a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Tìm thấy 'đồ hiếm' bên trong xác ướp 42.000 tuổi từ Kỷ Băng Hà, các nhà khoa học mừng hơn bắt được vàng: Kỳ tích chuẩn bị xảy ra!

 

Xác ướp mới đây lưu giữ 'dòng máu lâu đời nhất trên thế giới' một lần nữa dấy lên hy vọng đưa các loài tuyệt chủng trở lại.

Semyon Grigoryev, người đứng đầu Bảo tàng Voi ma mút ở Yakutsk mới đây cho biết: "Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy các cơ quan nội tạng của con vật được bảo quản 'tuyệt đẹp'. Các mẫu máu được lấy từ các mạch tim và được bảo quản ở trạng thái lỏng trong 42.000 năm nhờ điều kiện chôn cất thuận lợi và lớp băng vĩnh cửu".

Theo đó, các mô cơ vẫn giữ được màu đỏ tự nhiên của chúng. Các chuyên gia khẳng định rằng đây là xác ướp động vật Kỷ Băng Hà được bảo tồn tốt nhất từng được tìm thấy trên thế giới.

Tiến sĩ Grigoryev tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng con ngựa con được bảo quản đặc biệt mà không có bất kỳ tổn thương nào.

Ông cho biết: "Điều này cực kỳ hiếm đối với các phát hiện cổ sinh vật học, vì những mẫu vật được tìm thấy thường không hoàn chỉnh, bị phân mảnh, biến dạng cơ thể nghiêm trọng hoặc đã trải qua nhiều công đoạn ướp xác công phu".

Máu lỏng trong xác ướp của chú ngựa Kỷ băng hà. (Ảnh: Đại học Liên bang North-Eastern)

Các báo cáo cho biết lông của chú ngựa còn nguyên trên đầu, chân và một phần cơ thể. Toàn bộ cơ thể và lông của nó đều được bao phủ một màu đen tuyền. Điểm làm cho xác ướp này đặc biệt là bởi vì nó có lông trong khi những phát hiện tương tự thì ngược lại - Chúng không có lông.

Nhà khoa học cho biết: "Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vào thời điểm chết, chú ngựa khoảng một đến hai tuần tuổi.

Đây là một trong những hài cốt được bảo quản tốt nhất của động vật thời tiền sử, nguyên nhân cái chết là do chết đuối trong bùn, đóng băng và biến thành băng vĩnh cửu". Rất nhiều bùn và phù sa đã được tìm thấy bên trong đường tiêu hóa của nó.

Các nhà khoa học khẳng định họ "tự tin sẽ thành công" trong việc chiết xuất tế bào từ chú ngựa con này để nhân bản loài của nó - Giống Lenskaya đã tuyệt chủng.

Michil Yakovlev, biên tập viên truyền thông của trường Đại học Yakutian, cho biết: "Hy vọng rằng thế giới sẽ sớm gặp lại bản sao của chú ngựa con cổ đại sống cách đây 42.000 năm".

Theo Thuy Anh/Pháp luật & Bạn đọc

1001 thắc mắc: Tại sao phụ nữ là lựa chọn thông minh để đưa lên vũ trụ?

Một dự án của Nasa đã chỉ ra rằng phụ nữ rất phù hợp với những chuyến thám hiểm không gian. Tuy vậy, từ trước tới nay, có rất ít nữ du hành được gửi lên vụ trụ.

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, cho tới nay trên thế giới có hơn 50 nữ phi hành gia đến từ 7 quốc gia đã thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, con số này còn ít ỏi so với tiềm năng mà các nữ du hành gia có thể có được.

Và thực tế cho thấy, các phi hành gia nữ dường như chưa bao giờ được xếp hạng cao trong danh sách ưu tiên của NASA. Trong lịch sử hoạt động hàng không vũ trụ của mình, NASA chỉ tuyển dụng các phi hành đoàn toàn nam trong nhiều thập kỷ.

