối sống.
Có những điều thật sự đáng lo ngại quanh việc tiếp xúc với hóa chất và nguy cơ ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) ước đoán việc tiếp xúc với môi trường độc hại là tác nhân dẫn đến 7–19% các ca ung thư. Với khoảng 14 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện ra mỗi năm trên toàn thế giới, đó là khoản phí tổn khổng lồ cả về khía cạnh cá nhân và tài chính.
Báo cáo của loại hình nghiên cứu này thường bị hư cấu theo kiểu gây khích động hội chứng sợ hoá chất, một nỗi sợ “phi lý” với hóa chất. Đó là tài liệu hoàn hảo cho những người thích blogger Food Babe và là chủ đề ưa thích của các blog về chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu mới nhất này đã không làm thất vọng tờ Daily Mail, họ đã có ngay bài báo thông tin về các loại hóa chất trong khoai tây chiên, dung dịch rửa tay và kem chống nắng có thể dẫn đến ung thư nếu được kết hợp với nhau. Đóng góp khoa trương quá mức của Daily Mail trong việc phân loại những thứ gây ra ung thư hoặc chữa bệnh ung thư (hoặc cả hai) đã trở thành huyền thoại, đã dẫn đến sự ra đời của website Kill or Cure.

Tất cả mọi thứ có khả năng khiến bạn bị ung thư?

IARC phân loại hóa chất trên thang điểm giảm về khả năng gây ung thư. Ví dụ, chất diệt cỏ glyphosate được sử dụng rộng rãi thuộc về nhóm 2: có thể/có lẽ gây ung thư cho con người.
Để đối chiếu, như vậy glyphosate được xếp cùng loại như đốt củi trong lò sưởi và việc làm theo ca kíp. Có thể có khả năng mắc ung thư hạch bạch huyết do tiếp xúc thường xuyên với hoạt chất glyphosate của thuốc diệt cỏ (khi nông dân phun rất nhiều thuốc) nhưng các dữ liệu còn hạn chế và mâu thuẫn.
Có một bài báo trên American Journal of Clinical Nutrition đã điểm lại nguy cơ gây ung thư liên quan đến 50 nguyên liệu phổ biến được lấy từ các công thức nấu ăn ngẫu nhiên trong một cuốn sách dạy nấu ăn. Bài báo này là một minh chứng tuyệt vời cho những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt khi đánh giá bằng chứng về các chất có nguy cơ gây ung thư. Trong khi rất nhiều nghiên cứu xác nhận các loại thực phẩm khác nhau hoặc có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư, hoặc có thể có tác dụng bảo vệ, thì trong nhiều trường hợp bằng chứng lại không đủ sức thuyết phục.
Việc báo cáo với xu hướng gây giật gân trong nghiên cứu y học thường để lại nhiều vấn đề cần khuyến nghị, nhưng lỗi không phải luôn ở phía các nhà báo và các bản tin mạng. Một trường hợp cụ thể gần đây đăng tải một nghiên cứu về nguy cơ ung thư tuyến tụy và tiêu thụ thịt đỏ cho thấy hầu hết các nhà báo chỉ đơn giản là nhai lại thông tin trong thông cáo báo chí.

Nghiên cứu này có cho chúng ta biết điều gì mới không?

Nghiên cứu mới nhất là đóng góp lớn của một nhóm hơn 200 nhà sinh học quốc tế nghiên cứu về ung thư và chuyên gia về chất độc tham gia vào dự án Halifax. Đó không phải là một nghiên cứu sử dụng dữ liệu sơ cấp, mà là đánh giá lại tài liệu đã có sẵn về tiềm năng gây ung thư khi tiếp xúc ở mức độ thấp các hỗn hợp hóa chất có trong môi trường.
Dữ liệu về 85 loại hóa chất – ở các mức độ bằng chứng khác nhau – được bao quát trong bài báo. Có một số loại hóa chất mà chỉ có duy nhất một nghiên cứu về nó, do đó, các bằng chứng bị giới hạn nghiêm trọng ở một số khía cạnh.
Dự án nghiên cứu Halifax đưa ra một giả thuyết thú vị – có thể gây ung thư nếu đồng loạt tiếp xúc ở liều thấp các hợp chất hoá học. Các tác giả tiếp tục cho rằng những nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới trong việc đánh giá tính an toàn của hóa chất nên được tổ chức lại để phù hợp với sự hiểu biết gần đây của chúng ta về sinh học ung thư.
Có lẽ tuyên bố (đã được làm nhẹ đi) đáng chú ý nhất  trong toàn bộ báo cáo là:
[Giả thuyết này] cần phải được theo đuổi một cách quyết liệt trước khi những mặt tích cực trong giả thuyết này có những bước tiến xa hơn.

Một khuôn khổ mới đối với nhận thức về rủi ro do hóa chất gây bệnh ung thư?

Đối với tôi, kết quả thú vị nhất của nghiên cứu này là khuyến nghị thay đổi chiến lược nghiên cứu và điều hành khi đánh giá rủi ro do hóa chất và sử dụng mô hình AOP – chuỗi sự kiện ở các mức tổ chức sinh học khác nhau tạo nên tác động có hại cho sức khỏe.
Nói cách khác, tiềm năng gây ung thư của phơi nhiễm hóa chất liều thấp nên được diễn giải dựa trên “các dấu hiệu xác nhận bệnh ung thư”. Khái niệm này cung cấp một khuôn khổ cơ học cho sự hiểu biết sinh học về ung thư, cho sự mô tả đặc điểm của các khối u như sự phát triển bền vững, sự hình thành các mạch máu mới, và vân vân.