Chẳng hạn trong 566 người đã từng du hành vào vũ trụ, chỉ có 65 người (chiếm 11%) trong số đó là phụ nữ. Lí do, NASA đã hạn chế đưa các phi hành gia nữ vào vũ trụ vì cho rằng, chỉ nam giới mới đảm trách trọn vẹn sứ mệnh vĩ đại này, ngoài ra còn có thêm cái cớ rất ‘buồn cười’ từ việc không có size đồ bảo hộ cho phụ nữ.

“Các bộ đồ du hành vũ trụ phần lớn hợp với cơ thể các phi hành gia nam hơn là nữ giới. Bởi nữ giới có tầm vóc nhỏ hơn, nên việc tìm kiếm một bộ đồ phù hợp để ra ngoài vũ trụ là điều khá rắc rối”, một thành viên Nasa từng tuyên bố.

Phụ nữ phù hợp hơn để đưa lên vũ trụ

Chúng ta thường quen thuộc với hình ảnh những người đàn ông cao to, khỏe mạnh trong bộ trang phục thám hiểm không gian quá khổ. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra không ít lý do cực kỳ thuyết phục cho thấy nữ giới mới là những người sở hữu nhiều lợi thế hơn trong công việc đặc thù này.

Cụ thể, phụ nữ nhẹ cân hơn nam giới nên khi phải gồng gánh một tải trọng lớn lên không gian kéo theo hàng loạt hệ lụy như thiết kế tàu vũ trụ cần phải thay đổi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, chi phí hậu cần tốn kém hơn. Vì vậy, sự góp mặt của các nữ phi hành gia sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề trên.

Phụ nữ ăn ít calo hơn và sử dụng ít tài nguyên hơn: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nữ giới yêu cầu lượng calo ít hơn nam giới từ 15 đến 25%, mặc dù cùng thực hiện một khối lượng công việc tương tự, với hiệu quả tương đương. Ngoài ra, vì phụ nữ (trung bình) nhỏ con hơn nam giới, họ cũng tạo ra ít chất thải hơn (CO2 và chất bài tiết của cơ thể), giúp hệ thống tái chế của tàu vũ trụ hoạt động hiệu quả hơn.

Các đặc tính không gian có ảnh hưởng khác nhau đến nam giới và nữ giới: Do ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ, các nhà du hành vũ trụ có thể phải chịu một số tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nam giới ít bị ảnh hưởng bởi chứng “say tàu xe” trong các chuyến bay vào không gian hơn phụ nữ, nhưng lại có nguy cơ bị suy giảm thính lực nhanh hơn, cũng như mắc các vấn đề về thị lực cao hơn.

Phụ nữ thường xuyên vượt trội hơn đàn ông trong các tình huống cần phải chịu đựng sự cô lập kéo dài. Không những thế, khi đặt chân lên môi trường không gian, các phi hành gia phải tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và tia này gây hại rất nhiều cho cơ thể, bao gồm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề khác.

Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ được ưu ái có những tố chất đặc biệt về tinh thần, khá lý tưởng cho các nhiệm vụ khám phá vũ trụ. Trong một cuộc khảo sát tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, một nhà nghiên cứu của NASA phát hiện, phi hành gia nam thường xuyên mắc tâm trạng khó chịu, bực dọc hơn, so với các phi hành gia nữ trong một số tình huống khó khăn nào đó.

Tương tự, trong một nghiên cứu trên 349 người trong Dự án Khảo sát Nam Cực của Anh, 20% trong số đó là nữ được thống kê có tính 'thích nghi đặc biệt' về mặt lâu dài, chịu đựng được sự cô lập dài hạn tốt. Trong đó, đàn ông làm tốt nhất trong các nhiệm vụ ngắn hạn, hướng đến mục tiêu, trong khi phụ nữ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ dài hơn có những thách thức bất ngờ.

Trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, phụ nữ đã chứng minh rằng họ có khả năng làm bất cứ điều gì - bao gồm cả việc chinh phục không gian, cho thấy ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn cho sự thành công của họ.

Những nữ du hành gia nổi tiếng

Bà Vladimirovna Tereshkova, quốc tịch Liên Xô (sinh ngày 6/3/1937) - nữ phi hành gia đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người. Vào ngày 16/6/1963, bà bay vào vũ trụ trên tàu Vostok 6, trong chuyến bay Chayka (Mòng biển) quanh quỹ đạo Trái đất 48 vòng với gần 3 ngày.

Bà Svetlana Savitskaya (sinh ngày 8/8/1948 tại Liên bang Nga) - nữ phi hành gia thứ hai bay vào không gian, 19 năm sau Vladimirovna Tereshkova. Bà bay trên tàu vũ trụ Soyuz T-7 lên Trạm không gian Salyut-7 vào năm 1982. Khi ở trên trạm không gian Salyut-7, Savitskaya là người phụ nữ đầu tiên thực hiện cuộc đi bộ trong không gian (ngày 25/7/1984). Bà đã đi ra ngoài trạm không gian Salyut-7 trong 3 giờ 35 phút.

Bà Sally Kristen Ride (sinh ngày 26/5/1951) - nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ bay vào không gian trong phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger trên chuyến bay STS-7 ngày 18/6/1983. Trước đó đã có 2 phụ nữ người Liên Xô là Valentina Tereshkova bay vào không gian năm 1963 và Svetlana Savitskaya năm 1982.

Bà Shannon Matilda Well Lucid (sinh ngày 14/1/1943) - nữ phi hành gia người Mỹ đang giữ kỷ lục là người phụ nữ có thời gian sống và làm việc ngoài không gian lâu nhất. Năm 1996, bà đã sống và làm việc ngoài không gian với thời gian 188 ngày, trong đó có 179 ngày trong trạm vũ trụ MIR. Tổng cộng, bà đã thực hiện 5 chuyến bay lên không gian bằng các tàu con thoi: Discovery (1985), Atlantis (1989, 1991 và 1996) và Columbia (1993).

Bà Roberta Bondar (sinh ngày 4/12/1945) - tiến sĩ y khoa, nữ phi hành gia đầu tiên của Canada bay và vũ trụ. Bà được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tín nhiệm trong lĩnh vực y khoa vũ trụ. Bà bay vào không gian trên tàu con thoi Discovery của NASA trong sứ mệnh STS-42 thực hiện các nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm không gian IML-1 từ ngày 22-30/1/1992.

Bà Chiaki Mukai (sinh ngày 6/5/1952) - bác sĩ, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật và là nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên của Nhật thực hiện 2 chuyến bay vào không gian. Đó là sứ mệnh STS-65 vào tháng 7/1994 trên tàu con thoi Columbia (Mỹ) và sứ mệnh thứ hai STS-95 trong năm 1998 trên tàu con thoi Discovery (Mỹ). Tổng thời gian bà Mukai ở lại trong không gian là 28 ngày.

Bà Eileen Marie Collins (sinh ngày 19/11/1956), nữ phi công đầu tiên và nữ chỉ huy đầu tiên lái tàu con thoi của Mỹ. Tổng cộng bà đã có 38 ngày 08 giờ ngoài không gian, thực hiện 4 chuyến bay trên các tàu con thoi Discovery (nhiệm vụ STS-63, năm 1995), Atlantis (nhiệm vụ STS-84, năm 1997), Columbia (chỉ huy nhiệm vụ STS-93, năm 1999) và Discovery (nhiệm vụ STS-114, năm 2005).

Bà Claudie Haigneré (sinh ngày 13/5/1957), nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp, từng làm việc tại Cơ quan vũ trụ châu Âu (1999-2002). Bà Haigneré ở trên Trạm không gian MIR trong vòng 16 ngày năm 1996. Năm 2001, bà Haigneré trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên đặt chân Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Cô Yi So-Yeon (sinh ngày 2/6/1978), nữ phi hành gia đầu tiên của Hàn Quốc, bay lên ISS trên tàu Soyuz TMA-12 của Nga vào ngày 8/4/2008. Cô là nữ phi hành gia châu Á thứ hai bay vào không gian sau bà Chiaki Mukai.