Nhìn xa trông rộng

Khái niệm về “các dấu hiệu xác nhận bệnh ung thư” trước nay vẫn luôn là động lực cho ngành sinh học ung thư. Thế mạnh tuyệt vời của nó nằm ở chỗ nó đưa ra một nguyên tắc có tổ chức có thể giải thích hợp lý sự phức tạp của bệnh ung thư. Nó chỉ có giá trị khi xem xét trên tổng thể.
Khi đánh giá khả năng gây ung thư của các nhân tố hóa chất, nếu chỉ dựa vào từng dấu hiệu một cách riêng biệt thì chính là đã sai hoàn toàn. Những tác động từ một yếu tố riêng biệt không nhất thiết sẽ chuyển hoá một tế bào bình thường thành tế bào ung thư. Thậm chí nếu điều đó có xảy ra thì cũng có những thách thức rất lớn trong việc diễn giải từ những phát hiện trong phòng thí nghiệm vào trong thực tế, đối với những tác động của hóa chất, riêng lẻ hoặc hỗn hợp, lên toàn bộ cơ thể người.

Chúng ta có thể làm gì?

Các tác giả của nghiên cứu này thừa nhận đề nghị của họ nhằm mở rộng việc đánh giá rủi ro của các loại hóa chất “không phải là một nhiệm vụ bình thường” và nó sẽ cực kỳ tốn kém. Với kinh phí và thời gian hạn chế, đó là hợp lẽ khi đặt câu hỏi liệu phương pháp này có mang lại lợi nhuận cho việc đầu tư.
Sự quan tâm tới việc tiếp xúc với môi trường hoá chất là hợp lý, nhưng bằng chứng không đủ thuyết phục cho những lời tuyên bố rằng chúng ta đang lặn ngụp trong một món súp của những hóa chất gây ung thư. Những thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, duy trì một cân nặng khỏe mạnh và tránh uống quá nhiều rượu là những cách có khả năng hơn nhiều để làm giảm nguy cơ ung thư.
 Darren Saunders là Giảng viên cao cấp tại UNSW Australia. Bài viết này ban đầu được công bố trên The Conversation. Đọc bài viết gốc.
* Hình ảnh của “khu công nghiệp” qua F Mira / Flickr / CC BY-SA 2.0
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến ​​của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Tác giả: Darren Saunders, Garvan Institute | Dịch giả: Xuân Dung

Khi có cơ hội làm việc Thiện, đừng do dự!


(Ảnh:Epochtimes)
(Ảnh:Epochtimes)
Tục ngữ cổ có nói, “Làm điều thiện, quý ở chỗ kiên trì không mệt mỏi. Lớn bắt đầu từ nhỏ; triệu có được từ một; toà tháp chín tầng bắt đầu xây nên từ nền mà có; hành trình ngàn dặm bắt đầu với bước đầu tiên.” Nếu bạn nhận thấy một điều tốt đẹp, hãy thực hiện nó ngay, thực hiện nghiêm túc và bền bỉ.
Ví dụ, Hàn Kỳ đời Bắc Tống là một người đức cao vọng trọng, ông luôn ân cần tử tế. Khi ông gặp điều gì tốt đẹp và cần làm ngay, ông đều hết lòng thực hiện. Khi ông nghe thấy có những người đang làm việc từ thiện, ông ca ngợi họ và truyền tin cho nhiều người hay, và nói rằng ông mong mình cũng có thể làm được như họ. Người ta hỏi ông lí do, ông trả lời: “Thiện ý làm việc tốt là điều cao quí nhất. Ca ngợi những người làm việc tốt sẽ động viên họ cố gắng hơn nữa trong tương lai và sẽ truyền cảm hứng cho những người khác khi nghe tin ấy. Điều này cũng khiến cho những người làm việc xấu cảm thấy hổ thẹn và thay đổi bản thân mình. Vậy nên khuyến khích làm việc tốt rất là quan trọng.” Ông thường đọc và khuyến khích đọc sách thánh hiền, bởi vì “sách chỉ đạo con người ta trở thành chính nhân quân tử”. Hàn Kỳ sau này trở thành một vị tể tướng đức độ, được phong làm Ngụy Quốc Công, đạt được cả “ngũ phúc” (trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức, thiện chung). Hậu duệ của ông nhiều đời làm quan tại triều cho đến tận giai đoạn cuối của triều đại Nam Tống. Tất cả mọi người đều tin rằng ông được đền báo vì tất cả những việc tốt mà ông đã làm.
Có một số người nhìn thấy việc thiện hiển nhiên nhưng lại chối từ không làm, như vậy họ đã mất đi cơ hội. Ví dụ, cuối thời nhà Chu, Tề Hoàn Công đi qua đống đổ nát của gia đình họ Quách, bèn hỏi một người già nơi đây: “Gia tộc họ Quách sao suy bại diệt vong vậy?” Ông lão trả lời, “Họ sa sút vì không làm điều thiện khi có cơ hội.” Tề Hoàn Công lại hỏi, “Sao lại vậy?” Ông lão nói,”Gia tộc họ Quách thích gặp điều lành, nhưng tự họ lại chẳng làm điều thiện. Họ ghét điều ác, nhưng lại không tiết chế bản thân mình đừng làm điều ác. Đó là lý do họ suy bại diệt vong.”
Một lí dụ khác là Diêu Hảo Vấn đời nhà Minh, là một huyện lệnh rất thận trọng và liêm khiết. Nhưng ông lại không có ý chí mạnh mẽ và dễ bị người khác gây ảnh hưởng. Một lần vào cuối xuân, trời mưa hơn 40 ngày liền, nên Diêu đến các làng để điều tra thiệt hại. Quan sát thấy hàng trăm mẫu ruộng ở Làng Tây bị ngập lụt, trong khi đó cánh đồng của những làng bên cạnh vẫn vô sự, ông nghĩ là cần phải báo cáo ngay rằng khu vực làng Tây đang gặp thảm họa. Nhưng viên tuỳ tùng lại nói “Các làng khác trong huyện chúng ta vẫn bình an vô sự. Dù hiện nay làng Tây có bị ngập, nhưng họ vẫn có thể trồng vụ khác khi nước rút đi. Nếu chúng ta làm một báo cáo đặc biệt, có thể người ta lại tra vấn truy xét.” Diêu Hảo Vấn biết tư tưởng viên tuỳ tùng là ích kỉ nhưng ông lại không muốn gây rắc rối, nên ông đã ém nhẹm sự việc mà không trình báo. Kết quả là làng Tây không nhận được một sự hỗ trợ nào.
Diêu Hảo Vấn muốn xây trường học miễn phí cho trẻ em nghèo và xây một phổ tế đường cho những người nghèo khó, nhưng đều bị thư dịch ngăn cản. Ông đã ở tuổi 50 nhưng không có con, mẹ và vợ thường hay đau ốm, cả gia đình khá là phiền muộn. Một ngày mẹ ông bị ngất do ốm bệnh. Khi bà tỉnh lại, bà nói với Diêu, “Mẹ gặp một viên phán quan chốn u minh. Ông ấy nói, con là một người thận trọng và liêm khiết, đáng được hưởng phúc có con. Nhưng mỗi khi con thấy một điều thiện nên làm và biết rất rõ là con phải làm, con đều dừng lại vì những điều người khác nói. Hãy lấy thảm họa ngập lụt làm ví dụ, sao con lại có thể giấu sự thật mà không báo cáo? Việc con che giấu sự thật khiến người ta phải bán con trai con gái đi để trả nợ thuế lúa gạo. Tội lỗi của con quá lớn, gây nên các khó nạn cho con. Viên quan nói, “Một người ngu dốt có thể tha thứ được, bởi vì hắn chẳng biết gì hơn. Những kẻ biết việc thiện mà chối từ không làm là những kẻ mà Trời ghét nhất. Bà nên nói với con trai, nếu anh ta muốn có phúc, anh ta phải làm thật nhiều việc thiện, không ngại khó khăn, và không được cẩu thả. Nhìn thấy những việc thiện cần làm, muốn làm, mà dừng lại là không tốt. Nếu con làm thật nhiều việc thiện, con có thể có phúc báo bù đắp lại những tội lỗi mà con đã phạm phải khi giấu giếm thảm họa trận lụt.” Tuy đã được nghe lời mẹ dạy, nhưng Diêu Hảo Vấn vẫn bị mê hoặc khi viên thư kí nhỏ mọn kia bịa đặt những điều sàm ngôn, và ông vẫn chứng nào tật nấy, không bỏ được tính xấu đó. Cuối cùng, ông ta bị bãi chức và gia đình bắt đầu sa sút.
Nhìn thấy những việc thiện lành cần làm thì phải gắng hết sức mà làm ngay. Nếu biết sửa sai hướng thiện, người ta có thể bù đắp tổn thất, tiêu trừ tội nghiệp và gia tăng phúc báo. Nếu một người vẫn cứ chần chừ nghi hoặc và không nghe khuyên bảo, hoặc những ai không thể thực sự tự chủ bản thân, họ có thể sẽ gây nên nghiệp chướng. Hối hận thì cũng đã muộn.
Tác giả: Trí Chân

Ý thức của mỗi cá nhân có sự kết nối với toàn thể các ý thức còn lại trong vũ trụ

(Vincepal, CC BY-SA 2.0 and Stockbyte/Thinkstock)
(Vincepal, CC BY-SA 2.0 and Stockbyte/Thinkstock)
Dưới đây là bài viết về cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Larry Dossey, chủ đề xoay quanh cuốn sách mới của ông là ‘One Mind’ (tạm dịch là Một Ý thức hay Ý thức Tổng thể).
Larry Dossey là một trong những người sáng lập phong trào y học toàn diện. Y học toàn diện là một phương pháp chăm sóc sức khỏe, đánh giá mọi mặt của con người trong đó có thân thể, ý thức, tinh thần và cảm xúc nhằm tìm kiếm một sức khỏe tối ưu.
Nội dung buổi phỏng vấn
Tiến sĩ (TS) Lipman: Thưa ông, ông có thể cho biết nội dung chính của cuốn sách là gì không?
TS Larry Dossey: Tôi viết về bản chất của ý thức con người. Tôi muốn chỉ ra rằng ý thức của con người không chỉ giới hạn trong bộ não hay cơ thể như chúng ta vẫn được giảng dạy, mà thực chất nó vươn xa đến vô tận bên ngoài cơ thể con người. Ý thức của chúng ta không có biên giới, không có giới hạn, chúng hợp nhất với tất cả các ý thức khác và hình thành cái mà tôi gọi là Ý thức Tổng thể hay Một Ý thức. Ý thức này dường như không bị ảnh hưởng bởi thời gian, nên nó là bất tử. Nó chính là nguồn gốc của trí tuệ và những sáng tạo vĩ đại. Tôi kết luận điều này sau khi đã nghiên cứu rất nhiều nguồn dẫn chứng cùng với vô số các trải nghiệm của nhiều người; những nghiên cứu này được tôi trình bày chi tiết trong cuốn sách.
Như vậy, về cơ bản cuốn sách này viết về phạm vi hay kích thước của ý thức chúng ta – liệu nó nhỏ, vừa, lớn, vô cùng lớn hay thậm chí không có giới hạn? Về việc tại sao ý thức không tồn tại riêng lẻ mà lại kết nối với nhau trong một ý thức thống nhất? Cùng với đó là mối quan hệ của chúng ta – bằng cách nào ý thức của một người kết nối với ý thức người khác và với toàn bộ sự sống trên Trái Đất và tại sao điều này là yếu tố cốt yếu cho sự sống của chúng ta?
Tôi muốn nói rằng bạn, người yêu, vợ/chồng, con cái, anh chị em, tổ tiên, hậu duệ, thậm chí cha mẹ của vợ/chồng, vật nuôi của bạn đều là thành phần của một ý thức lớn hơn: Ý thức Tổng thể.
Trong suốt thế kỉ 20, chúng ta tìm cách tách biệt ý thức [khỏi vật chất]. Nay tôi kết nối chúng lại. Chúng ta được giảng dạy rằng ý thức được phân loại thành tiền ý thức (ký ức), tiềm thức, vô thức và vô thức tập thể. Cuốn sách này nhìn nhận ý thức theo hướng nhìn khác. Nó chỉ ra rằng ý thức cá nhân của mỗi người là một phần trong một tổng thể ý thức lớn hơn bao gồm tất cả các ý thức – của toàn bộ loài người cũng như các sinh vật và sự vật khác trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
(drfranklipman.com)
Trang bìa cuốn sách ‘Ý thức Tổng thể  (Một ý thức)’, nhận thức về việc ý thức của mỗi cá nhân là một phần của một ý thức lớn hơn và tại sao nhận thức này lại quan trọng (drfranklipman.com)