Châu Anh

Những giả thuyết thú vị về khả năng tồn tại của người ngoài hành tinh

Những tiến bộ công nghệ giúp chúng ta khám phá được nhiều hơn về Hệ Mặt trời và Dải Ngân hà. Càng hiểu hơn về vũ trụ, chúng ta càng muốn biết liệu có sự sống tương tự như Trái Đất có tồn tại ngoài kia hay không.

Con người chúng ta luôn tò mò về sự tồn tại của chính mình và thế giới xung quanh. Khi biết được nhiều điều hơn về vũ trụ chúng ta đang sống, chúng ta cảm thấy có một nhu cầu thôi thúc để đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, chúng ta có đơn độc trong vũ trụ này hay không?

Nhiều dự án đã tồn tại trong những thập kỷ qua nhằm tìm kiếm sự sống thông minh trong vũ trụ nhưng chúng ta vẫn chưa liên lạc với bất kỳ điều gì hay ai đó.

Nghịch lý Fermi: Nhà vật lý học người Mỹ gốc Italy Enrico Fermi vào đầu thế kỷ 20 đã đưa ra một nghịch lý còn nổi tiếng cho tới ngày nay về sự sống ngoài Trái Đất. Theo đó, nghịch lý này là sự trái ngược rõ ràng giữa những ước tính cao về khả năng tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái Đất với sự thiếu hụt các bằng chứng hay sự liên hệ với những nền văn minh đó.

Chỉ riêng thiên hà của chúng ta đã có tới 100 - 400 tỷ ngôi sao và nhiều ngôi sao trong số đó có khả năng có các hành tinh quay quanh. Các nhà thiên văn học cho rằng có thể có hàng tỷ hành tinh nằm trong khu vực có thể sinh sống được quanh những ngôi sao của nó trong Dải Ngân hà. Điều đó, tức là chúng có những điều kiện cần thiết để sự sống tồn tại.

Các tổ chức như NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và tổ chức Tìm kiếm Sự sống thông minh ngoài Trái Đất đã tiến hành nhiều dự án để tìm kiếm những ngôi sao có dấu hiệu sự sống.

Các ăng ten radio khổng lồ và các kính thiên văn đã được sử dụng để gửi đi và lắng nghe tín hiệu radio có thể được truyền tới. Các phương pháp khác cũng được sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khi sử dụng tần số radio để xác định liệu sự sống thông minh có tồn tại ngoài Trái Đất hay không.

Vấn đề này bao gồm việc không có đủ công nghệ để hiểu những tín hiệu được truyền tới từ các dạng sống thông minh khác, đơn giản là bởi chúng không được truyền trực tiếp tới chúng ta hoặc nằm quá xa, và điều đó đồng nghĩa với việc các dấu hiệu đó vẫn chưa tiếp cận được chúng ta.

Chúng ta đã lắng nghe tần số radio trong hơn 1 thế kỷ, và chúng ta vẫn chưa nhận được tín hiệu từ bất kỳ sự sống thông minh nào nằm xa hơn 100 năm ánh sáng tính từ Trái Đất.

Thuyết Great Filter (tạm dịch là thuyết Sàng lọc): Giả thuyết này đề cập tới một sự kiện ngăn cản một nền văn minh đạt tới mức độ tiến bộ công nghệ cần thiết để du hành hoặc giao tiếp liên hành tinh. Theo đó, mỗi sinh vật, dù cho có phát triển như thế nào thì đến một lúc nào đó cũng sẽ thất bại và không thể trở thành một nền văn minh du hành vũ trụ.

Giả thuyết vườn thú: Giả thuyết này cho rằng, một số dạng sống ngoài Trái Đất có thể đã biết được sự tồn tại của chúng ta nhưng tránh liên lạc để nghiên cứu từ xa mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội chúng ta. Điều này cũng giống như các nhân viên vườn thú quan sát các con vật, hay các quan sát của khoa học thực nghiệm nhằm không phá hỏng đối tượng nghiên cứu.