TS Lipman: Tại sao việc nhận thức về Ý thức Tổng thể lại quan trọng?
TS Larry Dossey: Sự nhận biết này là niềm tin lớn nhất cho sự tồn tại vĩnh hằng của chúng ta trên Trái Đất. Chỉ khi nhận thức được sự kết nối của chúng ta với những thứ khác và với chính Trái Đất ở tầng xúc cảm sâu thẳm nhất, chúng ta mới có đủ can đảm để đưa ra các lựa chọn khó khăn mà sự sống yêu cầu. Vậy nên, cuốn sách này viết về sự tồn tại – về việc bảo vệ Trái Đất và mạng sống của chúng ta.
Alice Walker (nhà văn người Mỹ) có nói: “Chúng ta có thể bảo vệ bất cứ thứ gì chúng ta yêu quý”, tôi nghĩ trong số những thứ ta yêu quý có hành tinh này, bản thân chúng ta, con cái chúng ta và các thế hệ tương lai. Ngoài ra, Ý thức Tổng thể giúp chúng ta kết nối và hòa hợp với tất cả mọi thứ, từ đó chúng ta xây dựng tình yêu thương với tất cả. Do đó, Ý thức Tổng thể giúp chúng ta đưa thế giới này về đúng bản chất của nó.
Vậy, dựa vào đâu chúng ta biết Ý thức Tổng thể thực sự tồn tại?
Các gợi ý về Ý thức Tổng thể đều ở xung quanh chúng ta. Điều này không phải là triết học đơn thuần. Qua thời gian, tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm những hiện tượng mà chỉ có thể giải thích được nếu chúng ta thừa nhận rằng mình có liên hệ với người khác trong tâm thức.
Tình yêu của người mẹ với con là một ví dụ về sự hòa hợp mà ở đó mọi ranh giới và sự xa cách đều được vượt qua. Hay những người từng có tình yêu sâu đậm đều trải nghiệm một điều là: khi hai con người đã hiểu nhau, đồng cảm với nhau thì khái niệm “người khác” không còn nữa. Gần đây mọi người quan tâm nhiều tới chuyện phả hệ, tìm hiểu nguồn gốc gia đình, đây có thể coi là sự cố gắng khôi phục lại những liên hệ với người xưa, với mọi người xung quanh và là mong mỏi tìm kiếm sự đồng nhất.
Hơn nữa, con người thường trao đổi từ xa với nhau những suy nghĩ, cảm xúc, thậm chí cả cảm giác của cơ thể. Điều này đặc biệt phổ biến giữa những người có quan hệ tình cảm thân thiết. Một ví dụ điển hình là khi người mẹ “ngay lập tức cảm nhận” được việc đứa con đang bị nguy hiểm dù đang ở rất xa, như thể người mẹ và đứa con có chung tâm trí và ý thức vậy.
Một ví dụ khác: Con người thường có được kiến thức về sự vật theo những cách không thể giải thích được. Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison từng nói: “Tôi chưa bao giờ sáng tạo điều gì cả. Các ý tưởng đến với tôi từ vũ trụ và vạn vật xung quanh, từ đó tôi diễn đạt lại chúng”.
Hay như những người mắc hội chứng bác học (savant) thường bị tổn thương về trí não, họ không thể đọc và không có khả năng học, nhưng họ có những thứ mà chẳng thể nào đạt được thông qua việc học (Stephen Wiltshire là một ví dụ, anh chỉ cần nhìn qua một cảnh vật là có thể vẽ lại chi tiết và chính xác cảnh vật đó). Khả năng này có được từ đâu? Tôi cho rằng họ có sự kết nối tới một kho tri thức, kho tri thức đó chính là Ý thức Tổng thể.
Con người cũng thường có những giấc mơ rất chi tiết về tương lai, đó là công năng linh cảm, và tôi đã dành trọn một cuốn sách khác để viết về nó.
Trải nghiệm cận tử là một cánh cổng dẫn tới Ý thức Tổng thể. Có mười triệu người Mỹ có trải nghiệm này. Điểm đặc trưng của nó là cảm giác hợp nhất với tất cả mọi thứ, trải nghiệm này mang lại cho người ta một nhận thức sâu sắc đến nỗi cuộc sống của họ đã biến đổi hoàn toàn sau khi bình phục.
Tôi đã bàn luận về trải nghiệm này qua nhiều ví dụ đa dạng, phong phú. Những hiện tượng này sẽ không thể giải thích được bằng hiểu biết hiện tại rằng ý thức của chúng ta bị giới hạn trong bộ não, vốn chỉ tiếp thụ thông tin qua các giác quan vật lý, và ý thức của chúng ta bị tách rời khỏi tất cả các ý thức khác. Vì vậy, để giải thích các hiện tượng trên, đòi hỏi cần có cái nhìn tổng quan hơn về ý thức — đó là cái mà tôi gọi là Ý thức Tổng thể.
Các bằng chứng cho thấy ý thức không bị giới hạn trong bộ não và cơ thể. Và nếu nó không bị giới hạn vào một nơi cụ thể nào đó trong không gian, thì các ý thức đơn lẻ của chúng ta phải liên kết với nhau theo một cách nào đó – một lần nữa, tôi cho rằng chúng liên kết với nhau trong Ý thức Tổng thể.
Lợi ích của nhận thức này vô cùng lớn. Nếu ý thức cá nhân không có giới hạn và hòa vào tất cả các ý thức khác, điều đó có nghĩa chúng ta có thể tiếp cận với tất cả trí tuệ và sự sáng tạo trong đó. Cùng với đó, vì Ý thức Tổng thể là vô tận không chỉ về không gian mà còn cả về thời gian nên ở một phương diện nào đó thì nó phải là bất tử. Vì vậy quan điểm về Ý thức Tổng thể một cách gián tiếp đảm bảo với chúng ta về sự sống bất tử dù thân xác đã không còn.
TS Lipman: Từ đâu ông có ý tưởng về Ý thức Tổng thể?
TS Larry Dossey: Khái niệm về Ý thức Tổng thể đã có từ rất lâu. Nền triết học của người Ấn Độ cổ xưa 3000 năm trước đã nói tới Ý thức Tổng thể, họ gọi nó là thư viện Akashic (Akashic Records). Trong khái niệm về sự thống nhất giữa con người và thần thánh của đạo Hindu, nó được gọi là: tat tvam asi, nghĩa là tâm hồn hay ý thức của bạn là một phần của thực tại tối nguyên, trước khi vũ trụ được tạo thành thì một ý thức đơn nhất đã tồn tại và ở nơi sâu thẳm nhất nó đồng nhất với bạn.
Nhiều truyền thuyết dành sự tôn kính cho Ý thức Tổng thể. Theo các cách khác nhau, nó được gọi là satori (ngộ) trong phái Thiền, samadhi (trạng thái tâm thức lìa thân xác) trong Yoga, fana (lìa trần) trong Sufi giáo, và ý thức của Chúa Giê su trong đạo Cơ đốc. Các thuật ngữ khác gồm có ý thức vũ trụ, sự khai trí, thức tỉnh, giác ngộ và nhiều nữa. Dù với tên gọi nào thì trải nghiệm về Ý thức Tổng thể cũng chứa đựng nhận thức rõ ràng về việc vũ trụ và tất cả những gì có trong vũ trụ là một thể thống nhất, không hề có sự phân cách thực sự giữa vạn vật. Tất cả được kết nối với phần còn lại trong đó. Sự phân cách chỉ là ảo giác. Như nhà tâm ly học Lawrence LeShan đã viết: “Không có sự ngăn cách giữa các thực thể, cả về không gian lẫn thời gian. Toàn bộ vũ trụ được nhận thức như một thực thể duy nhất”. Trải nghiệm về Ý thức Tổng thể cho người ta cảm giác rằng họ đã lĩnh hội được Sự thật không thể chối bỏ. (Nguồn:  Lawrence LeShan, Landscapes of the Mind. Guilford, CT:  Eirini Press;  2012: 91).
Trong kinh Tân Ước có những đoạn ám chỉ về Ý thức Tổng thể. Thánh Paul nói “sự bình yên của Chúa vượt xa mọi sự hiểu biết”. Như nhà thần học Joseph Campbell đã diễn giải: Giê su nói rằng thiên đường nằm ở bên trong tâm hồn. Vậy ai ở thiên đường? Đó là Chúa. Điều đó có nghĩa, Chúa ở trong mỗi con người – vô cùng tận, không biên giới, bất tử và là một, là duy nhất.
Các nhà tiên nghiệm học (transcendentalist) người Mỹ cũng ủng hộ khái niệm Ý thức Tổng thể – điều này thể hiện qua ý tưởng về linh hồn tối cao (linh hồn bao trùm cả vũ trụ) của Emerson, ở đó linh hồn của tất cả mọi người được kết nối với nhau.
Quan niệm về vô thức tập thể của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung cũng là một dạng của Ý thức Tổng thể.
Một trong những người sáng lập nên ngành tâm lý của Mỹ, William James cũng đề xuất ý thức tập thể và thống nhất.
Nhiều nhà khoa học xuất chúng ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng tán thành quan điểm về Ý thức Tổng thể. Điều này được thể hiện qua các bài viết trong vật lý hiện đại của Erwin Schrödinger, nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel, đã đưa ra các phương trình sóng làm nền tảng trung tâm của vật lý lượng tử. Nhà vật lý học nổi tiếng David Bohm cũng rất ủng hộ quan điểm về một ý thức bao quát, thống nhất chứa tất cả các ý thức đơn lẻ.
Vì vậy quan niệm về Ý thức Tổng thể đã bắt đầu từ hàng nghìn năm trước, liên tục cho tới ngày nay, và nhận được sự ủng hộ bởi nhiều nhân vật vĩ đại trong khoa học và tâm lý học hiện đại.
TS Lipman: Ông là một bác sĩ. Vậy, công việc chữa bệnh có liên hệ gì tới mối quan tâm về Ý thức Tổng thể của ông không?
TS Larry Dossey: Đương nhiên là có. Thời kì mới bắt đầu công việc của một bác sĩ nội khoa, một vài sự kiện đã xảy ra với tôi và chúng đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về ý thức, gây xáo trộn trong suy nghĩ của tôi. Tôi vốn là một người luôn tin rằng ý thức và bộ não về cơ bản là một. Nhưng khi tôi bắt đầu có trải nghiệm về các điềm báo cho biết các thông tin về sự kiện tương lai, tôi bắt đầu nghi ngờ những giáo lý trước đây vốn cho rằng những điều như vậy không thể xảy ra. Những trải nghiệm này không chỉ diễn ra với tôi, mà còn với các bệnh nhân, cũng như các y tá và bác sĩ khác, họ đã chia sẻ những trải nghiệm tương tự như của tôi.
Trong cuối những năm 1980, các tạp chí y học bắt đầu công bố các thử nghiệm đánh giá ảnh hưởng chữa bệnh của những lời cầu nguyện và mong ước từ những người đang ở cách xa tới các bệnh nhân đang ở trong bệnh viện. Thử nghiệm tương tự được thực hiện với các sinh vật khác, cũng như các cơ quan và tế bào sinh học. Kết quả của các thử nghiệm càng thêm khẳng định rằng ý thức không bị hạn chế trong não bộ. Những suy nghĩ và ước nguyện của con người có thể vươn ra ngoài cơ thể và thay đổi cả “thế giới bên ngoài”.
Một vài đánh giá gọi là phân tích hệ thống hoặc tổng hợp trong lĩnh vực này đã được công bố. Đây là phương pháp tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu để đạt được cái nhìn tổng quan về một lĩnh vực cụ thể. Nhiều phân tích như vậy đã được xuất bản trên các tạp chí có bình duyệt. Phần lớn chúng có kết quả cho thấy thực sự có tồn tại ảnh hưởng của ý thức từ khoảng cách xa. Mặc dù vậy, điều này vẫn chưa được đại chúng đón nhận như đáng lẽ nó phải như vậy.
Mặc dù luôn luôn bị phớt lờ bởi những người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng phạm vi của những thử nghiệm này không chỉ ở loài người mà còn cả động thực vật, vi sinh vật, thậm chí là các phản ứng hóa học. Tại sao điều này lại quan trọng như vậy? Những người hoài nghi thường cho rằng nếu một người bệnh có biểu hiện tốt hơn nhờ những lời cầu nguyện của người khác ở nơi xa, thì đó đơn thuần là hiệu ứng giả dược– là kết quả của suy nghĩ và những mong đợi tích cực của cá nhân người bệnh. Nhưng nếu một loài động vật, thực vật, vi sinh vật hay các phản ứng sinh hóa cũng bị tác động, thì không thể xem các ảnh hưởng từ xa là giả dược, vì theo như hiểu biết của chúng ta thì động thưc vật, vi sinh vật và chất hóa học không hề có suy nghĩ tích cực. Chúng không phản ứng với giả dược. Vậy nên những nghiên cứu với các đối tượng không phải là con người gợi ý rằng các hiệu ứng chữa bệnh qua ý thức trung gian ở khoảng cách xa và các hiện tượng được thực hiện ở khoảng cách xa khác là có thật và chúng ta không hề lừa gạt chính mình.