Thuyết Gaian Bottleneck: Giả thuyết này cho rằng sự sống tồn tại ở đâu đó ngoài vũ trụ nhưng chưa bao giờ có cơ hội để phát triển và tiến hóa như Trái Đất. Môi trường hành tinh không ổn định và hay thay đổi khiến sự sống biến mất trước khi chúng có cơ hội tiến hóa thành bất kỳ dạng sống thông minh nào.

Thuyết Biển sâu: Các nhà khoa học đã phát hiện ra những đại dương nằm dưới lớp băng dày trên một vài mặt trăng của sao Thổ và sao Mộc. Sự sống, về lý thuyết, có thể tồn tại ở những đại dương này nhưng thậm chí nếu tiến hóa để trở nên thông minh hơn, chúng sẽ đối mặt với những trở ngại to lớn để tới được bề mặt của hành tinh, chứ chưa nói gửi tới tín hiệu cho chúng ta.

Một giả thuyết khác được đưa ra là do tuổi của Hệ Mặt trời và Trái Đất còn khá trẻ nên các hành tinh đã từng đến đâu đó trong thiên hà của chúng ta và chúng ta đã bỏ lỡ cuộc gặp gỡ này.

Các nhà khoa học cũng không loại bỏ giả thuyết có thể người ngoài hành tinh đang ở trên Trái Đất và sống cùng chúng ta. Nhà nghiên cứu vật lý thiên văn Evan Solomonides tại Đại học Cornell thì cho rằng để tìm kiếm khả năng sự sống ngoài Trái Đất, chúng ta cần phải kiên nhẫn. Nhà khoa học này nhận định, chúng ta hầu như còn chưa khám phá được những người hàng xóm của hành tinh chúng ta chứ chưa nói tới thiên hà của chúng ta. Vì thế, nếu hy vọng nghe thấy điều gì đó từ vũ trụ, chúng ta cần phải chờ khoảng 1.500 năm nữa.

Theo Kiều Anh/VOV

Bí ẩn hài cốt hơn 3.500 năm tuổi của người phụ nữ mang thai.

Một người phụ nữ mang thai đôi thuộc thời đồ đồng đã được hỏa táng tại nghĩa địa ở Hungary.

Các nhà nghiên cứu cho biết người phụ nữ mang thai song sinh đã được hỏa táng và chôn trong một chiếc bình cùng với nhiều đồ vật xa xỉ như: một chiếc vòng cổ bằng đồng, kẹp cài tóc bằng vàng, kim hoặc ghim bằng xương.

Trưởng nhóm nghiên cứu Claudio Cavazzuti – chuyên gia tại Khoa Lịch sử và Văn hóa thuộc Đại học Bologna chia sẻ: “Mặc dù chiếc bình có hình dáng và hoa văn không quá đặc biệt nhưng những đồ vật được chôn cất cùng cho thấy địa vị cao quý của người phụ nữ này.”

Hài cốt của người phụ nữ ưu tú (trái) và song thai (phải) đã được hỏa táng.

Có hơn 525 ngôi mộ cổ ở nghĩa địa phía nam Budapest được khai quật cho đến thời điểm này. Đây được coi là nghĩa trang lớn nhất ở Hungary cho đến nay. Claudio Cavazzuti cũng cho biết: “Có hàng nghìn ngôi mộ thuộc thời đồ đồng vẫn chưa được khai quật tại nghĩa trang này. Những ngôi mộ này hầu như đều thuộc nền văn hóa Vatya, phát triển từ khoảng năm 2200 – 1450 trước Công nguyên. Người Vatya có một nền văn hóa đa dạng và phức tạp.”