Chỉ khi nhận thức được sự kết nối của chúng ta với những thứ khác và với chính Trái Đất ở tầng xúc cảm sâu thẳm nhất, chúng ta mới có đủ can đảm để đưa ra các lựa chọn khó khăn mà sự sống yêu cầu.

Những thử nghiệm khác nhau này nhằm chứng minh sự tồn tại của Ý thức Tổng thể. Chúng cho thấy một vài khía cạnh trong ý thức chúng ta hoạt động bên ngoài bộ não và cơ thể con người, không thể bị giới hạn, mà là vô hạn. Và nếu ý thức là vô hạn thì chúng không có biên giới và tất cả các ý thức phải kết nối với nhau.
Một số nghiên cứu gọi là thử nghiệm linh cảm hay thử nghiệm về sự nhận thức được tương lai cho thấy chúng ta có thể có thông tin về các sự kiện trước khi chúng xảy ra.
Tập hợp các bằng chứng lại với nhau, bức tranh về  ý thức vô tận đã trở nên rõ ràng hơn, nó chỉ ra rằng ý thức của chúng ta không có hạn định hay giới hạn ở những vị trí cụ thể trong không gian và thời gian. Và nếu ý thức của chúng ta không bị bó buộc, chúng phải liên kết với nhau bằng cách nào đó để tạo nên một ý thức duy nhất, một thực thể duy nhất: Ý thức Tổng thể.
TS Lipman: Ông có nghĩ điều này nghe có vẻ khá cấp tiến không?
TS Larry Dossey: Trước đây tôi thường nghĩ như vây, nhưng bây giờ thì không. Các quan điểm mới trong khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, giáo dục… đều nghe có vẻ cấp tiến khi mới được đề xuất. Đặc biệt với vấn đề ý thức thì đúng là như thế. Như một nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi đã nói về ý thức không giới hạn rằng: “Đây là một trong những điều tôi sẽ không tin, ngay cả khi nó đúng”.
Nhà vật lý học Max Planck, người đặt nền tảng chính của vật lý lượng tử, đã từng vấp phải sự hoài nghi này. Ông nói thế hệ các nhà khoa học đi trước rồi sẽ không còn và sẽ bị thay thế bởi thế hệ trẻ hơn, các cá nhân có tư tưởng cởi mở. Câu nói của Planck được tóm gọn là “khoa học thay đổi từ đám tang này qua đám tang khác”.
Sự thay đổi căn bản ở bất kì lĩnh vực nào gần như luôn luôn gặp những cản trở. Khoa học cũng như vậy. Hình như nhiều nhà bảo thủ, hoài nghi nghĩ rằng các khái niệm của chúng ta hiện nay về ý thức là được ghim vào đá — hay nó đang ghim vào não chúng ta?
Dù vậy, các quan điểm mới về ý thức vẫn không ngừng xuất hiện trong lịch sử. Trong thế kỷ 20, chúng ta thấy rất nhiều các ý tưởng mới về ý thức như là vô thức, tiền ý thức (ký ức), tiềm thức và vô thức tập thể. Ý thức Tổng thể là một dạng của ý thức tập thể, một khái niệm vốn đã được nhìn nhận ở bước sơ khai bởi nhà tâm lý học vĩ đại Carl Jung, nhà tâm lý học William James và nhiều người khác. Nhưng chúng ta có thứ mà Jung và James không có, đó là rất nhiều những bằng chứng thực nghiệm ủng hộ quan điểm này.
TS Lipman: Vậy nhận thức về Ý thức Tổng thể đã khiến cuộc sống của chính ông thay đổi như nào?
TS Larry Dossey: Nhận thức về Ý thức Tổng thể đã khiến cuộc sống của tôi trở nên yên bình, tĩnh lặng và vui vẻ hơn rất nhiều. Tôi vốn là một người nhút nhát, sống cô độc. Nhận thức về vị trí của tôi trong Ý thức Tổng thể đã giúp tôi vượt qua khuynh hướng thích sống cô lập từ nhỏ. Tôi cảm thấy tôi đã tìm ra một nơi chân thật hơn trong vũ trụ. Đúng hơn, nó giống như trở về nhà và nhận ra là mình chưa bao giờ đi đâu cả.  Nó là cảm giác thuộc về cái gì đó, cảm giác tìm thấy bản thân bạn là một mảnh ghép trong bức tranh vĩ đại của vạn vật.
Nỗi sợ hãi khủng khiếp về cái chết của con người không còn nữa. Điều này quan trọng với một bác sĩ như tôi, bởi vì tôi tin rằng sự sợ hãi về cái chết và sự hủy diệt của xác thân chúng ta đã gây ra nhiều sự đau khổ trong suốt lịch sử loài người hơn tất cả các chứng bệnh thân xác cộng lại. Ý thức Tổng thể làm giảm bớt sự sợ hãi đó và nỗi đau khổ cũng giảm bớt theo. Tại sao lại như vậy? Ý thức Tổng thể có được sự vĩnh cửu nhờ vào sự vô tận của không gian và thời gian.
Nhận thức về Ý thức Tổng thể đã ảnh hưởng đến cách tôi giao tiếp, quan hệ với mọi người. Tôi trở nên bớt ganh đua, cho đi nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn tới khó khăn và vấn đề của người khác, và giao lưu nhiều hơn với mọi người. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn có nhiều điều cần phải cải thiện.
Nhận thức Ý thức Tổng thể chỉ cho tôi làm thế nào để có thể tạo ra sự thay đổi. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cảm thấy vô cùng áp lực với những thử thách mà mình phải đối mặt. Vậy một cá nhân như tôi có thể làm gì để thay đổi điều này? Ý thức Tổng thể nâng cao cảm quan của chúng ta về sự đầy đủ và những việc có thể làm, bởi vì cảm quan đó sẽ dẫn chúng ta tới tất cả trí tuệ và sự hiểu biết. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta không cần phải biết và làm tất cả mọi thứ cho cá nhân chúng ta, bởi vì chúng ta là một phần của sự liên kết vĩ đại. Chúng ta không bao giờ, không khi nào đơn độc. Chúng ta thuộc về một nhóm đông vô hạn, chứ không phải là một con sói đơn độc. Như thế áp lực sẽ giảm bớt đi. Sự khai sáng trong ý thức và tinh thần nảy sinh và có thể cả khiếu hài hước nữa. Và đó chính là sự thay đổi!
Tác giả: Dr. Frank Lipman, www.drfranklipman.com | Dịch giả: X Toàn

Mặt trăng và mặt trời cái nào quan trọng hơn?


Chuyện kể rằng: một hôm, có người hỏi một ông lão, mặt trăng và mặt trời cái nào quan trọng hơn. Ông lão suy nghĩ một hồi lâu, rồi trả lời: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn.” “Tại sao?” “Bởi vì mặt trăng phát sáng trong đêm tối, đó chính là lúc chúng ta cần ánh sáng nhất, còn ban ngày đã đủ sáng rồi, dù mặt trời lúc đó cũng chiếu sáng.”
Mặt trăng và mặt trời cái nào quan trọng hơn?
Mặt trăng và mặt trời cái nào quan trọng hơn? Ảnh: Internet
Có thể bạn sẽ cười ông lão hồ đồ, nhưng bạn có cảm thấy nhiều người cũng nghĩ vậy không? Mỗi ngày có người chăm sóc bạn, bạn không cảm nhận được như thế nào, nhưng đột nhiên có người lạ giúp đỡ bạn, thì bạn cho rằng người đó tốt, ba mẹ và người thân luôn tốt với bạn, bạn coi đó là chuyện đương nhiên, thậm chí bạn chê phiền, một ngày có người cũng đối xử với bạn như vậy, bạn liền cảm kích. Bạn có nghĩ rằng điều đó cùng hồ đồ giống như việc “cảm kích mặt trăng, phủ định mặt trời” không?
Có một cô gái cãi nhau với mẹ, giận đến nỗi chạy thẳng ra ngoài, quyết định sẽ không quay về ngôi nhà đáng ghét đó nữa! Cả ngày đi loanh quanh ở ngoài đường, bụng thì đói, nhưng không mang tiền theo, lại sợ về nhà ăn cơm thì mất mặt. Cứ như vậy đến tối, cô đứng trước quán mì nghe thấy hương thơm phưng phức. Cô gái thực sự rất muốn ăn, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể nuốt nước miếng cho qua.
Đột nhiên, ông chủ quán mì thân thiết hỏi: “ Cô gái, cháu muốn ăn mì không?” Cô gái ái ngại trả lời: “Dạ, nhưng mà cháu không có tiền?”. Ông chủ cười nói: “Ha ha, không sao đâu, hôm nay coi như ta mời cháu vậy?”
Cô gái không tin vào tai mình, ngồi xuống. Một lúc sau, mì được đem ra, cô gái ăn lấy ăn để và nói: “ Chú ơi, chú thật tốt!”
Ông chủ nói : “ Vậy à, sao cháu nói thế”
Cô gái trả lời : “ Chú không biết cháu là ai, sao chú đối xử tốt với cháu vậy, không giống như mẹ cháu, không biết cháu muốn gì và cần gì, thật bực mình!”.
Ông chủ lại cười : “ Ha ha, cô gái nhỏ, ta chẳng qua cho cháu ăn một tô mì thôi mà, sao cháu cảm kích như vậy, mà mẹ cháu nấu cơm cho cháu ăn hơn hai mươi năm rồi, vậy có phải cháu càng phải cảm ơn mẹ cháu nhiều hơn, đúng không?”.
Nghe ông chủ mì nói thế, cô gái nghĩ đến mẹ mình, hình dung ra cảnh mẹ đang trông ngóng cô ngoài cửa, cảm thấy tim mình như thắt lại. Cô gái cảm thấy có lỗi với mẹ rất nhiều. Nhưng cô chưa kịp nói gì, khi thấy mẹ chạy ra hỏi: “Chà, chà , con chạy đi đâu cả ngày hôm nay vậy? Làm mẹ lo lắm, mau vào nhà rửa tay rồi ăn cơm đi.”.
Tối hôm đó cô gái mới cảm nhận được mẹ yêu thương cô biết dường nào.
Khi mặt trời vẫn ở đó thì mọi người quên đi ánh sáng của nó; khi người thân vẫn còn, con người cũng quên mất sự ấm áp của họ dành cho mình. Người được chăm sóc từng li từng tí lại không biết ơn. Bởi vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ sáng rồi, mặt trời là dư thừa.

Hy vọng mọi người chúng ta đều biết mặt trời và mặt trăng quan trọng như nhau.

Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn luôn coi nhẹ những gì chúng ta đang có, cho rằng đó là lẽ tự nhiên, những gì bản thân không có lại oán trách số mệnh không công bằng, dường như cả thế giới này nợ chúng ta rất nhiều.
Thật ra cảm ơn cũng là một thái độ tích cực trong cuộc sống. Như nhiều người nói, phải cảm ơn những người làm tổn thương bạn, bởi vì họ huấn luyện ý chí của bạn; cảm kích những ai ức hiếp bạn, bởi vì họ cho bạn kinh nghiệm phong phú, cảm tạ những ai coi thường bạn, bởi họ thức tỉnh lòng tự trọng của bạn… phải có một trái tim biết cảm ơn, cảm ơn số mệnh, tất cả những gì làm bạn trưởng thành và tất cả những gì xung quanh bạn.
Khi có được trái tim biết cảm ơn, chúng ta dùng trái tim để quan sát, để cảm nhận và yêu thương. Cây cỏ sinh trưởng dồi dào vì biết ơn ánh nắng mặt trời, chim non liều thân kiếm mồi vì báo đáp công lao mớm mồi của mẹ, cây mạ non sinh trưởng tươi tốt vì đền đáp dòng suối đã tưới mát, học sinh cố gắng học tập để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.
Hãy học cảm ơn, hãy cảm ơn cuộc sống này, đã ban tặng ánh mặt trời sáng lạn, oán trời trách người rốt cuộc bản thân chẳng được gì cả! Mây cuộn rồi tan, hoa nở cũng tàn, mọi thứ đều đáng để bạn quý trọng, biết ơn mặt trăng thì càng phải biết cảm tạ mặt trời.
Nguồn: Thư viện Ứng Thiên
Biên tập: Thiên Thiên
Tác giả: NTDTV | Dịch giả: NTHK

Những hình thù kỳ lạ ở đáy biển Barents, Na Uy

Ở ngoài khơi Na Uy, dưới đáy biển Barents, đã phát hiện một số hình thù kỳ lạ, trong số đó, đáng chú ý nhất là hình dáng một con số 9! Ai hoặc cái gì đã làm ra chúng? Đây là hình thù tự nhiên hay nhân tạo?
Hình số 9 tại biển Barents (Ảnh chụp màn hình)
 Biển Barents, lớn nhất trong tất cả các biển ở vòng cung Bắc cực, nằm ngoài vòng Bắc Cực, ở gần Bắc Cực, phía Bắc của Na Uy và của Nga. Biển được đặt tên để tưởng nhớ nhà thám hiểm người Hà Lan Willem Barents, người đã thực hiện nhiều cuộc thám hiểm ở Bắc Cực. Biển Barents có hai cảng lớn: Murmansk (Nga) và Vardø (Na Uy).
Cách đất liền của Na Uy 40 km, trong vùng biển Barents, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện một dấu vết liên tưởng đến con số 9! Hình thù kỳ lạ này được phát hiện khi thực hiện dự án MAREANO, nhằm mục đích lập bản đồ đáy biển Barents ở ngoài khơi bờ biển của Na Uy.
“Trong những năm nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện các hình thù  kỳ lạ nhất”, theo lời Hanne Hodnesdal, điều phối viên dự án cho biết trên trang vg.no. “Chúng tôi đã nhìn thấy những hình trái tim, những hình thù giống như động vật, chữ Ả Rập hay cái gì đó trông giống như chữ ký không đọc được của một bác sĩ. Tất nhiên, thú vị nhất có lẽ là con số 9 lớn này, nó nằm ở độ sâu khoảng 250 mét, về phía Đông-Bắc của Vadsø”.
Biển Barents (Ảnh chụp màn hình)
Theo Lilja Run Bjarnadóttir, nhà hải dương học thuộc tổ chức Khảo sát địa chất, các hình thù này có thể là kết quả của sự ma sát của các núi băng trôi với đáy biển. “Có lẽ, nó được hình thành vào thời kỳ cuối của kỷ băng hà cuối cùng, cách đây khoảng 10 ngàn năm”, Bjarnadóttir giải thích. “Các núi băng tách ra từ sông băng được gió và dòng chảy đẩy đi. Đỉnh bị chìm của núi băng lớn nhất đã chạm đáy biển, chúng là các trầm tích gồm chủ yếu là các hạt mịn, nhiều nhất là các viên sỏi đất sét, chúng đã tạo ra các hình thù  đặc biệt mà chúng ta thấy ngày hôm nay”.
Theo ước tính của Hodnesdal, con số 9 khổng lồ này lớn khoảng 1.000 mét. “Nếu nó đã được viết với một cây bút, thì phải dùng bút [có ngòi bút] to đến 60 mét”, Hodnesdal nói đùa. “hình thù con số 9 này in sâu xuống khoảng 8 mét”.
Tác giả: Nina Cîmpeanu, ET Romania | Dịch giả: Kim Xuân

Người nhạc sỹ cho thấy khuôn mặt giả tạo của người nổi tiếng trong các video ca nhạc

Nhạc sĩ người Hungary Boggie (Csemer Boglarka) đã tạo ra một video âm nhạc đẹp và có phần tiết lộ bí mật cá nhân cho bài hát Nouveau Parfum của cô, cho thấy nét mặt và ngoại hình của phụ nữ có thể được sửa đổi đến mức nào bởi các hiệu ứng sử dụng trong video âm nhạc. Khi cô ngồi và hát, một chương trình chỉnh sửa video được thực hiện trên khuôn mặt cô và dần dần thay đổi diện mạo. Cuối cùng là một khuôn mặt Hollywood hoàn toàn khác với khuôn mặt “thật” của Boggie thấy ở phần đầu của clip. Mặc dù không có loại phần mềm nào giống như sự mô tả trong video, hiệu ứng đó có thể đạt được với một loạt các chương trình chỉnh sửa video khác nhau.
Nguồn: boggieofficial.com (thông qua: twentytwowords)
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-15
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-16

beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-4
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-3
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-8
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-9
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-10
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-12
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-11
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-13
beauty-manipulation-nouveau-parfum-video-boggie-14

Tác giả: Dovas | Dịch giả: Thu Phương

CHUYỆN VẦNG TIM YÊU THƯƠNG.





CHỜ NHAU TRẮNG CẢ CHIÊM BAO












LÂM THUÝ ANH CẢM TÁC " TRẮNG " CỦA NGA VU