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích chuyên sâu về 29 ngôi mộ, trong đó có 26 ngôi mộ được hỏa táng và 3 ngôi mộ còn lại được chôn bình thường. Ngoài ngôi mộ của người phụ nữ mang thai song sinh tất cả những ngôi mộ còn lại đều chỉ có một bộ hài cốt, và hầu hết những ngôi mộ đó đều có đồ dùng chôn tùy táng đơn giản bằng gốm hoặc đồng. Có khoảng 20% ngôi mộ của người Vatya trong nghĩa địa này đều chứa đồ tùy táng đơn giản, những món đồ giá trị như người phụ nữ trên là rất hiếm.

Trong số những bộ hài cốt được hỏa táng, 20 người là người lớn, trong đó có 11 nữ, 7 nam, 2 người chưa xác định được giới tính. 6 bộ hài cốt của trẻ em trong đó 2 bộ hài cốt khoảng 5 – 10 tuổi, 4 bộ còn lại từ 2 – 5 tuổi. Bộ hài cốt trẻ nhất là của cặp song sinh chỉ khoảng 28 - 32 tuần tuổi.

Người phụ nữ có địa vị cao quý khoảng 25 - 35 tuổi. Theo phân tích xương cho thấy bà được hỏa táng trên một giàn thiêu lớn cháy liên tục nhiều giờ liền. Tro cốt của bà cũng được thu thập cẩn thận hơn người bình thường, trọng lượng xương cao hơn 50% xương so những ngôi mộ bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu, người phụ nữ có khả năng chết do các biến chứng sinh nở. Trong nhiều phân tích hóa học khác nhau, các strontium và isotopes trong răng và xương của người phụ nữ có tỷ lệ khác nhau so với địa phương nơi người quá cố sinh sống. Điều này cho thấy nơi cô ấy sinh ra ở nơi khác và chuyển đến khu vực này khoảng lúc 8 – 13 tuổi. Ngoài ra, vòng cổ bằng đồng và cài tóc vàng trong mộ cũng là những món đồ giá trị và được tìm thấy trong các khu nghĩa địa ở Trung Âu.

Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phụ nữ ở châu Âu, đặc biệt là những người có địa vị cao quý, thường có những mối liên hôn ngoài địa phương. Tục lệ này bắt đầu có từ cuối thời Đồ Đá Mới hoặc thời Đồ Đồng Đá khoảng năm 3200 – 2300 trước Công nguyên. Trong thời kỳ đồ đồng, các xã hội khắp Châu Âu đa phần theo chế độ phụ hệ, những người phụ nữ liên hôn đều ở lại nhà chồng. Những cuộc liên hôn này rất quan trọng với giới thượng lưu lúc bấy giờ, việc này giúp tạo dựng và củng cố quyền lực của gia tộc, gia đình hai bên.

Quốc Bảo (Theo Live Science)

Có thể đã tìm ra động vật lâu đời nhất trên Trái đất.

Theo các hóa thạch cổ đại, bọt biển có thể là ví dụ lâu đời nhất về đời sống động vật trên Trái đất với gần một tỷ năm trước.

Một mảnh ba chiều của bộ xương bọt biển cổ đại.

Hóa thạch 890 triệu năm tuổi

Hóa thạch 890 triệu năm tuổi của bọt biển cổ đại đã được tìm thấy ở khu vực Tây Bắc của Canada, và những tua nhỏ và phân nhánh tinh vi của chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng dưới kính hiển vi, mô hữu cơ được bảo quản đã tiết lộ cấu trúc dạng lưới, đặc biệt giống với cấu trúc của sợi xương trong bọt biển hiện đại, là một phần của nhóm bọt biển thân mềm được gọi là bọt biển keratose, hoặc bọt biển sừng.

Các nhà cổ sinh vật học đã coi bọt biển là ứng cử viên sáng giá cho dạng sống động vật sớm nhất. Nếu phân tích này là chính xác và hóa thạch Canada thực sự đại diện cho bọt biển cổ đại, chúng sẽ có trước hóa thạch bọt biển lâu đời nhất được biết đến khoảng 350 triệu năm, theo một nghiên cứu mới.

Tác giả Elizabeth Turner, giáo sư về trầm tích học cacbonat và cổ sinh vật không xương sống tại Đại học Laurentian ở Ontario, Canada, lần đầu tiên chú ý đến những hóa thạch kỳ lạ vào đầu những năm 1990, trong khi kiểm tra các mẫu rạn san hô hóa thạch khổng lồ được xây dựng bởi vi khuẩn lam cổ đại ở Canada.

Việc tìm thấy hóa thạch bọt biển trong một rạn san hô cyanobacteria hóa thạch rất có ý nghĩa, bởi vì những rạn san hô như vậy sẽ tạo ra rất nhiều ôxy . Ngay cả khi bọt biển không thể cạnh tranh với vi khuẩn lam để giành lấy một vị trí trên đáy biển, chúng có thể sẽ định cư trong các phần của rạn san hô, nơi chúng có thể thu được lợi ích từ "nhà máy ôxy".

Các tua phân nhánh của hóa thạch phần nào giống với tua của nấm cổ đại, có thể thấy trong các hóa thạch được mô tả vào đầu năm nay và đại diện cho bằng chứng lâu đời nhất về nấm đất, có niên đại 635 triệu năm trước. Nhưng Turner đã loại trừ khả năng nhận dạng nấm đối với các hóa thạch mới được tìm thấy, vì các sợi trong bọt biển - cả trong hóa thạch và bọt biển hiện đại - phân nhánh và liên kết lại trong một mạng lưới ba chiều. Điều này làm cho chúng khác biệt rõ ràng với các nhánh nấm.

Joachim Reitner, giáo sư tại Trung tâm Khoa học Địa chất tại Đại học Georg-August-University ở Göttingen, Đức, cho biết: “Những gì cô ấy tìm thấy rất đặc trưng cho loại bọt biển dày sừng này.”

Ít bằng chứng về động vật cổ đại

Sự sống động vật lần đầu tiên xuất hiện trên Trái đất khi nào? Trước khoảng 580 triệu năm trước, có rất ít bằng chứng vật lý về động vật - nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại, vì động vật thân mềm thường không hóa thạch tốt.

Và hơn một thập kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết hóa thạch của thứ dường như là một hợp chất béo, hay sterol, từ bọt biển cổ đại có niên đại 635 triệu năm trước, dường như đại diện cho ví dụ lâu đời nhất về động vật. Tuy nhiên, trong hai nghiên cứu được công bố vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã xem xét lại tuyên bố đó, phát hiện ra rằng sterol được mô tả vào năm 2009 có khả năng được tạo ra bởi tảo phân hủy chứ không phải động vật.

Phát hiện quan trọng

Bằng cách đánh giá sự khác biệt trong ADN của các sinh vật hiện đại, cùng với tỷ lệ đột biến, phương pháp đồng hồ phân tử có thể đưa ra ước tính về thời điểm động vật trong một nhóm nhất định có thể tiến hóa lần đầu tiên. Theo cách tiếp cận này, các sinh vật được cho là xuất hiện ở một niên đại cổ xưa hơn so với những gì được thể hiện trong hồ sơ hóa thạch, và những phát hiện mới ủng hộ kết luận đó.

Turner nói: “Nếu tôi đúng trong cách giải thích của mình về vật liệu này, thì động vật đã xuất hiện từ rất lâu trước khi xuất hiện hóa thạch động vật truyền thống - chúng có một thời tiền sử lâu dài.”

Nghiên cứu của Turner cung cấp bằng chứng vật lý đầu tiên về việc bọt biển cổ đại thực sự như thế nào. Mặc dù gai là dấu hiệu hóa thạch phổ biến nhất đối với bọt biển, nhưng nhiều loại bọt biển hiện đại không có gai và việc phát hiện ra loại bọt biển 890 triệu năm tuổi có chung đặc điểm là "một phát hiện quan trọng".

Hà Thu/Theo Live Science






































Không có nhận xét nào: